Gia Lai: Chỉ đạo xử lý bảo kê dưa và giải cứu khoai lang giúp dân
Trước tình trạng hàng nghìn tấn khoai lang ế không có đầu ra và dưa hấu được mùa bị côn đồ đòi bảo kê, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản hỏa tốc yêu cầu ngành chức năng, địa phương vào cuộc xử lý, giúp dân yên tâm sản xuất.
Như Dân Việt đã phản ảnh, thời gian qua người dân 2 huyện ở Gia Lai, gồm: Phú Thiện (140.000 tấn khoai lang Nhật không có đầu ra) và huyện Krông Pa (dưa hấu được mùa, được giá với sản lượng hơn 34.000 tấn nhưng bị nhiều nhóm côn đồ đòi bảo kê, ép giá). Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng rốt ráo vào cuộc “giải cứu” giúp nông dân để dân yên tâm sản xuất, hạn chế thiệt hại. Mới đây nhất, UBND tỉnh Gia Lai gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu Công an tỉnh và huyện Krông Pa xác minh thông tin, xử lý tình trạng bảo kê dưa hấu báo cáo kết quả về tỉnh trước ngày 12.3.
Dưa hấu được mùa, được giá bị côn đồ tranh giành bảo kê
Thông tin trước đó, tại xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) xảy ra vụ việc 2 nhóm “giang hồ đòi bảo kê dưa hấu” vì tranh chấp địa bàn đã hẹn nhau ra ngã ba – cách trụ sở của UBND xã khoảng 300m để giải quyết. Lúc 2 nhóm với cả trăm người cầm gậy, tuýp sắt, mã tấu chuẩn bị lao vào nhau hỗn chiến thì được cơ quan công an can thiệp kịp thời. Hiện sự việc liên quan đến bảo kê dưa hấu, tranh chấp giữa các “nhóm côn đồ” vẫn đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Cường – Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Pa cho biết: Huyện mới tiếp nhận văn bản chỉ đạo hỏa tốc từ UBND tỉnh và đã nhanh chóng ra văn bản mới yêu cầu cơ quan công an và các địa phương khẩn trương xác minh làm rõ vấn đề bảo kê nông sản, đảm bảo cho dân yên tâm sản xuất.
Video đang HOT
Huyện Krông Pa yêu cầu cơ quan công an kiểm tra, xử lý tình trạng côn đồ đòi bảo kê dưa hấu
Trước đó, ngay sau khi có thông tin “khoảng 60-70 người từ Hải Phòng đến địa bàn huyện để bảo kê, ăn chặn, ép các chủ ruộng dưa gây bức xúc cho người dân”, huyện Krông Pa yêu cầu Công an huyện điều tra, xử lý triệt để, tránh thiệt hại cho người trồng dưa và đảm bảo an toàn cho người dân cũng như an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, yêu cầu cơ quan công an cử trinh sát xuống địa bàn để điều tra, trấn an người dân.
Tại huyện Phú Thiện, sau thông tin 140.000 tấn khoai lang Nhật có nguy cơ thối đầy đồng, UBND Gia Lai đã chỉ đạo các ngành chức năng gấp rút tìm cách giải cứu giúp dân. Ngay sau đó, Sở NN&PTNT chủ trì cùng với các Sở Công Thương, Kế hoạch – Đầu tư, Khoa học Công nghệ… và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (có nhà máy chế biến đặt tại huyện Mang Yang, Gia Lai) sẽ đi thực tế, tìm đầu ra. Đến nay, hàng trăm tấn khoai lang tại huyện Phú Thiện đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đứng ra thu mua, giải cứu giúp dân. Theo đó, Ngân hàng Thực phẩm – Food Bank Việt Nam đưa về TP. HCM bán hơn 200 tấn, Hội Chữ Thập Lâm Đồng, Hội Chữ Thập Đỏ Đồng Nai và Big C Đà Nẵng… cũng đã vào cuộc giải cứu giúp dân trồng khoai.
