Giá heo hơi hôm nay 7/3: Bộ NN&PTNT dự báo gì về giá lợn hơi 2019?
Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, do dịch tả lợn châu Phi (ASF) xâm nhiễm vào Việt Nam và đang có diễn biến phức tạp, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi (heo hơi) trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường.
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 5/3, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 9 tỉnh, thành phố. Ổ dịch xuất hiện tại 331 hộ ở 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh; 6.471 con lợn đã bị tiêu hủy. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ thịt lợn, khiến giá lợn hơi tại miền Bắc giảm nhanh. Ảnh minh hoạ: I.T
Dịch tả lợn châu Phi lan ra 9 tỉnh, thành phố; giá lợn hơi miền Bắc giảm mạnh
Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 2/2019, tình hình chăn nuôi trong nước nhìn chung ổn định, riêng đàn trâu giảm do diện tích chăn thả thu hẹp. Theo ước tính tháng 2/2019 của Tổng cục Thống kê, đàn bò cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018; đàn lợn tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6%; đàn trâu giảm 2,8%.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 2 năm 2019 ước đạt 32 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2019 đạt 77 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 9 tỉnh, thành phố, gồm Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nam, Điện Biên, Hoà Bình…, mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng các địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển lợn tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn trong giai đoạn này.
Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp & PTNT cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF tiếp tục lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ.
Trong tháng 2/2019, giá lợn hơi trong nước diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (ASF), giá lợn hơi đã giảm nhanh tại một số địa phương và đến nay giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hầu hết các tỉnh miền Bắc giá lợn hơi hiện chỉ đạt 38.000 – 41.000 đồng/kg. Ở các tỉnh xa vùng có dịch như Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, giá lợn hơi cao hơn nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 44.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Một số chủ trang trại cho biết, trong ngày hôm qua 6/3, giá lợn hơi xuất bán tại trại của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP cũng được điều chỉnh giảm thêm 1.000 đồng/kg, hiện còn 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam đang trên đà giảm
Trong khi đó, giá heo hơi tại khu vực miền Nam tuy cao hơn tới 10.000 đồng/kg so với miền Bắc, song cũng đang trên đà giảm bởi nguồn cung tăng, song nhu cầu tiêu thụ không tăng, thậm chí còn giảm. Minh chứng là trong ngày 6/3, lượng heo hơi về chợ đầu mối trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đạt hơn 4.000 con nhưng tư thương buôn bán rất chậm, giá rớt mạnh.
Diễn biến thị trường giá heo hơi (lợn hơi) ngày 6/3 tại một số tỉnh, thành phố. Nguồn: Anova Feed
Theo thống kê của Anova Feed, nhiều tỉnh miền Nam trong ngày 6/3 đã giảm giá bán, trong đó tỉnh Tây Ninh là địa phương có mức giảm nhiều nhất, giảm sâu thêm 5.000 đồng/kg, còn 48.000 đồng/kg.
Các tỉnh Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, An Giang, Vĩnh Long và Kiên Giang giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tỉnh Tiền Giang là địa phương duy nhất tăng 1.000 đ/kg, lên 50.000 đồng/kg.
Do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF.
Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch ASF.
Theo Danviet
Người chăn nuôi Đồng Nai "quay cuồng" chống dịch tả heo châu Phi
Tình trạng rớt giá vừa mới đi qua, nguy cơ bệnh lở mồm long móng chưa khép lại thì dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện khiến người chăn nuôi lợn ở nhiều nơi hết sức lo lắng. Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN tại Đồng Nai - vùng có đàn lợn nuôi lớn.
Thôi cho ăn cơm thừa, canh cặn
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi bình quân trên địa bàn tỉnh tuần qua vẫn giữ nguyên so với tuần trước đó, đạt 53.5000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), hiện mức giá lợn hơi loại 1 và 2 cũng dao động ổn định quanh mức 51.000 - 53.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc giá lợn hơi bình ổn trên thị trường vẫn không giúp người chăn nuôi ở Đồng Nai bớt phần lo lắng.
Người chăn nuôi lợn ở Đồng Nai đang cẩn trọng đối phó mọi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trước đó, khi dịch ASF chưa được công bố chính thức, những thông tin như một công ty Trung Quốc sản xuất há cảo từ thịt lợn nhiễm bệnh tả, hoặc Đài Loan kiểm tra hành khách từ Việt Nam vì mang theo bánh mì sandwich có nhân thịt dương tính với ASF... đã khiến nhiều người bất an.
