Gia đình “khổng lồ” về nhà mới
Gia đình “khổng lồ” ở Bạc Liêu đã dọn về ở trong ngôi nhà mới, trả lại miếng đất bấy lâu nay họ ở “trái phép” ven chân đê biển xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới toanh gần trụ sở UBND xã Vĩnh Hậu A, người đàn bà “khổng lồ” Trần Thị Láng (62 tuổi) cho biết, sau khi báo chí viết bài về hoàn cảnh gia đình bà, cả nhà bà bỗng dưng “nổi tiếng”. Thời gian qua có rất nhiều người về tận nơi… xem những người “khổng lồ” trong nhà bà.
Sau bao nhiêu năm ở “trái phép” trong căn lều lụp xụp, gia đình “khổng lồ” Bạc Liêu đã trả lại đất cho địa phương…
Cũng theo bà Láng, qua báo chí và nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ, gia đình bà đã nhận được nhiều sự trợ giúp về tài chính. “Gia đình tui đã nhận được một số tiền từ các nhà hảo tâm nên mới có điều kiện làm nhà mới để che mưa che nắng, ổn định cuộc sống”, bà Láng nói.
Bà Láng cho biết, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho gia đình bà có một miếng đất để cất nhà mới, cách nhà cũ khoảng 600m. Còn miếng đất nền nhà cũ ở chân đê biển, gia đình bà trả lại cho địa phương vì lâu nay ở “trái phép”. “Nhiều năm ở trái phép thấy khó khăn lắm, giờ có đất của riêng mình thì không lo lắng nữa. Mấy mẹ con giờ sẽ cố gắng làm ăn, dành dụm để có cuộc sống tốt hơn”, bà Láng bày tỏ.
…về sống trong ngôi nhà mới với sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, ngôi nhà mới của gia đình “khổng lồ” tuy chưa phải to đẹp nhưng đã khá khang trang, rộng rãi. “So với ngôi nhà cũ ở chân đê thì ngôi nhà này tươm tất, khang trang hơn nhiều nên gia đình tui ai cũng vui lắm”, ông Lê Văn Sụa (chồng bà Láng) hồ hởi nói.
Bà Trần Thị Láng trong ngôi nhà mới.
Chia sẻ với PV Dân trí, các con của bà Láng cho biết, trước mắt chỗ ở đã ổn định nhưng cuộc sống sẽ còn lắm khó khăn. Anh Lê Bé Bảy (con trai út bà Láng) ngậm ngùi: “Tui cũng muốn đi học một cái nghề gì đó để làm lắm nhưng mù chữ nên không biết học gì nữa”. Còn anh Lê Bé Sáu thì xót xa: “Giờ đi làm công nhân cũng phải biết chữ, mình mù tịt thì khó mà xin vào làm được như người ta”.
Video đang HOT
Hai người con trai bà Láng mong muốn được học nghề nhưng mù chữ…
…và tương lai của người con gái “khổng lồ” này cũng chưa biết ra sao. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Bày tỏ với PV, các con bà Láng cho biết, giờ ai mướn gì thì làm nấy chứ không biết phải tính toan ra sao. Một người con trai “khổng lồ” của bà Láng là anh Trần Văn Lem mấy ngày qua đi chở nước thuê cho những người trong xóm kiếm tiền cơm gạo cho cả nhà.
Có nhà mới nhưng có thể nói cuộc sống tương lai của các con bà Láng vẫn còn lắm mịt mù. Cô con gái út Lê Thị Bé Tám (23 tuổi) vẫn buồn bã lắc đầu khi ai đó hỏi chuyện tương lai. Hỏi chuyện chồng con của con cô con gái út, bà Láng nói: “Chẳng biết đến khi nào nữa, khổ quá thì lấy chồng cũng khó”.
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Cậu học trò mồ côi nhịn đói đi học và ước mơ vào giảng đường ĐH
Sinh ra em Vinh đã không có cha, tròn 3 tuổi thì mẹ bị bệnh tâm thần bỏ đi biệt xứ...
Dù nghèo khổ nhưng Vinh luôn học tập tốt ở tất cả các môn, đặc biệt là môn toán
"Mỗi sáng thức dậy em phải nhịn đói đi học, vì không có tiền để mua thức ăn sáng. Em phải dành gạo để nấu ăn bữa trưa và bữa tối. Nhưng mỗi bữa, em cũng chỉ được ăn có mỗi bát cơm với muối trắng rang và ít cọng rau", em Vinh tâm sự.
Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Lê Văn Vinh, học sinh lớp 12B1, TrườngTHPT Nguyễn Văn Trỗi, Xã Thụ Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Sinh ra em Vinh đã không có cha, tròn 3 tuổi thì mẹ bị bệnh tâm thần bỏ đi biệt xứ. Bà con thân thích người thì nói mẹ em đã chết, người thì bảo mẹ em đang được chữa trị ở một bệnh viện tâm thần ở đâu tận trong Miền Nam. Chỉ biết từ đó đến nay em sống cùng bà ngoại cũng bị bệnh tâm thần.
Bà ngoại của Vinh có 6 người con. Hai người cậu từ khi sinh ra cho đến tuổi trưởng thành mười chín, đôi mươi lập gia đình được vài năm cũng bị bệnh tâm thần như bà mẹ. Nay một người đã chết, còn một người bỏ đi lang thang không về nhà nữa. Bốn người dì (chị em ruột của mẹ em Vinh) thì hai người cũng bị bệnh tâm thần, còn lại hai người vào miền Nam lập nghiệp làm công nhân nhưng đau yếu luôn nên chẳng mấy khi trở về quê và không giúp được gì Vinh.
Tuổi thơ của Vinh lớn lên từ những hạt gạo ăn xin của người bà bệnh tật. Những người hàng xóm chứng kiến cuộc sống lớn lên của Vinh bảo rằng : "Cháu Vinh đáng thương lắm. Ngày còn nhỏ khi bà của cháu lâm bệnh tâm thần có khi bỏ nhà đi hai, ba hôm mới về. Cháu Vinh cứ thui thủi lăn lóc một mình với đất cát, có hôm đói khát khóc không còn hơi. Hàng xóm ai thương thì bưng qua cho Vinh bát cơm, miếng cháo".
Từ ngày bà bỏ nhà đi, chiều chiều em Vinh lại buồn bã ngồi trước nhà mỏi mòn trông ngóng bà về
Cuộc sống đói khát, nheo nhóc không có tình thương của cha mẹ của cậu học trò Vinh cứ thế lặng lẽ trôi đi. Cho đến một ngày cách đây chừng 5 tháng khi một buổi chiều đi học về,Vinh không còn thấy bà ngoại ở trong nhà nữa. Vinh nấu cơm và ngồi chờ bà ngoại về cùng ăn. Nhưng chờ mãi bà không về. Vinh biết bà đã bỏ nhà đi mất. Thế rồi Vinh cũng bỏ cả bữa ăn tối đi tìm bà suốt đêm nhưng vô vọng .
Từ đó còn lại một mình Vinh trong ngôi nhà mục nát, không có gì đáng giá. Nhiều lần Vinh đã có ý định bỏ học đi tìm bà. Bà đi rồi, em càng buồn và không biết phải làm sao để tìm được bà. Em khóc suốt nhiều đêm bởi nỗi day dứt vì em lớn lên là nhờ đôi tay bà nuôi nấng, chăm sóc. Mặc dù bà bị bệnh không làm được gì, nhưng bà vẫn đi xin về để nuôi em ăn học.
Nhưng khi nghe bà con lối xóm khuyên bảo Vinh bây giờ cũng chẳng biết bà đi đâu, ở đâu mà tìm. Thương bà thì cố gắng chăm học giỏi để có kết quả tốt, mai mốt bà lại về cũng nên.Vì thế Vinh đành nuốt nỗi nhớ thương bà vào tâm can để cố gắng tiếp tục đi học khỏi phụ lòng bà và sự mong mỏi của làng xóm.
Vinh được tiền trợ cấp thuộc diện mồ côi bố mẹ với mỗi tháng 180 ngàn đồng.Với số tiền trợ cấp ít ỏi ấy không đủ để Vinh mua sách vở, chứ chưa nói gì đến chuyện cơm áo hằng ngày. "Từ khi em cắp sách đến trường đến nay, mỗi buổi sáng em phải nhịn đói đi học. Vì không có tiền để mua thức ăn sáng. Gạo trong nhà chỉ để dành cho bữa ăn trưa và tối. Nhưng những bữa ăn chính em cũng chỉ có được mỗi bát cơm chan nước mắm hoặc muối trắng rang lên cùng ít cọng rau. Có những lần đi học đói quá, em bị ngất xỉu ở lớp. Bạn bè thương thì mua cho cái bánh mì ăn lót dạ để em tiếp tục buổi học. Em rất lo năm học cuối cấp rồi mà cứ nhịn đói đi học thế này thì không biết em có trụ lại được chương trình cuối cấp học này không?" Vinh chia sẻ.
Một chị hàng xóm cạnh nhà em Vinh cho biết : "Cháu Vinh tội nghiệp lắm. Sáng nào cũng nhịn đói đi học, đến trưa 12h mới về đến nhà. Nhưng về nhà lại phải đi nấu cơm, có khi nhà hết gạo phải đi vay hàng xóm, loay hoay đến 1h chiều mới được miếng cơm lót dạ. Có hôm đi học về thấy cháu da mặt tái nhợt từ đầu ngõ, đi loạng choạng, may tui nhìn thấy mà dìu vào nhà".
