Gia đình liệt sỹ 12 năm chìm trong đau khổ: “Nín thở” chờ huyện Thanh Trì sửa sai
Làm việc với PV Dân trí ngày 24/7/2013, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thanh Trì thừa nhận có sai sót khi cấp 2 sổ đỏ trên phần đất của cụ Triệu Thị Mão. Lãnh đạo phòng này khẳng định có thể sửa sai, giải quyết dứt điểm vụ việc trong 60 ngày.
Sau loạt bài điều tra “kỳ án” mất đất oan khuất của mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão ở Đông Mỹ, Thanh Trì. TP. Hà Nội. Ngày 24/7/2013, PV Dân trí có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Thanh Trì, đơn vị được lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì giao nhiệm vụ trả lời các vấn đề liên quan trong vụ cấp 2 sổ đỏ trái pháp luật từ 18 năm trước.
Tại buổi làm việc, nhiều nỗi oan khuất của gia đình cụ Triệu Thị Mão được làm sáng tỏ. Ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng TN&MT thừa nhận có nhiều điểm chưa đúng trong quá trình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ khi tách mảnh đất 1020m2 cho ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung.
Đại diện cho gia đình cụ Triệu Thị Mão là ông Xưởng (con rể cụ Mão) đã không kìm được nước mắt khi nhắc lại sự việc của gia đình, đặc biệt khi buổi làm việc diễn ra gần ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Tính đến nay, vụ việc của gia đình bà Mão đã kéo dài hơn 12 năm mà gia đình chưa đòi được công lý.
Theo ông Trần Văn Chung, khi vụ việc của gia đình cụ Triệu Thị Mão xảy ra năm 2002, UBND huyện Thanh Trì có nhận biết được những điểm sai sót, nhưng vì các thủ tục hành chính và nằm ngoài thẩm quyền nên không thể ra quyết định hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp.
Trong buổi làm việc ngày 24/7/2013, bản thân ông Chung cũng tỏ ra bức xúc khi đề cập đến các Quyết định “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” của ngành tòa án hơn 12 năm qua. Ông Chung cho biết: “12 năm gia đình cụ Triệu Thị Mão đã gặp rất khó khăn nhưng không phải do các cơ quan hành chính, mà là do cơ quan Tư pháp. Có đến 9 bản án, 4 lần giám đốc thẩm và 2 lần thi hành án nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong.
Khi vụ án tưởng như đã khép lại, TAND Tối cao lại ra Quyết định kháng nghị yêu cầu xét xử lại đã đẩy người dân vào cảnh luẩn quẩn, vòng đi vòng lại. Chúng tôi thấy nó vòng vo quá, dài dòng quá và có những quan điểm trái ngược nhau cùng ở một ngành tòa án hoặc ở cùng một cấp tòa, từ huyện cho đến Trung ương – TAND Tối cao. Chúng tôi là các cơ quan thực hiện, chúng tôi thấy có cái gì đó chưa ổn lắm”.
Ngày 23/9/2008 TAND TP. Hà Nội ra bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT về vụ việc của gia đình cụ Mão. Thực hiện bản án này, ngày 14/1/2009, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội ký Quyết định số 632/QĐ – THA về việc thực thi bản án số 58/2008/DSPT, tiến hành cắm mốc giới trả lại cho cụ Mão 850m2đất và tài sản trên đất. Cắm mốc giới cho ông Nguyễn Văn Chung sử dụng 170m2.
Nhưng sau khi cụ Mão qua đời tháng 4/2010, ông Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án TAND Tối cao lại ra Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT ngày 23/9/2008 của TAND TP. Hà Nội, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm.
Trước việc tòa án xét xử quá lâu, kéo dài hơn 12 năm mà chưa có kết luận cuối cùng, gia đình cụ Triệu Thị Mão đã gửi đơn đến UBND huyện Thanh Trì đề nghị giải quyết.
Theo xác nhận từ ông Trần Văn Chung, UBND huyện Thanh Trì đã nhận được đơn khiếu nại của gia đình cụ Mão và đang giao cho Thanh tra thụ lý vụ việc.
