Gia đình nạn nhân vụ 5 công an dùng nhục hình đòi tăng án với bị cáo
Trước tòa, các bị cáo được cho là tiếp tục vòng vo né tránh tội, chưa thực sự ăn năn hối cải. Gia đình bị hại bức xúc yêu cầu HĐXX tăng mức án, đồng thời buộc các bị cáo bồi thường trên 1 tỷ đồng.
Mạng sống không thể mua bằng tiền?
Ngày 9/4, TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục ngày xét xử thứ 3 phiên sơ thẩm (lần 2) vụ dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ta cơ quan Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Trong phần lấy ý kiến đại diện người bị hại, chị Trần Thị Tâm (vợ nạn nhân Ngô Thanh Kiều) không đồng ý với quyết định truy tố của Viện KSND. Chị Tâm cho rằng Trần Minh Cường (tội phạm trong vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can) bị bắt, khai ra Kiều trước khi mời Kiều về làm việc. Ngoài ra, chị Tâm cũng đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự, kể cả việc cấp dưỡng cho cha mẹ chồng, các con chị Tâm cùng tiền tổn thất tinh thần, tiền mai táng… gần 1,5 tỷ đồng.
Chị Tâm (vợ nạn nhân Kiều) đề nghị tăng mức bồi thường cho gia đình mình.
Trong khi đó, chị Ngô Thị Tuyết (chị gái Kiều), người suốt 3 năm qua “gánh” đơn gõ cửa các cơ quan chức năng để làm rõ cái chết của Kiều mà chị cho rằng em trai chết oan không đồng quan điểm với em dâu. Chị Tuyết yêu cầu tăng mức hình phạt đối với các bị cáo. “Kiều do cha mẹ tôi đẻ ra, Tâm chỉ là vợ nên chuyện Tâm viết giấy bãi nại cho một số bị cáo là việc làm đơn phương không có sự thống nhất của gia đình. Nếu họ biết ăn năn hối cải, gia đình tôi biết rõ ai gây ra cái chết của em tôi thì chúng tôi cũng không đến mức hẹp hòi”, chị Tuyết nói.
Chị Tuyết trình bày thêm: “Khi em tôi mới chết sao không ai đến tỏ thái độ ăn năn để khi sự việc đến mức này mới đem tiền đến “mua chuộc” để xin ra đình viết giấy bãi nại. Thậm chí, thời gian đó, gia đình tôi bị áp lực rất nhiều, con tôi đi học bị đánh, tin nhắn hăm dọa… Tiền rất quan trọng nhưng không thể mua được mạng sống con người. Tôi mong pháp luật sẽ xét xử công bằng không để lọt tội phạm”.
Chị Tuyết (chị gái nạn nhân Kiều) đề nghị tòa giám định lại, tăng mức án đối với các bị cáo.
Chi Tuyết cũng viện dẫn, nếu em trai thực sự trộm cắp thì phải có bằng chứng rõ ràng và có pháp luật chừng trị. Đằng này không bắt quả tang, không có lệnh bắt, không lệnh khởi tố, truy tố sao nói Kiều có tội, bắt về rồi đánh chết.
Video đang HOT
“Trên người em tôi có hơn 70 vết thương, nội tạng dập nát, trong khi các bị cáo chỉ khai mỗi người chỉ dùng dùi cui đánh 3-4 cái vào chân, đùi. Vậy những vết thương còn lại do ai đánh? Tôi đề nghị phải giám định lại. Các bị cáo đánh chết em tôi sao lại là tội dùng nhục hình. Tôi đề nghị phải truy tố các bị cáo tội giết người, tăng mức hình phạt” – chị Tuyết bức xúc.
Lời khai nhân chứng
Tiếp tục phần xét hỏi nhân chứng, HĐXX triệu tập nhân chứng Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn (tham gia các vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can).
Trước tòa, cả Cường và Sơn đều thừa nhận nhận Kiều có tham gia các vụ trộm cắp. Cường cho rằng mình đã cùng Kiều thực hiện 9-10 vụ trộm trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Riêng trong vụ trộm tại thị xã Sông Cầu vào ngày 11/5/2012 dẫn đến Kiều bị bắt rồi chết tại công an TP Tuy Hòa, Kiều có tham gia. Tuy nhiên, Cường khai Kiều và Sơn không biết là hôm đó đi ăn trộm.
Nhân chứng Trần Minh Cường cho rằng Kiều đã tham gia trộm nhiều vụ, nhưng vụ trộm ở thị xã Sông Cầu, Kiều và Sơn đi cùng nhưng không biết.
Ngô Thanh Sơn làm chứng tại tòa.
“Hôm đó tôi chỉ rủ Kiều và Sơn đi chơi và tập xe cho Kiều chứ không bảo đi ăn trộm. Khi ra Sông Cầu, tôi bảo hai người ngồi đợi tôi đi đây tí. Khi lấy trộm được tiền tôi quay lại, Kiều và Sơn vẫn còn ngủ trong xe không biết gì”, Cường khai nhận.
