Giá gia cầm hôm nay 11/3: Gà, vịt liên tục mất giá, thợ mổ “khóc ròng”
Cập nhật giá gia cầm hôm nay 11/3 tại các chợ dân sinh ở một số địa phương vẫn duy trì mức tốt, nhưng việc tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn. Đơn cử như giá gà thịt hôm nay (gà mổ sẵn) dao động quanh mức 100.000 đồng/kg; vịt thịt giá từ 65.000 đồng đến 75.000 đồng/kg, tùy chợ.
Giá gà thịt hôm nay vẫn chững giá ở mức thấp.
Giá gia cầm mới nhất hôm nay 11/3 tại miền Bắc: Chững giá
Ghi nhận của PV Dân Việt, giá gà thịt hôm nay giao dịch tại các trang trại, hộ chăn nuôi ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… duy trì ổn định. Cụ thể, giá gà lông màu được lái thu mua ở mức trên dưới 45.000 đồng/kg, gà mía Sơn Tây đạt trên dưới 80.000 đồng/kg, gà thịt công nghiệp hôm nay có giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Hồng Thanh, chủ một trại gà ở Tao Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, mấy ngày đầu tuần trước giá gà lông màu có tăng nhẹ lên 46.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, nhưng gần đây giá lại đứng im.
“Vừa qua Vĩnh Phúc có một số người bị nhiễm virus corona (Covid-19) và phải cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, khiến cho việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa, gia cầm gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi tỉnh công bố hết dịch Covid-19 từ ngày 4/3 vừa qua, giá gà, vịt và việc tiêu thụ sản phẩm mới có khởi sắc”, ông Thanh nói.
Video đang HOT
Việc tiêu thụ gà, vịt thịt tại các chợ dân sinh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Giá gà thịt hôm nay: Tiểu thương nhỏ kêu trời
Theo các tiểu thương tại một số chợ dân sinh, chợ cóc, từ khi có dịch Covid-19 đến giờ, việc buôn bán gà, vịt, ngan tại các khu chợ này gặp khá nhiều khó khăn.
“Trước Tết Nguyên đán, có ngày chúng tôi bán được cả tạ gà, vịt nhưng giờ tiêu thụ kém lắm, ngày nhiều mới bán được vài chục kg. Có nhiều hôm mọi người còn bị ế hàng chịu lỗ vốn, thê thảm lắm”, bà Phạm Thị Hà, một tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) nói.
Để dễ tiêu thụ bà Hà và các chủ gian hàng bày bán gia cầm tại chợ này đã phải giảm giá sản phẩm khá nhiều nhưng khách mua vẫn ít, hàng ế ẩm. “Vịt ngon thịt sẵn chúng tôi bán trên dưới 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm, gà ngon vẫn bán được trên 100.000 đồng/kg”, bà Hà chia sẻ.
Giá vịt thịt hôm nay tại các miền vẫn chỉ dao động ở mức từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
Giá vịt thịt hôm nay 11/3 tại các trang trại ở Đồng Nai, Cần Thơ… trung bình từ 27.000 đồng đến trên dưới 30.000 đồng/kg, ổn định so với vài ngày trước.
“Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên ít người đi chợ, khiến việc tiêu thụ gà, vịt của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phi, một lái buôn ở Xuân Lộc (Đồng Nai) khẳng định.
Theo Danviet
Người tiêu dùng lo lắng khi rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Thời gian này, để có được đĩa rau xanh trong mỗi bữa ăn, người tiêu dùng cũng phải đong đếm từng đồng để có thể cân bằng chi phí sinh hoạt cho gia đình vì giá rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ sau Tết Canh Tý.
Theo ghi nhận của PV tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, từ sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng rau xanh tại các chợ dân sinh luôn ở mức cao, nhiều loại rau xanh tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm trước Tết.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng giá rau xanh tại các chợ dân sinh tăng là do thời điểm trong Tết xảy ra mưa đá khiến rau bị hỏng, nguồn cung rau xanh khan hiếm dẫn đến tình trạng rau xanh đồng loạt tăng giá tại hầu hết các khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Là khu chợ dân sinh nhỏ, thế nhưng, chợ Mai Động, quận Hoàng Mai được cho là khu chợ khá sầm uất vì bày bán đa dạng các loại thực phẩm từ rau củ quả cho tới các loại thực phẩm tươi sống.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các loại rau củ quả tại chợ đều đang được bán với giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với dịp trước Tết. Cụ thể, rau muống có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/ bó tùy thuộc độ to nhỏ, xấu đẹp; súp lơ có giá 15.000 - 20.000 đồng/cây, cà chua có giá 25.000 đồng/kg; rau cải canh có giá 10.000 đồng/ bó; bắp cải được bán với giá 20.000 đồng/ kg. Hầu hết các mặt hàng này đều tăng từ 10.000 - 15.000 đồng so với thời điểm trước Tết.
Giá rau xanh tại các chợ dân sinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Ngô Sơn
Bà Minh (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cho biết: "Sau Tết giá rau tăng cao khiến cho chi phí sinh hoạt của gia đình tôi cũng tăng lên đáng kể. Mỗi khi đi chợ tôi cũng phải tính toán kỹ lưỡng để chi phí ăn uống thấp nhất có thể mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho cả nhà."
Còn bà Lan (phường Minh Khai) thì cho hay: "Trước Tết mua một mớ rau muống chỉ với 5.000 đồng/ bó thì hiện tại tôi phải mua với giá 10.000 đồng/ bó".
Một tiểu thương bán rau tại chợ Đền Lừ (quận Hoàng Mai) cho biết, giá rau xanh từ Tết tới giờ tăng 2 lần so với thời điểm trước Tết. Hầu hết các tiểu thương ở chợ đều không dám nhập hàng với số lượng lớn vì hiện tại lượng tiêu thụ không được nhiều, khách mua hàng giảm mạnh vì giá rau quá cao. Không chỉ người dân, mà rau xanh tăng giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, chi phí sinh hoạt của người lao động. Nhiều người khi đi chợ đã phải "cân đo đong đếm" từng mớ rau, lạng thịt để đảm bảo cân đối giữa mức lương và chi tiêu cho cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân vệ sinh tại một tòa chung cư trên địa bàn phường Minh Khai, chia sẻ, bình thường mỗi bữa cơm của hai vợ chồng chi phí khoảng 60.000 đồng có thể ăn uống thoải mái với các món rau, canh, thịt hoặc cá, trứng. Nhưng đợt gần đây, thực phẩm tăng giá quá cao, chị đi chợ mà cứ đắn đo mãi nên mua gì cho hợp lý.
Những ngày này, mỗi lần đi chợ, chị Phạm Lê Bình, người lao động tự do, cũng rất lo lắng bởi giá thực phẩm quá cao. Theo lời chị Bình, thực phẩm sau Tết đắt hơn so với trong năm, giá rau xanh tăng gấp đôi so với bình thường. Ví như một mớ rau muống trong năm chỉ khoảng 5.000 đồng/mớ thì sau Tết các cửa hàng bán với giá 10.000 đồng.
Để đối phó với tình trạng rau xanh tăng giá, nhiều người lao động đã chủ động mua các giống rau và tận dụng những khoảng đất trống nơi mình thuê trọ để trồng rau, nhiều người đã kêu gọi "tiếp viện" từ quê. Thậm chí, nhiều người bày tỏ lo lắng các tiểu thương sẽ trục lợi bằng cách buôn bán những loại thực phẩm không an toàn.
Chị Nguyễn Hồng Lê, công nhân môi trường tại quận Hai Bà Trưng, chia sẻ: "Khu nhà trọ của vợ chồng tôi có bãi đất trống, nên tôi đã cải tạo đất và mua các giống rau về gieo trồng, chăm sóc. Có rau xanh dùng, chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá".
Anh Văn Đình Huy, công nhân ngành in, bày tỏ: "Thời điểm giá rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với thực phẩm đắt đỏ như thế này mà những người bán hàng lại làm ăn gian dối, bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi là rất cao".
Giá rau xanh tại các chợ truyền thống vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó, tại nhiều nơi, giá rau xanh lại rớt thảm hại vì không thể xuất khẩu. Phải chăng, nên có nhiều chính sách kích cầu để người Việt có thể dùng hàng Việt với giá phải chăng, từ đó người nông dân trồng trọt cũng không phải lo việc giá cả lên xuống thất thường, cũng không còn tình trạng phải giải cứu các loại nông sản khi có sự tác động từ những yếu tố khách quan.
Ngô Sơn
Theo PL&XH
Thái Nguyên: Nuôi gà đồi kiểu thế này, có tiền tỷ cũng đúng thôi Nhờ chuyển từ nuôi gà truyền thống sang nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học, phát triển thương hiệu "Gà đồi Phú Bình", mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên (xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã thu về trên 1 tỷ đồng. Trước khi tham gia HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh,...