Gia đình hơn 10 năm sống trên ghe cạnh cao ốc Sài Gòn
Không có nhà cửa, hơn chục năm qua, người đàn ông tật nguyền 60 tuổi cùng vợ và con gái 9 tuổi bám trụ trên ghe nhỏ dưới tòa cao ốc ở quận 7.
Dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (quận 7, TP HCM) là chiếc ghe neo đậu của vợ chồng ông Lê Văn Đực (60 tuổi, quê gốc Bến Tre) và cô con gái 9 tuổi. Hơn 10 năm nay, họ đã sống ở đây, coi ghe như nhà.
Ông Đực bị cụt chân trái do chiến tranh. Sau năm 1975, ông lập gia đình nhưng vợ mất sớm. Mình ông nuôi 5 đứa con với nghề chài lưới ở Bến Tre. Hơn 20 năm trước, ông gặp bà Nguyễn Thị Vĩnh (53 tuổi, quê Trà Vinh). Bà Vĩnh khi ấy cũng vừa ly dị chồng, có hai con trai riêng. Sau những lần qua lại, ông bà dọn về chung một ghe thuyền.
Năm 2005, khi những người con riêng của ông bà lớn khôn thì cả hai xuôi dòng nước lên Sài Gòn mưu sinh. Ngày ấy cá tôm nhiều, hai vợ chồng cứ mang lên bờ bán sống qua ngày. Giờ nước ô nhiễm nên ông Đực bỏ nghề đi bán vé số, còn bà Vĩnh bán nước, đổ xăng lẻ.
Sau 12 năm bên nhau, hạnh phúc lớn lao của đôi vợ chồng già khi con gái Diễm Mi ra đời. Cô con gái như món quà vô giá, giúp cuộc sống họ thêm tiếng cười trẻ thơ.
Hầu hết sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe cũ kỹ tuổi đời 40 năm. Cả gia đình thường chỉ nấu một lần để ăn cho cả ngày. Trước kia, ông bà phải đi xin bình nước về sinh hoạt. Từ ngày họ được một công ty hỗ trợ nước sạch, cuộc sống cũng bớt phần cơ cực. “Tôi không dám nghĩ đến thuê nhà. Sống trên ghe thiếu thốn nhưng đến tháng hết tiền mình vẫn có chỗ ở. Số tiền lẽ ra để trả trọ thì dành cho Mi đi học”, ông Đực chia sẻ.
Bé Mi đang học lớp 3 tại một trường tình thương ở quận 7. “Trường cách nhà hơn một cây số, ngày nào cha cũng đưa đón Mi đi học. Hôm nào cha bán vé số về trễ thì Mi tự đi bộ về”, bé Mi nhí nhảnh.
Video đang HOT
Sau giờ học, cô bé chỉ tha thẩn quanh ghe. Người bầu bạn thân thiết nhất của bé Mi chính là cha. Ông Đực không chỉ như người cha mà còn như người bạn, luôn sẵn sàng vui đùa với mọi trò đùa nghịch của một đứa con nít.
Mỗi tối, ông Đực đều đạp xe chở con gái đi dạo phố phường, cao ốc quanh đó, đi xem ké tivi hoặc nghe ca nhạc. “Mi thích đi siêu thị lắm nhưng tôi không dám dẫn vào vì không đủ tiền mua đồ cho bé”, ông Đực bùi ngùi.
Mi hay bị ốm vặt, ông Đực thường chữa cho con bằng những bài thuốc dân dã. “Có đợt rồi cháu sốt cao nên phải nằm ở bệnh viện Nhiệt Đới mấy ngày, tốn kém cả triệu bạc”, người cha nói.
Buổi tối, cả nhà quây quần trong chiếc ghe nhỏ. Trước kia mọi sinh hoạt gia đình ông Đực chỉ bằng đèn dầu và nến. Sau đó, có người tốt bụng, cho gia đình nhỏ được cái bình sạc.
Trong ánh đèn leo lét, ông Đực dạy con gái học bài. My khoe đã làm lớp trưởng từ khi vào trường, năm nào cũng được học sinh giỏi.
Cuộc sống trên ghe thiếu thốn đủ thứ, lúc nào cũng nóng hầm hập và đầy muỗi. Mùa mưa nước dột, nước ở kênh tràn vào mang theo đủ thức rác bẩn. Nhiều cơn mưa to nửa đêm khiến cả nhà phải chạy khỏi ghe vì sợ chìm.
