Gia đình liệt sĩ òa khóc khi nhận lại cuốn nhật ký của con
Sau 45 năm là “tài sản” tinh thần chung của nhiều tầng lớp thanh niên xã Sơn Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), 12h trưa ngày 22/7, cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đã trở về với gia đình tại Hải Phòng.
12h trưa nay, thầy giáo Lý Quang Nhân ngụ tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã trao cuốn nhật ký tới gia đình liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng. Vây là cuôn nhât ký liêt sĩ đã được trở vê quê hương sau 45 năm được trân trọng lưu truyên ở Quảng Bình. Kỷ vật thiêng liêng này đã được thầy giáo Nhân trao tận tay cụ ông Lưu Văn Sắc (86 tuổi), bố của liệt sĩ Hùng.
Cụ Sắc (áo trắng) ôm chặt cuôn nhât ký vào lòng
Buổi trao lại kỷ vât của người con cho người cha già diễn ra trong không khí trang trọng và vô cùng xúc động. Gia đình cụ Sắc rất biết ơn trước tình cảm cũng như công lao lưu giữ cuôn nhât ký của thầy giáo Nhân.
Thầy giáo Lý Quang Nhân cho biết, năm 1968, ông được nhận cuốn nhật ký từ một anh bộ đội là đồng đội của liệt sĩ Hùng. Từ đó cuốn nhật ký được các bạn trẻ trong xã Sơn Thủy truyền tay nhau đọc và ghi chép lại, coi như một lý tưởng sống để học tập. Sau đó cuôn nhât ký bị thât lạc, mãi đến 2008, ông Nhân mới tìm lại được. Ông quyết định tìm gia đình người liêt sĩ đê trao lại kỷ vật quý giá này.
Video đang HOT
Thắp hương cho con với kỷ vât vừa nhân được
Nhân lại những dòng tâm sự với những nét bút quen thuộc của người con trai cả đã hy sinh, cụ Lưu Văn Sắc òa khóc. Cụ ôm cuốn nhật ký vào lòng như ôm người con đã 45 năm không trở về. Cụ chia sẻ: “Con trai tôi đã nằm lại chiến trường 45 năm. Đến nay tôi vẫn chưa tìm được phần mộ. Cuốn nhật ký này với tôi vô cùng quý giá. Nó sẽ giúp tôi xoa dịu đi phần nào nỗi nhớ con mình. Tôi muốn nói lời cảm ơn rất nhiều đến thầy giáo Nhân”.
Theo Dantri
Người phụ nữ dân tộc Hơ Rê 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ
Tới đầu ngõ 275, đường Trường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng hỏi từ cụ già đến em nhỏ, ai cũng biết bà Từ Thị Công Lễ, sinh năm 1940, người dân tộc Hơ Rê, quê ở Sơn Thủy, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi...
nguyên là diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 5, người phụ nữ dân tộc thiểu số đã được vinh dự gặp Bác Hồ 5 lần.
1. Vào những ngày giữa tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang hân hoan tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2012), trong cái nắng nóng đến ngột ngạt của những ngày đầu mùa hè, chúng tôi tìm đến gặp người nữ nghệ sỹ già Đại úy Từ Thị Công Lễ - nguyên diễn viên của đoàn Văn công Quân khu 5. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà Lễ run run lần giở từng trang của cuốn nhật ký bằng hình ảnh mà bà đã cất giữ từ rất lâu và luôn coi đó là báu vật của đời mình. Tuy đã hơn 70 tuổi và hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, nhưng bà Lễ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đầy vinh dự, tự hào đó. Từng kỉ niệm chợt ùa về như những thước phim chiếu chậm được bà kể lại vanh vách như mới xảy ra hôm qua.
Sinh trưởng trong gia đình tham gia hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp, năm 1954, cô bé Từ Thị Công Lễ vừa tròn 14 tuổi và được cử ra miền Bắc học tập theo đoàn học sinh miền Nam. Trước khi ra Bắc, cô bé đã được cha mẹ và bà con người dân tộc Hơ Rê trong làng nhắn nhủ, gửi gắm niềm tin: "Con ra Bắc học tập cho thật giỏi và phải thật ngoan để có cơ hội được gặp Bác Hồ. Nếu được gặp Người thì con phải ngắm thật kỹ để còn về kể lại cho bà con dân làng nghe nhé!" Rồi đích thân vị già làng còn trực tiếp giao "nhiệm vụ" cho cô bé Lễ: "Con ra miền Bắc gặp Bác Hồ thì chuyển lời của bà con Hơ Rê mình với Người rằng: Bà con dân tộc Hơ Rê luôn tin tưởng theo Đảng, theo Cách mạng và theo Bác Hồ đến cùng. Quyết tâm giết thật nhiều giặc, để sớm giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm. Mà con phải tận tay sờ được vào người của Bác xem Người có phải là người bình thường hay là người Trời con nhé!"