Trong khi đó, HĐXX thẩm vấn thêm nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên). Ông Đại khai, khoảng 13 giờ ngày 13/5/2012, trong phòng có Kiều và Nguyễn Thân Thảo Thành. Ông thấy Thành cầm dùi cui đánh Kiều 2-3 cái từ trên xuống nhưng không biết trúng vào đâu. Lúc bị đánh, Kiều la a á, sau khi ra ngoài ăn cơm, ở sảnh, ông Đại cũng nghe Kiều la a á.
Nhân chứng Hà Văn Đại bị LS Thắng truy hỏi
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Thắng, bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cho rằng, lời khai của nhân chứng Đại mâu thuẫn. Ở mỗi lần khai, Đại lại thuật sự việc một cách khác nhau, lần thì thấy nói Thành tay trái cầm dùi cui, lần lại thấy là tay phải cầm dùi cui đánh Kiều từ trên xuống. Luật sư đề nghị HĐXX cần làm rõ.
Đại diện Công an tỉnh Phú Yên, Công an TP Tuy Hòa cũng tham gia phiên xử.
Trong khi đó, Đại giải thích, do lúc đó suy nghĩ là biết càng ít, nói càng ít càng tốt, càng nhẹ nhàng, nhưng sau đó đã khai đúng sự việc. Đồng thời, Đại khẳng định trước tòa, mọi lời khai sau này là đúng sự thật.
HĐXX tiếp tục mời nhân chứng Trần Khải Hoàn (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) để xét hỏi. Hoàn xác nhận vào buổi chiều xảy ra vụ việc, Hoàn có vào phòng thấy có Hà Văn Đại, Nguyễn Thân Thảo Thành và Kiều nhưng Hoàn chỉ vào phòng lấy giấy tờ rồi ra. Khi ra ngoài, Hoàn có nghe tiếng la a á trong phòng, còn ai đánh ai thì không biết.
Doãn Công
Theo dantri
Xử công an dùng nhục hình: Kỹ thuật hình sự giải thích về vết thương
Ông Nhật đã trả lời câu hỏi của luật sư và cho rằng một số vết thương trên tay, chân của nạn nhân do điện gây ra.
Chiều 8/4, phiên tòa xét xử vụ án công an dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tiếp tục diễn ra với phần giải thích của ông Lương Tấn Nhật - Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên về các vết thương trên người nạn nhân Ngô Thanh Kiều.
Ông Nhật đã trả lời câu hỏi của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho chị Trần Thị Tâm (vợ của Kiều) cho rằng một số vết thương trên tay và chân của nạn nhân do điện gây ra.
Ông Lương Tấn Nhật giải thích về cơ chế hình thành vết thương
"3 vết thương này, chúng tôi ghi trong biên bản như miêu tả là vết thương xây xát da do đã đóng vảy. Điều khẳng định ở đây, vết thương này không phải do cháy. Bởi khi cháy do tác động đồ nóng thì mẩn da, lên đỏ. Chúng tôi xác định xây xát da là dựa vào xác định tuổi dấu vết", ông Nhật nói. Theo ông Nhật, những dấu vết đó là dấu vết xảy ra trước khi anh Kiều tử vong.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, người bảo vệ quyền lợi của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên cán bộ Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa) đề nghị ông Nhật giải thích cơ chế hình thành 3 vết thương trên đầu của Kiều.
Ông Nhật nói: "Về chuyên môn về kỹ thuật hình sự, chúng tôi xác định 3 dấu vết hình thành trên đầu nạn nhân Ngô Thanh Kiều là do tác động của vật tày không cạnh... Thông thường, vật gây vết gần tương đồng với vật mang vết, nhưng nó còn phụ thuộc vào chiều hướng, mức độ tác động và tốc độ tác động".
Luật sư Thắng: "Tôi hỏi là có phụ thuộc vào hình dáng, kích thước va chất liệu của vật gây vết hay không?".
"Có nhưng vật gây vết hình thành phụ thuộc vào hình dáng, kích thước. Nhưng cũng có những vật nó không phụ thuộc vào hình dáng, kích thước do lực tác động, chiều hướng tác động và do vị trí tác động", ông Nhật giải thích.
Theo kế hoạch, ngày 9/4, tòa tiếp tục làm việc./.
Theo Đức Huy
Theo_VOV
Công an đánh người: Kém ý thức, non trình độ? Nhiều vụ công an gây thương tích, thậm chí làm chết người gây bức xúc dư luận. Nhiều cán bộ công an đã phải hầu tòa. Điểm đáng lưu ý trong nhiều vụ việc thời gian qua là chủ yếu xảy ra ở cấp huyện, xã. Một lần nữa năng lực và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ thực thi...