Giá như con có thể nói lời yêu thương
Con chưa bao giờ nói rằng con thương bố, và con nghĩ hầu hết những đứa trẻ khác cũng giống như con, đều ngại ngùng khi bày tỏ lời yêu thương với bố mẹ.
Con là đứa hay viết buồn vui ở đời lên giấy, nhưng chẳng bao giờ con khoe bố mẹ những bài viết của con. Con giấu nhẹm đi và cứ thế một mình gặm nhấm những xúc cảm lộn xộn ấy. Con mong một ngày không xa có thể can đảm đứng trước mặt bố mẹ và nói lên những điều mà con im lặng bấy lâu nay.
***
Con không biết bố còn nhớ không. Ngày bé con đi học mẫu giáo, tiết học hôm ấy có chủ đề là “Kể về nghề nghiệp của bố em!”. Cả lớp xếp thành vòng tròn và lần lượt từng bạn sẽ đứng lên nói về nghề nghiệp của bố mình. Khi ấy bố đang làm công nhân ở lò sấy cau!
Con đã rất hồi hộp khi nhìn từng bạn đứng lên và đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Rồi cũng đến lượt con. Và câu trả lời của con khi ấy là “Bố em là cảnh sát”. Ngay sau đó cả lớp ồ lên trêu chọc con, bố con không phải là cảnh sát, bố con làm ở lò sấy cau.
Buổi chiều khi mẹ đến đón con, cô giáo đã kể lại cho mẹ nghe câu trả lời của con ở lớp. Về nhà bố mẹ cười trêu con, và con cũng chỉ cười trừ một cách thẹn thùng, giống như mình chỉ nhầm lẫn một lỗi nhỏ.
Con không biết khi ấy bố đã nghĩ gì, bố có buồn khi con sợ xấu hổ mà nói dối rằng bố là cảnh sát không. Hay đơn giản bố chỉ nghĩ đấy là câu nói ngây ngô của đứa trẻ con học mẫu giáo và quên đi ngay sau đó. Con còn quá bé để biết rằng khi ấy bố đã về hưu rồi. Bố là người nhà nước, hưởng lương theo chế độ giống như tất cả những người về hưu khác. Nhưng vì cuộc sống, vì hoàn cảnh gia đình mà bố vẫn phải đi làm thêm đủ mọi nghề. Từ thợ mộc, công nhân làm đũa đến bảo vệ nhà máy. Con thật sự không ngờ được rằng chính câu nói dối vụng về của con ngày hôm ấy đã làm con day dứt và ân hận cho đến mãi sau này. Khi ấy con sợ xấu hổ, con sợ bạn bè chê cười, và con đã chọn cách nói dối như thế đấy.
Về sau khi lớn hơn, đi học cô giáo đã dạy con rằng nghề chân chính nào cũng cần được tôn trọng. Rằng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Con bắt đầu cảm thấy hối hận về câu trả lời của mình ngày trước.
Con sai rồi! Sai khi con chối bỏ và cảm thấy tự ti về công việc bố đang làm để nuôi con ăn học.
Có những câu chuyện trong đời chắc hẳn bố đã quên, nhưng con thì vẫn còn nhớ. Con sắp xếp và lưu giữ chúng theo cách của riêng mình. Con nhớ như in những trận đòn đau của bố, nhớ mỗi lần đánh con xong bố lại vạch quần con ra nhìn những vết roi lằn rồi ứa nước mắt. Bố rất thương con, nhưng bố muốn con phải nên người.
Video đang HOT
Con nhớ cả những lần con ốm đau cũng chỉ bện hơi quấn bố, những lần đi học quên mang ô và rồi bố lại mặc áo mưa đi bộ đến đón con về. Con đã từng nghe được ở đâu đó câu nói “Nơi ấm áp, an toàn và bình yên nhất là sau lưng cha.” Và con đã rất may mắn khi tuổi thơ con có bố để được chở che như thế.
Giờ đây khi có ai hỏi con, bố mẹ cháu làm nghề gì? Con đã có thể trả lời một cách đầy tự tin rằng bố con đã về hưu và mẹ con đang làm ở uỷ ban xã.
Con tạm biệt góc sân nơi con hay ngồi chơi đồ hàng, tạm biệt chiếc bàn học bố đóng tặng con ngày con lên lớp 6. Tạm biệt tất thảy những thứ thân quen, con rời xa vòng tay bố mẹ để đi học đại học xa nhà. Ngày nào bố cũng gọi điện mấy lần hỏi han con đủ thứ, sợ con buồn, sợ con thiếu thốn. Đến năm thứ 2 con bắt đầu đi làm thêm, con làm bồi bàn cho một quán ăn nhỏ. Tháng lương đầu tiên con gọi điện khoe bố với tâm trạng vui mừng hết cỡ, bố vừa vui lại vừa sợ con đi làm vất vả.