Để bảo vệ cho trại lợn 700 con của mình ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), những ngày này ông Trần Quang Trung gần như không tiếp khách lạ. Ngoài người nhà, chỉ có 2 nhân công mới được ra vào trại để ngăn ngừa nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.
Với quy mô gia đình chỉ gần 100 con lợn, bà Nguyễn Thanh Thủy ở huyện Trảng Bom thì quyết không tận dụng thêm nguồn thức ăn dư thừa nào từ các quán ăn và bếp ăn công nghiệp nữa. Tuy giá cám công nghiệp cao hơn nhưng đảm bảo hơn về việc không có mầm bệnh trong thức ăn.
"Giờ mà xảy ra dịch thì gia đình trắng tay. Tôi cho lợn ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp vì sợ dịch bệnh có khả năng lây lan qua nguồn thức ăn thừa" - bà Thủy kể.
Đồng tình, anh Phạm Tú - hộ chăn nuôi lợn tại huyện Long Thành cho rằng, nên hạn chế sử dụng thức ăn thừa cho lợn nhiều nhất có thể được. ASF lây truyền bệnh nhanh và nhiều vì ngoài các hình thức thông thường như qua lợn bệnh, qua các phương tiện, con người tiếp xúc..., bệnh còn có thể lây qua các thức ăn dư thừa, các công ty chế biến thực phẩm nếu không kiểm tra và truy xuất nguồn gốc kỹ lưỡng.
Chia sẻ tâm tư này, ông Đào Hà Trung - Giám đốc điều hành đơn vị cung cấp ứng dụng Te-food cho đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn của TP.HCM cho rằng, các trang trại phải ngay lập tức tự bảo vệ mình bằng các biện pháp và khả năng tốt nhất. Đồng thời, hợp tác với chính quyền tự thông tin về các trường hợp nghi ngờ về dịch bệnh của trại mình hay trại khác.
"Bản thân Te-food cũng đang liên hệ với tổ chức FAO và dự kiến tổ chức họp tại Budapest ngày 23.2 nhằm xây dựng khẩn cấp hệ thống hỗ trợ việc phát hiện và kiểm soát tình hình dịch bệnh" - ông Trung hay.
Tăng cường nhiều biện pháp
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hơn một năm rưỡi qua, người chăn nuôi phải đối mặt với bão giá. Nếu xảy ra dịch bệnh, nhiều người chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh trắng tay. Giá vừa phục hồi thì dịch bệnh xuất hiện nên người chăn nuôi lo lắng là đúng.
Nhiều hộ nuôi chuyển sang cho lợn ăn cám công nghiệp. Ảnh: N.A
"ASF hiện diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm cao. Để hạn chế tối đa thiệt hại, người chăn nuôi ngoài cách tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi phải chú trọng hàng đầu biện pháp an toàn sinh học" - ông Công nói.
Về khâu vệ sinh, TS Đinh Xuân Phát - giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, có nhiều loại chất sát trùng có thể sử dụng để tiêu diệt virus ASF trong trang trại cũng như trên các bề mặt vấy nhiễm. Tuy nhiên, virus ASF khó bị diệt hơn so các loại virus khác khi chúng nằm trong chất hữu cơ như phân, dịch mũi, dịch thai sản, máu, thịt, nội tạng...
Đây là lý do vì sao có nơi phòng chống dịch hiệu quả, có nơi không; hoặc lúc thế này lúc thế khác trong cùng một trang trại. Vì thế, để việc sát trùng hiệu quả tối đa, TS Đinh Xuân Phát đề nghị phải thực hiện kỹ lưỡng từng bước: Sát trùng riêng từng đồ vật trong trại, dùng vòi xịt nước áp lực cao tẩy sạch các chất hữu cơ. Đợi bề mặt trại khô thì tiếp tục tiến hành phun thuốc sát trùng.
Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, sắp tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện nhằm cung cấp cho người nuôi lợn các giải pháp phòng, chống dịch. Cơ quan Thú y sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ, nếu phát hiện lợn mắc dịch bệnh có yếu tố bất thường thì lập tức lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, Đồng Nai cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác qua địa bàn tỉnh.
Theo Danviet
Giá lợn Tết 2019: Giá heo hơi vượt 50.000 đồng/kg, lái buôn tấp nập Theo ghi nhận của PV, hiện giá heo hơi (lợn hơi) bán ra tại các trang trại ở khu vực chăn nuôi trọng điểm Đông Nam Bộ đã đạt bình quân 50.000-51.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-6.000 đồng/kg so với khoảng 2 tuần trước. Trong khi đó các tỉnh miền Bắc dao động phổ biến từ 47.000-48.000 đồng/kg. Hiện giá lợn hơi dịp Tết...