Video đang HOT
Trước câu hỏi của PV Dân trí về thời gian dự kiến để Phòng TN&MT và huyện Thanh Trì hủy cuốn sổ đỏ cấp sai quy định cho ông Nguyễn Văn Chung là bao lâu? Ông Trần Văn Chung khẳng định có thể giải quyết dứt điểm vụ việc trong 60 ngày theo đúng trình tự. Vụ việc của gia đình cụ Mão đã rõ ràng, Phòng TN&MT sẽ tham mưu cho UBND huyện Thanh Trì đôn đốc tiến độ để có kết quả trong tháng 8.
Trong buổi làm việc này, nhiều lần ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng TN&MT đã đề cập đến những điểm chưa ổn của ngành tòa án khi xét xử vụ án này: “Tôi băn khoăn, khi toà án xét xử dù đúng hay sai cũng có bản án gửi về các cơ quan quản lý nhà nước và có trách nhiệm liên quan. Ví dụ như xử vụ nhà bà Mão, liên quan đến việc giấy tờ đất đai thì tòa xử xong nên có quyết định, bản án của tòa chuyển cho huyện Thanh Trì để chúng tôi xử lý, nhưng chúng tôi không có, chúng tôi phải tự thu thập. Là đơn vị phải thực hiện, nhưng chúng tôi lại không được nhận bản án”.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão, báo Dân trí đề nghị UBND huyện Thanh trì khẩn trương giải quyết vụ việc trên theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội và sớm thông báo kết quả để gia đình cụ Mão thoát cảnh oan khuất, đồng thời làm dịu nỗi bức xúc của độc giả đang hàng ngày theo dõi vụ việc.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên đến bạn đọc trong thời gian tới.
Theo Dantri
"Sai phạm hàng nghìn tỷ đồng, sao chỉ xử lý hành chính?"
"Tại sao sai phạm thì rõ ràng, mức độ đến hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ dừng ở xử lý hành chính, sao không thể xử nghiêm hơn... Chính trong lực lượng thanh tra, kiểm toán cũng có tiêu cực?" - Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi.
Phiên giải trình về "Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước" tại UB Tư pháp của Quốc hội ngày 19/7 ghi nhận nhiều câu hỏi hóc với người đứng đầu ngành Thanh tra, Kiểm toán.
Người đứng đầu "né" trách nhiệm phát hiện tham nhũng
Đại biểu Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực UB Tư pháp) nêu nhiều con số "biết nói" như có địa phương phát hiện sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai lớn, lên tới 3.400 tỷ đồng; ngành kiểm toán 3 năm qua cũng kiến nghị xử lý tài chính đến 68.000 tỷ đồng với hàng nghìn sai phạm.
Ông Đương đặt câu hỏi, sao nhiều sai phạm như thế, số tiền sai phạm lớn như vậy mà năm 2012, kiểm toán nhà nước chỉ chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra? "Nhìn vào những thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng như vậy, hướng xử lý thế nào cho tương xứng"?
Chia sẻ những băn khoăn, nghi ngại này, Phó Chánh án TAND TPHCM Huỳnh Ngọc Ánh cũng bức xúc vì các báo cáo thể hiện một điểm là cơ quan chức năng thanh tra xong hầu hết kiến nghị xử lý hành chính. Khẳng định không hài lòng với việc này, ông Ánh truy vấn: "Ai giám sát việc này, xem xử lý hành chính như vậy đúng hay sai? Giám sát về tham nhũng như thế liệu có chống được tham nhũng?".
Phiên giải trình có mặt nhiều lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm trong việc phòng chống tham nhũng.
Trước những nhận định thanh tra chỉ nhắm tới hướng xử lý hành chính, hiệu lực công tác thanh tra chưa cao, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thanh minh, toàn ngành thanh tra mỗi năm thực hiện trên 10.000 cuộc thanh tra lớn nhỏ. Khi thanh tra đều đưa ra mục tiêu vừa phải đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị đó vừa phải phát hiện để chấn chỉnh sai lầm.
