Giá lúa hè thu giảm, lại nỗi lo giải cứu
Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu 2019. Do tình hình xuất khẩu không mấy khả quan, giá lúa trong nước bắt đầu giảm khiến nhiều người lo lắng tái diễn tình trạng phải “giải cứu”.
Ám ảnh giá lúa giảm
Từ đầu tháng 6, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. Nhưng trái với mong đợi, giá lúa bắt đầu giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Thanh Bình) cho biết, lúa tươi giống IR 50404 trước đó còn ở mức 4.300 đồng/kg, tuy đã giảm thấp so với tháng trước nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện tại giá lúa chỉ còn 3.800 đồng/kg.
Tình hình xuất khẩu ảm đạm đang gia tăng áp lực thu mua lúa vụ hè thu sắp tới. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Hy vọng từ vụ trước được đổ dồn lên vụ mùa sau. Nhưng tới lúc thu hoạch, nỗi lo giá lúa rớt lại kéo về. Hiện tại, không ai biết thị trường sẽ còn thay đổi thế nào trong những ngày sắp tới” – ông Bé than.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân khiến giá lúa tươi giảm là do thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, lượng lúa cung ứng có kích thước không phù hợp với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu.
Giá lúa bán tại ruộng hiện đã giảm 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Ngoài ra, tình trạng nắng nóng cũng khiến năng suất giảm, các doanh nghiệp muốn tìm mua lúa chất lượng cao cũng không đủ.
“Trước đó, các khó khăn trong xuất khẩu gạo của cả năm 2019 gần như đã được nhận diện đầy đủ nhưng các địa phương vẫn không có nhiều giải pháp tích cực. Việc giải cứu thời gian qua chưa mang tính chiến lược. Sắp tới cũng chưa thấy điểm sáng rõ ràng trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tự bơi là chính” – ông Nghĩa nói.
Theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương Long An, giá lúa giảm là do cung cầu bị chênh lệch quá nhiều, khiến xuất khẩu gạo trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Dù cả nước có giảm một số diện tích nhưng năng suất đạt cao nên sản lượng không hề giảm. Thị trường có thể tiếp nhận của chúng ta khoảng 5 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất tới 7 triệu tấn, 2 triệu còn dư gây áp lực lên tiêu thụ, làm giảm giá thu mua và nông dân lại gặp khó khăn.
Video đang HOT
Ông Đức cho rằng, trong bài toán nâng cao giá lúa, việc tái cơ cấu cần tính toán lại diện tích đất lúa cho hợp lý để cân đối sản lượng, nhu cầu, kể cả đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngành nông nghiệp cũng cần xem xét lại lịch thời vụ, làm sao cho khoa học hơn. Lâu nay việc xuống giống đồng loạt có ưu điểm là hạn chế dịch bệnh nhưng cũng đưa đến chi phí tăng cao. Cụ thể, việc gieo sạ đồng loạt khiến chi phí nhân công tăng; tạo áp lực cho vấn đề kho bãi, nhà máy sấy. Và nhất là doanh nghiệp phải bỏ tiền ra thu mua một lượng lớn thóc lúa trên các cánh đồng.
Thị trường cuối năm còn khó khăn
Đánh giá tình hình nửa đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận việc sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã gặp những lúng túng sau 3 – 4 năm tương đối ổn định. Thời gian trước đó không có chuyện phải thu mua tạm trữ. Nhưng ngay từ đầu năm nay, giá lúa giảm mạnh khiến nhiều người bối rối. Tình trạng có nguy cơ lặp lại trong vụ hè thu sắp tới đây nếu không có biện pháp cụ thể.
Điều đáng lo ngại là, hiện nay các hợp đồng xuất khẩu tập trung khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường hầu như chưa có. Việc chủ động hỗ trợ thu mua lúa từ nông dân đang đặt ra kế hoạch bài bản hơn với sự chung tay từ nhiều bộ ngành.
Theo ông Khánh, thị trường nông sản thường có phản ứng chậm hơn các mặt hàng công nghiệp khác. Khi cung thiếu thì giá tăng, các nước cũng tăng cường sản xuất tại chỗ để tránh lệ thuộc nhập khẩu. Nguồn cung nhiều lên thì giá lại giảm nên thị trường nông sản luôn có tính chu kỳ hình sin.
“Hiện tại, giá lúa đang ở chu kỳ đi xuống. Việc cạnh tranh với các nước sẽ ngày càng gay gắt nên khả năng thu mua trong nội địa cũng bị ảnh hưởng theo” – ông Khánh nói.
Biện pháp trong ngắn hạn, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trước khi vào vụ phải có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ số lượng lớn nguồn hàng của nông dân. Đầu vụ là quãng thời gian vốn gặp nhiều khó khăn. Biện pháp cụ thể nhất là phải có lượng tiền lớn từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, ít nhất là theo mức giá mà Bộ Tài chính công bố để đảm bảo có lợi cho nông dân.
