Gia đình “suy thoái” mùa cuối năm
Cuối năm thường là thời điểm mọi người cuốn cuồn đuổi theo thời gian khiến ai cũng mệt mỏi, những cuộc sum họp gia đình trở nên thưa thớt hơn, lỏng lẻo hơn.
ảnh minh họa
Trăm khoản đòi tiền
Cứ mỗi cuối năm là các khoản tiền cứ thế mà chi ra, không cánh mà bay. Về nhà, chồng ngồi ngoài phòng khách đang “điên đầu” vì kế hoạch làm ăn mới bị gián đoạn, còn vợ than thở trong bếp “Ăn uống kiểu gì đây? Tiêu tiền cứ như mất cắp ấy”.
Đã thế thằng con từ lớp học về, mới tới cửa đã toe toe: “Mai họp phụ huynh, ba hay mẹ đi cho con nha”. Vợ muốn cáu lên: “Lại họp, chắc lại có vài khoản đóng góp đây, Tết Tây, rồi lại Tết Ta. Thật là muốn điên cái đầu”.
Chuyện nhà đã mệt, lại còn chuyện họ hàng hiếu hỷ gần xa. Các cụ ở quê thật lạ, cuối năm nào cũng nghĩ ra chuyện xây mộ rồi kêu gọi đóng góp, rồi đám cưới này đám cưới nọ. Thiệp cưới đến cứ như “trap” đòi nợ, chuyện họ hàng cứ như tiếng “thu không” xưa đòi người dân nộp thuế.
Tiền, tiền, tiền; bài toán tài chính cuối năm thật quá mệt mỏi!
Việc đuổi như tên bắn
Những ngày cuối năm, hỏi han ai vài vài câu giữa giờ làm việc thì ai cũng kêu “đang bận quá”. Có người, vừa sáng ra nghĩ tới một loạt công việc chen chúc nhau trong thời khóa biểu đã phát sốt, nghĩ đến cơ quan mà ngại. Công việc chồng chất mệt mỏi, người trên giục người dưới, đòi hỏi nhau tiến độ thành ra lại dễ cau có với nhau.
Đang cuống cuồng lên thì tin nhắn của chồng: “Em cố gắng đi họp phụ huynh nhé, thực sự lúc này anh không đi được, việc quan trọng và gấp”. Rõ ràng hôm qua đã thỏa thuận chồng đi vậy mà “bùng” luôn, chắc vợ không biết bận chắc! Thế là vợ lại vắt chân lên cổ “trốn làm” đi họp cho con.
Video đang HOT
Có lúc đang chúi đầu làm việc nghe tiếng điện thoại reng nhắc việc mà giật mình. Nào là thứ 7 này có 2 đám cưới ở quê trùng với đám cưới con người bạn cùng cơ quan, thứ 2 tuần tới này giỗ bà cô bên chồng, thứ 4 sau đó lại mừng thượng thọ bà cố trùng với hội thảo ở công ty… Trời! toàn việc phải về, làm sao giải quyết cho ổn đây! Ước gì có thể phân thân!
Không những thế, cuối năm ở công ty lại hay thêm buổi tổng kết này, báo cáo kia, thu hoạch nọ. Bạn bè thì họp lớp này, gặp mặt khóa kia, đồng hương này, đồng môn nọ. Ai cũng kêu bận nhưng tại sao lại cứ ép nhau bận thêm vì những thứ như vậy nhỉ?! Không đi một hai lần thì coi như bị tẩy chay mà cố đi thì bỏ nhà bỏ cửa, lại còn căn ke nên đến hội nào hay chạy sô tất cả. Chính vì thế nên đã lâu lắm không có được bữa cơm chung gia đình!
Sao không nóng trong người!
Mệt nhoài vì giải quyết công việc, chạy sô cuộc gặp gỡ lễ nghĩa, nên “chồng một nơi, vợ một nẻo”, có khi liên tiếp cả tuần như thế không còn thời gian ăn cùng nhau và ăn cùng con. Nhà cửa chưa khi nào bữa bãi hơn thế vì còn thời gian đâu mà dọn. “Sờ” đến túi tiền lại thấy “đau lòng” còn tinh thần thì suy thoái trầm trọng.
