Gia đình chậm tiền, bé lớp 2 bị cắt suất ăn trưa
Bố mẹ chưa kịp đóng tiền, bé gái học lớp 2 phải đứng ngoài cổng trường trong khi bạn bè vào giờ ăn trưa. Sự việc xảy ra tại trường tiểu học Hùng Vương (địa chỉ số 660 đường Phạm Văn Chí, phường 8, quận 6) gây bức xúc trong dư luận.
Vụ việc xảy ra cách đây hơn 1 tháng, nhưng mới đây khi báo chí đăng tải thông tin bé gái Lã Ngọc Thanh V. (SN 2005), học sinh bán trú lớp 2/3 trường tiểu học Hùng Vương được bà nội phát hiện đứng ngoài cổng trường vào đúng giờ ăn trưa khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Để độc giả có cái nhìn đa chiều về sự việc trên, phóng viên Báo ANTĐ đã vào cuộc tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện.
Theo như lời trình bày của bà Tô Thị Lan (bà nội cháu V.), vào khoảng 10h sáng 14/10 bà và chồng đi công việc về ngang trường tiểu học Hùng Vương, nơi cháu V. đang theo học hệ bán trú. Tình cờ bà Lan thấy cháu nội của mình đứng bơ vơ ngoài cổng trường. Hỏi nguyên do thì cháu V. nói con không được ăn cơm ở trường. Nghĩ là lỗi chậm đóng tiền của bố mẹ cháu bé nên bà Lan dẫn cháu V. về nhà ăn trưa rồi đưa lại trường học nốt buổi chiều.
Trường tiểu học Hùng Vương
Đầu giờ học sáng hôm sau (tức ngày 15/10), vì vẫn muốn cho cháu V. tiếp tục ăn trưa tại trường nên vào đầu giờ buổi sáng bà Lan dẫn bé V. trực tiếp đến gặp cô Võ Thị Ngọc Lan (cán bộ phòng Tài vụ của trường) hẹn đến trưa sẽ quay lại đóng tiền và yêu cầu nhà trường đừng cắt suất ăn hôm nay của bé.
Tuy nhiên đến hơn 10h sáng cùng ngày, bà Lan quay lại thì tiếp tục thấy cháu V. đứng ngoài cổng trường. Bức xúc trước sự việc trên, bà Lan đã phản ánh với cán bộ phòng Tài vụ (cô Ngọc Lan) rằng tại sao lại để xảy ra sự việc trong khi bà đã đảm bảo sẽ đóng tiền? Sau đó bà Lan đóng đầy đủ tiền ăn tháng 10 cho cháu V.
Bà Lan cho biết vì thời điểm đó bố mẹ cháu V. sống ly thân nên gửi bé cho bà chăm sóc, đưa đón đi học. “Việc nhà trường để cháu của tôi đứng trước cổng trong giờ ăn như vậy là không chấp nhận được, lỡ may bé đi lạc hay xảy ra chuyện gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, bà Lan bức xúc.
Để có góc nhìn khách quan hơn, phóng viên đã có buổi tiếp xúc với bà Nguyễn Ngọc Phiếm, là hiệu trưởng trường tiểu học Hùng Vương. Bà Phiếm nhìn nhận việc xảy ra đối với cháu V. là điều đáng tiếc, sự cố ngoài ý muốn và đó là sai sót của nhà trường.
Theo quy định, phụ huynh phải đóng tiền ăn hằng tháng cho con em từ mùng 1- 5 mỗi tháng. Từ ngày 6 đến ngày 10, nhà trường sẽ giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của phụ huynh nào gặp khó khăn về tài chính. “Nhiều trường hợp phụ huynh chưa có tiền nộp đúng hạn, chúng tôi cũng sẽ giải quyết linh hoạt bằng cách cho trả dần nhiều lần”, bà Phiếm trình bày cách thu tiền của nhà trường.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Ngọc Phiếm- hiệu trưởng trường tiểu học Hùng Vương
rơi nước mắt khi trình bày sự cố đáng tiếc với phóng viên
Theo lời cô Nguyễn Thị Thu Vân (giáo viên chủ nhiệm của cháu V.), vào sáng 11/10, do đã quá hạn nhà trường tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh nên cô đã điện thoại báo cho bố cháu V. biết sẽ bắt đầu cắt suất ăn trưa của bé thì bố của bé đồng ý và nói sẽ có người của gia đình đến đón cháu về. Trưa đó, chú của bé V. đến đón cháu về.