Con đã bắt đầu thấm thía cảnh xa nhà, thấm thía cảnh đi làm thuê kiếm đồng tiền không hề dễ dàng như con vẫn từng nghĩ. Con lại càng thương bố nhiều hơn. Con thương những giọt mồ hôi, thương những đêm khẽ nén xuống tiếng thở dài vì lo toan cuộc sống. Con thương những lần đạp xe đi làm ngày mưa cũng như ngày nắng, có một hôm bị chó nhà người ta cắn rách cả chân. 3 năm bố mổ 2 lần sỏi thận, nhưng bố vẫn không chịu nghỉ ngơi. Con thương, thương đến thắt lòng.
Con viết lan man những dòng này khi đồng hồ đã gần 4 giờ sáng. Trằn trọc mãi không ngủ được và tự nhiên con lại nhớ về những chuyện cũ ngày xưa. Trong mắt bố con mãi mãi là đứa con gái bé bỏng luôn cần được chở che và bảo vệ. Con chỉ tiếc bố sinh con muộn quá, nên khi con chưa kịp khôn lớn thì bố đã có tuổi rồi. Tuổi của bố đáng lẽ ra đã được nghỉ ngơi an nhàn, nhưng bố vẫn đi làm quanh năm suốt tháng. Con thương mà chỉ biết cắm đầu vào học, cắm đầu vào làm, mong sớm ra trường ổn định để bố không phải vất vả nữa. Mỗi lần nghe con bảo sau này sẽ nuôi bố, bố chỉ cười “Lo mà học đi”.
Con chưa bao giờ nói rằng con thương bố, và con nghĩ hầu hết những đứa trẻ khác cũng giống như con, đều ngại ngùng khi bày tỏ lời yêu thương với bố mẹ. Con là đứa hay viết buồn vui ở đời lên giấy, nhưng chẳng bao giờ con khoe bố mẹ những bài viết của con. Con giấu nhẹm đi và cứ thế một mình gặm nhấm những xúc cảm lộn xộn ấy. Con mong một ngày không xa có thể can đảm đứng trước mặt bố mẹ và nói lên những điều mà con im lặng bấy lâu nay. Tự hào khoe những thành công mà con đã đạt được. Con sẽ không gục ngã dù cho cuộc sống có khắc nghiệt và dòng đời luôn xô đẩy con đi theo những hướng không mong muốn.
Con vẫn đang mong một ngày con sẽ thành công!
Bố sẽ đợi được con chứ!
Dạ Thảo
Theo blogradio.vn
'Mệt ba mẹ lắm rồi'
Một ngày, chị em tôi phải nói câu này không biết bao nhiêu lần, với bao nhiêu âm vực khác nhau nhưng lại có cùng mục đích là... dập tắt lửa "chiến tranh".
Chiến tranh ở đâu ra, xin thưa, là của đôi vợ chồng già, còn có cách gọi khác, là ba mẹ của chúng tôi.
Càng về già, người ta càng trẻ con. Chúng tôi thấy câu ấy không sai chút nào. Ba tôi năm nay bảy lăm. Ông mới về nghỉ ngơi chính thức mấy năm nay vì sau khi nghỉ hưu, thấy mình còn làm được việc nên ông đi làm tiếp. Mẹ tôi sáu mươi bảy nhưng về nghỉ ngơi gần hai chục năm nay vì mất sức.
Người về sớm người về muộn cũng là lý do để ba mẹ tôi... châm lửa. Ba chọc mẹ về hưu ù lì, suốt ngày ngắm ông táo nên đầu óc đen thui không biết tình hình thế giới. Mẹ tôi về nghỉ mất sức nhưng thật ra còn bỏ ra nhiều sức lực hơn để lo cho chồng con, tiếp theo là đám cháu. Bình thường, ba chọc hoài không sao, đụng cơn, mẹ làm mặt giận. Nhiều khi chị em tôi tưởng mình lọt vào lớp mẫu giáo, có hai bạn nhỏ tóc bạc ngây thơ.
Ảnh minh hoạ
Từ chuyện con gà ra đống thóc. Mẹ kể tội ba chê mẹ già cổ hủ rồi lan sang chuyện mẹ trồng được giàn bầu lúc lỉu trái, ba trách mẹ ngày nào cũng cho ăn bầu, còn bắt xách bầu đi biếu từng nhà. Ba đe mẹ từ mai trồng gì là ba tưới nước sôi ráng chịu. Rồi đến chuyện ngày trẻ, ba từng để ý cô đó mà bị từ chối. Cô đó đâu đẹp bằng mẹ nhưng lại chê ba. Còn ba, thay vì hãnh diện vì nhờ cô kia từ chối mà gặp mẹ thì lại: "Người ta xấu nhưng thông minh, đâu như ai kia, có khi hồi đó ế quá...".
