Gia Lai: 2.000 cây sầu riêng chết cháy khô vì… bón phân SEA+ Amino
2.000 cây sầu riêng giống chết khô, hàng chục cây sầu riêng đang khai thác bị rụng quả, hàng trăm trụ tiêu cùng chung số phận sau khi được bón một loại phân bón dạng nước gắn nhãn mác SEA Amino.
Cây chết vì… phân bón
Ông Nguyễn Tấn Dũng (48 tuổi, trú thôn Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Gia Lai) vừa nhổ 1.000 cây sầu riêng giống chết khô ra khỏi vườn ươm. 1.000 cây còn lại lá rũ xuống, héo quắt. Ông Dũng nói khoảng tuần nữa là bỏ hẳn, không sống nổi.
Cây sầu riêng giống của ông Dũng chết khô, phải vứt bỏ
Đây là các cây sầu riêng giống 1-2 năm tuổi, ông mua từ Bến Tre với giá 100.000 đồng/cây và giống mua từ Malaysia với giá 120.000 đồng/cây. Sau 4 tháng chăm sóc, ông dự tính bán lại với giá 120.000 – 150.000 đồng/cây, nhưng giờ đành trắng tay.
Ông Hòa (áo xanh) và ông Dũng thất thần vì sầu riêng chết, rụng trái
Theo ông Dũng, ngày 5/3, qua lời giới thiệu, ông mua 8 can (7 can 5 lít, 1 can 2 lít) phân bón dạng nước. Theo thông tin ghi trên nhãn mác thì đây là phân bón SEA Amino, do Công ty TNHH MTV TM Nguyễn Thanh Hải (viết tắt là Công ty Nguyễn Thanh Hải, trụ sở ở 32/3F Dương Công Khi, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) sản xuất.
Ông Lê Bá Phong, người của Công ty TNHH Hữu Cơ Thuận Thiên (phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) – đơn vị phân phối của Công ty Nguyễn Thanh Hải – trực tiếp đến tư vấn, hướng dẫn sử dụng.
Video đang HOT
Ông Phong nói với tôi rằng: “Đổ phân SEA Amino vào, cây sầu riêng sẽ phát triển xanh tốt, 3 tháng không cần phải bón phân”. Sau 10 ngày, thấy cây vẫn bình thường, không xanh tốt. Ông Dũng gọi, ông Phong xuống bảo lần một đổ chưa đủ, phải bón lần hai. Bón vào, cây bắt đầu cháy lá, đất trong bầu ươm có dấu hiệu khô. Nghe theo lời tư vấn, ông Dũng bón lần 3 để cây khỏi chết, thì cây lại rụng lá, chết nhanh hơn.
Phân bón SEA mà ông Nguyễn Bá Phong giới thiệu cho nông dân, có cả những can không có nhãn mác.
Lúc này, ông Dũng nhiều lần gọi điện, nhắn tin báo ông Phong xuống xem xét, giải quyết nhưng không thấy phản hồi.
Ông Lê Minh Hòa (trú thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) người giới thiệu ông Dũng mua loại phân bón này cũng chung số phận.
Tháng 7/2019, ông Hòa chi khoảng 100 triệu đồng để mua phân có gắn nhãn mác SEA Amino bón cho 145 cây sầu riêng lớn nhỏ, trong đó có 28 cây 6 năm tuổi, đang cho thu hoạch. Bón vào 28 cây lớn quả rụng la liệt. Ông Hòa nhẩm tính, mỗi cây sẽ cho khoảng 60 quả (2 tạ). Năm trước thu bói, năm nay bước vào thu chính, dự kiến thu 5 tấn. Nếu đậu quả, sẽ kiếm được 250 triệu đồng. Giờ vườn ông Hòa không đậu được trái sầu riêng nào, mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Giám đốc công ty từng bị đề nghị điều tra
Nhận đơn phản ánh của hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, UBND xã Ia Dreng đã cử đoàn xuống kiểm tra.
Biên bản của xã Ia Dreng nêu: Số lượng hàng hóa có 8 can (phân bón) của Công ty Nguyễn Thanh Hải, do đại lý bán lẻ Tân Quang Phong (địa chỉ 694 Lê Duẩn, TP.Pleiku, Gia Lai) trực thuộc Công ty TNHH Hữu Cơ Thuận Thiên phân phối. Hai bên không có giấy tờ hợp đồng mua bán. Số lượng cây chết 100% là 1.585 cây, ảnh hưởng 30-70% là 415 cây. Tổng thiệt hại là 2.000 cây sầu riêng giống.
Ông Nguyễn Văn Cửu – Chủ tịch xã Ia Dreng cho biết: “UBND xã đang phối hợp với Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh lập đoàn kiểm tra, làm rõ. Chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên mua các mặt hàng phân bón không có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác”.
Năm 2016, UBND huyện Đức Cơ đã giao Công an huyện điều tra, xử lý ông Nguyễn Bá Phong
Theo ông Phạm Văn Thùy – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh, đơn vị đã yêu cầu ông Nguyễn Bá Phong – đại diện đại lý cung ứng Tân Quang Phong và đại diện Công ty Nguyễn Thanh Hải về UBND xã Ia Dreng làm rõ. Dự kiến ngày hôm nay (12/5) đối chất. Công ty và đại lý phân phối phải mang hồ sơ, chứng từ liên quan đến phân bón để cơ quan chức năng kiểm tra.
