Gia nhập TPP: Giá ôtô Việt Nam sẽ rẻ hơn?
TPP đàm phán thành công, người dân đang hy vọng giá ô tô sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, giấc mơ xe rẻ vẫn chưa gần.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc tại Atlanta (Mỹ) đã đạt được sự đồng thuận về tỷ lệ sản xuất nội khối để được miễn thuế nhập khẩu đối với ôtô. Người dân kỳ vọng giá xe sẽ giảm. Tuy nhiên, đại diện một số đơn vị nhập khẩu cho hay trước mắt, giá bán chưa biến động nhiều.
Ông Đặng Như Quỳnh, giám đốc một công ty nhập khẩu ôtô tại Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế, ôtô nhập khẩu vào thị trường trong nước phần lớn vẫn là hàng nhập phi mậu dịch, không qua hệ thống kênh phân phối chính thức nên sẽ khó được hưởng chính sách ưu tiên về thuế. Hiện phần lớn khách mua xe tại Việt Nam chuộng dòng xe nhập hơn là hàng sản xuất nội địa”.
Theo ông Quỳnh, trước mắt, TPP hầu như chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất xe trong nước và không tác động nhiều đến các đơn vị nhập khẩu. Vấn đề doanh nghiệp này đang quan tâm là thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thay đổi như thế nào trong hoàn cảnh mới.
Các dòng xe nhập khẩu từ Nhật và Mỹ chiếm khoảng 45% cơ cấu tiêu thụ toàn bộ thị trường. Người dân hy vọng, sau khi Việt Nam vào TPP, giá bán xe sẽ giảm. Ảnh: Ngọc Tuấn.
Cơ sở để những người có nhu cầu mua ô tô kỳ vọng là mới đây, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi chính sách về thuế với ôtô theo hướng phân chia thành các nhóm nhỏ dựa trên dung tích xilanh.
Theo đó, Chính phủ ưu tiên bảo hộ dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ từ 3.0L trở xuống, phù hợp với điều kiện đường xá Việt Nam. Nội dung chỉ đạo cho thấy, dòng xe sang, có giá trị nhập khẩu lớn sẽ không được khuyến khích.
“Dự thảo này sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô gặp khó. Mặt khác, khách hàng mới chính là đối tượng chịu thiệt bởi tất cả các loại thuế, phí tăng sẽ là yếu tố cấu thành giá bán xe ra thị trường”, đại diện một showroom ôtô tại quận 1 (TP HCM) cho biết.
Vị này thẳng thắn, nhóm khách hàng đủ điều kiện kinh tế để mua xe sang sẽ không vì thuế tăng mà đổi sang mua xe giá rẻ. Hơn nữa, về kỹ thuật, những dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.0L chắc chắn an toàn hơn xe giá rẻ dung tích xi lanh dưới 3.0L. Do vậy, việc tăng thuế TTĐB để hạn chế dòng xe dung tích lớn vào thị trường chưa hẳn đúng đắn.
Ông đưa ví dụ: “Nếu như ở Mỹ, một chiếc Camry chỉ có giá 500 triệu đồng, thì về Việt Nam, giá bị đội lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nếu theo dự thảo mới về thuế TTĐB, các khách hàng đang có khoảng 1 tỷ, muốn cố gắng để sở hữu dòng xe tốt hơn trong thời gian tới cũng rất khó”.
Nhận định về thị trường ôtô tại Việt Nam trong thời gian tới, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, sẽ mất một khoảng thời gian và nhiều công đoạn để giá xe bán ra tại Việt Nam xuống thấp hơn hiện tại.
Video đang HOT
Ông Doanh phân tích, thuế nhập khẩu chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố cấu thành giá bán xe tại Việt Nam. Muốn có xe giá rẻ, các loại thuế và phí khác cũng phải được xem xét lại. Ở một góc độ khác, dự thảo về thuế TTĐB mới đưa ra ưu tiên dòng xe dung tích nhỏ, giá thành thấp vào thị trường sẽ tạo thế cạnh tranh gay gắt giữa ôtô nhập khẩu và trong nước.
Ông Doanh nhận định, trước mắt TPP sẽ chưa có nhiều tác động tới giá bán xe trong nước. Bởi thuế nhập khẩu, xét cho cùng, chỉ là một trong rất nhiều yếu tố cấu thành nên giá bán xe.
Muốn có những thay đổi mang tính quyết định về giá, người dân cần chờ thêm một khoảng thời gian khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số loại thuế, phí khác được thực hiện.
