Giả mạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013
Theo thông lệ hàng năm, Bộ GD-ĐT sẽ công bố 3 môn thi lựa chọn ngẫu nhiên bên cạnh 3 môn cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, ngày 22-3, một trang mạng đã giả mạo một tờ báo điện tử công khai thông tin về việc Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp này khiến nhiều thí sinh hoang mang.
Trước thông tin này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định, Bộ GD-ĐT chưa công khai tên 6 môn thi tốt nghiệp năm nay. Thời điểm công bố 6 môn thi năm 2013 vẫn như các năm là trước 30-3. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh đây là thời điểm học sinh, giáo viên các trường THPT trên toàn quốc cần tập trung vào kế hoạch chỉ đạo với hướng dẫn cụ thể từ Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai hướng dẫn ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Theo ANTD
Lưu ý khi ôn thi tốt nghiệp THPT
Các giáo viên nhiều kinh nghiệm hướng dẫn học sinh (HS) lớp 12 thực hiện ôn tập hiệu quả trong quỹ thời gian có hạn.
HS lớp 12 Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) ôn tập môn sử chuẩn bị thi tốt nghiệp - Ảnh Đào Ngọc Thạch
Môn toán: Nắm vững công thức
Để học tốt môn toán, đầu tiên HS phải hiểu, thuộc và nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa (SGK). Khi làm bài tập cần theo tuần tự từ dễ đến khó, trước hết hãy làm các bài tập áp dụng trực tiếp các công thức để củng cố lý thuyết, sau đó mới làm các bài đòi hỏi suy luận và tư duy tổng hợp. Sau khi làm xong một bài tập cần phải kiểm tra lại các bước giải, rút kinh nghiệm để nếu sau này gặp bài tương tự sẽ không lúng túng. Cuối mỗi chương cần phải làm nhiều bài toán tổng hợp.
Video đang HOT
Nên ôn tập theo từng chủ đề. Các em cần đọc lại các bài học, sau đó tự làm cho mình một đề cương ôn tập. Mỗi một chủ đề bao gồm: hệ thống các kiến thức cơ bản, tóm tắt phương pháp giải của các dạng bài tập, ghi chú những sai sót thường mắc phải.
Thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)
Môn văn: 3 điều cần lưu ý
- Xác định cách học và ôn tập chủ động, sáng tạo: hệ thống lại kiến thức đã học, "nhóm" các bài học (có thể theo giai đoạn, thể loại, chủ đề) lại với nhau, sau đó ôn theo hệ thống ý đối với mỗi bài cụ thể. Khi ôn các tác phẩm văn học cụ thể, phải nắm thật chắc ý nghĩa tư tưởng và những đặc sắc nghệ thuật, bởi lẽ đó là những kiến thức liên quan trực tiếp, cần áp dụng trong tất cả các dạng đề văn nghị luận (NL) có liên quan tới tác phẩm. Đừng quên ôn bài qua hệ thống câu hỏi trong phần luyện tập, hướng dẫn chuẩn bị bài, ôn tập cuối năm ở SGK.
- Nắm chắc kỹ năng làm bài: Với đề bài nghị luận xã hội (NLXH) đặc biệt dạng đề bài về tư tưởng đạo lý, cần chú ý mức độ hợp lý khi trình bày các phần (giải thích, bàn luận, bài học nhận thức và hành động). Dạng đề bài NL văn học (VH) rất phong phú, có liên quan đến nhiều thể loại. HS cần nắm được đặc trưng thể loại (nhất là thơ, truyện) để từ đó có cách vận dụng phù hợp. Tránh ôm đồm, tham lam khi đưa dẫn chứng vào bài viết. Với những dẫn chứng dài, khó nhớ (ở tác phẩm truyện), không nhất thiết phải học toàn bộ mà nên tách ra thành nhóm từ, kết hợp cách đưa dẫn chứng trực tiếp và gián tiếp. Khi làm bài văn NLXH, HS vẫn có thể sử dụng dẫn chứng VH nhưng nên ưu tiên cho những dẫn chứng lấy trong đời sống thực tế.
- Tạo tâm thế tự tin, thoải mái khi ôn bài và làm bài: Đề bài dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không quá khó. HS chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thuộc chương trình lớp 12, kỹ năng làm bài là có thể yên tâm. Với thời gian thi được quy định là 150 phút, HS nên dành khoảng 15 phút cho câu hỏi tái hiện kiến thức, 55-60 phút cho câu NLXH và 70 - 75 phút cho câu NLVH.
Thạc sĩ Triệu Thị Huệ - Trưởng bộ môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)
Môn tiếng Anh: 8 nội dung cần nắm
Để bài làm đạt kết quả cao, HS cần theo sát SGK tiếng Anh 12 vì đề thi có 50 câu và nội dung đề sẽ trải đều chương trình. Tuy nhiên, để nắm vững từ vựng, các em cần xem lại phần kiến thức này trong SGK lớp 10, 11 với các chủ điểm về môi trường, tổ chức quốc tế, văn hóa thể thao, nghề nghiệp và giáo dục... HS ôn càng kỹ, kết quả càng cao.