Đây không phải là lần đầu việc sử dụng phân bón có gắn nhãn mác SEA của Công ty Nguyễn Thanh Hải do Công ty Hữu Cơ Thuận Thiên cung ứng gây họa. Báo cáo số 86 (ngày 28/10/2016) của Phòng NNPTNT huyện Đức Cơ nêu: Ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Thanh Tân, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) được ông Nguyễn Bá Phong tư vấn giới thiệu, quảng bá dùng phân bón SEA của Công ty Nguyễn Thanh Hải để “khống chế dịch chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu”. Với 950 trụ tiêu trong vườn, ông Tuấn bón phân SEA cho 650 trụ (500 trụ đang kinh doanh tốt), cả 650 trụ tiêu đều bị chết. 300 trụ tiêu còn lại không bón vẫn bình thường.
Phòng NNPTNT huyện Đức Cơ khẳng định, phân bón SEA chỉ có tác dụng cải tạo đất, không có tác dụng phòng trừ nấm gây bệnh. Việc tư vấn của ông Nguyễn Bá Phong là trái quy trình kỹ thuật, gây thiệt hại lợi ích kinh tế cho nông dân. Từ đó, đề nghị UBND huyện chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra.
Huyện Đức Cơ sau đó có công văn giao Công an huyện điều tra, xử lý ông Nguyễn Bá Phong, đại diện tại Gia Lai cho Công ty Hữu Cơ Thuận Thiên vì có hành vi tư vấn, hướng dẫn sử dụng sản phẩm SEA không đúng với công dụng đã đăng ký.
Trường mới xây hơn 13 tỷ đồng đã bị sụt lún: Sửa xong lại bị nứt tiếp
Trường THPT Nguyễn Thái Học cơ sở 2 (huyện Chư Pưh, Gia Lai) được xây hơn 13 tỷ đồng nhưng qua nhiều lần sửa chữa vẫn xuất hiện các vết nứt lớn ở phần móng các phòng học.
Dự án Trường THPT Nguyễn Thái Học (cơ sở 2) do Sở GD&ĐT Gia Lai làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là hơn 13,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA và đối ứng địa phương. Dự án do liên doanh Công ty Cổ phần Nam Sao và Công ty Cổ phần Hưng Phú thi công. Công trình khởi công từ tháng 9/2016, đến tháng 6/2017 thì hoàn thành. Trường gồm 18 phòng học, 3 phòng bộ môn; quy mô 1 trệt, 2 lầu.
Những vị trí mới sửa xong đã bị nứt tiếp.
Vào năm học 2017-2018, nhà trường đã tổ chức việc dạy học tại đây. Tuy nhiên, trong học kì 2, quanh phần móng của dãy phòng học đã xuất hiện tình trạng hư hỏng khiến thầy và trò rất hoang mang.
Ngay sau khi báo Dân trí phản ánh, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản, giao cho Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, xác minh. Theo kết quả kiểm tra, nền đất đắp bị lún cục bộ. Việc lún cục bộ này khiến cho kè đá đoạn trục bị nứt với chiều dài 8,7m, có chỗ rộng 2cm. Nền khu vệ sinh cũng bị lún cục bộ, gãy võng nền, ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng và chất lượng mỹ quan. Sau khi đánh giá nguyên nhân, đơn vị thi công đã cho tiến hành sửa chữa.
Những vết nứt chạy dài bờ tường khiến các lớp xi măng đang bị bong ra
Tuy nhiên, được vài tháng thì dãy phòng học 3 tầng lại tiếp tục xuất hiện tình trạng các vết nứt kéo dài và sâu ở móng. Theo ghi nhận, phía sau dãy phòng học 3 tầng, các vết nứt kéo dài, xé toạc các mảng bê tông được trám một cách đơn sơ bên ngoài. Từng mảng bê tông chỉ cần lấy tay khảy nhẹ là rơi.
Các vết nứt sâu và rộng có thể đút lọt bàn tay vào được. Vết nứt kéo dài và chạy dọc theo tường của phòng học. Đồng thời, dọc phần móng cũng xuất hiện thêm nhiều vết nứt khác. Ngoài ra, các vết nứt trên tường ở ngoài hành lang từ tầng 1 lên đến tầng 3 vẫn chưa được sửa chữa. Nhà vệ sinh nam vẫn có dấu hiệu thấm nước.
Đại diện chủ đầu tư công trình là Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đơn vị thi công đã tiến hành sửa bằng phương pháp tưới nước đủ ẩm và nhồi vữa xi măng mác cao vào vị trí nứt. Đối với nhà vệ sinh tầng 1 và tầng 2 đã tháo dỡ sàn gạch, kiểm tra đường ống chạy ngầm, lát lại sàn...
Dù đã sữa chữa nhưng tiếp tục lại xuất hiện các vết nứt lớn hơn
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quý Sửu - Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi sửa chữa hoàn tất, Sở chưa nhận được báo cáo về tình trạng hư hỏng trở lại tại Trường THPT Nguyễn Thái Học cơ sở 2. Tới đây, Sở sẽ thành lập đoàn để kiểm tra.
Phạm Hoàng
Gia Lai: Ông chủ trẻ ra nhờ nuôi loài kêu be be, thu nhập khỏe re Từ "vũng lầy" hồ tiêu, anh Thảo, xã Ia Le, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) chuyển sang nuôi loài vật chỉ ăn lá, cỏ, mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Nhưng anh bảo cái được lớn nhất khi nuôi đàn dê Bách Thảo 100 con là khỏe re, cảm giác như được trẻ ra, không phải bạc tóc lo nghĩ...