Ông Tranh quả quyết, 3 năm qua, ngành thanh tra đã cố gắng để phát hiện các hành vi tham nhũng. Trong 5 năm trở lại đây cũng đã xử lý trách nhiệm 108 người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng.
"Rõ ràng công tác thanh tra có mang lại kết quả cụ thể nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa hài lòng. Với cơ quan thanh tra, ngành thanh tra, chúng tôi cũng chỉ đạo, sao cho trong quá trình thanh tra phải quan tâm, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng ngoài việc xử lý hành vi khác"- ông Tranh giải thích.
Bác bỏ quan ngại về động cơ khi không chuyển điều tra, Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn chứng cuộc thanh tra ngân hàng NN&PTNT, thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra một vụ việc, khởi tố trên 30 người, trong đó có vị nguyên là Tổng Giám đốc Ngân hàng. Ngoài vụ điển hình này, ông Tranh khẳng định, các vụ khác lực lượng thanh tra cũng rất tích cực khám phá theo hướng "phát hiện đến đâu xử đến đó".
Ở vị trí Chủ tọa phiên điều trần, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện vặn lại Tổng Thanh tra Chính phủ: "Tại sao sai phạm thì rõ ràng, mức độ đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng có thể làm rõ mà chỉ dừng ở xử lý hành chính, sao không thể xử nghiêm hơn. Chính trong lực lượng thanh tra, kiểm toán cũng có tiêu cực? Nếu vậy cần xử lý thế nào, có nghiêm không?".
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh tiếp tục giải thích, có nhiều trường hợp cơ quan chức năng không phát hiện ra hành vi tham nhũng. Ngoài ra cũng có nguyên nhân, người tham nhũng có chức vụ quyền hạn nên có nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu
Việc thanh tra cũng bị giới hạn bởi quy định thời gian ngắn, lực lượng cán bộ của ngành không đủ nên khả năng phát hiện tham nhũng chưa được sâu, chưa được tốt. Ông Tranh cũng "than", thẩm quyền của cơ quan thanh tra, tính độc lập của cơ quan thanh tra, theo quy định hiện hành, cần phải xem lại vì ngay cả khi phát hiện tội phạm, thanh tra không có quyền xử lý hay khởi tố ai.
Về việc phát hiện và xử lý người đứng đầu liên quan đến tham nhũng, ông Tranh thừa nhận chưa "xử" được nhiều, quy định còn nhiều sơ hở như nhận định cụ thể về trách nhiệm, nếu người đứng đầu là Bộ trưởng hay thủ trưởng cơ quan thì xác định trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp.
"Phát hiện, xử lý người đứng đầu qua quá trình theo dõi là ít. Cũng có vấn đề là lãnh đạo cơ quan đơn vị cũng "ngại" chuyện tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị mình vì khi nêu vấn đề ra chính người đứng đầu cũng bị liên đới, xử lý nên người ta sẽ tránh né. Vậy nên chỉ lúc nào mà thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mới thấy, mới phát hiện" - ông Tranh lập luận.
Về vấn đề cán bộ thanh tra tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định vừa qua ngành đã xây dựng nhiều quy định để ngăn ngừa, kiểm soát, giám sát các tiêu cực tham nhũng trong ngành. Ông Tranh thông tin, đã xử lý một số trường hợp cán bộ thanh tra vi phạm, trong đó có những trường hợp xử lý hình sự.
Nghi chứng từ làm giả, kiểm toán cũng khó "bóc mẽ"
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng, ủy viên UB Tư pháp) hướng quan tâm sang lĩnh vực kiểm toán. Ông Nghĩa yêu cầu Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời có theo sát 5 vụ việc đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. "Tôi rất lo lắng về trách nhiệm của Tổng kiểm toán khi điều hành một cơ quan do Quốc hội lập ra, được trao quyền rất lớn" - ông Nghĩa nói.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga tán thành hướng đặt vấn đề của ông Nghĩa. Bà Nga nhấn mạnh, Quốc hội đã thành lập, đã giao nhiệm vụ, người dân cũng rất kỳ vọng vào cơ quan kiểm toán - một thể chế độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong cuộc chiến với tham nhũng.
