Gia đình miền núi làm vườn sân thượng kiểu châu Âu
SƠN LA – Trong hàng chục chậu gỗ, các loại cải dún, cải kale, xà lách tím đâm mơn mởn, gọn đẹp như những vườn nước ngoài trên ảnh.
Vợ chồng chị Thanh Quý, ở thành phố Sơn La bắt đầu làm vườn trên nóc tầng 4 từ tháng 10/2018. Mới chỉ trồng một năm, gia đình 4 thành viên đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì độ tươi tốt của vườn sân thượng 50 m2 này.
Đầu tiên, họ tham khảo các kiểu thùng gỗ của người làm vườn nước ngoài rồi thuê đóng, vừa đẹp vừa thân thiện môi trường. Giá mỗi chậu từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng. Trên vườn có hàng chục chậu gỗ xếp sát nhau, tạo nên khu vườn gọn đẹp ngay từ đầu.
Bên cạnh các giống rau địa phương, chị Quý sưu tầm nhiều giống rau nước ngoài trong mỗi lần đi công tác hoặc đặt mua, như cải kale, cà chua bi vàng, củ cải ngọt Hàn Quốc, rau mùng tơi Nhật, mướp đắng trắng, xà lách Nga…
Vườn luôn có từ 10 đến 15 giống rau khác nhau để đa dạng bữa ăn. Hiện tại, gia đình được ăn 3 loại cà chua khác nhau, một số loại rau cải, xà lách, bắp cải, su hào, củ cải, cùng rau mùa hè vẫn đang cho thu hoạch.
Hầu như trồng rau nào, gia đình đều bội thu rau ấy. Cải dún chỉ cần 3-4 cây đã được một kg, củ cải nặng 1,3 kg, quả cà chua 3,5 lạng..
Chăm một vườn rau tươi tốt và đẹp không dễ, nhất là khi vợ chồng chị Quý đều bận việc cơ quan và thường vắng nhà. Bí quyết của chị nằm ở khâu trộn đất, gieo trồng đúng mùa vụ và bón phân hữu cơ thường xuyên, tưới nước gạo ủ chua mỗi ngày.
“Quan trọng nhất là cả gia đình tôi đều thích làm vườn. Những hôm tôi đi vắng thì chồng và con tưới nước, bắt sâu, không ngày nào bỏ bẵng. Nhiều hôm ban ngày bận, tối về lại chăng đèn, dắt díu nhau lên vườn bắt sâu, vợ chồng con cái trò chuyện rôm rả. Giữa núi rừng mịt mù, sân thượng nhà tôi sáng đèn ấm áp”, chị Quý kể.
Video đang HOT
Có vườn, cả nhà thay đổi trong thói quen ăn uống, sử dụng mỗi bữa hai món rau, các con chị đều ăn nhiều rau hơn trước. “Từ ngày có vườn, chồng tôi làm cách nhà 12 km, nhưng hầu như trưa nào cũng về ăn cơm”, chị nói.
Tết năm 2018, cả nhà ngồi trên ban công tầng 4, chờ khoảnh khắc thành phố bắn pháo hoa đối diện nhà mình. “Sau giây phút Giao thừa, cả nhà nói về những việc lớn đã làm được trong năm qua và dự định năm tới. Khu vườn là điều tôi đến chồng hay các con đều nghĩ đã làm được và năm tới phải duy trì”, chị Thanh Quý cười nói.
Nhờ cách trồng khoa học mà diện tích vườn nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Rau không thuốc sâu, không phân bón hoá học đáp ứng hoàn toàn nhu cầu rau gia đình, nhiều lúc họ còn có thể tặng cho bạn bè, người thân và hàng xóm.
Mới đây chị Quý chia sẻ vườn của mình lên một group của người làm vườn đến từ khắp nơi trên thế giới, thu hút 2.000 like.
Nhiều bạn bè Facebook được truyền cảm hứng từ cách trồng trọt của gia đình chị Quý và nói sẽ cải tạo sân thượng để trồng trọt.
“Nếu bạn có ý định xây dựng một ngôi nhà mới, hãy nghĩ đến một khu vực thích hợp để làm vườn. Đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho cả nhà và khu vườn cũng sẽ dạy bạn phải kiên nhẫn, sống yêu thương và đam mê”, chị Quý chia sẻ thêm.
Nhiều bạn bè Facebook được truyền cảm hứng từ cách trồng trọt của gia đình chị Quý và nói sẽ cải tạo sân thượng để trồng trọt.