Sau 2 ngày nghỉ, đến ngày 14/10 vì đã trao đổi với bố cháu V. hôm trước nên cô Vân nghĩ rằng bé V. được gia đình chuyển sang hệ học 2 buổi, tức không ăn trưa tại trường. Cô Vân báo lại phòng tài vụ cắt đi phần ăn của bé. Tan học sáng hôm đó cháu V. ra trước cổng trường chờ người thân đến đón thì bà nội bé thấy và đưa về nhà. “Chuyện phụ huynh thay đổi từ học bán trú sang 2 buổi và ngược lại ở trường diễn ra thường xuyên nên có thể do cô chủ nhiệm đã không nắm được nguyện vọng của gia đình”, bà Phiếm nói thêm.
Cô Vân còn cho biết, vào sáng 15/10 được phòng tài vụ giải quyết linh hoạt nên suất ăn trưa hôm đó của bé V. vẫn có như bình thường. Tuy nhiên đúng vào giờ cơm thì cô Vân không thấy cháu V. đâu, toan đi tìm thì được bà Lan dẫn đến phòng Tài vụ phản ánh?
Trong buổi họp hội đồng sư phạm của nhà trường được tổ chức sau đó (trường có mời mẹ của cháu Lã Thị Thanh V. đến dự). Bà Phiếm đã thừa nhận nhà trường có sai sót trong sự việc trên và đã có buổi làm việc, nhắc nhở tập thể giáo viên nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để xảy ra trường hợp tương tự. Về phía gia đình, phụ huynh cháu V. cũng đã ghi nhận trình bày từ phía nhà trường.
Mới đây chiều 15/10, ban giám hiệu trường tiểu học Hùng Vương cũng đã tiếp xúc với phụ huynh cháu V tiếp tục xin lỗi về sai sót đáng tiếc nói trên.
Qua sự việc, bà Lan mong muốn nhà trường đừng để xảy ra những chuyện tương tự và cán bộ, nhân viên nhà trường cần phải có trách nhiệm với học sinh hơn.
Anh Phương
Theo ANTD
Bà 60 tuổi cõng cháu đi học suốt 3 năm
Lưng cõng đứa em, tay dắt đứa anh, ba bà cháu vượt con dốc dài 2 km mới xuống được quốc lộ, rồi lại đi bộ thêm 4 km mới tới trường. Suốt 3 năm qua, bà Mu ở Thanh Hóa cõng các cháu đi học.
Bà Mu gói cơm chuẩn bị cho các cháu mang theo đi học. Ảnh: Hoàng Phương.
5h sáng, khi cả bản còn chìm trong sương núi, bà Phạm Thị Mu, dân tộc Mường (60 tuổi ở bản Nán, xã Thiết Ống, Bá Thước, Thanh Hóa) lục đục trở dậy nắm cơm, giục hai cháu Trương Công Hiếu (9 tuổi) và Trương Công Huy (6 tuổi) mặc quần áo, mang cặp sách cho kịp giờ đến lớp.
Sáng nào cũng vậy, bà Mu cùng các cháu vượt dốc, đi bộ đến trường Tiểu học Thiết Ống 1. Đi được một đoạn, bà dừng nghỉ lấy sức rồi tiếp tục bước nhanh sợ cháu muộn học. Dẫn Hiếu vào lớp 3, bà đưa Huy đến cửa lớp 1 giao cho cô giáo chủ nhiệm. Cậu bé nhảy chân sáo vào lớp nhưng vẫn ngoái nhìn bà. Thấy bà đứng ngoài sảnh lớn, gần lớp học, Huy mới yên tâm ngồi vào chỗ. Chỉ cần không thấy bóng dáng quen thuộc, cậu bé sẽ khóc không chịu học.
Cách đây 7 năm, bố của hai bé mất vì tai nạn, mẹ bỏ đi biệt xứ. Bé Huy mới 7 tháng tuổi khát sữa mẹ, khóc ngằn ngặt trên tay bà nội. Thằng anh mới 2 tuổi trốn trong góc nhà, lầm lì không nói câu nào. Từ đó đến nay, mẹ chúng chưa về thăm con một lần.
Ba bà cháu cõng nhau đi học hàng sáng. Ảnh: Hoàng Phương.
Bà Mu phải bế cháu đi khắp bản xin sữa của những bà mẹ đang nuôi con. Có khi sữa xin không đủ, bà phải lấy đường hòa nước cơm cho cháu uống. Hai anh em lớn lên quấn quýt nhau, đến trường cũng phải cùng nhau đi mới chịu. Từ tờ mờ sáng, ông Trương Công Day, ông nội của Huy và Hiếu, dậy đưa trâu lên núi, tối về lại đi bắt nhái kiếm thêm đồng ra đồng vào. Việc đưa đón cháu đi học bà Mu đảm nhận.
