Giá heo hơi 24/5: Thị trường biến động nhẹ giữa tâm “bão” dịch bệnh
Cho đến thời điểm này, tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại các tỉnh Đông Nam bộ, ĐBSCL và giáp ranh TP.HCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp, cho dù các ban ngành địa phương đang nỗ lực gồng mình chống dịch. Điều đó đã gây biến động không ít đến thị trường thịt heo, giá heo hơi (lợn hơi) tại khu vực này.
Giá heo hơi quay đầu giảm nhẹ
Những ngày qua, địa bàn TP.HCM luôn được đặt trong tình trạng “báo động” DTHCP có nguy cơ lây lan. Trong khi đó, ngoài Đồng Nai, Bình Phước là hai tỉnh đã phát sinh ổ dịch trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm nhiều ổ dịch ở các tỉnh. Tại Bình Dương, xuất hiện 2 ổ DTHCP trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Tỉnh Hậu Giang đã phát hiện có 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã có dịch. Tỉnh Vĩnh Long có 2 ổ dịch tại phường 5 và phường 8 TP. Vĩnh Long…
Cùng với việc phát hiện dịch tả, các tỉnh đã thực hiện việc tiêu hủy số heo bệnh, trong đó tỉnh Bình Dương tiêu hủy hơn 1.000 con heo và 4.000 kg heo bệnh; tỉnh Hậu Giang tiêu hủy hơn 1.200 con; Bình Phước tiêu hủy 142 con…
Mặc dù TP.HCM vẫn đang khống chế được dịch bệnh, không để lây lan DTHCP vào TP, nhưng tâm lý một bộ phận người tiêu dùng vẫn e ngại không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế thực phẩm là thịt heo tươi sống hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt heo.
Ảnh hưởng dịch tả heo Châu Phi nên giá thịt heo trên thị trường trồi sụt liên tục.
Số ít người tiêu dùng chuyển từ chợ truyền thống qua siêu thị để mua thịt heo cho đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), mặc dù lượng khách chuyển qua dùng sản phẩm thịt heo tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng lên, nhưng sản lượng thịt heo tiêu thụ vẫn bị giảm sút phần nào.
Theo ông Phú, hiện giá heo hơi đã quay đầu giảm nhẹ so với đầu tuần, giá thu mua tại trại khoảng 38.500 đồng/kg, giảm dao động từ 500 – 1.000 đồng/kg so với vài ngày trước.
Video đang HOT
Tại Đồng Nai, sau nhiều ngày liên tiếp tăng giá thì nay, giá heo hơi cũng giảm nhẹ từ 37.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg, Cà Mau giảm thêm 1.000 đồng/kg xuống mức 35.000 đồng/kg. Giá heo hơi bán tại trại của Công ty CP cũng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Tại các chợ bán lẻ như chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)…, giá thịt heo đùi hiện đang được bán ở mức 85.000 đồng/kg, ba rọi heo 100.000 đồng/kg, ba rọi heo rút xương 140.000 đồng/kg, xương heo 60.000 – 70.000 đồng/kg, gan heo giá 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Khuyến cáo sử dụng thịt heo an toàn
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thì bệnh DTHCP là một bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra; lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp mầm bệnh và xảy ra ở mọi mọi loại heo. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh. Tuy nhiên, DTHCP hoàn toàn không lây sang người.
Người tiêu dùng cần nhận biết thịt heo an toàn bằng cách nhận dạng các đặc điểm đã được khuyến cáo.
Hiện TP.HCM quyết liệt áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nên bệnh DTHCP chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Nhiều phương án đối phó đã được đặt ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó đưa ra giải pháp cung cấp thịt heo an toàn cho người dân toàn TP.
Bà Lan cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt heo, nhưng khi mua thịt heo cần lưu ý một số đặc điểm nhận biết heo bệnh và heo an toàn, nên mua sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng.
Khi mua lưu ý những dấu hiệu nhận biết thịt heo an toàn như: Trạng thái bên ngoài: màng ngoài khô sạch, không dính lẻo, tạp chất lạ; màu sắc đỏ tươi đặc trưng của sản phẩm; độ rắn, mùi vị bình thường; Mặt khớp: Láng và trong; Vết cắt: màu sắc bình thường, sáng, khô; Độ rắn và đàn hồi: rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính; Tủy: Bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi. Không chế biến thịt gần khu vực chuồng nuôi, chỉ sử dụng thịt heo đã được nấu chín.
Theo Dân Việt
Thịt lợn an toàn: Chặn dịch tả lợn châu Phi bằng hàng rào sinh học
Kể từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên và Thái Bình, chỉ trong thời gian ngắn, dịch bệnh này đã lan ra 24 tỉnh, thành phố, khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề.
Bên cạnh việc các cấp, ngành chức năng vào cuộc ngăn chặn dịch, người chăn nuôi lợn cũng cần hiểu đúng về dịch bệnh này, trong đó quan trọng nhất là thiết lập hàng rào sinh học ngay tại chuồng trại của mình.
Bệnh tả lợn châu Phi (ASF) không phải là bệnh mới, mà đã xuất hiện cách đây gần 100 năm, lần đầu tiên vào năm 1921 tại Kenya, gây bệnh cho lợn rừng và lợn nuôi.
Các nhà khoa học, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Cục Y tế Dự phòng đều đã khẳng định bệnh ASF không lây lan sang người và các loài động vật khác. Người tiêu dùng không cần thiết phải ngưng sử dụng thịt lợn, tuy nhiên, cần phải lựa chọn sản phẩm thịt có nguồn gốc an toàn, được nấu chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người và các loài động vật khác, vì vậy người tiêu dùng có thể sử dụng thịt lợn như bình thường. Ảnh minh hoạ: C.X
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc đặc trị ASF, do đó lợn nhiễm ASF hoặc phơi nhiễm chỉ có thể tiêu hủy và chôn lấp. Tuy nhiên điều đáng mừng là nhiều nước đã kiểm soát thành công dịch bệnh này. Đơn cử như theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Cộng hòa Czech đã chính thức đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi, không có ca mắc mới nào kể từ tháng 4 năm ngoái.
Do đó, điều quan trọng nhất lúc này là người chăn nuôi cần hiểu biết đúng về dịch bệnh ASF, không nên lo lắng hoang mang thái quá, hoặc tìm cách bán tháo lợn và thực hiện triệt để các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh.
Theo hướng dẫn của Tập đoàn Cargill (nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi của Mỹ), người chăn nuôi lợn không nên làm những điều sau: KHÔNG vận chuyển lợn bệnh và sản phẩm lợn nhiễm bệnh qua vùng khác. KHÔNG cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín. KHÔNG tự do ra vào trại. KHÔNG nhập lợn vào trại mà không nuôi cách ly. KHÔNG mang thức ăn từ ngoài vào trại.
KHÔNG đi từ nơi bẩn tới nơi sạch trong trại để tránh lây nhiễm chéo. KHÔNG làm thịt, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết. Không vứt lợn chết ra môi trường.
Những điều nên làm: Vệ sinh sát trùng tiêu độc thường kỳ trong trại bằng các thuốc sát trùng. Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại; phải bố trí riêng biệt các khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm... Phải có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi.
Người chăn nuôi cần thực hiện vệ sinh sát trùng tiêu độc thường kỳ trong trại bằng các thuốc sát trùng. Ảnh minh hoạ
Vệ sinh sát trùng toàn bộ các phương tiện thiết bị mang vào trong trại. Thay quần áo, giày dép, tắm rửa, sát trùng tay khi ra vào trại.
Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng. Kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác trong khu chăn nuôi.
Tăng cường sức đề kháng của lợn bằng cách cho ăn đầy đủ, tiêm đầy đủ các loại vaccine cần thiết. Xử lý nước bằng Chlorine trước khi cho lợn uống. Báo cáo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương khi thấy lợn ốm, chết, hoặc nghi ngờ lợn có triệu chứng bệnh ASF.
Áp dụng phương thức chăn nuôi "cùng vào cùng ra" theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày.
Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, trong đó chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.
Theo Dân Việt
Tiêu hủy hơn 1.000 con heo nhiễm dịch tả heo châu Phi ở Bình Dương Chiều 21-5, Chi Cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy Sản tỉnh Bình Dương đã phối hợp với ngành chức năng tiêu hủy hơn 1.000 con heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi tại một trang trại chăn nuôi ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Heo bệnh trên địa bàn huyện Phú Giáo vừa được tiêu hủy Theo đó, ngay khi...