Phan Dương
Ảnh: Thanh Quý
Theo VNE
Bà mẹ Hà thành chi mạnh tay thiết kế 100 chậu rau trên sân thượng
Hàng ngày, chị Nguyễn Thắm có niềm vui bất tận khi tận tay chăm sóc cây trái, rau quả trong khu vườn trên sân thượng để an tâm chế biến nhiều món ăn ngon cho gia đình thưởng thức.
Đã từ rất lâu, những bữa ăn hàng ngày của gia đình chị Nguyễn Thắm ( Hà Nội) luôn đảm bảo có đủ rau xanh, quả sạch để cả nhà thưởng thức, an tâm. Bà mẹ đảm đang cũng luôn cảm thấy hào hứng với công việc chăm sóc các loại cây trên sân thượng nhà mình.
Chị Thắm cho biết, chị trồng rau từ 4 năm trước đây. Lý do của chị cũng vô cùng đơn giản và thiết thực, đó là mong muốn có được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày cho gia đình. Sau một thời gian trồng, vừa trồng vừa học hỏi, hiện tại khu vườn của chị đã xanh tươi với đủ các loại rau ăn hàng ngày..
Khi mới trồng, chị Thắm cũng gặp vô vàn khó khăn, cực nhọc vì không có kinh nghiệm trồng trong thùng xốp bị chuột làm tổ nhiều, nước tưới rau bị thoát hết ra ngoài. Về sau sợ thùng xốp chứa nhiều hóa chất nên chị đổi hết sang thùng nhựa thông minh.
Chị đầu tư mua chậu nhựa thông minh 8 triệu, đất, phân bón, vật dụng làm vườn khoảng 3 triệu. Làm mái che khung sắt lưới che là 7 triệu đồng, tổng cộng là 18 triệu.
Để tránh chim sa xuống ăn rau, vừa để làm giàn cho những cây leo như bầu, bí, dưa chuột, mướp,..chị đầu tư thêm 30 triệu để làm thêm giàn cao.
Vì trồng rau trên sân thượng nên chị sử dụng chống thấm bằng công nghệ mới, dùng Slilk chống thấm, sau đó trải màng chống thấm hai mặt.
Chị Thắm cho hay, chị dùng máng trồng rau thông minh có chứa nước dưới đáy có thể làm ẩm đất và không lo bị chảy nước ra ngoài nên hoàn toàn không lo sợ thấm, không lo cây bị thiếu nước vào những ngày nắng nóng.
Chị còn làm các kệ tầng, các giỏ treo trồng được nhiều loại rau.
Với diện tích sân thượng 45m2, chị đã khéo léo bố trí được khoảng 100 chậu nhựa trồng hoa và máng trồng rau.
Để có vườn rau quả tươi tốt, sai quả như hiện tại, chị dành thời gian rảnh rỗi vào cuối tuần để ra chợ xin mai con cua đồng đã lọc phần thịt về chôn xuống đất, trộn thêm chút vôi bột để khử sâu bệnh, phân gà xin nhà hàng xóm để ủ xuống đất.
Để đối phó với sâu bệnh, chị Thắm thường sử dụng vôi bột rắc và để ải đất.
Vì trồng rau phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình nên chị thường trồng rau theo mùa. Cách làm này cũng giúp cho rau hạn chế được sâu bệnh.
Gia đình chị quanh năm luôn đầy ắp các loại rau quả sạch.
Vì đã có nhiều kinh nghiệm trồng rau quả trên sân thượng, các loại cây chị trồng đều cho năng suất cao.
Khu vườn trên cao vừa giúp gia đình chị luôn cảm thấy thoải mái, yêu hơn tổ ấm của mình khi về nhà vừa là khoảng xanh trong để mọi người có thể thư giãn, giải tỏa những căng thẳng sau những giờ làm việc vất vả, mệt nhọc bên ngoài.
Theo Thục Anh (Dân Việt)
Vợ chồng trẻ 'đấu trí' để có dưa sân thượng sai quả TP HCM - Vợ chồng Phương Thanh không dám đi đâu trong giai đoạn quả lớn, vì chẳng may dư nước, cây sẽ thối gốc hoặc nứt trái. Phương Thanh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Nhơn Đức, Nhà Bè (TP HCM) bắt đầu làm vườn từ khi kết hôn gần một năm nay. Vườn nằm trên sân phơi đồ tầng 2...