Hành trình tìm con chữ của những đứa trẻ không đơn giản bởi muốn đến lớp, ba bà cháu phải vượt đoạn đường đèo, dốc lởm chởm. Bản Nán ở lưng chừng núi, muốn xuống được quốc lộ phải vượt quãng đường dài hơn 2 km dốc đứng, toàn đá lởm chởm. Đứng ở nơi cao nhất của con dốc có thể nhìn thấy cả dòng sông Mã uốn lượn. Vì thế người lớn còn sợ dốc Nán, huống chi những đứa trẻ chưa một lần bước chân ra khỏi bản. Vậy mà hàng ngày bà cụ 60 tuổi, mặc váy, cõng cháu đi bộ 6 km đến trường.
Bà cho hay, nếu có xe đạp, những đứa trẻ trong bản cũng không bao giờ dám đi vì sợ độ cao của dốc Nán. Người lớn đi xe máy cũng phải nín thở từng đoạn, chỉ cần lệch bánh xe, cả người cả xe sẽ lao vun vút xuống dốc mà không phanh lại được.
Bà Mu ngồi bên ngoài lớp học chờ các cháu học xong. Ảnh: Hoàng Phương.
Những hôm trời mưa, bà Mu đi chân đất dò dẫm từng bước trên mặt đường lầy lội, trơn tuột. Đứa cháu nhỏ trên lưng ôm chặt bà, không dám thở mạnh. Hôm đó đến lớp, ba bà cháu đều lấm bùn, ướt gần hết nhưng Hiếu, Huy không phải nghỉ học. Hôm nào bị ốm, bà đưa hai đứa nhỏ đến đầu chân dốc, gửi người trong làng chở chúng xuống trường, rồi lại về nấu cơm cho các cháu.
Mùa đông lạnh, sương mù dày đặc, có hôm bà phải đốt đuốc đi từ hơn 4h sáng. Ba bà cháu đến nơi, cổng trường còn chưa mở. Hai anh em lại ngồi gọn trong lòng bà, ngủ thêm một chút chờ vào lớp.
Miệng móm mém nhai trầu, bà Mu chia sẻ: "Ba bà cháu cùng nhau đi học đã được 3 năm nay. Sáng nào tôi cũng dậy thật sớm đưa hai cháu đến trường, ngồi chờ chúng học xong lại đưa về. Hôm nào hai anh em chúng học cả ngày thì mang theo cơm nắm, muối vừng để ba bà cháu cùng ăn".
Hiếu và Huy đều là những đứa trẻ ngoan. Đến giờ nấu cơm, Huy biết rửa nồi, Hiếu quét nhà. Xong xuôi, hai anh em lại ra đầu ngõ chơi hoặc lấy sách ra cùng nhau ôn bài. Khó khăn nhưng bà Mu chưa bao giờ có ý định cho các cháu nghỉ học. Bà bảo, dốc Nán có cao hơn, dốc hơn nữa bà vẫn sẽ đưa chúng đi học. "Chỉ có học, anh em chúng nó mới bước chân ra khỏi bản Nán được", bà Mu tâm sự.
Gói cơm bà Mu mang theo để ba bà cháu ăn trưa. Ảnh: Hoàng Phương.
Ông Cao Trung Thực, Bí thư chi bộ thôn Nán, cho hay gia đình bà Mu thuộc diện hộ nghèo đặc biệt của thôn. Hàng tháng, Hiếu và Huy được trợ cấp mồ côi tổng cộng 360.000 đồng nhưng không đủ trang trải cuộc sống cho 5 miệng ăn. Thu nhập hiện tại của nhà bà Mu chỉ trông vào nương rẫy và vài đồng bán nhái của ông Day. Hàng xóm quanh đó đều nghèo nên cũng không giúp đỡ được gì cho ông bà Mu.
"Công việc nương rẫy, kiếm cái ăn trong nhà chủ yếu ông Day đảm nhiệm, còn bà Mu chăm sóc và đưa cháu đi học. Ngoài hai đứa cháu, ông bà còn phải nuôi thêm cụ bà hơn 80 tuổi, bị liệt nằm một chỗ đã vài năm nay", ông Thực nói.
Cô Nguyễn Thị Trang, Hiệu phó trường Tiểu học Thiết Ống 1, cho biết anh em Hiếu, Huy là những tấm gương vượt khó của trường. Hầu hết khoản đóng góp của hai học sinh này đều được miễn giảm. Đầu năm học mới, nhà trường còn tặng sách vở, quần áo mới cho các em. Biết bà nội đưa các cháu đến lớp, Ban giám hiệu cũng cho phép bà vào trường để hai cậu bé được yên tâm học hành.
Theo VNE
Xây dựng thực đơn chuẩn cho học sinh Các khảo sát gần đây của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho thấy, khẩu phần ăn trưa của học sinh tiểu học ở nhiều trường bán trú còn thiếu những chất quan trọng. Trong năm 2011, trung tâm này đã khảo sát bữa ăn trưa ở 19 trường tiểu học (khoảng 1.500 học sinh) tại Q.10. "Kết quả cho thấy, thức ăn trưa...