Khỏi nói cũng biết, ngọn lửa chiến tranh lại dâng cao.
Vào mùa đông, những ngón tay ba bị nứt nẻ. Mẹ khuyên ba đừng ăn thịt gà, gạo nếp hay uống rượu nữa. Ba nói, có mấy món ngon thì cấm tiệt. Mẹ quát, nhìn bàn tay ông kìa. Ba cũng nóng mặt, "đã thế tôi cứ ăn, ăn nhiều cho mau chết". Và rồi mẹ quay sang dỗi hờn, nói ba không thương mẹ, ba ưng chết sớm cho rảnh để mẹ một mình ở lại, hết thương thì ly hôn đi, mỗi người một nhà khỏi trông thấy nhau...
Nhiều khi ba mẹ làm dữ đến độ bắt tôi lấy giấy ra viết đơn xin ly hôn giùm. Tôi có một tay cầm bút, một tờ giấy mà ba mẹ thi nhau người này kể tội người kia, đôi khi còn chêm vào thơ ca hò vè. Tôi ngồi nghe hai người hát hò vui vẻ, "thôi đơn ai nấy tự viết đi, con đi ăn cơm đã, đói lắm rồi".
Và hai người già, trước đó ở hai chiến tuyến bỗng đoàn kết chung vai, chĩa mũi dùi sang tôi: "Đó, đẻ nó ra, nuôi khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho nó, trông con cho nó, để giờ nhờ tí xíu nó cũng than".
Hàng xóm thi thoảng cũng qua méc và ái ngại "ông bà không ưa nhau nên cãi miết". Chị em tôi cười, mối tình của ba mẹ đẹp nhất cơ quan khi ấy, thư ba mẹ viết cho nhau cất chật cái hòm tôn. Ba chị em tôi là gái, người ngoài xì xầm, ba cười "cứ con vợ sinh là tôi yêu hết". Ba hơn mẹ gần chục tuổi nên đó giờ ba thường bảo bọc mẹ, nhưng về già ba lại hay trêu ghẹo quá đà, nhiều lần làm chúng tôi xính vính.
Tôi ở xa, mỗi lần nhận điện thoại của mẹ là biết ngay nhà có chuyện. Tôi xúi, "con mua vé cho mẹ vào ở với con nha. Con cúp máy đặt vé liền nè".
Và điện thoại mẹ vang lên ngay sau đó. Mẹ nói nếu đi ba ở nhà với ai, ai nấu cơm ổng ăn... Ngày trẻ, ba đã yêu mẹ như thế. Cưới nhau về, sinh ba đứa con thì ba chỉ có mặt khi sinh tôi, hai đứa kia mẹ phải vượt cạn một mình vì ba đi công trình xa không về kịp. Dù vì công việc nhưng ba luôn áy náy và tìm cách bù đắp cho mẹ và chị em tôi. Là đàn ông nhưng ba nấu cơm rất ngon. Ba giành luôn phần giặt quần áo vì tay ba khỏe vò mới sạch. Ngày trẻ nói lời yêu thương quan tâm không ngại, giờ già rồi ba tự dưng... ngượng. Thay vì hỏi han mẹ thì ba chọn cách ngược lại là chọc cho mẹ giận chơi.
Và đám con cứ phải nói: mệt ba mẹ lắm rồi nghe!
Mệt thì mệt vậy, sau một giấc ngủ là khỏe re, hôm sau, "đôi chim già" lại bắt đầu hành trình mới là trêu chọc nhau, để rồi nhẹ thì nguýt háy, nặng thì tối về đám con nghe mách tội. Nhưng trong thâm tâm, chị em tôi mong ngày nào cũng "có chuyện" để yên tâm rằng ba mẹ vẫn ở đây, vẫn yêu thương nhau, vẫn bình yên và mạnh khỏe.
Ngọc Thanh
Theo phunuonline.com.vn
Vợ chồng mà nói ra câu này lúc nóng giận, chỉ 1 phút sau đã trở mặt thành thù Nếu không muốn mối quan hệ hôn nhân rạn nứt, hãy nhớ đừng nói ra những lời này trong lúc nóng giận. "Em nhìn lại em đi, ăn mặc lôi thôi, xấu xí như bà già" Với ai cũng vậy, 10 lời khen cũng không nhớ lâu bằng một lời chê, nhất là khi lời chê ấy xuất phát từ miệng chồng, người...