Còn khoảng 70.000 tấn khoang lang Nhật ở Phú Thiện tiếp tục chờ giải cứu
Ông Bùi Trọng Thành – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho biết: Đến thời điểm hiện tại, số lượng khoai lang trên địa bàn đã được người dân thu hoạch và bán được khoảng 50%. Thời gian qua, sau khi báo chí lên tiếng đã có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp thu mua khoai giúp dân, mặc dù giá bán không được cao nhưng người dân đã có đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, người dân mong muốn sẽ có nhiều đơn vị tiếp tục thu mua khoai giúp dân vì còn khoảng 50% diện tích vẫn chưa thu hoạch, nếu để lâu khoai sẽ bị hư hỏng.
Theo Danviet
Nóng: Gia Lai lên kế hoạch giải cứu 14.000 tấn khoai lang Nhật
UBND tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo ngành nông nghiệp tìm giải pháp, đưa doanh nghiệp xuống đồng giải cứu 700ha khoai lang Nhật không có người thu mua tại huyện Phú Thiện.
Ngày 28.2, trao đổi với Dân Việt, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các ngành liên quan, UBND huyện Phú Thiện kiểm tra việc hàng trăm héc ta khoai lang Nhật trồng ở huyện Phú Thiện đến mùa thu hoạch nhưng không có người thu mua. Từ đó có hướng xử lý nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân.
Ngành nông nghiệp Gia Lai lên kế hoạch đưa doanh nghiệp xuống đồng giải cứu khoai lang giúp nông dân. Ảnh: L.K
Theo ông Có, Sở NN&PTNT đang triển khai rất khẩn trương, đã mời gọi các doanh nghiệp thu mua khoai lang. Theo kế hoạch, ngày 1.3 đoàn liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì cùng với các Sở Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học Công nghệ... và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (có nhà máy chế biến đặt tại huyện Mang Yang, Gia Lai) sẽ đi thực tế, tìm đầu ra giúp dân.
Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản liên kết với Ban An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua khoai lang giúp dân.
Về diện tích khoai lang chờ "giải cứu", ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho biết: "Toàn huyện hiện có hơn 700ha khoai lang Nhật với năng suất trung bình 20 tấn/ha, tương đương sản lượng 14.000 tấn đang đến vụ thu hoạch nhưng không có đầu ra, bà còn vẫn để trên đồng, chưa thu hoạch. Huyện đã kết nối doanh nghiệp đến thu mua nhưng chưa có kết quả, trước đây có doanh nghiệp đặt cọc hứa thu mua khoai lang nhưng không hiểu sao đến mùa lại không thấy".
Nhiều hộ dân chấp nhận lỗ đã bán tháo khoai lang vì sợ càng để lâu càng thiệt hại nặng. Ảnh: Lê Kiến
Hiện nay, tại huyện Phú Thiện có 2 địa phương trồng khoai lang Nhật nhiều nhất là xã Chư A Thai (khoảng 300ha) và xã Ia Sol (300ha).
Ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Ia Sol cho biết: "Mấy hôm nay tới vụ thu hoạch mà không có người đến thu mua nên người dân rất lo lắng, có hộ phải tự xoay sở, thuê xe chở đi các thành phố lớn để bán dần. Năm ngoái bà con trồng 80ha, năm nay nghĩ giá sẽ lên khoảng 13.000 -14.000 đồng/kg nên bà con trồng rất nhiều, bỏ qua khuyến cáo của địa phương. Nếu trong vòng 10 ngày nữa không thu hoạch kịp thì khoai sẽ bị sùng, hư hỏng. Hiện khoai lang đẹp bán ngay tại vườn chỉ đạt 2.000 đồng/kg, mặc dù lỗ nhưng bà con vẫn buộc phải bán. Nếu có doanh nghiệp chịu đứng ra mua giá cao thì may ra nông dân mới đỡ thiệt".
Theo Danviet
Gia Lai: Khốn khổ, dưa hấu được mùa, giang hồ tranh nhau bảo kê Mới vào vụ dưa hấu, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã xảy ra tình trạng bảo kê tranh chấp giữa các "nhóm giang hồ". UBND huyện Krông Pa phải ra văn bản yêu cầu công an vào cuộc điều tra để đảm bảo an toàn cho dân, tránh tình trạng bảo kê, ép giá. Ngày 6.3, ông Nguyễn Thế Cường - Chánh Văn...