Vợ chồng đi ngủ rồi vẫn còn than thở mệt nhọc, cả hai mặt cùng nặng nề theo đuổi những ý nghĩ riêng. Thế là kẻ vắt tay lên trán suy nghĩ, người quay vào tường trăn trở. Có hôm hai vợ chồng về đến phòng mình là ngủ luôn, chồng ngủ trong men say của đám cưới buổi chiều hoặc cuộc gặp gỡ bạn bè khi tối. Vợ thì vì mệt đến bã người.
Giữa hai người lúc này như chỉ có nỗi lo lắng trách nhiệm. Ai cũng “như cây mùa rụng lá”, hễ động vào nhau là có thể trút xuống vô số lời than vãn mệt mỏi, tinh thần stress kêu ca về những rắc rối họ hàng, về bè nhiều hơn bạn. Xuôi về cuối năm mà cái gì cũng không thuận: tiền đòi, việc nhà sao nhãng, quan hệ nào cũng đáng ức chế… thử hỏi bí quyết nằm ở đâu để con người ta có thể “thở” được vào cuối năm bây giờ?
Bí quyết nằm đây Tránh cảm giác lỏng lẻo, trách cứ: Nên có sự bàn bạc, chuẩn bị trước giữa những thành viên trong gia đình về thời gian bận bịu cuối năm. Khi quá tải vì việc nhà hay việc cơ quan, bạn nên chia sẻ tâm sự cùng vợ/chồng của mình. Thứ nhất là đề được nhẹ lòng. Thứ hai là để người phối ngẫu thông cảm hơn với những lần “bốc hỏa” hay “lãnh đạm” bất thình lình của mình. Thứ ba là để nhận được sự trợ giúp quý giá của cô ấy/ anh ấy.
Tránh nhà cửa lộn xộn: Mọi thành viên trong nhà nên được phân công công việc theo nguyên tắc “nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn”. Nếu nhà neo người và không có thời gian thì bạn có thể thuê người làm theo giờ trợ giúp.
Giữ sức khỏe: Dù bận rộn vẫn phải ăn uống đủ chất. Không nên “tham” một lúc, bỏ một bữa để sau đó mệt mỏi kéo dài. Nếu quá bận, bạn có thể dự trữ nhiều đồ ăn nhanh an toàn: Thêm sữa ở tủ lạnh, nơi làm việc; đề nghị bác sỹ hướng dẫn để dùng vitamin bổ sung; dùng thêm hoa quả. Thay các bài tập bài bản như mọi lần bằng cách thư giãn nhẹ ngay lúc làm việc: nghe nhạc, vận động đi lại ngay tại chỗ làm trong khi vẫn có thể tư duy…
Tránh chạy sô cuối năm: Chuyện cưới xin, họ hàng có thể phân công nhau “người đi đám này, người đi đám kia”, đám không thân có thể gửi mừng và cáo lỗi “vì cũng có người thân cưới”. Bạn bè nên xác định thân sơ, không nhất thiết ở đâu cũng cần có mặt. Nên dùng điện thoại hỏi thăm nhau để nối lại tình cảm, gửi cho nhau những lời xin lỗi, vừa giữ được tình cảm vừa không phải chạy sô mệt mỏi.
Theo SKGĐ
Còng lưng gánh tiền hiếu hỉ cuối năm
Ba tháng nay, anh Huy (Hà Nội) không giúp vợ được một đồng nuôi con, vì làm lương 7 triệu thì đám xá, liên hoan đã quá nửa.
ảnh minh họa
Sau sinh nhật 29 tuổi của chồng vài ngày, chị Hoa, vợ anh Huy mới đăng vài ảnh gia đình liên hoan hôm đó lên Facebook cá nhân. Ngay lập tức đồng nghiệp cơ quan Huy nhảy vào hỏi han sao không nói cho ai biết. Chị thủ quỹ của phòng bình luận: "Sinh nhật mà không báo cơ quan, mất bữa liên hoan, mất luôn cả 200 nghìn nhé". Anh Huy nói không thích ồn ào nhưng thực ra 3 năm rồi anh đều ẩn đi ngày sinh nhật để "lách luật" cơ quan.
"Cơ quan tôi có truyền thống cứ sinh nhật là phải đi ăn. Người có sinh nhật bỏ tiền một nửa, đồng nghiệp tham gia góp một nửa. Phòng tôi có 20 người, trung bình một tháng gần hai cái sinh nhật. Tháng nào cũng mất vài trăm nghìn vào đó", anh cho hay.
