Gia Lai: Suối đá cổ Ia Ruai
Dòng suối đá Ia Ruai (thị trấn Ia Ly, Chư Păh, Gia Lai) với những ghềnh đá cổ trên 100 triệu năm tuổi là điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách và người dân địa phương.
Dòng suối nằm giữa xã Ia Phí và thị trấn Ia Ly chảy qua nhiều làng Jrai trước khi đổ ra hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Ia Ly, đoạn đến làng Vân bỗng trồi lên một bãi đá triệu năm dài hàng cây số.
Ý nghĩa các tên gọi
Người dân nơi đây không biết bãi đá và con suối ấy có từ bao giờ. Người Jrai quanh vùng gọi nơi đó là Jrai Phă (jrai có nghĩa là thác nước, còn phă tức là bể, vỡ, tràn, tung ra). Dân các làng xưa nay đều gọi như vậy, vì đoạn suối chảy qua nơi đây không chỉ tràn lên mặt bãi đá mà còn có một điểm, dòng chảy đổ ụp xuống từ độ cao khoảng 5 m như một dòng thác.
Có người gọi đây là Ia Ruai, tức suối cây đập. Tên gọi này liên quan đến việc, trước kia có một nhành cây si vốn nằm vắt vẻo giữa dòng nước đổ từ cao xuống thấp, như sẵn sàng quật vào những kẻ bạo gan dám nhảy xuống đây. Trước đây, dòng suối mang vẻ đẹp hoang sơ, ẩn mình dưới rất nhiều cổ thụ. Có lẽ vì vậy mà dân các làng xung quanh đều truyền tai nhau rằng, hàng đêm, gần về sáng, con suối này luôn cất lên tiếng gáy. Không phải ai cũng nghĩ đấy là tiếng nước chảy lúc thanh vắng mà nhiều người cho rằng dòng suối chảy qua bãi đá này có Yàng (thần linh).
Video đang HOT
Các cô sơn nữ ở thị trấn Ia Ly trong bộ trang phục truyền thống bên dòng suối đá
Bãi đá đẹp triệu năm
Bãi đá gồm nhiều đoạn lộ thiên, đặc biệt có hai khu vực rất đẹp, cách xa nhau chỉ độ vài ba chục mét. Ở những nơi này, bên dòng suối, các thanh đá lớn hình lục lăng như đã được bàn tay thần kỳ sắp đặt. Chúng đứng cạnh nhau, bằng phẳng và rắn chắc như một khối đông đặc, bất chấp những biến động của lịch sử và thời gian. Hàng trăm cột đá có hình thù giống nhau, được xếp thành bãi tại đây đã khiến nhiều người gọi nơi này là suối Đá Đĩa (trong sự so sánh với Gành Đá Đĩa – Di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Phú Yên). Bởi về hình thức, các bãi đá tại đoạn suối qua làng Vân và di sản đá Phú Yên tương đồng; về niên đại, theo các nhà địa chất, chúng đều đã vượt qua độ tuổi trên 100 triệu năm.
Bảo tồn và gìn giữ
Chính quyền địa phương xem đây là một di sản địa chất hiếm có của Gia Lai và Tây Nguyên, cần có chủ trương, biện pháp bảo tồn phù hợp, nghiên cứu, xây dựng để nơi đây trở thành một điểm du lịch, gắn với tour Thủy điện Ia Ly, núi lửa Chư Đang Ya…
Người dân nơi đây tự hào khi nói về cảnh đẹp của quê hương mình. Đó là nơi họ có nhiều kỷ niệm và mong muốn cảnh đẹp của quê hương mình sẽ được gìn giữ cho con cháu mai sau.
Gia Lai: Khám phá "hồ trên núi"
Phố núi Pleiku được tô điểm bởi những hồ nước thiên tạo lẫn nhân tạo như: Biển Hồ, hồ Diên Hồng, hồ Trà Đa, hồ Núi Đá... tạo nên hệ sinh thái cân bằng, đồng thời kiến tạo cảnh quan xinh đẹp cho đô thị. "Hồ trên núi" còn như những tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa-lịch sử giàu bản sắc của vùng đất cao nguyên, tạo ra những điểm du lịch mang đến cảm xúc êm dịu cho du khách trải nghiệm.
Là 1 trong 5 hồ tự nhiên thơ mộng nhất Việt Nam, Biển Hồ hội tụ vẻ đẹp kỳ thú của "hồ trên núi", có diện tích mặt nước rộng 228 ha. Người ta ví Biển Hồ như viên ngọc trên cao nguyên. Biển Hồ theo tiếng Jrai là Tơ Nưng, có nghĩa là "biển trên núi" để dễ hình dung sự rộng lớn của nó. Xung quanh hồ nước bao bọc bởi thông xanh, nương rẫy tạo nên hệ sinh thái cân bằng, điều tiết khí hậu cho cả một vùng rộng lớn. Chính vẻ đẹp trong xanh, dịu ngọt đã khiến "Đôi mắt Pleiku" trở thành biểu tượng của du lịch Phố núi. Nhiều du khách không khỏi tò mò, choáng ngợp và thích thú khi biết nơi đây chính là miệng núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm.
