Giá lợn hơi tăng, Cục Chăn nuôi khẳng định ngành nuôi lợn thắng lớn
Xung quanh câu chuyện giá lợn hơi (giá heo hơi) tăng và công tác điều hành sản xuất thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã có những chia sẻ thẳng thắn với NTNN/Dân Việt.
Nhiều ý kiến cho rằng giá lợn hơi tăng mạnh trong mấy tháng qua đã tác động tới ngành chăn nuôi lợn cũng như chỉ số giá tiêu dùng. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?
- Sau hơn 1 năm giá lợn hơi ở mức thấp, nhiều hộ thua thiệt lớn, đến tháng 4.2018 thị trường mới có dấu hiệu hồi phục và tăng dần. Hiện nay, giá lợn cả nước đang từ 50.000 -52.000 đồng/kg. Với giá này tôi cho là tốt, có lợi cho người chăn nuôi, bởi đây là cơ hội để họ có thể gỡ gạc lại vốn liếng, có điều kiện tích lũy, tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau.
Cục Chăn nuôi khẳng định ngành chăn nuôi lợn năm nay thắng lớn. Ảnh: Đình Thắng
Một số nơi giá lợn hơi tăng lên tới 55.000 – 56.000 đồng/kg nhưng đây chỉ là hiện tượng cục bộ, chủ yếu ở khu vực giết mổ nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta để giá cao sẽ làm trượt giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chẳng hạn như giá thịt lợn tháng 6.2018 so với tháng 5 tăng 8,1%, làm CPI tăng 0,34%. Nhưng tôi cho rằng giá lợn đã đến ngưỡng, không thể tăng thêm. Giá lợn tháng 7 so với tháng 6 chỉ tăng 2%, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI.
Nếu tổ chức điều hành tốt sẽ tránh được việc đẩy giá lợn hơi tăng ảo, sẽ ảnh hưởng không tốt tới chính ngành hàng thịt lợn. Chúng ta đã mất hẳn một năm trả giá như vậy, bây giờ mới lấy lại được trật tự thế này.
Do đó, nếu duy trì được trục giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg từ nay đến Tết Nguyên đán, thậm chí giữa năm sau thì ngành chăn nuôi sẽ hình thành được một trật tự mới.
Bên cạnh đó, nếu giá bị đẩy lên cao quá sẽ gây bất ổn cho ngành chăn nuôi, có thể sẽ làm tăng lượng thịt nhập khẩu và thịt lợn thẩm lậu từ các nước xung quanh. Người chăn nuôi sẽ mất thị trường.
Thứ hai, giá cao kích hoạt người chăn nuôi tăng đàn ồ ạt, sau chu kỳ chăn nuôi khoảng 1 năm rưỡi nữa sẽ có thể xảy ra rủi ro về giá như chúng ta đã trải qua trong năm 2017.
Video đang HOT
Năm 2017 giá lợn chạm đáy, nhưng chỉ sau mấy tháng giá đã đảo chiều tăng chóng mặt. Phải chăng ngành chăn nuôi đang loay hoay với việc điều tiết cung cầu, giá cả ?
- Trong nền kinh tế thị trường, vai trò điều tiết của Nhà nước là cung cấp các kênh, khuyến cáo giải pháp, không thể dùng mệnh lệnh hành chính buộc người dân, doanh nghiệp phải bán giá nào. Những biện pháp như vậy là kịp thời, chúng ta tạo ra hiệu ứng xã hội. Chúng ta phải nhìn rõ nguồn cung có thiếu không, thiếu ở đâu, điều này chỉ có Nhà nước mới nắm được. Và thực tế nguồn cung chỉ thiếu cục bộ.
Tôi cho là các địa phương đã triển khai rất tích cực các giải pháp điều hành, chỉ đạo kịp thời. Thực tế là chúng ta tính toán được giá thịt lợn hơi sẽ tăng trở lại nên không bất ngờ. Về cơ bản năm nay ngành chăn nuôi thắng lớn. Cụ thể, các chỉ tiêu về sản lượng, giá cả của ngành đều tăng. Giá lợn chỉ có quý 1 là thấp, còn các quý 2, 3, 4 được dự báo tiếp tục tăng.
