Giá khí đốt châu Âu tăng 30% sau khi nguồn cung từ Nga giảm
Giá khí đốt châu Âu ngày 27/7 đã tăng 30% trong vòng hai ngày sau khi Nga cảnh báo cắt giảm một nửa lượng khí đốt cung cấp tới châu lục này so với mức vốn đã thấp.
Giá khí đốt ở châu Âu dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: SPE
Sau khi tăng vọt hôm 26/7, giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng thêm 9% ngày 27/7, gần mức cao kỷ lục đạt được hồi tháng 3 ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, tờ Independent (Anh) trích dẫn các nhà quan sát thị trường cho biết.
Các hợp đồng tương lai giao tháng 8 gắn với giá khí bán buôn tiêu chuẩn châu Âu TTF đã tăng 20% vào ngày 27/7, vượt 210 euro/MWh (Megawatt giờ), tăng hơn 10 lần so với mức trung bình trong giai đoạn 2010-2020. Không có gì ngạc nhiên khi giá năng lượng tiêu chuẩn ở Đức đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 370 euro/MWh, một bước nhảy lớn so với mức giá dưới 60 euro/MWh tiêu chuẩn trước năm 2021.
Nhà phân tích Kaushal Ramesh của công ty năng lượng Rystad nói với tờ Financial Times: “Chúng tôi hiện đang vượt quá giới hạn khả năng chi trả của nhiều người dùng công nghiệp và chúng tôi có thể báo động suy thoái sẽ sớm xuất hiện”.
Công ty dầu mỏ quốc gia Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung trên đường ống Nord Stream 1 từ một nửa đến 20% công suất toàn phần vào hôm 27/7, gây thêm áp lực lên nguồn cung vốn đã rất căng thẳng. Liên minh châu Âu coi động thái này là một nỗ lực nhằm gây áp lực buộc khối này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva.
Trước đó, Gazprom đã cắt nguồn cung cấp cho 12 quốc gia châu Âu thông qua Nord Stream 1 – chạy về phía Tây qua Biển Baltic đến Đức – xuống còn 40% công suất trong nhiều tuần. Gazprom đã thông báo về sự sụt giảm này vào hôm 25/7, với lý do việc trả lại một tuabin khí cho một trạm nén khí từ Canada bị trì hoãn và đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các nhà kinh tế đang cảnh báo rằng giá khí đốt của châu Âu có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. “Với những hạn chế trong việc đảm bảo khí đốt tự nhiên từ các nhà cung cấp thay thế, chúng tôi dự báo châu Âu sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu khí đốt của mình, điều này sẽ khiến giá TTF tăng cao trong một thời gian, đồng thời có khả năng làm chệch hướng nỗ lực lấp đầy kho dự trữ của châu Âu lên 80%”, nhà phân tích Jennifer McKeown tại Capital Economics nói với Morningstar.
'Vũ khí' mới của Nga nhắm tới châu Âu
Việc Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu đã đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng của châu lục này sang giai đoạn mới, có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế lục địa già.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã điều chỉnh lượng phân phối tới Đức, qua đường ống Nord Stream, trong tuần này. Lý do công ty đưa ra là họ thiếu bộ phận tuabin khi sản phẩm này đang mắc kẹt ở Canada vì lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, phương Tây bác bỏ lời giải thích. Họ nói rằng Moscow đang "vũ khí hóa" khí đốt để chống lại Liên minh châu Âu, trả đũa cho lệnh trừng phạt và việc khối này cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Chúng tôi nhận thông báo lý do cắt giảm nguồn cung đối với toàn châu Âu là do yếu tố kỹ thuật", Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết hôm 16/6 trong cuộc họp báo ở Kyiv. "Đức, Italy và các nước khác không tin đây là sự thật. Trên thực tế, đây là cách (Nga) lấy khí đốt làm công cụ chính trị, giống như việc sử dụng lúa mì vậy".
Việc thắt chặt nguồn cung đánh dấu bước ngoặt với Điện Kremlin khi Moscow đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Nga, cùng lúc quản lý nền kinh tế gần như không giao lưu với thương mại phương Tây.
Moscow bắt đầu giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu từ năm ngoái, nhưng Gazprom vẫn tiếp tục gửi theo hợp đồng dài hạn, và doanh thu tăng vào thời điểm giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt.
"Điện Kremlin tin rằng họ đang ở trong cuộc đấu tranh dài hơi với Mỹ và châu Âu, cả ở Ukraine lẫn mặt trận địa kinh tế. Nhưng Moscow không có nhiều công cụ giáng đòn mạnh vào châu Âu, và khí đốt là vũ khí mạnh nhất", Alexander Gabuev - thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế - cho biết.
Theo ông, có vẻ như Moscow quyết định thực hiện động thái đầu tiên ngay lúc này, không cho châu Âu thời gian chuẩn bị và làm gián đoạn quy trình lấp đầy kho dự trữ.
EU cáo buộc Nga sử dụng chiêu bài khí đốt
Người đứng đầu Gazprom, Alexei Miller, hôm 16/6 cho biết công ty không gặp khó khăn gì khi giảm nguồn cung khí đốt vì giá đã tăng. Trước đó, Gazprom đã cắt nguồn cung tới các công ty ở Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria và nhiều nơi khác. Tập đoàn nói rằng các công ty này không tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.
Tuần này, Gazprom giảm nguồn cung của cả các công ty đã tuân thủ sắc lệnh của Điện Kremlin. Uniper SE của Đức, OMV AG của Áo và Eni SpA của Italy - những công ty năng lượng lớn nhất lục địa - nói lượng hàng từ Nga đã giảm. Tập đoàn Cez của CH Czech và công ty điện lực Pháp Engie SA cũng thông báo tương tự.
Đức cho biết nguồn cung khí đốt của họ vẫn được đảm bảo và Berlin có thể mua nhiên liệu từ các nguồn khác, mặc dù với giá cao hơn.
Tuy nhiên, việc Nga giảm nguồn cung sẽ gây khó khăn cho kế hoạch lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông, có khả năng khiến các nhà máy và hộ gia đình trên khắp lục địa gặp thách thức.
Dữ liệu từ Nord Stream cho thấy khí đốt chảy vào khoảng 55% tốc độ từ đầu tuần. Nếu giá khí đốt tương lai của châu Âu tăng hơn nữa, điều này sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát. Lạm phát đã làm xáo trộn thị trường trái phiếu của khu vực và làm dấy lên lo lắng về sự ổn định của khu vực đồng euro.
Giá khí đốt ở Hà Lan - vốn là mốc chuẩn ở tây bắc châu Âu - đã tăng 47% trong tuần qua và cao hơn 4 lần so với một năm trước.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga tới Đức. Ảnh: Reuters.
Đại sứ Nga tại EU, Vladimir Chizhov, cảnh báo đường ống Nord Stream có thể dừng hoạt động do thiếu các bộ phận. Đường ống này là con đường chính dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu, tương đương khoảng một nửa tổng lượng khí đốt vào năm 2021.
"Tôi nghĩ đó sẽ là thảm họa với Đức", ông Chizhov nói.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết Moscow đang lấy năng lượng làm công cụ "tống tiền" EU. Đại diện EC và các quốc gia thành viên họp hôm 16/6 và nói hiện không có mối đe dọa với nguồn cung của khối.
Châu Âu có lựa chọn hạn chế trong ngắn hạn. Các quan chức chính phủ và công ty đã tìm nguồn cung thay thế trên toàn cầu, đạt được thỏa thuận ở Mỹ, Ai Cập và Israel, trong khi đảm bảo lượng hàng cao hơn từ các nhà sản xuất ở cả Azerbaijan và Na Uy.
Châu Âu lâm vào tình huống khó?
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của lục địa đã gần đạt mức tối đa, và cơ sở hạ tầng phân bổ không đồng đều.
Cơ sở nhập khẩu LNG đầu tiên của Đức sẽ không hoạt động, ít nhất là vào cuối năm nay. Hà Lan cũng không có kho LNG mới.
Trong khi đó, một vụ hỏa hoạn tại nhà máy xuất khẩu chính ở Texas sẽ hạn chế lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trong vài tháng.
Trung Quốc đang phong tỏa nên nhu cầu ở châu Á có thể tăng lên, khiến cuộc cạnh tranh về khí đốt càng thêm gay gắt.
Các nhà phân tích cho biết việc Uniper, Eni và OMV bị giảm nguồn cung có tác động đặc biệt nghiêm trọng. Những công ty năng lượng lớn của châu Âu và các công ty tiền thân đã có quan hệ kinh doanh chặt chẽ với Moscow từ thời Chiến tranh Lạnh.
Họ đã tìm cách duy trì mối quan hệ này trong những năm gần đây, ngay cả khi căng thẳng giữa phương Tây và Nga lên cao.
Nga tuyên bố dừng bán khí đốt tự nhiên cho một số nước châu Âu khi họ từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble. Ảnh: Reuters.
"Nếu Nord Stream bị ngừng hoạt động và ngay cả khi đường ống bị cắt ở mức 40%, châu Âu sẽ lâm vào tình huống khó. Nếu Gazprom ngừng bơm (khí đốt) qua Nord Stream và không thay thế tuyến đường khác, kho khí đốt ở châu Âu có thể sẽ cạn kiệt vào tháng 1 tới", Massimo Di Odoardo - Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie - cho biết
Câu hỏi lớn đối với các công ty năng lượng và quan chức phương Tây là liệu Gazprom có chuyển từ giảm sang ngừng xuất khẩu hẳn hay không.
Tom Marzec-Manser - nhà phân tích khí đốt tại công ty dữ liệu hàng hóa ICIS - cho biết châu Âu sẽ tồn tại "lỗ hổng" 13,5 tỷ m3 trong nguồn cung nếu Nga chỉ bơm khoảng 67 triệu m3/ngày qua Nord Stream - dưới mức dự kiến trước đó là 167 triệu m3.
"Đó rõ ràng là chiến lược gây bất ổn và tăng giá", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết. Ông nói thêm trong khi nguồn cung cấp khí đốt của Đức được đảm bảo, nước này phải lấp "chỗ trống" Nga để lại với giá cao hơn.
Ông Habeck kêu gọi người Đức tiết kiệm năng lượng. "Tình hình hiện nay cho thấy tiết kiệm năng lượng là yêu cầu của thời đại", bộ trưởng nói.
Tiêm kích NATO chạm trán máy bay trinh sát Nga .Video mới được NATO giải mật cho thấy tiêm kích khối này có những lần giáp mặt sát với máy bay quân sự Nga bên trên bầu trời châu Âu, giữa lúc căng thẳng gia tăng vì Ukraine.
Giá khí đốt châu Âu tăng 25% khi Nga giảm nguồn cung qua Dòng chảy Phương Bắc Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng mạnh vào hôm 15/6, sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng cung cấp qua đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream). Trạm tiếp nhận của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 trên biển Baltic. Ảnh: Sputnik Theo đài RT...