Ngoài ra, HS cần chú ý các nội dung kiến thức sau: Verb tense; Verb forms. Các cấu trúc: passive voice, reported speech, relative clause (adjective clause), participial phrase, to-infinitive phrase, conditional sentence. Giới từ đi với các từ chỉ thời gian và nơi chốn, giới từ đi với động từ, đi với tính từ... nằm rải rác trong các bài học, và đặc biệt cần chú ý các phrasal verbs có trong SGK chuẩn (units 14 & 15 và Test Yourself F). Cách dùng của các từ nối. Phân biệt cách dùng: so... that/such... that/too... for... to/not adj enough to do something/enough noun/as... as/not so... as/adj-ER than/more adj than/double comparative/the comparative..., the comparative... Về trọng âm (main stress) chỉ chú ý các từ 2 hoặc 3 âm tiết. Cách phát âm những âm cuối &'S', &'ED', &'CH' và một số nguyên âm hoặc phụ âm mà HS thường hay nhầm lẫn.
Cô Trần Thị Huyền Thanh - Tổ ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)
Môn lịch sử: Những nội dung cần học
Chương trình lịch sử 12 gồm 2 phần: lịch sử thế giới và lịch sử VN. Trong đó, lịch sử thế giới có các vấn đề lớn phải giải quyết, đó là: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới II; Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 1991); Liên bang Nga 1991 - 2000; Các nước Á, Phi, Mỹ Latinh (1945 - 2000); Các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000); Quan hệ quốc tế (1945 - 2000); Cách mạng khoa học - công nghệ. Lịch sử VN có các vấn đề lớn như: VN trước khi thành lập Đảng (1919 - 1930); VN từ khi có Đảng đến Cách mạng tháng Tám (1930 - 1945); VN trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954); VN trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); VN xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (1975 - 2000).
Thời gian đầu của thời kỳ ôn tập, các em nên chia giai đoạn ra để học theo chương trình đã xác định ở trên. Thời gian sau, các em nên học theo chủ đề. Trong quá trình ôn tập, các em cũng nên lưu ý những mốc thời gian và sự kiện chính trong tiến trình lịch sử.
Cô Đỗ Thị Thanh Thủy - Tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM)
Môn địa lý: Ôn theo chủ đề
HS nên ôn bài theo chương, chủ đề với tài liệu quan trọng là Atlat vì khá nhiều bài của SGK lớp 12 có kiến thức trong Atlat. Mỗi bài học cần nắm vững các kiến thức căn bản, lập sơ đồ tổng quát dạng hình cây thư mục để nắm ý chính. Sau khi nắm được các ý cơ bản, mỗi em nên lập cho mình các bảng ghi nhớ, so sánh các kiến thức, sao cho vừa bằng một trang giấy học trò để đút túi và có thể ôn mọi lúc mọi nơi vừa nhẹ nhàng vừa nhanh chóng.
Trong Atlat có nhiều số liệu như dân số, sản lượng điện, than, dầu, lúa... nhưng khi dùng HS nên lấy số liệu năm 2005 cho phù hợp với SGK. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn có yêu cầu về các kỹ năng vẽ biểu đồ, phân tích bảng số liệu, nhận xét... Do đó, ngoài những kiến thức, những số liệu thì trong quá trình ôn tập, các em nên rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ dựa trên các bài tập và các bảng số liệu trong SGK.
Thầy Trần Văn Quang- Tổ trưởng môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
Môn hóa: Hệ thống hóa, so sánh
Về lý thuyết, các em cần phải học tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau, điều này sẽ giúp các em nhanh chóng chọn được phương án đúng. Bên cạnh đó, HS cũng có thể hệ thống hóa từng loại phản ứng, ví dụ như chất hữu cơ nào tham gia phản ứng với thủy phân, với Na, với dung dịch kiềm, với Cu(OH)2... Kim loại nào tác dụng với nước, với dung dịch kiềm, với dung dịch a xít... Hidroxit kim loại nào lưỡng tính...
Trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có một số ít câu hỏi khá bất ngờ để hạn chế bớt điểm 9, 10. Đây là những câu hỏi không khó nhưng do HS ít quan tâm nên dễ chọn phương án sai. Ví dụ một số tính chất vật lý đặc biệt của chất hữu cơ (như este có mùi thơm dễ chịu, anilin là chất lỏng không màu để lâu trong không khí chuyển thành màu đen...), kim loại có khối lượng riêng lớn nhất, cứng nhất, có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong dãy kim loại cho sẵn, các loại quặng, mỏ...
Để đạt được điểm cao, HS phải đọc thật kỹ các chi tiết ở SGK hóa học lớp 12 ít nhất một lần trước ngày thi
Thạc sĩ Bùi Văn Thơm - Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM)
Theo TNO
Phạt tới 100 triệu đồng vi phạm hành chính trong giáo dục Mức phạt cao nhất Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 100 triệu đồng đối với tổ chức, 50 triệu đồng đối với cá nhân. Bên cạnh đó, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực...