Giá khẩu trang ở nhiều quốc gia tăng tới 20 lần
Mặt hàng khẩu trang ở một số nơi trên thế giới tăng giá chóng mặt, người thiếu kẻ thừa, dùng sai mục đích.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 7/2 đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác trong bối cảnh đối phó với dịch bệnh do virus corona gây nên.
Nhiều người đang hiểu sai về cách dùng khẩu trang trong mùa dịch nCoV. Ảnh minh họa: TASS
Tại cuộc họp ban điều hành của WHO, Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết, giá các loại mặt hàng như khẩu trang đã tăng hơn 20 lần tại một số nơi trên thế giới.
Theo ông, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi khẩu trang “sử dụng không hợp lý” bởi những người không bị ốm hay không phải là nhân viên y tế.
Tổng Giám đốc Tedros ca ngợi các công ty đưa ra cam kết sẽ ưu tiên bán các mặt hàng thiết yếu cho các nhân viên y tế – những người đang cần mặt hàng này nhất, tiếp đó là những người bị ốm hay những người chăm sóc người ốm.
“Chúng ta cần bảo đảm rằng những người cần các loại mặt hàng thiết yếu đó nhất sẽ nhận được đầy đủ.” – Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
WHO dự kiến sẽ đưa ra lời kêu gọi các quốc gia và công ty trên thế giới hợp tác với cơ quan này để bảo đảm nguồn cung của thị trường, cũng như tái cân bằng lại các nhu cầu trên thị trường về mặt hàng khẩu trang.
Khẩu trang y tế đang trở nên cần thiết trong bối cảnh dịch nCoV vẫn diễn biến khó lường.
Tại Trung Quốc đã có trường hợp thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chặn lại và “cướp” 598 hộp khẩu trang của Thành phố Trùng Khánh khi xe chở lô hàng này đi ngang qua thành phố Đại Lý. Lô khẩu trang trên được thành phố Trùng Khánh mua từ nước ngoài để đối phó dịch virus Corona gây viêm phổi Vũ Hán.
Chính quyền Đại Lý cho biết sẽ trả lại 331 trong tổng số 589 hộp khẩu trang cho Trùng Khánh, đồng thời bồi thường 990.330 nhân dân tệ (3,3 tỉ đồng) cho số hộp khẩu trang mà thành phố đã lỡ dùng.
Theo sau vụ “cướp” khẩu trang trên, ông Yang Yanchi – người đứng đầu Sở Y tế Đại Lý – đã bị cách chức.
Ở tâm dịch nCoV Vũ Hán, chính quyền thành phố này còn bị chỉ trích vì đã “cuỗm” số khẩu trang được quyên góp cho các nhân viên y tế để sử dụng. Một số hình ảnh khác lan truyền trên Weibo cho thấy các quan chức Vũ Hán đeo khẩu trang phòng độc chuyên dụng N95 trong một cuộc họp với những bác sĩ chỉ đeo khẩu trang y tế thông thường. Hình ảnh đã nhận lại vô số chỉ trích.
Tại Thượng Hải, nhiều người sẵn sàng trả giá khẩu trang lên gấp 10 lần nhưng không có hàng để mua.
Trên khắp Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore, mọi người xếp hàng hàng giờ tại các hiệu thuốc để tranh thủ mua trước khi nguồn cung cạn kiệt.
Tại một số quốc gia giá khẩu trang bán tại cửa hàng thuốc đã tăng lên chóng mặt như ở Nga, Hàn Quốc, Việt Nam… buộc chính quyền có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh sẽ đóng cửa bất cứ hiệu thuốc nào bán tăng giá mặt hàng khẩu trang trong bối cảnh nhu cầu tăng cao vì lo ngại dịch nCoV có thể lây lan.
Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, ông Putin chỉ trích việc trục lợi từ việc bán mặt hàng khẩu trang và yêu cầu các hiệu thuốc không thực hiện kiểm soát giá cả phải chịu hình phạt là tước giấy phép.
Ở Hàn Quốc, Bộ Kinh tế và tài chính ra quy định, người thực hiện hành vi tích trữ nhằm đầu cơ khẩu trang sẽ phải đối mặt với án tù tối đa hai năm hoặc bị phạt tối đa 50 triệu won, khoảng 42.108 USD.
Bộ trưởng Tài chính Hong Nam Ki tuyên bố sẽ không thể để tình trạng thiếu hụt khẩu trang phòng bệnh xảy ra tại Hàn Quốc do các hoạt động kinh doanh không công bằng, chẳng hạn như tích trữ để đầu cơ. Ông Hong cũng khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng khẩu trang.
Trong một phát biểu, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, người dân nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ về cách bảo vệ bản thân trước chủng virus corona mới, theo đó, không cần mang khẩu trang nếu họ thấy khỏe.
“Chúng tôi không thiếu khẩu trang và hiện còn nhiều. Nhưng nếu mọi người ngày nào cũng đeo khẩu trang, bất kể có ích hay không, chúng ta sẽ mất từ 18-24 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày. Khi đó, chúng ta sẽ thiếu” – ông Lý nói.
Thủ tướng Singapore nói rằng, đeo khẩu trang mọi lúc có thể phản tác dụng, tạo cho người đeo một “cảm giác an toàn giả tạo”.
Quế Chi
Theo baodatviet.vn
Thành phố Trung Quốc bị tố 'chặn xe cướp' khẩu trang của hàng xóm nguy cấp
Một thành phố Trung Quốc, chỉ có 8 trường hợp xác nhận nhiễm virus corona chủng mới, bị cáo buộc chặn lô hàng khẩu trang đang trên đường tới đô thị kế bên với gần 400 ca nhiễm bệnh, gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng.
Các bệnh viện, thị trấn và thành phố trên khắp Trung Quốc đang tranh giành nguồn cung cấp thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona, dịch bệnh khởi phát ở trung tâm thành phố Vũ Hán vào tháng 12, lên tới con số gần 30 nghìn, với gần 600 người chết.
Chính quyền thành phố Đại Lý ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam bị cáo buộc trong tuần này đã đưa ra yêu cầu trưng dụng khẩn cấp đối với lô hàng khẩu trang đang trên đường tới thành phố Trùng Khánh, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch virus corona chủng mới - truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Các nhân viên y tế cầm nhiệt kế kiểm tra hành khách tại trạm kiểm soát ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 6/2, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. (Ảnh: Reuters)
Trùng Khánh yêu cầu Đại Lý trả lại số khẩu trang này cho họ, nhưng chính quyền Đại Lý ngày 5/2 cho biết đã phân phát tất cả 598 thùng khẩu trang cho người dân, và do đó không thể hoàn trả.
Sự việc gây ra làn sóng phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, với nhiều người dùng cáo buộc thành phố Đại Lý trộm cắp.
Chính quyền Đại Lý đổ lỗi cho 2 quan chức thành phố. Một trong số họ, giám đốc văn phòng y tế thành phố, đã bị cách chức - truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin ngày 6/2.
Truyền thông nước này còn đưa tin, thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông cũng đã chỉ thị cho lực lượng hải quan của mình giữ lại một lô hàng khẩu trang và các sản phẩm y tế khác trên đường đến thành phố phía Đông Bắc, Thẩm Dương, từ Hàn Quốc.
Thanh Đảo giữ lô khẩu trang trong một động thái " ăn miếng trả miếng" vì tin rằng Thẩm Dương đang giữ lô hàng khẩu trang khác trên đường đến Thanh Đảo - China Business News, trích dẫn thông tin nội bộ, đưa tin ngày 6/2.
Tuy nhiên, sau đó cả 2 thành phố đã giải quyết được tranh chấp của họ, với việc 2 chuyến hàng đang trên đường đến đúng địa chỉ ban đầu của mình - China Business News cho biết.
Nguồn lực y tế phân bổ rải rác ở khắp Trung Quốc trong khi các trường hợp nhiễm bệnh và số người chết ngày càng tăng.
Ngay cả các bệnh viện ở Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh, cũng đang phải đối mặt với sự thiếu hụt các trang thiết bị y tế. Thành phố này, nơi có hơn 10 nghìn trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng đối với các vật dụng như là khẩu trang và quần áo bảo hộ.
Video: Cuộc sống ở Vũ Hán sau 2 tuần bị phong tỏa.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc cho biết, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề nghị Liên minh châu Âu giúp đỡ Trung Quốc trong việc cung cấp các thiết bị y tế.
VĂN ĐỨC (Nguồn: Reuters)
Theo vtc.vn
Ảnh: Những chiếc mặt nạ huyền thoại chống virus từ trăm năm trước Trong nửa đầu thế kỷ 20, người ta đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để cố gắng tự bảo vệ mình khỏi bệnh cúm, trong đó có những chiếc khẩu trang mà đến ngày nay vẫn được ứng dụng. Đại dịch cúm tồi tệ nhất trong lịch sử là cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919. Đại dịch này đã lây nhiễm...