Biển Hồ được ví như hòn ngọc của cao nguyên. Ảnh: Phan Nguyên
Nếu Biển Hồ như một tuyệt tác thiên tạo thì hồ Diên Hồng lại là viên ngọc bích do con người mài giũa mà thành. Hồ nằm ngay trung tâm thành phố, diện tích khoảng 26 ngàn m2, nằm giữa quần thể công viên cây xanh rộng lớn. Nhìn từ trên cao, hồ nước như miếng ngọc xanh tô điểm cho dáng vẻ đô thị cao nguyên đặc trưng. Nguyên sơ chỉ là giọt nước nơi đầu nguồn con suối nhỏ, ẩn mình giữa thung lũng cây xanh, bằng hàng vạn ngày công lao động, cư dân quanh vùng đã tạo nên hình hài hồ Diên Hồng rộng lớn, xinh đẹp như ngày nay. Hồ nước này đã tạo cho Phố núi vốn mang vẻ đẹp lãng mạn của đồi dốc trập trùng càng trở nên êm đềm, hiền hòa. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng có câu nói kinh điển: "Chúng ta đã dựng nên thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta", ý nói căn tính con người được tạo nên bởi chính nơi họ sống, trên đất đai mà họ từng khai phá, gầy dựng.
Ngoại ô Phố núi còn có một hồ nước tự nhiên rộng lớn, đó là hồ Trà Đa. Điều thú vị ở chỗ, bao bọc quanh hồ nước này là thảm cỏ xanh đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Chiều về, ngồi bên bờ cỏ ngắm hoàng hôn dần buông trên mặt hồ, tâm trí con người trở nên nhẹ bẫng, rửa trôi bao muộn phiền. Cảnh quan, sinh hoạt quanh hồ đặc trưng cho lối sống và phong vị riêng của cư dân cao nguyên với những vườn hồ tiêu hàng nối hàng thẳng tắp, những vườn cà phê mênh mông không thấy điểm dừng, những trại ong dưới tán thông xanh dẫn đến hồ nước. Theo một số bậc cao niên, hồ nước tự nhiên này đã có từ lâu đời, có thể là một miệng núi lửa đã ngủ yên. Nhiều thế hệ người Việt từ đồng bằng lên cao nguyên sinh sống ngay những ngày đầu thành lập đô thị Pleiku đã chọn vùng đất ngoại ô thanh bình này cũng bởi ở đâu có nước, ở đó có sự sống.
Bao bọc quanh hồ Trà Đa là thảm cỏ xanh đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Ảnh: Minh Châu
Nằm lọt thỏm giữa thung lũng Núi Đá có một hồ nước nhỏ mang vẻ đẹp đầy ấn tượng. Điều đặc biệt là nước hồ chuyển màu liên tục theo màu trời hoặc thảm thực vật sinh sôi theo mùa trên vách núi. Màu nước khi xanh như tàu lá chuối non, khi xanh nhạt như một thảm rêu sắp tàn lụi, khi lại loang màu phù sa. Vào mùa khô, khi hoa dã quỳ vàng rực thung lũng Núi Đá, cảnh tượng nơi đây không khác gì một bức tranh sơn thủy mê hoặc. Nhiều bạn trẻ chọn địa điểm này để chụp ảnh cưới, ghi dấu những phút giây hạnh phúc trong đời. Nơi đây cũng là địa điểm đón bình minh tuyệt đẹp, trở thành niềm cảm hứng cho nhiều người đam mê chụp ảnh.
Từ kiến tạo địa chất, Phố núi Pleiku có nhiều hồ nước đẹp và rộng lớn mà ít thành phố nào trên dải đất hình chữ S có được. Hồ trên núi trở thành tiềm năng hiện hữu cho ngành kinh tế xanh của Phố núi. Dù được tạo nên bởi thiên nhiên hay công sức, trí tuệ con người, những hồ nước trên cao nguyên Pleiku đều mang lại những giá trị to lớn trong đời sống người dân sở tại, đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Đến với những hồ nước này là hành trình khám phá thú vị, không chỉ thỏa mãn về thị giác, du khách còn được tận thấy cuộc sống giàu màu sắc của cư dân bản địa trên cao nguyên Pleiku.
Gia Lai: Chiêm ngưỡng hòn đá chồng ở Chư Don Thời gian qua, thắng cảnh hòn đá chồng ở làng Plei Thơ Ga B (xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) thu hút khá đông khách đến tham quan, trải nghiệm. Đứng ngắm đá tảng xếp chồng lên nhau với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí và lắng nghe câu chuyện tình yêu của vợ chồng người Jrai là một trải...