Gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền lung lay tinh thần
Nỗ lực tột bậc suốt hơn 20 ngày qua song việc tìm kiếm vẫn vô vọng khiến gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã lung lay tinh thần và hiện chỉ trông mong nước sông Hồng cạn bớt để hy vọng thấy thi thể thân nhân “dưới sông hay dạt vào ven bờ đâu đó”.
Anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, thuê thuyền ra cửa biển Ba Lạt để tìm kiếm
Sáng nay 14-11, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Quang (cậu ruột anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) cho biết gia đình thực sự thấy lung lay về tinh thần khi càng tìm kiếm, cơ hội thấy thi thể thân nhân của mình càng mông lung và trở nên xa vời.
“Gia đình chúng tôi đã đi tìm khắp nơi, cả trên cạn lẫn dọc sông Hồng, ra đến tận cửa biển Ba Lạt ở bờ biển giáp ranh giữa Nam Định và Thái Bình để tìm xác cháu Huyền nhưng vẫn không thấy một tia hy vọng nào” – ông Quang nói.
Ông Quang cho hay đã có quá nhiều thông tin tư vấn, giúp đỡ và gia đình đều làm theo nhưng không có kết quả. “Có bệnh thì đành phải vái tứ phương chứ biết làm sao” – ông Quang tự an ủi.
Dù lực lượng công an vẫn đang tích cực tìm kiếm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, tuy nhiên ông Phạm Đức Quang vẫn tỏ ra băn khoăn và không còn nhiều niềm tin.
Ông Phạm Đức Quang ngồi nhiều ngày ở cửa biển xem xác cháu mình cho trôi dạt ra đây
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề buổi thảo luận tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội về tình hình tội phạm ngày 29-10 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết theo tổng kết kỹ thuật hình sự thế giới, một người chết đuối dưới nước thông thường thì 5 đến 7 ngày xác sẽ nổi lên, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. “Đối với những trường hợp xác chết bị vứt xuống sông, có thể từ 18 – 25 ngày xác mới nổi” – tướng Chung cho hay.
“Nhưng hôm nay đã bước sang ngày thứ 26 rồi mà chẳng thấy cháu tôi đâu. Tất cả những nơi khả nghi hay có thông tin gợi mở, chúng tôi đều đã tìm cả” – ông Phạm Đức Quang băn khoăn.
Ông Quang cho biết mấy hôm nay gia đình vẫn tiếp tục đi tìm kiếm, cả trên đất liền lẫn dưới sông Hồng, thậm chí về cả nghĩa trang ở quê của bị can Nguyễn Mạnh Tường (nghi can đã để chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ rồi ném xác xuống sông Hồng phi tang) để dò hỏi và tìm kiếm nhưng vẫn vô vọng.
“Chúng tôi chỉ còn biết đợi nước sông Hồng rút và cạn bớt, bởi khoảng 2 ngày nữa, nước sông nơi đây sẽ cạn ở mức thấp nhất, hy vọng là xác cháu tôi vẫn còn nằm ở dưới sông này hoặc dạt vào ven bờ quanh đâu đó” – ông Quang cho biết.
Video đang HOT
Gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền hơn 20 ngày qua đã “lật tung” mọi điểm nghi ngờ trên sông Hồng để tìm thi thể người thân
Như tin đã đưa, nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã tử vong chiều ngày 19-10 trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động không phép do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chủ. Bác sĩ Tường sau đó khai nhận khi thấy nạn nhân đã tử vong, bác sĩ Tường đã cùng người bảo vệ của thẩm mỹ mang xác nạn nhân lên cầu Thanh Trì (Hà Nội) ném xuống sông Hồng Phi tang đêm ngày 19-10.
Sau khi bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị bắt ngày 22-10 và khai nhận hành vi độc ác của mình, lực lượng Công an Hà Nội cùng gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã tổ chức tìm kiếm ngay song đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân bị ném xác phi tang.