Bộ NNPTNT cũng nên có kế hoạch cho một cơ chế thường xuyên, ổn định chứ không phải giải pháp đặc thù cho từng vụ như vừa qua. Về lâu dài, việc giải quyết sản lượng lớn thông qua cân đối bài toán diện tích, sản lượng đã thống nhất với Bộ NNPTNT. Bài toán tối ưu giá cả cần tính toán kỹ cả trong cơ cấu 1 vụ hay nhiều vụ.
Theo Danviet
Đồng Tháp căng thẳng 'cuộc chiến' dịch tả lợn châu Phi
Bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 25.6, toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 12.800 con lợn mắc bệnh chết với tổng khối lượng gần 1.000 tấn.
Đàn lợn tại xã Tân Phú Trung, H.Châu Thành (Đồng Tháp) bị dịch tả lợn châu Phi chết, được thu gom để tiêu hủy . ẢNH: TRẦN NGỌC
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 25.6, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trủ trì buổi họp trực tuyến chỉ đạo các ngành và các địa phương nhằm tăng cường các giải pháp để bảo vệ đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Tiêu hủy lợn chết đến 9 - 10 giờ đêm
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 12/12 huyện, thị, thành phố của Đồng Tháp, với 50% số xã có lợn mắc bệnh. Thiệt hại nặng nề nhất là các huyện Châu Thành, Tân Hồng và TP.Sa Đéc...
Ông Phan Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, cho hay tính đến ngày 24.6, toàn huyện có 603 hộ chăn nuôi có đàn lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng đã tổ chức tiêu hủy gần 7.800 con lợn chết với tổng khối lượng hơn 670 tấn.
Ông Phan Thanh Dũng cho hay có ngày huyện phải xử lý chôn lấp hơn 70 tấn lợn bệnh chết, do số lượng lợn chết phát sinh quá cao so với phương án xử lý nên huyện gặp khó khăn rất nhiều trong việc xử lý dịch bệnh. Một số hố chôn lấp quá tải dẫn đến xì hố, bốc mùi hôi thối, gây phản ứng cho các hộ dân xung quanh.
"Việc thu gom xử lý lợn bệnh chết khó khăn. Hôm nào xử lý xong sớm cũng khoảng 9 -10 giờ đêm anh em mới về nhà... Thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh phát sinh rất lớn, ngoài kế hoạch và dự báo của địa phương", ông Dũng cho biết.
Lực lượng chức năng phải căng sức xử lý số lợn chết do dịch tả lợn châu Phi vượt xa dự báo ẢNH: TRẦN NGỌC
Rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, cho hay tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nhiều hộ dân chăn nuôi, nhưng bệnh chưa xảy ra đối với các hộ chăn nuôi lợn theo hình thức an toàn sinh học và trại chăn nuôi có ý thức trong phòng, ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Võ Bé Hiền, hộ chăn nuôi của tỉnh không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học, như: không kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, sử dụng thức ăn thừa và mua các sản phẩm từ thịt lợn về tiêu thụ trong trại... nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Việc các hộ chăn nuôi "bán chạy" lợn bệnh cho thương lái và vứt lợn bệnh chết xuống sông cũng sẽ khiến cho tình trạng dịch bệnh dễ bùng phát tại Đồng Tháp.
"Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong nước ít nhất 3 tháng. Do điều kiện chăn nuôi của các hộ dân chủ yến nhỏ, lẻ và sử dụng nước sông tắm nên dịch bệnh sẽ lây lan. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của cơ quan chức năng, chúng tôi rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học", ông Hiền nói.
Nhiều hố chôn bị quá tải do lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi chết quá nhiều ẢNH: TRẦN NGỌC
Ông Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương và ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa và bảo vệ số lượng đàn lợn hơn 170.000 con còn lại của tỉnh, tránh để dịch bệnh lan rộng.
Để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Tháp chi hỗ trợ cho người chăn nuôi 38.000 đồng/kg lợn bị tiêu hủy. Đến nay, chỉ riêng H.Châu Thành đã chi hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Các huyện còn lại của tỉnh Đồng Tháp cũng đang triển khai chi hỗ trợ cho các hộ dân có lợn chết bị tiêu hủy theo quy định.
Theo Thanhnien
Thiếu hợp đồng lớn, khó tiêu thụ lúa hè thu Kim ngạch xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2019 sụt giảm vì gặp nhiều bất lợi. Trong nước, vụ hè thu ở ĐBSCL vốn nhiều khó khăn đã bắt đầu thu hoạch. Bộ Công Thương đánh giá, từ nay đến cuối năm, tình hình kinh doanh lúa gạo vẫn chưa hết khó khăn. Tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng...