Giá ôtô nhập khẩu tại VN có thể tăng hơn 10%?
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu sẽ khiến giá bán của mặt hàng này tăng lên khoảng 12%.
Đề xuất sửa đổi quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu và điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU, vừa được Bộ Tài chính gửi tới đại diện các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam, đề nghị đóng góp ý kiến, khiến các đơn vị này như trên “đống lửa”.
Bình đẳng cách tính thuế giữa ôtô nhập khẩu và xe sản xuất trong nước
Đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB đối với hai mặt hàng nêu trên vừa được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB.
Theo Bộ Tài chính, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ôtô, điều hòa theo các cam kết quốc tế, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điều hòa cho rằng giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu chưa đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của các cơ sở kinh doanh nhập khẩu.
Vì vậy, những tổ chức trên đề nghị có những biện pháp để bảo hộ sản xuất trong nước và cần thiết phải sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hai mặt hàng trên để đảm bảo công bằng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng, cùng với sự phát triển hội nhập kinh tế, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, nhất là nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng về hình thức để tối đa hóa lợi nhuận.
Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hai mặt hàng trên như hiện hành, thì khi thuế nhập khẩu cắt giảm về 0%, hàng nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với hàng sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giá ôtô nhập khẩu tại Việt Nam có thể sẽ tăng hơn 10%? – Ảnh minh họa.
Dù khẳng định, quy định về giá tính thuế TTĐB như hiện tại được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua và trong thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc, nhưng qua tổng hợp kinh nghiệm quốc tế đối với những nước có quy định mặt hàng áp dụng thuế TTĐB theo tỷ lệ % như ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ôtô bán ra.
Với cách tính mới, Bộ Tài chính khẳng định bảo đảm bình đẳng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, qua đó sẽ giúp hàng sản xuất trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Video đang HOT
Các nhà nhập khẩu và lắp ráp ôtô cùng “bối rối”
Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị cho ý kiến vào dự thảo Nghị định hướng dẫn luật số 70/2014/QH13 sửa đổi bổ sung của Luật thuế TTĐB từ Bộ Tài chính, với thay đổi căn bản là đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB, các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam như “ngồi trên đống lửa”.
Thời gian Bộ Tài chính dành cho các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo chỉ vỏn vẹn trong một tuần. Trong văn bản hỏa tốc ký ngày 11/5/2015 gửi tới các doanh nghiệp liên quan, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị có ý kiến phản hồi trước ngày 20/5, để kịp trình Chính phủ trong tháng 6/2015.
Với đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB của Bộ Tài chính, đại diện một số nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam khẳng định, cách tính mới sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo cách tính hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần một khâu để hoàn tất thủ tục nộp thuế TTĐB bởi giá tính thuế TTĐB hiện hành chỉ dựa trên giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá C.I.F) và thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, với cách tính mới, doanh nghiệp bị tăng thêm thủ tục do thuế TTĐB chỉ được tạm tính với mức như hiện tại tại thời điểm doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nhập xe. Và tiếp tục bị truy thu thuế TTĐB trên số tiền thu được sau khi bán hàng (bán lẻ hoặc bán buôn) trừ đi khoản thuế tạm tính trước đó.
Ngoài ra, khi chính sách thay đổi, doanh nghiệp sẽ phải cấu trúc lại hoạt động để đảm bảo nguồn lợi và duy trì hệ thống. Nhưng để giữ được ổn định, không cách nào khác là phải tăng giá bán xe, điều đó đồng nghĩa với việc doanh số bán khó có thể đạt được như hiện tại.
Không chỉ các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam cảm thấy “khó xử” với đề xuất của Bộ Tài chính, đại diện của một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô cũng thừa nhận khó khăn trong việc định hướng mô hình hoạt động nếu đề suất giá tính thuế TTĐB mới được thông qua.
Trên thực tế, trong danh mục sản phẩm của tất cả các nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nước vẫn luôn xuất hiện những cái tên nhập khẩu nguyên chiếc. Bởi vậy, dù đang vận hành giá tính thuế TTĐB trên cơ sở giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,… nếu có) cộng với lãi của người nộp thuế, đối với xe sản xuất trong nước, nhưng các dòng xe nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn về doanh số nếu áp dụng cách tính thuế TTĐB tương tự.
Giá ôtô nhập khẩu tăng
Theo cách tính thuế TTĐB như hiện tại, một chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo (CIF) là 33.000 USD, sau khi đã tính các loại thuế phải nộp gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB tính trên giá CIF và thuế giá trị gia tăng, thì giá thành chiếc xe sau thuế vào khoảng 100.000 USD. Cộng thêm chi phí vận chuyển, bán hàng,…. và lợi nhuận, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng có thể lên đến 120.000 USD.
Nếu tính theo đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB trên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì thuế TTĐB đối với chiếc xe trên sẽ tăng thêm 10.000 USD kéo theo thuế giá trị gia tăng tăng 1.000 USD.
Trong trường hợp doanh nghiệp giữ nguyên giá bán lẻ thì chắc chắn bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, chi phí vận hành. Như vậy, để tồn tại, doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu không còn cách nào khác là đẩy toàn bộ hoặc chia sẻ khoản thuế tăng thêm với người tiêu dùng bằng cách duy nhất là tăng giá xe.
