Gia đình phải là điểm tựa yêu thương
Gia đình là một cộng đồng đặc biệt, nhờ bởi sự gắn kết của quan hệ huyết thống – sợi dây máu mủ tình thân, mà nhờ đó, con người được sinh ra và trưởng thành, được trao cho diện mạo, quyền và bổn phận làm người.
Bởi vậy, hạnh phúc gia đình cần được vun đắp bằng giá trị khởi nguồn: Tình yêu thương!
Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên. Trong ảnh: Hội thi câu lạc bộ gia đình hạnh phúc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Trong truyền thống văn hóa người Việt, chữ “tình” có một sức mạnh lớn lao. Người ta lấy tình yêu thương làm mực thước cho việc đối nhân xử thế trong gia đình và ngoài cộng đồng. Vậy nên mới có cái gọi là tình cha con, tình anh em, tình vợ chồng. Đến lượt nó, cái “tình” ấy lại trở thành cơ sở để nhân lên tình bạn bè, tình làng xóm, tình đồng bào, tình người.
Cũng vì lẽ đó mà gia đình không chỉ là tế bào xã hội khi xét trên phương diện kinh tế, hay duy trì nòi giống; mà cộng đồng đặc biệt này còn là một nền tảng của đạo đức và văn hóa dân tộc. Và rồi, vun đắp cho hạnh phúc gia đình cũng giống như xây dựng ngôi nhà. Nhà muốn vững cần vật liệu tốt, còn tổ ấm muốn bền phải được xây từ những “viên gạch” của tình yêu thương, sự tôn trọng, chia sẻ, bình đẳng và trách nhiệm.
Về lý thuyết mà nói, hầu hết các gia đình trẻ ngày nay đều được xây dựng dựa trên nền tảng đầu tiên là tình yêu. Thế nhưng, tính bền vững của nó dường như lại “yếu” hơn so với kiểu đại gia đình truyền thống – vốn dĩ đang ngày càng bị thu hẹp và nhường chỗ cho kiểu gia đình hạt nhân 2 thế hệ.
Ở đó, có một điều không thể phủ nhận là sự “bất lực” của không ít gia đình trong việc tạo dựng môi trường giáo dục đầu đời tối ưu dành cho con trẻ. Dù sống dưới một mái nhà nhưng các thành viên ngày càng ít giao tiếp, ít chia sẻ tâm tư, tình cảm, mà thu mình vào thế giới riêng của công việc, học hành, của các mối quan hệ, của mạng xã hội, internet…
Và hệ quả tất yếu sinh ra mối quan hệ như vậy là sự thờ ơ, vô cảm, lạnh nhạt, thiếu trách nhiệm giữa cha mẹ với con cái và ngược lại. Thêm vào đó, số lượng các cặp đôi đưa nhau ra tòa hiện nay chiếm phần đa là các gia đình trẻ. Nguyên nhân được dùng để lý giải luôn là “không hợp”, hay đúng hơn là mỗi người không thể dung hòa được tình cảm và trách nhiệm.
Trên bình diện chung, khi xã hội ngày càng phát triển thì vai trò, địa vị của người phụ nữ càng được mở rộng và khẳng định cả về phạm vi và mức độ, từ gia đình đến xã hội. Tuy nhiên, sự đóng góp của phụ nữ trong việc xây dựng nên cái tế bào hạnh phúc gia đình và vào sự phát triển của xã hội, không phải ở đâu và lúc nào cũng được ghi nhận đầy đủ. Bởi, trong thực tế, sự phân biệt đối xử, đặc biệt là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái – hình thức đối xử cực đoan nhất – vẫn đang tồn tại.
Thậm chí, ở nhiều nơi, nó trở thành một vấn đề xã hội gây nhức nhối, khiến cho nhiều nỗ lực thực hiện chính sách bình đẳng giới trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đáng lên án hơn là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ phần lớn xảy ra ngay trong gia đình, dưới mái nhà, nơi vẫn được gọi là tổ ấm và là nơi an toàn nhất đối với mỗi thành viên. Đồng thời, đối tượng thực hiện các hành vi bạo hành là người thân và thường là chồng, là cha của họ.
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê, được tiến hành cách đây vài năm, cho thấy: Ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình, thì có 1 người từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục; 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền; 60% phụ nữ bị bạo lực không nắm được Luật Phòng chống bạo lực gia đình…
Đối với Thanh Hóa, mỗi năm cũng xảy ra cả nghìn vụ bạo hành gia đình, cả về thể chất lẫn tinh thần, với mức độ nghiêm trọng khác nhau và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái. Đáng nói hơn, hoàn cảnh sống càng nghèo khổ, phụ nữ càng có ít cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giáo dục, có việc làm, thu nhập ổn định và bảo đảm các nhu cầu khác. Do đó, họ càng có nhiều nguy cơ bị phân biệt đối xử, bị bạo hành và là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xung đột xảy ra. Đặc biệt, bạo lực đang trở thành tác nhân chính phá vỡ các sợi dây liên kết gia đình.
