Giá nếp tăng cao, nông dân vẫn thấp thỏm lo khó tiêu thụ
Dù lúa nếp đang có giá bán cao nhưng nông dân vẫn thấp thỏm không yên vì lo ngại đầu ra hạn chế nếu hạt nếp không được phép xuất khẩu.
Nhiều nông dân ở Long An trước đây trồng lúa cấp thấp nay đã chuyển sang trồng nếp để xuất khẩu vì giá trị cao. Giá nếp tươi tại ruộng hiện đang ở mức hấp dẫn.
Giá nếp tươi tại ruộng hiện đang ở mức cao. Ảnh Trung Chánh
Ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ huyện Thạnh Hóa, Long An) kể, vụ đông xuân năm nay, gia đình ông thu hoạch nếp trên diện tích 1,2ha; đạt năng suất 8 tấn/ha. Với giá bán nếp tươi tại ruộng ở mức 7.000 đồng/kg, thu nhập từ việc trồng nếp của ông Sơn trong vụ này cũng hơn 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau vụ đông xuân, ông Sơn lo lắng việc sản xuất, tiêu thụ nếp trong vụ hè thu và thu đông tới sẽ không còn thuận lợi như vừa qua. Việc điều hành xuất khẩu lúa gạo của cơ quan chức năng nếu không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến giá nếp.
Chỉ mấy ngày sau khi có thông tin phải tạm ngưng xuất khẩu gạo, giá nếp tươi trong vùng đã giảm. “Nếu tiếp tục không xuất khẩu nữa, không biết phải bán nếp cho ai”, ông Sơn lo lắng.
Nhiều nông dân trồng nếp ở An Giang cũng đang thấp thỏm không yên. Ông Nguyễn Thành Ba (ngụ huyện Phú Tân) cho biết, gia đình có 6ha nếp trồng từ nhiều năm trước với các giống thường sử dụng như nếp CK92, CK2003, nếp Thái…
Nông dân lo lắng việc sản xuất, tiêu thụ nếp trong các tới sẽ không còn thuận lợi như vừa qua
Vụ Đông Xuân vừa rồi, năng suất ruộng nếp nhà ông đạt hơn 6 tấn/ha. Nhờ liên kết bao tiêu với doanh nghiệp xuất khẩu nên ông Ba không lo về giá bán, cũng như nơi tiêu thụ. Hiện, giá nếp tươi tại ruộng ở An Giang dao động từ 5.900 – 6.000 đồng/kg. Với nếp có thời gian sinh trưởng kéo dài 3,5 tháng sẽ có giá cao hơn, ở mức 6.000 – 6.200 đồng/kg.
Thế nhưng, hơn 10 ngày trước, khi trò chuyện với phía đối tác về việc tiêu thụ nếp, ông Ba biết tình hình xuất khẩu gạo tạm ngưng nên hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Video đang HOT
Việc hợp tác bao tiêu sản xuất trong vụ tới chưa biết sẽ triển khai theo hướng nào. Nếu không có doanh nghiệp bao tiêu, nông dân sẽ phải bán cho thương lái nhưng khó đảm bảo đầu ra, giá cả cũng bấp bênh.
Cả vùng trồng nếp nên rất dễ rơi vào tình trạng ùn ứ, không tiêu thụ được. “Trồng lúa có thể để dành ăn hoặc bán trong nước, chứ trồng nếp thì nội địa tiêu thụ không bao nhiêu, nông dân khó bán được giá”, ông Ba than thở.
Với tình hình trên, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Long An cũng vừa có văn bản kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc cho phép xuất khẩu nếp không giới hạn số lượng.
Vụ Đông Xuân 2019 – 2020, Long An có 65.000ha trồng nếp.
Trước đó, trong cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các địa phương, cùng 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn hồi cuối tháng 3 vừa qua, Long An và một số tỉnh, thành khác cũng đã kiến nghị cho xuất khẩu nếp. Vì đây là mặt hàng sản xuất nhiều, nhất là tại An Giang, Long An nhưng sản lượng tiêu thụ trong nước không bao tiêu.
Riêng tại Long An, diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30 – 32% tổng diện tích xuống giống của tỉnh. Trong vụ đông xuân 2019 – 2020, Long An có 65.000ha trồng nếp.
Trong khi, các hợp đồng đã ký (chưa giao hàng) từ nay đến cuối năm 2020 của các doanh nghiệp ở Long An khoảng 204.570 tấn. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 44.300 tấn, chủ yếu là nếp. Tồn kho nếp của các doanh nghiệp hiện cũng gần 56.000 tấn.
Do đó, ông Trần Văn Cần – Chủ tịch UBND tỉnh Long An mới đây tiếp tục đề xuất cho phép xuất khẩu mặt hàng nếp với số lượng không hạn chế nhằm giải quyết tình trạng tồn kho, giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp trong nông dân với giá tốt hơn.
Một số tỉnh, thành kiến nghị cho xuất khẩu nếp
UBND tỉnh An Giang cũng vừa có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình sản xuất lúa gạo trên địa bàn để kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và doanh nghiệp, vừa đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện dịch Covid-19.
Theo đó, tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonia (hạt tròn). Hiện nông dân An Giang gieo sạ hàng năm hơn 115.000 ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm.
Mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên chủ yếu để phục vụ xuất khẩu và không dành tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, trong những năm qua, nông dân cùng doanh nghiệp tại An Giang đã liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả. An Giang cũng được biết đến là địa phương đầu tiên triển khai các mô hình trồng giống lúa hạt tròn để xuất khẩu sang Nhật Bản từ hơn 10 năm trước.