Suốt 25 ngày tìm kiếm hết trên cạn rồi dọc dài sông Hồng ra đến tận cửa biển Ba Lạt để tìm kiếm song xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa được tìm thấy.
Theo Người lao động
Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: Không tìm thấy xác nạn nhân, xử lý hình sự được không?
Đã gần 30 ngày từ khi xảy ra vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân xuống sông Hồng, thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Liệu việc xử lý và định tội bác sĩ Tường sẽ thế nào nếu không tìm được thi thể của nạn nhân?
Ông Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra - Ảnh: Hà An
Vấn đề được đặt ra là nếu không tìm thấy thi thể nạn nhân thì có thể xử lý hình sự được đối với ông Nguyễn Mạnh Tường hay không? Thanh Niên Online đã trao đổi vấn đề này với nhiều chuyên gia pháp lý, những người đang làm việc trong ngành tố tụng, để có cái nhìn đa chiều về vụ việc.
Vẫn xử được với 2 tội danh khởi tố
Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn đánh giá: "Vẫn xử được dù không tìm thấy thi thể người chết nếu truy tố ông Tường về 2 tội danh đã truy tố".
Luật sư Tám phân tích, trong vụ án này có rất nhiều bằng chứng vật chất khác ngoài thi thể của nạn nhân có thể được thu thập làm chứng cứ của vụ án. Chẳng hạn như, lời khai của ông Tường, của các nhân viên ở viện thẩm mỹ, của vợ ông Tường, của ông Khánh; các bằng chứng như phiếu thu, chứng từ, hóa đơn thu giữ ở viện thẩm mỹ cho thấy có sự hiện diện của chị Huyền ở viện thẩm mỹ Cát Tường; rồi 11 ống xi lanh hút mỡ của nạn nhân; những nhân chứng như cô gái đến viện thẩm mỹ sửa mũi chứng kiến thấy Khánh cầm túi nylon loại lớn; những dấu vết còn để lại trên chiếc xe ô tô chở xác nạn nhân...
Vừa qua, Công an TP.Hà Nội khởi tố bị can đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường ở 45 đường Giải Phóng, P.Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo điều 242 của bộ luật Hình sự và tội "xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" theo điều 246 bộ luật Hình sự. Liên quan đến vụ án này, Đào Quang Khánh (17 tuổi, nhân viên bảo vệ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường) cũng bị khởi tố bắt giam theo điều 246 bộ luật Hình sự.
Ông Tám diễn giải thêm, chẳng hạn như chất dịch từ người chết tiết ra để lại trên xe, một sợi tóc của nạn nhân trên xe ô tô, chiếc điện thoại của nạn nhân... Tất cả những cái này đều là nguồn chứng cứ là cơ sở để buộc tội đối với ông Tường.
"Nhưng nếu khởi tố, truy tố ông Tường về tội danh "giết người" thì bắt buộc phải tìm thấy thi thể nạn nhân. Bởi theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo chỉ buộc tội bị cáo giết người nếu tìm thấy thi thể, giải phẫu tử thi, chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi bị vứt xuống nước, thì mới đủ cơ sở buộc tội ông Tường", luật sư Tám nhận định.
Đồng tình với ông Tám, nhưng luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, TP.HCM) cho rằng nếu cơ quan công an không tìm thấy xác của nạn nhân thì công tác điều tra, truy tố sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Trong vụ án này, để chứng minh bác sĩ Tường có hành vi giết người, cơ quan điều tra cần chứng minh nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền. Kết quả khám nghiệm tử thi và giám định pháp y sẽ xác định được điều này.
Vì vậy, để có cơ sở chắc chắn nhất giúp xác định đúng hành vi phạm tội, bằng mọi cách cần phải tìm bằng được xác của nạn nhân.
Trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân (khó có thể xảy ra nhưng không phải là không thể - PV), theo luật sư Hưng, cần dựa vào các chứng cứ mà cơ quan cảnh sát điều tra thu thập được, lời nhận tội của bị can để xác định hành vi phạm tội của bị can.