Video đang HOT
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh có khoảng 30.192/33.063 vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần và bạo lực về tình dục. Khi luật pháp vẫn đứng bên ngoài những ngôi nhà cửa đóng im ỉm vì bạo hành, thì ly hôn dù có thể là cuộc trốn chạy hay đào thoát tình thế, song với nhiều phụ nữ bị bạo hành, đó vẫn là giải pháp cuối cùng và khả thi nhất giúp họ thoát khỏi cuộc sống địa ngục.
Định kiến về giới khi quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình nên có nhiều quyền hành; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại dẫn đến sự bất công trong đối xử giữa nam và nữ; những bất đồng trong quan điểm sống, công việc, nuôi dạy con cái; xung đột lợi ích kinh tế và khó dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội… tất cả đang khiến cho cái nền của gia đình không thể vun đắp cho bền vững.
Bởi vậy, thay vì trở thành mái ấm – điểm tựa yêu thương, thì không ít gia đình đang biến thành nhà trọ. Đáng báo động là tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên… có xu hướng ngày càng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Người ta có thể đổ lỗi cho hệ thống giáo dục trong nhà trường khi quá đề cao dạy chữ mà xem nhẹ dạy người; hoặc lên án xã hội khi xuất hiện nhiều tệ nạn, văn hóa lai căng, lối sống thực dụng…
Điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ nếu không nhìn nhận một cách thấu đáo vai trò của môi trường giáo dục gia đình. Ở đó, trước hết cần nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ, khi bản thân chúng ta là người “đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề”.
Ví như cái cây nếu không có sự uốn nắn, tỉa tót sẽ phát triển theo bản năng. Đứa trẻ thiếu đi sự giáo dục trong gia đình hoặc chịu sự giáo dục lệch lạc thì hành trang trưởng thành của nó cũng đầy những khiếm khuyết.
Tục ngữ có câu “Cha mẹ trông đi thì con dại, cha mẹ trông lại thì con khôn” để thấy rằng vai trò của những bậc làm cha, làm mẹ đối với tương lai con em họ là không thể thay thế. Không biết bao nhiêu diễn đàn mở ra và người ta đã nói nhiều đến sự mất cân bằng trong giáo dục hiện nay, khi nhà trường đang quá quan tâm đến việc dạy kiến thức mà buông lỏng, coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng đạo đức học sinh.
Nhưng cũng nên nhìn lại vài ba thế hệ trước hay xa hơn là một vài thế kỷ trước, không phải ai cũng được đến trường. Cho nên, “tiên học lễ” trước hết xuất phát từ sự dạy dỗ, uốn nắn, khuyên bảo của các thế hệ đi trước trong gia đình. Và quan trọng hơn cả, sự giáo dục hoàn hảo của gia đình chính là gieo nên những hạt mầm yêu thương!
…
Ngăn chặn những tác nhân xấu từ bên ngoài, đồng thời, bảo vệ nền tảng đạo đức, văn hóa, lối sống tốt đẹp từ trong gia đình là vấn đề đang và luôn được đặt ra. Thực tế, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động, nhiều chương trình, đề án liên quan, nhằm hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình.
Điển hình là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình chuẩn mực “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ… Từ đó, truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc gia đình, như “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gia đình là tế bào của xã hội – thành trì của Tổ quốc; xây dựng môi trường văn hóa gia đình – cộng đồng – xã hội lành mạnh…
Những chuyển biến bước đầu đã có. Song, sẽ chẳng thể có kỳ tích nào xuất hiện, nếu mỗi cá nhân không tự vấn hay tự đặt bản thân vào các chuẩn mực để “uốn” mình, nhằm tránh bị lệch chuẩn. Đồng thời, xây dựng gia đình trở thành điểm tựa yêu thương cho chính mình và cho mỗi thành viên.
Chiêm nghiệm tuổi trung niên: Cắt đứt ba kiểu tình thân, vun đắp ba loại tình bạn
Huyết thống chưa chắc đã quan trọng hơn tâm hồn. Người thân chưa chắc đã đối xử với mình tốt hơn bạn bè. Vì vậy, chúng ta cần phải buông bỏ đi 3 kiểu 'họ hàng' và vun đắp ba kiểu tình bạn sau.
Khổng Tử nói rằng: "Nếu 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi sẽ không còn nghi hoặc trong lòng." Bước vào tuổi trung niên, con người đã được nếm trải tình người ấm lạnh và dần hiểu ra đạo lý ở đời. Huyết thống chưa chắc đã quan trọng hơn tâm hồn. Người thân chưa chắc đã đối xử với mình tốt hơn bạn bè. Vì vậy, chúng ta cần phải buông bỏ đi 3 kiểu "họ hàng" và vun đắp ba kiểu tình bạn sau.
Ba kiểu quan hệ họ hàng cần buông bỏ
1. Tham phú phụ bần
Người xưa có câu: " Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm đến, khó giữa chợ chẳng ma nào nhìn." Lúc bạn nghèo khó, người ta khinh thường bạn. Lúc bạn giàu có, họ lại niềm nở chào đón bạn. Trong mắt họ, tình thân cũng phải đứng sau lợi ích.
Lúc nhỏ, những người họ hàng luôn là những người chiếm giữ một vị trí tốt đẹp và vô cùng quan trọng trong lòng chúng ta. Đến khi bước vào đời, bạn mới hiểu đây hóa ra cũng chỉ là một mối quan hệ "cộng sinh". Bạn còn có lợi ích thì họ vẫn sẽ ở bên bạn. Nhưng họ sẽ trở mặt ngay khi không còn nhìn thấy lợi ích ở bạn nữa.
Lúc chưa thành danh, cuộc sống của Tô Tần chật vật đến mức phải đến nương nhờ nhà anh trai mình. Hàng ngày, ông phải đối diện với những lời đay nghiến, mỉa mai đến từ người chị dâu. Sau cùng, ông chịu không nổi và phải chuyển ra ngoài sống. Không lâu sau, Tô Tần đi du thuyết thành công 6 nước. Danh tiếng của ông vang xa khắp bốn phương. Ngày về thăm quê hương, người chị dâu lại thay đổi hoàn toàn thái độ với Tô Tần. Không những đích thân ra cổng thành nghênh đón, bà ta còn niềm nở ân cần khác hẳn với sự cay nghiệt của ngày xưa.
Lúc bạn đắc ý, họ đến tìm kiếm lợi ích từ bạn. Lúc bạn thất thế, họ liền xa lánh và thậm chí sẵn sàng hãm hại bạn. Người thân kiểu này, tốt nhất không nên đi lại nhiều.
2. Vong ân phụ nghĩa
Chúng ta giúp đỡ bạn bè và họ luôn khắc ghi trong lòng. Chúng ta giúp đỡ họ hàng, và người ta luôn coi đó là điểu hiển nhiên. Bạn giúp ít thì họ chê, mà giúp nhiều thì họ ỷ lại.
Một người bạn của tôi sống trong một gia đình khá giả. Cậu ấy có một người cậu suốt ngày chỉ thích rong chơi, không chú tâm làm ăn. Mẹ cậu ta vì thương em nên thường lén cho em mượn tiền đi làm ăn. Mấy năm sau, người đó cũng đã kiếm được ra tiền. Nhưng anh ta lại cứ mãi không chịu trả lại số tiền kia. Anh ta nói rằng: "Nhà chị giàu như vậy, mà lại còn cần đến số tiền đó sao?". Cuối cùng, hai nhà vì chuyện này tranh cãi đến sứt mẻ tình cảm của đôi bên.
Vì vậy, đôi lúc chúng ta càng giúp đỡ người ta thì chưa chắc mình đã nhận lại nhân quả tốt. Giữa người thân với nhau, chúng ta nên hạn chế chuyện cho vay mượn tiền bạc. Nếu như giúp đỡ rồi mà không biết cảm ơn, thì mối quan hệ "họ hàng" kiểu này chúng ta cũng nên cắt đứt được rồi.
3. Không biết chừng mực
Mỗi năm tết đến, bên cạnh sự háo hức được về thăm nhà, chúng ta lại phải đối diện với những câu hỏi kiểu như " có người yêu chưa?" hay " lương tháng bao nhiêu?". Nếu có người yêu rồi thì bạn bị giục cưới. Bạn cưới rồi thì bị giục sinh con. Bạn đã sinh một đứa rồi thì lại bị giục sinh 2 đứa. Những người họ hàng đến thăm nhà và luôn thích tò mò về những vấn đề riêng tư của bạn.
Cho dù quan hệ chả mấy thân thiết, nhưng tính tò mò của họ về bạn thì lại không có điểm dừng. Và rồi từ đây, những lời đồn vô căn cứ được họ thêm mắm thêm muối, đem truyền người này sang người khác. Người ta vẫn hay bảo có quý thì họ mới hỏi. Nhưng không biết trong lòng họ có là thật lòng mong cho bạn sống tốt hay chỉ là thỏa mãn tính tọc mạch của bản thân.
Ba kiểu tình bạn cần vun đắp
1. Tâm hồn đồng điệu
Giữa bạn bè với nhau, điều được coi trọng nhất vẫn là tâm hồn. Bạn quen biết nhiều người nhưng không bằng quen được một người ban hiểu mình.
Trên đường đến thăm mộ Huệ Tử, Trang Tử có kể một câu chuyện. Ngày trước, ở một vùng nọ có người dùng bùn trắng chát lên mũi thành một cái chóp. Sau đó, anh ta gọi một người thợ đá đến mang rìu chặt cái chóp trắng đó đi. Người thợ đá chỉ cần một nhát rìu, đã chặt phăng đi cái chóp trắng đó. Người còn lại mặt không hề biến sắc, vẫn cứ điềm tĩnh và bình thản. Sau khi biết chuyện, nhà vua liền triệu kiến người thợ đá và yêu vầu ông ta diễn lại cảnh đó. Nhưng ông ta đáp: "Khả năng của tôi vốn không có vấn đề gì. Nhưng kể từ khi người bạn diễn kia qua đời, tôi đã không thể tìm được ai cùng diễn với tôi nữa."
Trang Tử than rằng: " Kể từ ngày Huệ Tử ra đi, đã rất lâu rồi không có người nào đàm đạo với ta." Chúng ta sẽ không còn cô đơn nữa nếu như tìm được một kì phùng địch thủ hay một người bạn tâm giao cùng chung chí hướng trong đời.
Bạn bè không cần nhiều, chỉ cần một người hiểu mình là đủ. Hai linh hồn cô đơn cùng sưởi ấm cho nhau. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của đời người.
2. Sẻ chia hoạn nạn
Lúc khó khăn là lúc ta nhìn rõ lòng người.
Ngay từ khi còn trẻ, danh tiếng của Tô Thức đã bay xa khắp kinh thành. Bạn bè của ông ở khắp mọi nơi. Nhưng sau khi thi án Điểu đài xảy ra, Tô Thức đã bị đày xuống Hoàng Châu. Những người bạn trước đây tuyệt nhiên không hề đoái hoài gì đến ông, vì họ sợ bị liên lụy. Nhưng Vương Phàm - người mà bị liên lụy nhiều nhất lại không hề xa lánh hay trách cứ Tô Thức. Hai người vẫn luôn giữ liên lạc với nhau qua những lá thư.
Thơ ca của Tô Thức vốn luôn tràn đầy lạc quan, bởi vì ông đã gửi hết sự bất mãn và đau khổ vào những lá thư viết cho Vương Phàm. Hai người tự chữa lành vết thương cho nhau bằng những lần đàm đạo nghệ thuật qua thư. Trải qua hoạn nạn, tình bạn hai người vẫn trước sau như một và không hề đổi thay.
Đường dài mới biết ngựa hay, sống lâu mới biết lòng người. Thời gian sẽ cho ai thấy ai là người thật lòng và ai là kẻ hai mặt. Đi đến sườn dốc bên kia của cuộc đời, ai rồi cũng đã nếm trải hết mọi ấm áp và lạnh lẽo của tình người. Bạn nhất định sẽ biết trân trọng những người bạn đã cùng mình trải qua khó khăn.
3. Chân thành, không giả dối
Sự chân thành luôn là nền tảng vững chắc để xây dựng bất cứ mối quan hệ nào.
Đến tuổi trung niên, con người vốn đã luôn mệt mỏi với các mối quan hệ xã giao. Nếu như giữa bạn bè với nhau, vẫn còn phải thử lòng nhau thì cuộc sống này chẳng còn gì vui vẻ nữa.
Muốn người đối xử với mình thế nào, mình hãy đối xử với người ta như thế. Bạn chân thành, tôi cũng sẽ chân thành. Chúng ta được làm bạn với những người chân thành thẳng thắn, bản thân không cần phải đề phòng. Người tự nhiên sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm. Gặp được những người thế này là điều không dễ, cho nên bạn nhất định phải thường xuyên vun đắp cho mối quan hệ này.
Đến tuổi trung niên, chúng ta trên có mẹ già, dưới có con trẻ. Những trọng trách và nghĩa vụ phải gánh vác ngày càng nhiều. Đừng phung phí thời gian của bản thân vào những người họ hàng ích kỉ! Bạn hãy đi tìm những người bạn thật sự xứng đáng để chúng ta trân trọng.
Muốn biết chồng yêu thương mình đủ thật lòng hay không bạn hãy để ý xem anh ta có thường xuyên nói những câu này Đàn ông yêu bạn thật lòng luôn mong muốn mang đến điều vui vẻ nhất cho vợ, vì thế họ sẽ không bao giờ thốt ra những câu dưới đây. "Anh không quan tâm/ Đó là việc của em..." Khi cưới nhau, chẳng phải vợ chồng đã thề nguyện cùng chung vai sát cánh, cùng xây dựng gia đình, cùng nhau vun đắp...