Theo tính toán, doanh nghiệp muốn giữ được lợi nhuận hiện có đối với một chiếc xe nhập khẩu có giá CIF 18.000 USD, thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ phải tăng thêm khoảng 12% (trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh minh bạch).
Theo_Zing News
Thị trường ô tô Việt Nam sẽ "vượt mặt" Thái Lan?
Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội VAMA - ông Yoshihisa Maruta. Theo đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020-2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan.
Với 90 triệu dân, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều dung lượng
Tại buổi Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, hiện nay tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, phần lớn mới dừng ở lắp ráp giản đơn, trong đó xe con tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 15-18%;Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng cho dòng xe Inova). Với xe tải nhẹ, tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 33%, Vinaxuki đạt 50%.
Nguyên nhân được đánh giá là do ô tô Việt Nam ra đời muộn so với các nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ trong khi đó, mức sống chưa cao nên dung lượng thị trường còn nhỏ.
Để ngành công nghiệp ô tô phát triển theo chiến lược và quy hoạch Chính phủ đã đề ra, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như các chính sách hỗ trợ và ưu đãi như chính sách thuế; chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu 100.000 xe/năm; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, theo ông Tuấn, Bộ cũng đưa ra một số giải pháp như tăng cường kiểm soát kê khai giá tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô, chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Không ít các đại biểu tham gia tọa đàm này đặt ra mối băn khoăn: Liệu doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam nên làm thế nào khi tới đây Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và dự kiến đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ bằng 0?
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trường Hải cho rằng, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được, tham gia được thị trường thì phải giảm giá thành ở tất cả các khâu từ sản xuất, bán hàng... xuống 15-20%. Hơn nữa, phải nhận ra rằng, muốn sản xuất được ô tô thì phải có thị trường, có sản lượng. Trong đó, sản lượng rất quan trọng quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia được thị trường phải dự đoán được thị trường.
"Khó doanh nghiệp nào có thể bỏ cuộc!"
Theo ông Dương, việc tỉ lệ nội địa hóa thấp là do dung lượng thị trường còn chưa cao, bởi nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở hạ tầng, nhập siêu...Vì vậy, đại diện Thaco cho rằng, Chính phủ có những điều tiết về sản phẩm là điều tất yếu. Tuy nhiên thời gian tới, nếu kinh tế ổn định thì chiến lược, quy hoạch phát triển với mong muốn năm 2020 sẽ đạt được 300.000 xe là điều có thể làm được. Bởi "với con số 90 triệu dân sẽ là điểm đến đầu tư của nhiều hãng xe lớn trên thế giới, việc thu hút đầu tư là rất khả quan" - ông Dương lạc quan, song cũng lưu ý rằng, điều này còn phụ thuộc vào kinh tế thực tế của Việt Nam khi đó sẽ thế nào.
Việc thu hút đầu tư vào công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất khả quan
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Honda Việt Nam thì khẳng định, thị trường 90 triệu dân là một thị trường lí tưởng, là môi trường thuận lợi khó có doanh nghiệp nào có thể bỏ qua. Thêm nữa, Chính phủ tạo điều kiện bằng việc quy định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, điều đó chứng tỏ, Chính phủ quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, đại diện Honda Việt Nam cũng có đề xuất Chính phủ có thêm những ưu đãi cụ thể về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cho các linh kiện không nhập từ ASEAN, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất đối với doanh nghiệp ô tô trong nước.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - ông Yoshihisa Maruta (Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam) nhìn nhận, về dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tiềm năng lớn với dân số 90 triệu dân. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020 đến 2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan.
Tuy nhiên, năm 2018 sẽ bị áp thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0 trong khi ngành sản xuất ô tô trong nước chưa phát triển vững mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường ô tô các nước trong khu vực. Vì thế, vị này cho rằng, Việt Nam cần đề ra các chính sách, các công cụ để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ô tô trong nước cùng các công cụ để bảo hộ để ngành công nghiệp này phát triển một cách ổn định, bền vững.
Đứng ở góc độ là Chủ tịch VAMA, ông Yoshihisa Maruta cũng lý giải, ngành ô tô chưa đạt được tỉ lệ nội địa hóa cao nguyên nhân chính là do sản lượng còn thấp. Theo đại diện VAMA, doanh nghiệp Việt cần tăng sản lượng mỗi mẫu xe, cắt giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) thì cho rằng, khó có thể có doanh nghiệp nào bỏ cuộc với thị trường còn nhiều dung lượng như ở Việt Nam, trong khi Chính phủ cũng đã khẳng định muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô với những chiến lược, quy hoạch phát triển ngành rất cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Long, để các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trụ vững, việc các doanh nghiệp đề xuất giảm các vấn đề về thuế chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải biết liên kết với nhau mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững.
Bích Diệp
Theo Dantri
Toyota ra điều kiện: Đòi 2 tỷ USD để ở lại Việt Nam? Với mức hỗ trợ lên tới 10-12,5%/xe và trung bình sản lượng xe của Toyota là 35.000-40.000 xe/năm thì tổng mức hỗ trợ mà Toyota đòi hỏi phải lên tới 35.000-40.000 tỷ đồng. Mặc dù lên tiếng phủ nhận thông tin sẽ ngừng sản xuất ở Việt Nam, nhưng trên thực tế, Toyota có hẳn một bản đề xuất với 2 kịch bản...