Ông Đực chỉ có một ước ao, con gái sẽ được học hành tốt để sau này đỡ cực khổ như cuộc đời ông. Dù vậy, ông sợ tuổi già sức yếu sẽ không thể lo cho bé Mi đến khi lớn khôn.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Người Sài Gòn bình thản đón triều cường
Chiều 14/12, triều cường tiếp tục dâng cao khiến nhiều tuyến đường ở quận 7, huyện Nhà Bè (TP HCM) bị nhấn chìm, dù vậy nhiều người vẫn vui vẻ sống trong cảnh ngập.
Khoảng 16h, triều cường lên cao khiến nhiều tuyến đường ở huyện Nhà Bè và quận 7 bị ngập. Trong đó, ngập nặng nhất là đường Lê Văn Lương, đoạn chạy qua xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Nước triều dâng cũng là lúc những đứa trẻ tại đây đổ ra đường đùa nghịch.
Mặc nước triều tràn lên vỉa hè, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, ở tại ngã tư đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức bình thản làm mâm cơm cúng trong ngày rằm. "Vừa cúng rằm, tôi vừa cầu khấn đường sá sẽ sớm được sửa chữa, bớt ngập chứ thuê nhà ở đây đã nhiều năm rồi, mỗi lần triều cường lên khổ lắm", chị Hạnh chia sẻ.
Bán bánh mì ở ngã tư đường Lê Văn Lương đã 4 năm, anh Nguyễn Hoàng Tâm cho biết đã quen với cảnh ngập triều cường hàng tháng. "Sống với ngập đường miết, có lúc tôi cũng muốn chuyển trọ đi nơi khác nhưng tuyến đường này làm ăn rất thuận lợi. Mỗi tháng nếu chịu khó đẩy xe dạo cũng kiếm được 4-5 triệu đồng, tất nhiên còn hên xui nữa", anh Tâm nói.
Trong lúc chờ sửa xe chết máy, anh Đạt, công nhân xây dựng đứng lại để chụp vài bức ảnh "tự sướng" với con đường ngập.
Vợ chồng anh Hậu đẩy xe về nhà trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Anh cho biết đã quá quen thuộc với triều cường. "Mỗi tháng, đường hai ba lần ngập vì triều cường. Chỉ mong đường sá sớm được sửa chữa để bà con bớt khổ", anh Hậu nói.
Xe bị chết máy giữa đường vì ngập, anh Dũng vui vẻ đẩy xe giúp bạn đến đoạn đường khô ráo.
Còn cả gia đình này cũng cười tươi khi băng qua đoạn đường ngập.
Gần một tháng nay, ngày nào anh Lâm (ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cũng chạy xe ba gác gần 2 km đưa đón con đi học. "Nhà tui sống ở đây quen với ngập rồi. Cũng may nhà có ba gác nên ngày nào cũng đưa bọn nhỏ đi học", anh Lâm chia sẻ.
Không chỉ bình thản đón triều cường, người đi đường còn sẵn sàng tương trợ cho nhau khi xe ai đó chết máy.
Nhà ông Quốc Dũng trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức không nâng được nền nên cứ khi mưa xuống, triều cường lên, cả gia đình lại sống chung với cảnh ngập.
Theo Trung tâm chống ngập TP HCM, ngày 14/12, tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đỉnh triều đạt 1,59 m; ngày 15/12 tăng lên 1,6 m.
Dự báo sẽ có 9 tuyến đường bị ngập (chưa kể các tuyến đường do quận huyện quản lý). Trong đó, 2 đường ngập nặng là Lương Định Của (quận 2) và Huỳnh Tấn Phát (quận 7); 7 tuyến đường ngập nhẹ là Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26.
Thành Nguyễn - Quỳnh Trần
Theo VNE
Mưu sinh trong đêm Sài Gòn se lạnh Giữa đêm mưa phùn lất phất, nhiệt độ trên đường phố Sài Gòn xuống còn 22-23 độ C, những người lao động nghèo vẫn đội áo mưa cặm cụi mưu sinh. Đêm lạnh, những tài xế xe ôm đốt lửa sưởi ấm trên vỉa hè đường 3 Tháng 2, quận 10. "Trời rét quá nên chúng tôi gom củi, đốt lửa cho ấm",...