Việc tìm thi thể chị Huyền là để đủ căn cứ pháp lý, việc khởi tố bác sĩ Tường là hiển nhiên, không thể bàn cãi - Ảnh: Hà An
Luật sư Hưng cho hay để xác định một người đã chết hay chưa cần phải dựa vào kết quả đo điện não. Theo đó hoạt động điện não của con người ngừng hoạt động có nghĩa là người đó đã chết.
Như vậy, cơ quan cảnh sát điều tra cần chứng minh được bác sĩ Tường có hành vi giết người và việc phải tìm thấy xác nạn nhân gần như là yêu cầu bắt buộc.
Nếu giả thiết "không tìm thấy xác nạn nhân" trở thành hiện thực, hành vi giết người với lỗi cố ý gián tiếp hay hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ Tường sẽ được cơ quan cảnh sát điều tra xem xét.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, cho hay việc tìm xác là để có cơ sở xác định tội danh của vị bác sĩ này.
"Trong trường hợp không tìm thấy xác thì căn cứ vào những gì đã được cơ quan điều tra xác định, dựa trên những bằng chứng như dao mổ của bác sĩ, lời khai của người làm chứng, người bị hại, người bị bắt và tạm giữ, lời khai của bị can để có thể đưa ra quyết định khởi tố vụ án", luật sư Hậu phân tích thêm.
Việc tìm kiếm thi thể chị Huyền vẫn chưa có kết quả - Ảnh: Hà An
Theo luật sư Hậu, dù chưa được thẩm định, nhưng lời khai của bác sĩ Tường rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án.
"Ví dụ, bác sĩ Tường khai khi vứt xác không cột đá nhưng nếu tìm thấy xác có cột đá thì đây được xem là tình tiết tăng nặng. Hay khi tìm thấy xác, cơ quan điều tra sẽ giám định pháp y, nếu phát hiện trong phổi nạn nhân có nước thì coi đây là yếu tố để xác định bác sĩ Tường tội cố ý giết người. Bởi phổi có nước là cơ sở khẳng định nạn nhân còn sống trước khi bị vứt xác", luật sư Hậu lý giải.
Khó xử lý
Đồng quan điểm này, một phó viện trưởng của Viện KSND cấp quận cũng khẳng định nguyên tắc xét xử của nhà nước là trọng chứng hơn trong cung (bằng chứng hơn lời khai).
Tuy nhiên lời khai của bị can, bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác như lời khai của nhân chứng, của đồng phạm và các bằng chứng khác thì được xem là chứng cứ buộc tội, không cần phải tìm thấy thi thể.
Tuy nhiên, một thẩm phán tòa hình sự TAND TP.HCM thì vẫn băn khoăn về vụ án vì cho rằng khó có thể buộc tội. "Ví dụ như một vụ trộm cắp, cướp giật, các bị cáo khai nhận chi tiết nhưng vẫn không thể buộc tội nếu không tìm được bị hại", vị thẩm phán này nói.
Vị thẩm phán này cho biết thêm, trong nhiều năm xét xử các vụ án, ông cũng chưa bao giờ gặp trường hợp vụ án nào mà không có bị hại hay nạn nhân.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý thêm rằng: "Dù bị can, bị cáo có khai nhận tội phù hợp với nhau nhưng biết đâu đó chỉ là hành động cố "chạy" một tội khác nặng nề hơn. Kết tội một con người không thể suy diễn và chưa có vụ án nào chỉ xử theo lời nhận tội".
Do vậy việc tìm thấy thi thể nạn nhân là yêu cầu bắt buộc trong việc xác định xem bị can có "chạy một tội lớn hơn" là giết người hay không?
Theo TNO
Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: Cấp giấy cho 2 luật sư bảo vệ quyền lợi nạn nhân Nguồn tin của Thanh Niên Online cho biết Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Hà Nội vừa cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 luật sư tham gia bảo vệ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, trú phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong vụ án bác...