Bà Nga nghi ngại với kết quả, kiểm toán nhà nước có gần 700 đầu mối nhưng trong 4 năm hoạt động không kiến nghị vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng. Ngay việc kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc thì trong đó, 1 vụ đã được xác định không có dấu hiệu tham nhũng, 1 vụ cơ quan điều tra trả lại hồ sơ và 3 vụ còn lại cũng chưa thấy có thông tin gì.
Liên hệ với tình trạng vòi vĩnh trong đội ngũ kiểm toán viên, bà Nga hỏi thẳng về trách nhiệm của ngành, của người đứng đầu ngành về việc kém phát hiện tham nhũng.
Ông Nguyễn Hữu Vạn - người vừa nhận nhiệm vụ Tổng Kiểm toán nhà nước 2 tháng trước biện giải, việc ít phát hiện sai phạm chuyển cơ quan điều tra là do tính chất hoạt động, nghiệp vụ của kiểm toán có hạn chế trong xác định các hành vi. Ông Vạn phân trần, đặc thù công việc của kiểm toán khác hẳn cơ quan điều tra.
"Khi làm việc, ngay cả nghi ngờ, kiểm toán cũng khó có đủ các bằng chứng pháp lý cao hơn để làm rõ hành vi tham nhũng. Đối tượng kiểm tra có thể cố ý hoặc vô ý không cung cấp đủ thông tin cho cơ quan kiểm toán. Căn cứ vào báo cáo tài chính cũng không thể chắc chắn. Ngay cả khi các kiểm toán viên thực hiện báo cáo thì tính chính xác cũng khó có thể khẳng định được vì cơ quan kiểm toán phải tiếp xúc với các hành vi gian lận rất tinh vi, để che giấu hành vi tham nhũng" - ông Vạn trình bày.
Ví dụ từ hành vi thông đồng làm giả chứng từ, ông Vạn giải thích, kiểm toán không thể có nghiệp vụ để "bóc mẽ".
Tổng Kiểm toán nhà nước giải thích thêm: "Mỗi một cuộc kiểm toán không phải là một cuộc điều tra, thanh tra nên không có quyền xét hỏi. Về vấn đề chứng cứ, có những nội dung không phản ánh được bản chất. Quá trình tổ chức kiểm toán hiện cũng có những vướng mắc...".
Tuy nhiên, ông Vạn cũng thừa nhận thực tế, hiện nay đội ngũ kiểm toán, trình độ cũng không đồng đều với gần 30% kiểm toán viên dự bị. Theo người đứng đầu ngành, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng hoạt động kiểm toán chưa được như mong muốn. Vừa qua, số vụ để chuyển cơ quan điều tra đang còn hạn chế.
Về tình trạng tiêu cực trong ngành, tân Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn cũng xác nhận còn nhiều cán bộ chưa làm tốt nhiệm vụ, trách nhiệm chưa cao. Tuy nhiên "hiện tượng tiêu cực có nghe nói nhưng bằng chứng lại không có".
Ông Vạn khẳng định đã kiểm điểm nghiêm túc, có chỉ đạo rõ ràng trong ngành về trách nhiệm. Các đơn vị thời gian qua đã kỷ luật 21 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp cho thôi việc. "Chúng tôi rất mong sẽ nhận được những bằng chứng cụ thể để chỉ mặt điểm tên, làm trong sạch đội ngũ" - Tổng Kiểm toán nhà nước chốt lại.
Theo Dantri
"Điểm tên" 4 lĩnh vực tham nhũng tinh vi Tín dụng ngân hàng; quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản; xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng vốn tại DNNN - đây là 4 lĩnh vực Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo có tham nhũng tinh vi trong phiên giải trình trước UB Tư pháp hôm nay. Sáng 18/7, UB Tư pháp của Quốc hội họp...