Sau mỗi buổi đi học về Vinh lại phải tự xoay xở bữa cơm qua quýt cho mình
Bởi không được chăm sóc từ nhỏ, ăn uống không đảm bảo nên sức khỏe của Vinh cũng yếu. Những ngày hè em cũng muốn đi làm thêm để có thêm đồng mua sách vở, nhưng sức khỏe không có. Vinh tâm sự: "Có lần em đi bốc vác thuê cho công trường xây dựng, nhưng được mấy hôm thì bị ốm kiệt sức, không có tiền để lấy thuốc nên mọi người trong xóm góp tiền lại để cho em mua thuốc uống. Mỗi buổi tối học bài đến khuya bụng đói cồn cào em chỉ biết ra ngoài giếng múc cốc nước lạnh để uống" .
Về học lực củaVinh, qua tìm hiểu ở trường, được biết em học khá đều các môn. Riêng môn toán nổi trội hơn cả. Ngày thi lên cấp 3, Vinh đạt 9,5 môn toán, được vào lớp chọn của trường. Lớp 10 và 11 em đạt học sinh tiên tiến. Nhờ có Vinh mà có một người bạn cùng lớp đã được Vinh giúp đỡ lọt vào đội tuyển thi toán Quốc gia. Vinh nói : "Bạn đó là Nguyễn Hoàng Minh, học cùng lớp với em. Năm học lớp 10 bạn ấy chỉ lo chơi mà không lo học. Em nhận thấy bạn ấy có năng lực học tập nên đã khuyên bạn tập trung vào việc hoc, đừng ham chơi nữa. Thế rồi bọn em trao đổi bài vở qua lại. Đến năm học 11 bạn được đi thi học sinh giỏi tỉnh và đạt giải nhì. Năm nay bạn được vào đội tuyển luyện thi HSG Quốc gia môn toán. Vừa rồi thi vòng một bạn Hoàng được giải nhì. Bạn gọi về cho các bạn trong lớp nói hôm nào về sẽ cảm ơn đến em là người đầu tiên giúp đỡ bạn".
Mục tiêu học tập của em Vinh là học đều các môn, và tập trung học để thi vào Đại học. Nhưng khổ một nỗi là em không có tiền để đi học thêm hay mua sách tham khảo. Mỗi năm học đến, em phải đi xin sách vở của các anh chị khóa trước về học. Ước mơ của Vinh là được đi học ĐH. Em cho biết:"Hiện nay em học tốt nhất là các môn toán, lý, hóa. Em rất muốn thi vào các trường ĐH như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược nhưng lại sợ nếu thi đậu thì không có tiền để học nên có lẽ em sẽ thi vào trường Quân Đội để việc chi phí gặp thuận lợi hơn".
Đơn trình bày hoàn cảnh và xác nhận của địa phương
Thầy giáo Nguyễn Văn Thi, GV chủ nhiệm dạy bộ môn hóa lớp học của Vinh cho biết: "Em Vinh là một học sinh nghị lực, nhà đói nghèo, nhiều lúc phải nhin đói đi học nhưng đến lớp tinh thần học tập của em rất tốt ở tất cả các môn, đặc biệt là môn toán. Nhà trường chúng tôi cũng rất thương em, luôn động viên, tạo điều kiện để em cố gắng học tập năm cuối cấp cho tốt. Bây giờ chỉ mong sao em có đủ sức khỏe để học tập nhưng hiềm nỗi hoàn cảnh quá nghèo không biết bấu víu vào đâu cho qua cơn bĩ cực này nhất là vượt qua các kỳ thi cuối cấp sắp tới".
Tạm biệt em Vinh ra về, chúng tôi nhớ mãi gương mặt tuấn tú, khôi ngô, đôi mắt sáng, hồn nhiên đầy mơ ước của cậu học trò đang một mình thui thủi sống trong cảnh cô đơn, nghèo đói không nơi nương tựa. Em nhìn theo chúng tôi như muốn gửi gắm một niềm tin, niềm hy vọng ước mong được mọi nhà hảo tâm sẻ chia trong cơn hoạn nạn này.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Em Lê Văn Vinh, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, xã Thụ Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Xahoi
Ám ảnh nỗi khổ của một gia đình "khổng lồ" Miệt ven biển xứ Bạc Liêu có một gia đình quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nghèo đến nỗi... không còn mồng tơi để rớt. Ngoài "cái sự nghèo", gia đình này còn nổi tiếng bởi có nhiêu người "khổng lồ" khác thường Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Láng (62 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hậu A,...