“Khi xe nhập khẩu rẻ hơn xe trong nước, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp sẽ có xu hướng chuyển sang nhập khẩu xe. Để hiện thực hoá chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, tạo điều kiện thúc đẩy sản phẩm nội địa hóa, Bộ Tài chính cần cân nhắc giảm thuế nhập khẩu phụ tùng xe. Đây cũng là vấn đề cần được Chính phủ cân nhắc”, chuyên gia Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho hay, hiện tại, thị trường ôtô chưa nhận được nhiều tác động từ TPP. Những ngành được hưởng lợi gồm có dệt may, da giày, thủy sản. Khi đầu tư tăng lên, một số lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng, tư vấn cũng sẽ nhận tác động tích cực.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Nhật và Mỹ hiện chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô của Việt Nam.
Năm 2014, lượng xe ôtô nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật. Các dòng xe của Nhật và Mỹ như Honda, Toyota, Ford chiếm khoảng 45% cơ cấu tiêu thụ toàn bộ thị trường.
Theo Diệp Sa (Zing.vn)
Báo hiệu "cái chết" của ngành ô tô?: Cần chính sách hợp lý
Nếu không có định hướng phù hợp sẽ bỏ lỡ cơ hội thụ hưởng lợi ích từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã nỗ lực đàm phán, trong đó có mặt hàng ô tô
Không chỉ trong khu vực ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam sẽ lần lượt gỡ bỏ hoàn toàn sau các hiệp định thương mại đang đàm phán, vừa được ký kết và đi vào thực hiện như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương...
Phải bảo hộ
Trước áp lực hội nhập, TS Lê Huy Khôi, Trưởng Ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng chính sách bảo hộ ngành ô tô nội địa đương nhiên phải có và nó cần thiết không chỉ với quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà với cả các nước phát triển trước nguy cơ hàng hóa nhập khẩu có thể gây tác động lớn đến nền sản xuất và thị trường nội địa.
"Việt Nam là nước có trình độ phát triển còn kém so với nhiều quốc gia khác trong khu vực nhưng lại hội nhập sâu và rộng thì tất nhiên phải có bảo hộ thông qua công cụ thuế hoặc phi thuế. Ngoài ra, các mục tiêu bảo đảm ổn định vĩ mô, hạn chế áp lực hạ tầng và bảo vệ môi trường cũng là lý do để sử dụng mạnh mẽ các công cụ thuế, phí áp lên xe nhập khẩu" - TS Khôi nhấn mạnh.
Lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam (Ảnh: Tấn Thạnh)
Các chuyên gia trong ngành còn dẫn ví dụ không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả "ông lớn" như Mỹ cũng chần chừ trước quyết định sẽ đưa ra lộ trình xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản trong bao nhiêu năm. Và quốc gia này mong muốn kéo dài đến 20 năm bởi nhập khẩu xe tăng đột biến có thể ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của họ, chẳng hạn như việc làm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, thậm chí đại diện các bộ ngành cũng tỏ ra nản chí khi ngành công nghiệp ô tô đã được bảo hộ gần 20 năm nhưng không thể phát triển như mong muốn. Rõ ràng Việt Nam đã "đánh đổi" quyền sử dụng hàng hóa giá rẻ đáng lẽ ra người tiêu dùng phải được hưởng để bảo hộ cho một ngành công nghiệp cứ mãi èo uột.
"Thực ra, nguyên nhân nằm ở việc chúng ta thực thi chính sách không chuẩn, nhất là lỗ hổng trong tiếp nhận, thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Quá lỏng lẻo trong yêu cầu và kiểm soát cam kết tỉ lệ nội địa hóa dẫn đến ngành công nghiệp hỗ trợ không đạt được mục tiêu đề ra" - TS Lê Huy Khôi lý giải. Theo ông Khôi, dù bảo hộ là cần thiết nhưng bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên cạnh tranh, tự cứu chính mình và mang lại giá trị lợi ích cho người tiêu dùng.
Bao giờ mới có xe giá rẻ?
Đại diện Bộ Công Thương cho biết dù thuế nhập khẩu ô tô sẽ được cắt giảm nhưng đây chưa phải là yếu tố duy nhất tác động đến giá xe. Thực tế, trong các đàm phán thương mại, những thỏa thuận chỉ xoay quanh vấn đề cắt giảm thuế nhập khẩu. Còn các công cụ thuế, phi thuế khác mà mỗi quốc gia tự đặt ra thì phía đối tác không có quyền can thiệp. Do đó, Việt Nam có thể sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một "hàng rào kỹ thuật" nhằm bảo vệ các mục tiêu trong nước như bảo hộ nền sản xuất, giảm áp lực hạ tầng... mà không hề vi phạm cam kết quốc tế.
