Gia đình gặp khó do ngư dân bị bắt giữ
Nghe tin người thân bình an nơi xứ người, họ òa khóc vì mừng nhưng rồi lại ngóng ra biển với nỗi lo âu bởi không biết ngày mai lấy gì để sống.
Lúc 14 giờ 40 ngày 15-7, từ số điện thoại của một cán bộ Đại sứ quán VN tại Brunei, anh Võ Văn Tú (31 tuổi, ngụ phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên, thuyền trưởng tàu cá PY-90368TS) gọi điện thoại cho gia đình báo tin anh cùng tám ngư dân trên chiếc tàu này đang bị lực lượng cảnh sát biển Brunei tạm giữ.
Có thể bị Brunei xét xử
Trực tiếp nói chuyện vớichúng tôi,anh Tú cho biết: “Lúc 15 giờ 30 chiều 13-7, tàu chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển đông nam gần đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa (trong vùng biển chủ quyền của VN) thì bị tàu hải quân Brunei bắt giữ, dắt tàu chúng tôi đi. Trên tàu, chúng tôi được cho ăn uống, không ai bị đánh đập. Đến 4 giờ 30 sáng 15-7, chúng tôi bị đưa vào một cảng của Brunei. Hiện chúng tôi đang bị giữ trong một căn phòng, được đối xử bình thường. Sức khỏe cả chín ngư dân đều ổn định. Có ba cán bộ của Đại sứ quán VN tại Brunei đang hỏi chuyện chúng tôi và làm việc với nhà chức trách Brunei”.
Video đang HOT
Ngay sau đó, phóng viên liên lạc với bà Nguyễn Thị Nga, Bí thư thứ hai Đại sứ quán VN tại Brunei, người đã đưa điện thoại cho anh Tú báo tin về gia đình. Bà Nga cho biết bà cùng hai cán bộ Đại sứ quán VN đang có mặt tại đồn cảnh sát biển ở cảng Muara của Brunei, nơi chín ngư dân bị tạm giữ. Ngày 14-7, cảnh sát biển Brunei thông báo với Đại sứ quán VN tại nước này là họ đang bắt giữ một tàu cá VN, đề nghị đại sứ quán cử cán bộ đến làm việc vào chiều 15-7. Tuy nhiên, cảnh sát biển Brunei không đưa ra lý do bắt giữ.
Mẹ, vợ và con thuyền trưởng Võ Văn Tú lo lắng ngóng trông khi hay tin tàu cá của gia đình bị Brunei bắt giữ. Ảnh: TẤN LỘC
Bà Nga nói: “Cảnh sát biển Brunei đang đề nghị chúng tôi hỗ trợ để lấy lời khai của các ngư dân. Qua làm việc bước đầu, chúng tôi được biết nhà chức trách Brunei sẽ tiếp tục tạm giữ các ngư dân để điều tra, xét hỏi; sau đó họ có thể bị tạm giam để chờ tòa xét xử, phán quyết”. Tuy nhiên, bà Nga cũng chưa rõ thời gian tạm giữ, tạm giam bao lâu vì phụ thuộc vào tiến độ điều tra, kết luận của cảnh sát biển Brunei, sau đó là quá trình xét xử, phán quyết của tòa án nước này. “Ngay sau cuộc làm việc này, chúng tôi sẽ đề nghị nhà chức trách Brunei có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các ngư dân; đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ” – bà Nga khẳng định. Trong chiều qua, ông Võ Mưa (83 tuổi, cha của thuyền trưởng Võ Văn Tú) đã tức tốc báo tin đến các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, đồng thời đề nghị có biện pháp can thiệp, hỗ trợ. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết đang báo cáo khẩn cấp thông tin này lên các cơ quan chức năng trung ương.
Ngày mai lấy gì để sống
Ông Mưa cho biết tàu cá PY-90368TS xuất bến ngày 27-6. Những ngày qua, gia đình của các ngư dân này luôn trong tâm trạng lo âu, chờ đợi, không biết người thân của mình sống chết ra sao. Suốt hai ngày qua, vợ chồng ông Mưa cùng chị Tiền (vợ anh Tú) hầu như không rời chiếc điện thoại bàn để đợi tin tức. Ông kể, cách đây gần hai năm, bốn người con của ông vay mượn được hơn 1 tỉ đồng để đóng chiếc tàu này. Đi biển được một năm, hai người con lớn bỗng nhiên bị mắc bệnh thần kinh nặng, không thể tiếp tục ra khơi trong khi gia đình hai anh có bốn con nhỏ, vợ lại không có việc làm. Còn ở nhà anh Tú, ngoài cha mẹ già yếu, người vợ không có việc làm, hai đứa con còn nhỏ lại còn thêm một người chị cũng mắc bệnh tâm thần.
Ông Mưa nghẹn ngào: “Hơn một năm nay, một mình thằng Tú đi biển nuôi cả bốn gia đình với gần 20 con người, vừa lo ăn uống, vừa chạy tiền thuốc hằng ngày. Giờ nó bị bắt, tàu bị giữ, cả bốn gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, không biết lấy gì xoay xở”. Nghe anh Tú báo tin về, vợ chồng ông Mưa và chị Tiền ôm nhau khóc vì mừng nhưng rồi lại thẫn thờ vì không biết nay mai lấy gì để chuộc người, chuộc tàu nếu Brunei ra phán quyết. “Mới rồi, cả nhà chạy mượn khắp nơi được gần 200 triệu đồng để lo chi phí cho chuyến đi biển. Giờ rơi vào tình cảnh này, không biết lấy gì mà trả” – chị Tiền nói rồi ôm con khóc.
Hầu hết ngư dân trên tàu đều có hoàn cảnh khốn khó. Mấy ngày qua, bệnh của vợ anh Nguyễn Tấn Vinh (thuyền viên) như nặng hơn khi chị nghe tin chồng bị bắt giữ. Trong ngôi nhà tạm bợ bằng tôn nóng như thiêu ở thôn Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa), chị nằm một chỗ bên hai đứa con bảy tuổi và bảy tháng. Gần hai năm nay, từ khi mang thai đứa con nhỏ, chị lâm bệnh nặng, anh Vinh phải ở nhà vừa nuôi con nhỏ, vừa vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho vợ. Mới đi biển trở lại chuyến đầu tiên, tai họa đã ập đến với gia đình đã quá bi đát này.
Ông Phạm Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường 6, cho biết chính quyền địa phương đang tổ chức động viên, đồng thời vận động bà con địa phương trợ giúp trước mắt đối với các gia đình ngư dân khó khăn.
Ngày 21-5, trong khi đang đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng biển cách đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của VN khoảng 40 hải lý, tàu cá PY-90260TS cùng 11 ngư dân Phú Yên đã bị hải quân Brunei bắt giữ. Ngày 6-6, tòa án Brunei tuyên phạt họ tổng cộng 22 tháng tù do vi phạm lãnh hải nước này.
Để không phải chịu án tù, các ngư dân phải nộp phạt 500 triệu đồng, trong đó riêng thuyền trưởng Đỗ Văn Phụng nộp phạt 260 triệu đồng (tương đương 15.000 đôla Brunei). Ngày 20-6, tàu cá cùng các ngư dân được trả tự do về nước. Sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên đã xác nhận tàu PY-90260TS bị Brunei bắt giữ ở vùng biển tranh chấp để đề nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại.
Theo Pháp Luật TP