Ngoài khoản sinh nhật tháng nào cũng phải chi, anh Huy còn có thêm nhiều khoản khác như đám cưới, đám ma, sinh nhật con đồng nghiệp, tân gia, thăm người ốm... Trong khi mỗi tháng anh thu nhập 7 triệu đồng, tháng ít nhất chi cho khoản đám xá khoảng 500 nghìn, có tháng cao điểm anh chi tới 5 triệu đồng.
Người đàn ông - có con nhỏ chưa đầy tuổi và còn phải thuê giúp việc - liệt kê, trong tháng 10, ngoài các đám xá nhẹ nhàng thì có một đám nặng là mẹ vợ anh sếp ốm phải đi viện hai lần, rồi sau đó bà mất, tổng cộng ba lần đi thăm viếng mất 1,3 triệu đồng. Sang tháng 11 có một đám nặng là một anh cùng phòng lên nhà mới, mỗi người góp 1,2 triệu mua tivi làm quà. Tháng 12 này, ngoài các khoản ở cơ quan, anh Huy còn phải chi thêm cho một đám cưới, một đám ma ở quê và một triệu đồng đi thăm người nhà ốm...
"Lương công chức thì thấp, không có thêm khoản thu nào mà tiền đám xá thì nhiều. Tôi chán chẳng muốn đi nữa nhưng lại không thể không đi. Nhiều đồng nghiệp cũng trong tình cảnh giống tôi, mỗi khi có người phát động liên hoan, thăm hỏi, mặt ai cũng buồn nhưng rồi cuối cùng cũng đi", anh giãi bày.
Cũng theo anh Huy, đôi lúc vợ anh cũng buồn khi không được chồng đưa cho đồng tiền nào nuôi con nhỏ và thuê giúp việc, nhưng biết đó là những khoản không thể không mất nên chỉ còn biết thở dài, thắt lưng buộc bụng chỗ khác. "Tôi cũng tự biết mình tiêu nhiều nên không dám tiêu gì thêm ngoài tiền đổ xăng, thỉnh thoảng đi trà đá với bạn. Vài tháng nay tôi bỏ luôn khoản ăn sáng, chấp nhận ngủ dậy sớm, ăn cơm nhà cho lành", anh cho biết thêm.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Vân (công tác ở một trường đại học quận Thanh Xuân) nhẵn túi cả một tuần nay. Chị Vân cho hay, trước đó mức lương của chị gần 6 triệu đồng vẫn đủ đi chợ cho gia đình 3 người, thỉnh thoảng đám xá. Tuy nhiên, hai tháng nay đám cưới dày đặc, lại thêm có nhiều người bạn, học viên bảo vệ luận văn, luận án mà chị phải tiêu âm cả vào tiền tiết kiệm.
"Cuối năm cưới xin nhiều đã đành, nhưng chẳng hiếu sao đám hiếu cũng nhiều thế. Trong tháng này tôi đã đi 4 đám hiếu rồi. Người ốm cũng nhiều nữa, bố trí lịch đi thăm hỏi còn không xuể ấy", chị Vân chia sẻ.
Tháng 11, chị đi 3 đám cưới, 2 đám ma, 2 đi thăm người ốm và thêm 3 bữa đi liên hoan bảo vệ luận văn, tổng cộng mất gần 3 triệu cho khoản hiếu hỉ. Đến tháng này, chị cũng mất khoảng 2 triệu đồng. "Cả tuần này không dám ăn tiêu gì. May là tháng này ngoài lương, còn có thêm một triệu thưởng Tết dương lịch bù lại phần nào", chị Vân nói.
Anh Chương, người có mức lương 8,5 triệu đồng, cũng lâm vào cảnh khốn đốn dịp cuối năm. Tháng trước anh phải xin ứng lương. Đến tháng này đã cố gắng không ứng nhưng cuối cùng phát sinh thêm 3 đám buộc anh phải vay chị đồng nghiệp một triệu đồng.
"Đang hí hửng là tháng này không phải vay nợ gì thì đùng cái ông đồng nghiệp ngã xe, một đám cưới và đi thăm một chị ở cơ quan đẻ. Gói gọn 3 khoản ấy cũng đi đứt một triệu đồng. Ngày hôm qua tôi phải chạy sô đi 3 đám ấy", anh Chương cho hay.