Bà Từ Thị Công Lễ thời trẻ
Mang theo lời dặn dò của dân làng Hơ Rê, trong 2 năm học tập tại trường học sinh miền Nam tại Gia Lâm, Hà Nội cô bé Từ Thị Công Lễ đã phấn đấu không ngừng, luôn đạt danh hiệu học sinh ngoan, trò giỏi. Tết Trung thu năm 1956, với những thành tích xuất sắc, cô bé Lễ đã vinh dự có mặt trong đoàn giáo viên, học sinh đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ. Bà Lễ bồi hồi nhớ lạ lần đầu tiên gặp Bác: "Sáng sớm ngày 10/9/1956, tôi và hơn 50 giáo viên, học sinh miền Nam ở các trường trên địa bàn Hà Nội được vào gặp Bác Hồ. Xe vừa dừng lại trước Phủ Chủ tịch chúng tôi chạy ào lên cầu thang dẫn lên phòng khách. Tuy nhiên, Bác Hồ lại đi vòng từ phía sau Phủ Chủ tịch ra đón chúng tôi. Tôi nghe cô giáo chủ nhiệm hô "Bác Hồ đã đến, Bác Hồ đến rồi các em ơi, Bác ở phía sau các em đây, các em mau quay lại để gặp Bác." Tôi đã chờ đợi phút giây này từ rất lâu nên khi gặp Bác, tôi cố sức chen đến tận nơi để được ngắm nhìn Người rõ hơn.
Bác Hồ dẫn các cháu đến chân cầu thang rồi ra hiệu cho chúng tôi cùng ngồi xuống bên Bác. Tôi được vinh dự ngồi ngay sát cạnh Bác Hồ. Khi Bác hỏi, cháu nào bắt được nhịp bài hát "Kết đoàn", lập tức cả một rừng tay giơ lên. Bác ân cần hỏi tiếp: "Thế cháu nào là người dân tộc thiểu số?", có khoảng 7-8 cánh tay giơ lên, trong đó có tôi. Có lẽ vì ngồi gần nhất nên tôi được Bác ưu tiên chỉ định, thế là tôi vừa hươ tay bắt nhịp cho mọi người cùng hát vừa nhìn ngắm Bác mà hát. Chúng tôi hát rất say sưa, vui vẻ. Rồi Bác hỏi: "Các cháu có ăn kẹo không?" - "Dạ có ạ!" - Tất cả đồng thanh đáp. Bác lại bảo: "Các cháu có thích xem phim không? Bác sẽ chiêu đãi các cháu 1 bộ phim nhé!" - "Dạ có ạ!" cả hội trường đồng thanh đáp lời Bác.
Trong thời gian chờ được phát kẹo và xem phim, tôi tranh thủ nắm thật chặt tay Bác Hồ và nói: "Cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Nam. Trước khi cháu được ra Bắc học tập, đồng bào có căn dặn, ra miền Bắc phải học tập cho thật tốt để còn được gặp Bác Hồ. Bà con kính yêu Bác Hồ lắm! Bác cho cháu cầm tay Bác thật lâu nhé, cho cháu vuốt chòm râu, cho cháu ngắm Bác Hồ cười...". Bác khẽ gật đầu, đôi mắt Người rưng rưng, nhìn tôi âu yếm. Hôm ấy, Phủ Chủ tịch chiếu phim gì tôi cũng không biết, bởi suốt cả buổi tôi chỉ mải mê ngắm nhìn Bác. Những gói kẹo Bác cho, chúng tôi không ai dám ăn, giữ gìn nâng niu như một báu vật.
2. "Ngày 5/10/1956, Trung đoàn 120 bộ đội Tây Nguyên tập kết ra Bắc, đóng quân tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An thành lập đội Văn công (tiền thân của đoàn Văn công Quân khu 5). Các chú bộ đội có về trường tôi đang học để tuyển diễn viên. Do tôi là người dân khu 5, có vóc dáng xinh xắn lại biết múa, hát nên được chọn vào đội Văn công. Cũng kể từ đấy tôi trở thành chiến sỹ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam" - Bà Lễ nhớ lại ngày đầu bước chân vào con đường binh nghiệp.
Công tác ở đội Văn công chưa được bao lâu, năm 1957, Bác Hồ về Vinh nói chuyện với các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, cô diễn viên trẻ Từ Thị Công Lễ lại vinh dự được gặp lại Người lần thứ 2. Nhưng lần này, cô chỉ được đứng từ xa nhìn Bác.
Cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, tôi cùng một nữ văn công nữa của đoàn được chọn ôm hoa đi đón Bác ở sân bay Vinh. Hôm ấy Bác mặc bộ đồ màu nâu giản dị. Sau khi tặng hoa cho Bác, tôi được Người ôm vào lòng. Thấy chiếc quần của Bác đang mặc có 2 dây giẻ rút dài lòng thòng, tôi đánh bạo hỏi Người: "Bác là Chủ tịch nước sao lại ăn mặc bình dị thế này để về quê?" Bác xoa đầu tôi và giải thích: "Ở quê Bác mọi người vẫn mặc loại quần này. Khi Bác về quê thì phải mặc thế này để hòa đồng cùng mọi người, không nên quan cách cháu ạ." Tôi chợt hiểu ra, cho dù là một người lãnh đạo đứng đầu quốc gia nhưng không nên xa cách với quần chúng và phải yêu quê hương mình từ những việc làm bình dị nhất!". Cũng trong đợt về thăm quê lần này, ngày 8/12/1961, Bác Hồ đã đến nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đây cũng là lần thứ 4 bà Lễ được gặp Người. Lần này, bà cũng chỉ được đứng từ xa nhìn Bác.
Vợ chồng bà Từ Thị Công Lễ
"Tuy nhiên, lần gặp để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất đó là vào năm 1967, đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ." - kể đến đây giọng bà Lễ hồ hởi hẳn lên. Trên tường Hội trường trong Phủ Chủ tịch có gắn nhiều tấm gương lớn, chúng tôi chăm chú nhìn vào gương ngắm Bác Hồ. Khi xem tiết mục tấu hài "Tổng ngốc sa lầy" (đả kích Tổng thống Mỹ Nixơn sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam), Bác Hồ cười rất sảng khoái, chúng tôi ai nấy cũng vui lây. Tiếp đến là màn múa "Tay chài tay súng" do tốp nữ của đoàn biểu diễn, trong đó có tôi. Do mải ngắm nhìn Bác, tôi quên chưa búi tóc. Khi nhạc nổi lên, chồng tôi (cũng là một diễn viên trong đoàn) nhắc to: Tóc, tóc! Tôi quýnh quáng búi vội mái tóc dài. Suốt thời gian biểu diễn, tôi cứ lo mái tóc bị xổ ra, nếu thế có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời vì không làm tròn nhiệm vụ. Rất may mọi chuyện diễn ra thật tốt đẹp, tiết mục được Bác Hồ vỗ tay khen ngợi. Sau buổi biểu diễn, Bác nói: "Các cháu diễn hay lắm. Các cháu có đói không? Các cháu ăn phở nhé!". Rồi Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh, dặn dò: "Chú Hữu nhớ cho các cháu ăn thật no, thật ngon vào rồi mới để các cháu về đấy nhé!". Trước khi ra về, cả đoàn được chụp ảnh cùng Bác. Lần này tôi cũng chen được vào đứng cạnh Bác. Lúc này sức khỏe Người đã xuống, chúng tôi phải đỡ Bác đứng dậy. Đây cũng là lần cuối tôi được gặp Bác Hồ" - bà Lễ vừa kể vừa lau nước mắt.
3. Năm 1968, cô diễn viên Từ Thị Công Lễ được biên chế về làm giáo viên dạy múa tại trường nghệ thuật quân đội. Ngày 19/5/1969, khi hay tin Bác Hồ mất, bà đã khóc như một đứa trẻ lên 3 đến sưng húp cả 2 mắt.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam - Thống nhất đất nước, theo nguyện vọng, vợ chồng bà được cấp trên điều về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 5. Nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm Đại úy, Đội trưởng đội múa, những năm qua bà Lễ cùng chồng là Trung tá Lê Tôn Sùng, nguyên Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5, luôn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, là diễn viên, biên đạo múa của đội văn nghệ Câu lạc bộ Thái Phiên Đà Nẵng. Bà bảo: "Những lúc dàn dựng hay biểu diễn các tiết mục hát múa về Bác Hồ, trong tôi luôn trào dâng niềm xúc động sâu xa. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ kính yêu, tôi mới có cuộc sống hôm nay. Suốt đời tôi luôn đinh ninh phải sống xứng đáng là con cháu của Người". Ngoài ra bà còn dạy 2 cậu con trai, hiện là sĩ quan quân đội phải luôn phấn đấu để xứng đáng trở thành người lính "Bộ đội Cụ Hồ".
Trước khi chia tay, người nữ nghệ sỹ già Từ Thị Công Lễ bộc bạch: "Nếu ai có hỏi cuộc đời tôi có may mắn nào đặc biệt nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ".
Theo Dantri
Những trang "Nhật ký sát nhân" khiến cộng đồng mạng rùng mình Không chỉ gây ra những vụ án mạng kinh hoàng, những tên "sát thủ máu lạnh" còn thản nhiên lên mạng "khoe chiến tích giết người" của mình. Câu hỏi của Quang khiến người đọc không khỏi rợn người... Khoe chiến tích giết người yêu cũ trên Facebook Ngày 13/4, sau khi sát hại người yêu, Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, quê tỉnh...