Với lý do đánh thuế nhằm giảm áp lực hạ tầng, nhiều ý kiến đánh giá chính sách này chưa thực sự hợp lý. "Theo nguyên lý của kinh tế thị trường, có cầu mới có cung. Cầu ở đây là nhu cầu về phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa; còn cung chính là hạ tầng. Nếu kìm hãm cung thì không bao giờ phát triển hạ tầng được. Phải để cho nhu cầu thúc ép, đòi hỏi cần phát triển hạ tầng" - TS Phạm Tất Thắng, tư vấn cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại, nêu ý kiến.
Một chuyên gia trong ngành cơ khí cho rằng giá trị của chiến lược phát triển ngành ô tô là để đáp ứng nhu cầu người dân về quyền được mua, được sử dụng ô tô giá rẻ; còn nhà nước sẽ thu được nhiều thuế. Hơn nữa, nó còn có giá trị lan tỏa đến nhiều ngành công nghiệp khác cũng như tạo được công ăn việc làm. "Nếu yêu cầu phải giải quyết vấn đề giao thông trước thì mãi mãi không phát triển được ngành công nghiệp ô tô" - vị chuyên gia nói.
Một điều cũng cần lưu ý là dù dung lượng thị trường Việt Nam được đánh giá còn rất lớn nhưng nhu cầu phải đi liền với khả năng thanh toán. Theo TS Lê Huy Khôi, tốc độ tiêu thụ xe hơi đi liền với tốc độ hồi phục và phát triển nền kinh tế. Để nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh như giai đoạn trước suy thoái thì cần có thời gian nhất định.
Do đó, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ xe hơi của thị trường tuy sẽ khởi sắc, nhất là từ năm 2020 trở đi nhưng không thể quá nóng, quá đột biến. Vì vậy, vấn đề phương tiện cá nhân bùng nổ gây áp lực nặng lên hạ tầng chưa phải là mối lo quá lớn.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:
Ưu đãi mạnh mẽ hơn hoặc là bỏ!
Trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ rất nhiều thị trường sẽ giảm về 0% trong thời gian tới đây theo lộ trình gia nhập các hiệp định thương mại, sản xuất ô tô trong nước chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn. Bởi vì, hiện chúng ta phải nhập khẩu phần lớn linh phụ kiện về lắp ráp, vừa thiếu đồng bộ vừa không có giá cạnh tranh.
Theo tôi, cần thẳng thắn nhìn vào thực tế này và không khuyến khích ngành công nghiệp ô tô phát triển nữa bởi rõ ràng nhập xe về bán thì doanh nghiệp có lời hơn, người tiêu dùng được mua xe rẻ hơn. Còn nếu như nhà nước vẫn quyết tâm theo đuổi định hướng xây dựng ngành công nghiệp ô tô nội địa thì cần phải có chính sách ưu đãi mạnh mẽ và muốn làm được thì nhà nước phải đủ nguồn lực.
Trước nhất, cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt công bằng giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm lắp ráp trong nước thông qua chuyển từ đánh thuế tại cảng về đánh thuế ở khâu nội địa. Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đang phản đối chính sách này nhưng theo tôi, cần kiên quyết giữ quan điểm để tránh việc nhập hàng rẻ, cạnh tranh quá lớn về giá với sản phẩm nội địa. Ngoài ra, cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Với thuế nhập khẩu linh kiện cần xem xét giảm mạnh mặc dù thuế này mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho nhà nước. Nếu không thì giá xe trong nước không thể giảm nổi.
Cần lưu ý thêm là chúng ta không có ngành công nghiệp phụ trợ. Do đó, cần chiến lược dài hạn cho ngành công nghiệp phụ trợ, bắt đầu làm từ công nghiệp luyện kim, cơ khí, chế tạo... Không làm được điều này thì công nghiệp ô tô không phát triển được. Do đó, nên tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về thuế đất, tiếp cận tín dụng, các loại thuế, phí khác... Chính sách đưa ra cần mạnh mẽ và phải thực chất hơn nữa vì nhiều khi doanh nghiệp mang tiếng được hưởng ưu đãi lớn nhưng thực chất lại rất khó khăn để tiếp cận ưu đãi.
Th.Dương ghi
Theo Phương Nhung
Người lao động
Sang Indonesia sản xuất, bán ôtô 300 triệu cho dân Việt? Trong khi tính chuyện rút khỏi Việt Nam thì Toyota sẽ rót thêm 1,6 tỷ USD cho nhà máy sản xuất ô tô tại Indonesia. Tại Việt Nam, chính sách không rõ ràng và nhất quán khiến sản xuất ô tô đì đẹt và thua xa các nước ASEAN. Tham vọng soán ngôi Thái Lan Tờ Just Auto dẫn lời Tổng thống Indonesia...