Nhưng, đại đa số các hộ chăn nuôi đâu còn lợn để bán trong chu kỳ tăng giá này, vậy họ thắng lợi gì?
- Đó là bất cập của kinh tế thị trường. Chăn nuôi nhỏ lẻ, không biết bán cho ai, chăn nuôi theo thói quen cũ thì rất khó. Vì vậy tôi cho rằng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển sang nghề khác.
Đối với những nông hộ chuyên nghiệp, họ cũng phải thay đổi về cách quản trị, bổ sung kiến thức, tìm hiểu thị trường… mới mong phát triển bền vững.
Hiện chúng ta đã có kịch bản điều hành sản xuất thịt lợn theo yêu cầu trước đó của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chưa thưa ông?
- Chúng tôi đưa ra 4 giải pháp điều hành sản xuất thịt lợn. Thứ nhất, các địa phương cần khẩn trương thống kê quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2.2019.
Thứ hai, thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết để cùng có trách nhiệm ổn định thị trường.
Thứ ba, triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước.
Thứ tư, kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công tác phòng dịch. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Ứng dụng công nghiệp nông nghiệp 4.0 vào xây dựng nông thôn mới
Mới đây, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, triển khai thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chủ trì hội nghị.
Hơn 5.000 hộ nông dân hưởng lợi
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, việc triển khai chương trình ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng NTM được xem là giải pháp đi trước một bước so với thực tiễn xây dựng NTM ngày càng đa dạng, toàn diện của các địa phương.
Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5.1.2012 của Thủ tướng Chính phủ đã thu được nhiều kết quả cả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tế; các giải pháp có tính liên ngành; thu hút đông đảo lực lượng nghiên cứu KHCN và doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã cả nước tham gia...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ 2 từ phải) tham quan gian hàng tại hội thảo. Ảnh: P.V
Để tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của vùng miền nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn.
Sau 5 năm triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các bộ, ngành và địa phương với gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ, triển khai đào tạo, tập huấn hơn 11.000 người đã trực tiếp được tiếp nhận kiến thức về quản lý sản xuất theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới...
Tổng kinh phí thực hiện chương trình lên tới hơn 386 tỷ đồng, trong đó có 165 tỷ đồng huy động từ các doanh nghiệp, chiếm 43% tổng kinh phí.
Ưu điểm nổi bật của chương trình là đã thiết lập được cầu nối vững chắc giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu đảm bảo công bằng thương mại cho nông dân.
Bên cạnh đó, chương trình cũng thu hút được sự phối hợp tham gia, lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình KHCN vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; thu hút được hàng nghìn chuyên gia, cán bộ khoa học của nhiều chuyên ngành, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tham gia thực hiện các đề tài, dự án.
Đáng chú ý, trong 5 năm triển khai, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM đã lựa chọn được 69 đề tài, xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi.
Tăng cường đề tài, giải pháp phát triển nông nghiệp 4.0
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương những thành tựu chương trình đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu tới đây, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là: Xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để bảo đảm sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện chương trình...
Chương trình KHCN trong giai đoạn tới cần có những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; đề án phát triển 1.500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020...
Cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới nhằm tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, nhận diện rõ Nông nghiệp 4.0, Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao, Nông nghiệp hữu cơ và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới để tham mưu giúp Ban chỉ đạo định hình mô hình xây dựng NTM sau năm 2020 ở nước ta - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Danviet
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngồi phòng lạnh nghiên cứu thì khó thành công Phong trào nào, cuộc vận động nào cũng phải dựa trên những luận cứ khoa học và chương trình xây dựng nông thôn mới đã có được nền tảng này, được ứng dụng trong thực tiễn và hỗ trợ hiệu quả cho xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá. Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình...