Giá lợn tăng cao cả 3 miền khi dịch tả lợn “phủ sóng” toàn quốc
Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc đều đã có Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khi Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng vừa công bố xuất hiện dịch bệnh này. Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn đã và đang đẩy giá thịt tăng cao từng ngày tại hầu khắp tỉnh, thành trên cả nước.
Giá lợn hơi đang tăng lên từng ngày tại hầu khắp các địa phương. Ảnh: Internet
Tăng cao nhất 10.000 đồng/kg
Mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra DTLCP tại 2 hộ chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Tân Sơn thuộc huyện miền núi Ninh Sơn.
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận nêu rõ: Số lợn chết bất thường tại 2 hộ dân trên đều có kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Từ ngày 29/8 đến 2/9, cơ quan thú y địa phương đã tiến hành tiêu hủy 59 con lợn nhiễm bệnh với tổng trọng lượng hơn 11 tấn.
Như vậy, sau 7 tháng phát hiện ổ DTLCP đầu tiên, đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đều đã có dịch. Tổng số lợn phải tiêu hủy vì DTLCP ước tính khoảng gần 4 triệu con.
Lượng lợn tiêu hủy ngày một tăng, cộng với sự dè dặt tái đàn của các hộ chăn nuôi làm cho nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt đáng kể, từng bước đẩy giá lợn tăng cao.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Trong tháng 8, giá lợn hơi biến động tăng tại các địa phương trên cả nước do nguồn cung lợn thịt khan hiếm cục bộ, khi số lượng đáng kể lợn nuôi bị tiêu hủy do nhiễm DTLCP.
Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 4.000-10.000 đồng/kg. Điển hình như tại các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, giá lợn hơi dao động 44.000-46.000 đồng/kg; tại Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình giá cao hơn khoảng đạt 47.000-48.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc, Quảng Ninh có nơi lên tới 50.000 đồng/kg…
Video đang HOT
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng ghi nhận biến động tăng khoảng 6.000-8.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Quảng Bình và Thừa Thiên Huế lần lượt là 42.000 đồng/kg và 43.000 đồng/kg. Tại Nghệ An, giá lợn có nơi lên tới 48.000 đồng/kg; Thanh Hóa cũng tăng 6.000 đồng/kg lên 46.000 đ/kg…
Tương tự, giá lợn hơi tại miền Nam tiếp tục tăng, rất nhiều địa phương đồng loạt tăng 8.000-10.000 đồng/kg. Cụ thể, tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ tăng đạt mức trung bình 35.000-37.000 đồng/kg. Tại miền Đông Nam Bộ như một số huyện của Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Dương, giá là 36.000-38.000 đồng/kg, thậm chí một số nơi lên tới 41.000-42.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tất Thắng-Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo: “Từ nay tới hết năm, đặc biệt là dịp cuối năm, giá còn tiếp tục tăng. Hiện nay, mức giá bán lợn hơi khoảng hơn 40.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi. Giá lợn hơi có thời điểm lên tới đỉnh điểm là 58.000 đồng/kg. Thời gian tới, giá có thể còn vượt mức đỉnh điểm này lên trên 60.000 đồng/kg”.
Ồ ạt xuất lợn sang Trung Quốc
DTLCP không chỉ khiến ngành chăn nuôi lợn Việt Nam “đau đầu” mà còn khiến cho ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc lao đao. Thiếu hụt thịt lợn, gần dây Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thu mua lợn từ Việt Nam.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 8, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 64 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm ước đạt 449 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân gia tăng xuất khẩu chủ yếu nhờ lượng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc tăng mạnh.
Khảo sát mới đây của Công ty Cổ phần Anova Feed (doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm thuộc Tập đoàn ANOVA) cho thấy: Trong tháng 8 đã ghi nhận 6 đợt tăng giá của các công ty chăn nuôi lớn, nhờ đó giá lợn trong dân đã được cải thiện đáng kể so với tháng 7.
Nguyên nhân của những đợt tăng giá là do nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã mất đến quá nửa đàn lợn do sự hoành hành của DTHCP.
Giá lợn tại Trung Quốc tăng phi mã từ 61.000 đồng/kg lên tới 78.000 đồng/kg (trung bình 6 tỉnh giáp ranh Việt Nam). Thậm chí, phía Bắc Trung Quốc có nơi giá còn lên tới hơn 100.000 đồng/kg. Trung Quốc bắt buộc phải nhập thêm lợn từ Việt Nam trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thịt nghiêm trọng và căng thẳng với Mỹ gây khó khăn trong việc nhập khẩu.
“Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong những tháng tới được dự đoán sẽ tăng 70% so với năm trước, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ lớn hơn. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Chia sẻ thêm góc nhìn về vấn đề xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, ông Thắng cho rằng, nếu tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc tăng mạnh sẽ gây tác động trực tiếp đến giá lợn nội địa, khiến cho nguồn cung càng trở nên khan hiếm hơn.
“Trong vấn đề này tôi cho rằng, nếu kiểm soát tốt việc xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ đem lại những tác động tích cực hơn với thị trường Việt Nam”, ông Thắng nói.
Đức Phong
Theo HQ Online
Đáng ngại: Cường quốc chăn nuôi nhưng "trắng bảng" sản phẩm chế biến
"Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nếu Việt Nam không đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu sản phẩm trong chăn nuôi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vào thị trường EU".
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) tại Hội nghị triển khai "Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý".
Ông Toản khẳng định: Tác động của EVFTA đối với ngành nông nghiệp là hết sức tích cực. Đây là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Nhiều mặt hàng nông nghiệp được xóa bỏ 100% thuế suất khẩu, nhiều mặt hàng giảm và xóa bỏ theo lộ trình.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đơn cử ở những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như hạt điều gặp khó khăn về truy xuất nguồn gốc bởi phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), chất lượng hạt điều, chế biến thô; hồ tiêu cũng khó khăn về VSATTP, dư lượng bảo vệ thực vật, diệt nấm, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn thấp, kỹ thuật canh tác bền vững...
Nếu Việt Nam không phát triển ngành hàng chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi thì khó cạnh tranh khi EVFTA có hiệu lực.
Hay như nhóm ngành hàng thủy sản, rau quả, chúng ta gặp khó trong nhiều vấn đề cạnh tranh với nhiều nước có thế mạnh như Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Canada..., vấn đề sản lượng đánh bắt giảm bởi địa phận đánh bắt bị thu hẹp, nguồn tài nguyên cạn kiệt...
Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, phải khẳng định Việt Nam là một trong những "cường quốc" về chăn nuôi nhưng nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại gặp quá nhiều khó khăn.
Khi EVFTA có hiệu lực, đặt ra cho ngành chăn nuôi những cơ hội và khó khăn lớn. Đơn cử như đối với thịt trâu bò, thuế suất hiện đang từ 5 - 30% sẽ giảm về 0% trong lộ trình từ 3 - 4 năm. Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu với giá cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng và chế biến.
Trong ngành hàng thịt lợn, thuế suất giảm về 0% trong lộ trình 10 năm, Việt Nam có lợi thế giá rẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề thách thức và yếu thế chính là chúng ta mới chỉ chú trọng và phát triển chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt tươi ra thị trường mà chưa phát triển mạnh mẽ chế biến sâu trong chăn nuôi.
Trong năm qua, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đã đầu tư hơn 5.000 tỷ được vào chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất sản phẩm chăn nuôi còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Vấn đề VSATTP trong sản phẩm đang là thách thức lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
"Nếu ngành chăn nuôi không phát triển được nhóm hàng chế biến sản phẩm, ngay vấn đề cạnh tranh trên sân nhà còn khó chứ đừng nói đến nâng cao cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bởi có đẩy mạnh được khâu chế biến mới giải quyết được rào cản kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra được nhiều sản phẩm cạnh tranh", ông Toản nhấn mạnh.
Còn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đi đôi với việc xúc tiến thương mại, chúng ta phải chú trọng các quy định chặt chẽ của hàng hóa suất khẩu sang EU về truy suất nguồn gốc, VSATTP, công nghệ, đa dạng sản phẩm..., trong đó không thể không đầu tư vào sản phẩm chế biến ngành chăn nuôi.
Bởi, hiện ngoài ngành sữa khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhóm chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi hầu như "trắng bảng". Đây là nội dung rất lớn đặt ra đối với ngành chăn nuôi nói chung, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Theo Danviet
Trung Quốc thay đổi chính sách, xuất khẩu sắn ảm đạm Như nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu sắn 6 tháng đầu năm 2019 có sự sụt giảm đáng kể. Đây là mặt hàng mấy năm trước có sự tăng trưởng ngoạn mục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi ở thị trường xuất khẩu chính Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu giảm...