Người đàn ông 33 tuổi, làm văn phòng ở một cơ quan nhà nước cho hay, tháng này và tháng sau dự kiến là hai tháng cao điểm mà anh phải chi nhiều cho liên hoan, đám xá nhất. Do tiêu nhiều, anh không dám nói với vợ và thường lấy tiền thưởng Tết để bù vào.
Chuyên gia tài chính Thanh Hằng cho rằng vấn đề của các nhân vật trong bài là chưa biết cách hoạch định tài chính cá nhân, dẫn đến việc có bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu. Vì không có một khoản dự phòng nên khi có vấn đề phát sinh ngoài ý muốn là bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Mỗi người cần xem lại mức lương của mình, từ đó đưa ra cách quản lý tài chính cá nhân cho phù hợp. Chị Hằng dẫn ví dụ trường hợp anh Huy, thu nhập 7 triệu đồng cần phải để ra 10% cho tiết kiệm, 50-60% cho sinh hoạt (nhà cửa, ăn uống, đi lại), 10-15% cho học tập, tăng cường kiến thức và còn lại khoảng 15% cho các vấn đề giải trí, quan hệ đồng nghiệp.
"Trước mắt anh Huy cần phải xem lại cách anh ấy đang chi tiêu. Việc anh ấy chi 70-80% thu nhập cho mục đích giải trí, quan hệ đồng nghiệp thì số còn lại làm sao đủ trang trải cuộc sống? Về lâu dài sai lầm của anh có khi còn dẫn đến những lục đục không nhỏ trong gia đình", chuyên gia Thanh Hằng nói.
Theo vị này, anh Huy cần hoạch định lại tài chính cá nhân. Ở một mặt nào đó có thể xem chi tiêu cho các mối quan hệ bên ngoài cũng là một khoản đầu tư, mình đi người ta, người ta đi lại mình, tuy nhiên cần phải xem lại số mình bỏ ra với số mình thu về thế nào?
Chuyên gia Hằng gợi ý, để tránh bị lạm phát vào dịp cuối năm, mọi người cần cân đối lại các khoản chi tiêu, người nào thân thiết đi nhiều, không thân thiết đi ít. Cũng như phải hạn chế các khoản nhậu nhẹt theo mức độ thân thiết, quan trọng. Đồng thời có thể tìm cách tăng thêm thu nhập. "Ở nhiều nước trên thế giới, tài chính cá nhân được xem như một môn học bắt buộc trong nhà trường, tuy nhiên ở Việt Nam chưa nhiều người nghĩ là cần phải học cách quản lý tài chính cho mình", chị Hằng cho biết thêm.
Chuyên gia tâm lý Minh Hoa cho biết thêm, hiếu hỉ là một khoản chi tiêu không thể tránh với mỗi cá nhân, gia đình và bắt buộc trong tính toán chi tiêu của mỗi tháng cần phải có khoản này.
Cuối năm là thời điểm cưới xin, ma chay, tân gia cũng như liên hoan tất niên, tân niên nhiều. Bắt buộc bạn phải có một cách chi tiêu hợp lý. Chuyên gia Minh Hoa gợi ý, trong kế hoạch chi tiêu của mỗi gia đình, mỗi tháng cần phải có một khoản cho hiếu hỉ. Có tháng dùng đến, tháng không dùng đến và nó để thể dồn lại dự phòng cho những tháng cuối năm.
Ngoài ra, tùy vào thu nhập của mình mà có cách chi tiền hợp lý. "Mọi người không thể đi đám xá theo kiểu thấy người khác đi 500 nghìn đồng, mình cũng phải đi ngần ấy, trong khi tài chính của mình không cho phép. Các bạn cần phải xem lại, chi tiêu cho hiếu hỉ dựa theo tài chính của bạn, chứ không phải vì sĩ diện", nhà tâm lý nói. Và theo vị này, bạn vẫn có thể đi thăm người ốm chỉ với một cân cam, hộp sữa, tặng sinh nhật là một món quà nhỏ hay một lời chúc thân tình. Không nhất thiết lúc nào cũng phải bày vẽ.
Theo VNE
Ngày cuối năm, ai còn nhắn nhủ điều gì? Ngày cuối năm, sẽ thôi nhớ về yêu thương đã ngủ yên một góc nào đó trong trái tim còn lộn xộn để đón lấy những an yên dù ít ỏi nhưng là món quà cuối cùng của một năm cũ dù không trọn vẹn. Trời cuối đông, gió lùa thốc vào mái phố rồi bất chợt nằm co ro. Những chuyến xe...