Ngoài ra, An Giang cũng kiến nghị cho phép thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đang có hiệu lực. Trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng, cùng số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020, nhằm giúp doanh nghiệp không bị vi phạm hợp đồng, giảm thiệt hại và giữ ổn định giá lúa trên thị trường.
Nguyễn Vy
Xuất khẩu gạo "nóng" về nhu cầu và giá: Sớm "đón sóng" thị trường?
Việc Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo không chỉ khiến các thị trường nhập khẩu là Philippines, Hongkong... lo ngại mà còn đẩy giá gạo Thái Lan lên mức cao kỷ lục trong suốt 6 năm trở lại đây. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo là một bài toán cần phải tính kỹ lưỡng.
Thị trường nhập khẩu lo ngại bất ổn
Việc Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo trong ngắn hạn để tính toán lại sản lượng lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng mà còn khiến nhiều thị trường truyền thống lo lắng.
Cụ thể, ngay sau khi có thông tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines đã lập tức điện đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam xem xét lại việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng.
Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ. Ảnh: HUỲNH ĐẶNG
Bộ trưởng Tài chính Philippines cho rằng, Việt Nam là thị trường nhập khẩu gạo chính và vô cùng quan trọng của Philippines, vì vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ từ phía Việt Nam cũng sẽ khiến thị trường rối loạn, thậm chí có nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Từ thực tế đó, Bộ trưởng Tài chính Philippines đề nghị Việt Nam đưa Philippines ra khỏi danh sách tạm dừng xuất khẩu gạo. Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo cũng cho biết, Philippines đang đối mặt với nguy cơ thiếu gạo do tác động từ việc dừng xuất khẩu gạo của các nước, trong đó có Việt Nam.
Tương tự, Hiệp hội Các nhà bán lẻ gạo ở Hongkong cũng gửi thông điệp đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, bởi gạo Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn tại thị trường Hongkong. Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo.
Việc Việt Nam và nhiều nước tạm dừng xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo Thái Lan lên mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Theo VFA, giá gạo của Thái Lan được chào bán đang tăng mạnh: Ngày 26/3, gạo 5% tấm được chào bán với giá 480-484 USD/tấn (bình quân 482 USD/tấn), gạo 25% tấm là 448-452 USD/tấn (bình quân là 450 USD/tấn); ngày 27/3, gạo 5% tấm tăng lên mức 493-497 USSD/tấn (bình quân là 495 USD/tấn), gạo 25% tấm là 461-465 USD/tấn (bình quân 463 USD/tấn).
Đón nhu cầu cao của thị trường?
Chính phủ đang có những bước đi vô cùng thận trọng giữa việc xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh nhiều nước đang tăng cường tích trữ lương thực cho cuộc chiến chống Covid-19 vẫn căng thẳng.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, việc tạm dừng xuất khẩu gạo không ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán tiếp của doanh nghiệp bởi hiện nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp đã lớn hơn tổng các hợp đồng đã ký, họ chỉ phải chịu lãi vay và tồn kho.
"Nhưng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông dân vì họ không biết bán lúa cho ai trong khi số lượng gạo tồn kho của vụ đông xuân ước còn khoảng 50%, hiện doanh nghiệp mới mua được hơn 2 - 2,5 triệu tấn, còn khoảng 3 triệu tấn lúa trong dân chưa được giải phóng hết. Trong khi đó, hiện nhiều nơi ở ĐBSCL đã xuống giống tiếp vụ hè thu nên chỉ tháng đầu 6 là lại có lúa vụ mới" - ông Nam nói.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, với sản lượng gạo hiện có như hiện nay, chúng ta vẫn nên cho xuất khẩu gạo một cách có kiểm soát, để đón nhu cầu đang cao của thị trường, đồng thời khuyến khích người dân xuống giống vụ lúa hè thu, thu đông.
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ nhận định, hiện tại là thời điểm phù hợp để Việt Nam tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo. Nếu không tận dụng tốt thì Việt Nam có nguy cơ sẽ mất thị phần và thậm chí là khách hàng.
"Thời gian qua, nhiều tỉnh trồng lúa của Thái Lan bị mất mùa, sản lượng giảm, cùng với đó tỷ giá đồng bath/USD tăng. Hai yếu tố này đã đẩy giá xuất khẩu gạo của Thái Lan sang các nước (trong đó có Trung Quốc) tăng cao. Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam để xuất khẩu với giá cao. Nếu Việt Nam tạm dừng xuất khẩu thì Philippines hoặc Indonesia sẽ chen chân để ký hợp đồng với Trung Quốc trước" - ông Xuân phân tích.
Cũng phải thấy một thực tế, thế giới chưa có hiện tượng thiếu hụt gạo. Các nhà kho ở Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang "ngập" trong gạo và lúa mì từ vụ mùa thu hoạch bội thu. Thái Lan cũng cho biết họ có đủ gạo để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu dù vừa trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Chính vì vậy, với việc sẽ có khoảng 43,5 triệu tấn thóc trong năm 2020, Việt Nam cần sớm có những động thái cụ thể và dứt khoát và cụ thể để "đón sóng" thị trường ở thời điểm này.
Khánh Nguyên
Vẫn giữ nguyên đề xuất xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất xuất khẩu khoảng 800.000 tấn gạo trong tháng 4 - 5/2020. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp...