Gia đình người Việt nhịn ăn trả tiền thuê nhà trong Covid-19
Jacky Pham và vợ mất việc do lệnh phong tỏa trong Covid-19, phải bỏ một bữa ăn, dành dụm để trả 1.400 AUD/tháng tiền thuê nhà.
Vợ chồng Jacky Pham đều là thợ làm móng. Họ mất việc từ cách đây hai tháng, khi cửa hàng bị đóng cửa do lệnh phong tỏa. Hai tuần một lần, họ phải thanh toán 700 AUD tiền thuê nhà ở Sandy Bay, ngoại ô thành phố Hobart, thủ phủ bang Tasmania.
“Tôi đang ở trong tình trạng khó khăn vì Covid-19. Tôi không đủ tiền để trả tiền thuê nhà”, Jacky nói. “Thi thoảng chúng tôi nhịn ăn một bữa trong ngày. Bình thường chúng tôi ăn hai bữa một ngày”.
Gia đình Jacky Pham ở Sandy Bay, ngoại ô thành phố Hobart, thủ phủ bang Tasmania, Australia. Ảnh: ABC News
Jacky cho hay đã liên hệ với công ty cho thuê nhà Harcourts về việc bị mất thu nhập vào ngày 26/3. Anh được gửi cho một mẫu đơn xin khấu trừ tiền thuê nhà và đã điền ngay lập tức nhưng vẫn phải chờ đợi. Công ty cho biết chủ nhà “đang làm ngơ họ” và công ty không thể giảm phí nếu không được chủ nhà cho phép.
Hai tháng sau khi mất việc, vợ chồng người Việt này vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền thuê. Anh thậm chí phải xin gia đình ở Việt Nam hỗ trợ và đó là lần đầu tiên anh thanh toán phí bị trễ một ngày.
“Tôi đã thông báo với công ty là mình không có đủ tiền và phải mượn tiền từ bạn bè và gia đình. Đó là lý do tôi trả muộn một ngày”, anh nói.
Giám đốc công ty Harcourts xác nhận Jacky đã thông báo về tình trạng tài chính của mình và đề nghị được giảm tiền thuê nhà. Chủ nhà không phản hồi đề nghị này và Harcourts không thể tự đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Jacky có thể trả được chừng nào hay chừng đó.
Video đang HOT
Australia hiện ghi nhận gần 7.100 ca nhiễm nCoV, trong đó 101 người chết. Riêng trong tháng 4, gần 600.000 người ở nước này đã bị mất việc do những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19. Hồi đầu tháng này, chính phủ Australia đã nhất trí kế hoạch gồm 3 bước nhằm dỡ bỏ dần những hạn chế cho tới tháng 7, nhưng hành động cụ thể tùy thuộc vào từng bang.
Là công dân nước ngoài và chưa phải là thường trú nhân, Jacky không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ chính phủ trong đại dịch. Tuy nhiên, từ tuần tới, anh có thể nộp đơn vào quỹ hỗ trợ tiền thuê nhà Covid-19 của chính quyền bang Tasmania.
Hôm 19/5, chính quyền Tasmania tuyên bố người dân và những người có visa phải chi ít nhất 1/3 thu nhập để thuê nhà, có chưa đến 5.000 AUD tiền tiết kiệm, và chứng minh được rằng họ đang “vô cùng khó khăn” có thể nhận được hỗ trợ.
Khoản hỗ trợ sẽ được chi trả một lần trị giá 2.000 AUD hoặc bao hàm tiền thuê nhà trong 4 tuần và cũng có thể mở rộng ra với những người không nằm trong Đạo luật Thuê nhà ở.
Bộ trưởng Tư pháp Elise Archer cho hay nhiều người không được tiếp cận chương trình hỗ trợ việc làm trong Covid-19 và gói cứu trợ mới mang lại lợi ích cho những người trước đó đã rơi vào tình trạng này.
“Chúng tôi tin rằng vẫn còn những người vô cùng khó khăn và cần trợ giúp thêm các khoản tiền thuê nhà”, bà nói.
Bà Archer ước tính có khoảng 1.000 người thuê nhà ở Tasmania cần trợ giúp và cần khoảng 1,5 triệu AUD để đáp ứng việc chi trả.
Ben Bartl, luật sư của Hiệp hội Người thuê nhà Tasmania, cho biết có khoảng 26.000 người như Jacky ở Tasmania không được chính phủ hỗ trợ trong đại dịch toàn cầu.
“Hàng ngày chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ những người không thể trả tiền thuê nhà. Có những trường hợp chủ nhà yêu cầu họ bán tài sản để thanh toán”, ông nói. “Đây là những người tuyệt vọng trong hoàn cảnh tuyệt vọng và chính phủ nếu có thể thì nên hỗ trợ cho họ”.
Ông hoan nghênh chính quyền Tasmania đưa ra gói hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng cho rằng lẽ ra họ nên hành động sớm hơn.
“Chúng tôi biết rằng sáng kiến này được thực hiện cho đến ngày 30/6, đó là khi tình trạng khẩn cấp dự kiến chấm dứt”, ông nói. “Nếu Covid-19 tiếp diễn và những người thuê nhà có thể chứng minh họ đang gặp khó khăn về tài chính, chúng tôi hy vọng rằng chính quyền sẽ vào cuộc và cung cấp thêm tiền”.
Chủ của Jacky cho hay anh không thể quay lại làm việc sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ chính phủ cũng sẽ mất nhiều thời gian mới nhận được.
“Tôi chắc chắn sẽ nộp đơn vào gói giảm tiền thuê nhà. Với sự hỗ trợ tài chính này, tôi có thể tiếp tục trả tiền thuê nhà cho đến khi tìm được một công việc mới,” anh nói.
Australia lần đầu ban bố tình trạng khấn cấp về an toàn sinh học
Ngày 18/3, Australia lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về an toàn sinh học quốc gia theo Luật An toàn sinh học được nước này thông qua năm 2015.
Dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh tại Australia và các nước thuộc châu Đại Dương. Trong đó, một số quốc đảo trong khu vực đã có những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Chính phủ và các địa phương của Australia liên tiếp bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ để đối phó với tác động ngày càng sâu rộng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Tính đến 10h sáng nay 19/3 (giờ địa phương), Australia đã ghi nhận gần 600 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 6 người đã tử vong. Số ca nhiễm mới dự báo sẽ tăng thêm khi các bang của nước này cập nhật về tình hình dịch bệnh.
Ngày hôm qua (18/3), Australia đã lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về an toàn sinh học quốc gia theo Luật An toàn sinh học được nước này thông qua năm 2015. Theo quyết định mới này, chính phủ Australia sẽ được trao thêm nhiều quyền hạn bao gồm sử dụng các lực lượng và huy động các nguồn lực cần thiết để kiểm soát dịch bệnh.
Trong đó, chính quyền có thể tiến hành phong tỏa các khu vực địa lý, sơ tán các khu dân cư, áp dụng kiểm soát an toàn sinh học bắt buộc, truy tố các hành vi phạm vàhạn chế các cuộc tụ tập đông người. Các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị phạt tù lên đến 5 năm. Trước mắt, tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong 3 tháng, sau đó có thể được gia hạn căn cứ vào tình hình dịch bệnh.
Cũng trong ngày hôm qua (18/3), Quốc hội bang Queensland đã quyết định ngừng hoạt động trong 6 tháng để đảm bảo giãn cách xã hội và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Trước đó, Quốc hội Queensland cũng đã thông qua một đạo luật khẩn cấp cho phép chính quyền hoãn các cuộc bầu cử địa phương. Dự kiến, Quốc hội Queensland sẽ hoạt động trở lại vào tháng 9/2020.
Bang Tasmania của Australia hôm nay (19/3) tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới của bang, trở thành bang có chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ nhất tại Australia trong giai đoạn hiện nay.
Thủ hiến bang Tasmania Peter Gutwein cho biết, bắt đầu từ đêm mai (20/3), tất cả những người đến bang Tasmania, bao gồm cả những công dân sinh sống tại đây đều phải tự cách ly trong 14 ngày.
Tuy nhiên, lệnh này không áp dụng với những người đến bang này vì lý do thực sự cần thiết liên quan đến nỗ lực bảo vệ sưc khỏe cho người dân của bang, các tình huống khẩn cấp hoặc những người giúp cho đầu mối thương mại hoạt động. Vì bang Tasmania nằm trọn vẹn trên 1 hòn đảo ở phía Nam Australia nên lệnh này cũng không áp dụng với các tuyến tàu biển vận chuyển hàng hóa tới bang để giữ cho việc lưu thông hàng hóa vẫn được diễn ra. Chính quyền bang Tasmania sẽ cử người theo dõi việc cách ly và sẽ có hình phạt đối với những người vi phạm. Số tiền phạt có thể lên đến 16,800 AUD hoặc 6 tháng tù giam.
Bang Tasmania đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp, trao quyền nhiều hơn cho cảnh sát trong việc điều hành các hoạt động tại bang. Với các biện pháp mới công bố này, bang Tasmania là địa phương có chính sách kiểm soát chặt chẽ nhất hiện nay tại Australia trong nỗ lực làm giảm sự lây lan của Covid-19.
Trong một diễn biến liên quan, hôm nay (19/3), hãng hàng không lớn nhất Australia Qantas cũng đã tuyên bố từ cuối tháng 3 cho đến hết tháng 5 sẽ ngừng toàn bộ các chuyến bay quốc tế đồng thời giảm 60% các chuyến bay nội địa. Việc cắt giảm các chuyến bay này cũng đồng nghĩa với việc 60% người lao động của hãng này sẽ đối mặt với nguy cơ không có việc làm.
Trước đó hôm 18/3, một hãng hàng không lớn khác của Australia là Virgin cũng đã tuyên bố dừng tất cả các chuyến bay quốc tế và giảm một nửa số chuyến bay nội địa từ cuối tháng 3 cho đến ngày 14/6.
Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 tại New Zealand đã tăng 8 trường hợp trong ngày hôm qua (18/3), nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 20 trường hợp. Bộ Y tế New Zealand cho biết, 8 trường hợp mới này vừa trở về từ các nước châu Âu và Australia. Tính đến nay, đã có 5 thành phố của New Zealand xác nhận có bệnh nhân Covid-19, trong đó có thủ đô Wellington.
Các quốc đảo Thái Bình Dương gồm Samoa và Papua New Guinea đã xác nhận 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Các bệnh nhân này đều đến từ nước ngoài và đang được điều trị cách ly tại bệnh viện với các triệu chứng tương tự như Covid-19. Hiện các mẫu bệnh phẩm đã được gửi ra nước ngoài để xét nghiệm nên chưa thể kết luận 2 bệnh nhân này có mắc Covid-19 hay không.
Theo Việt Nga, Hữu Tiến/VOV-Australia