Gia đình bị hại vụ cô giáo thiêu cả nhà anh chồng kháng cáo
Không đồng tình với bản án trong vụ “Giết người” và “Hủy hoại tài sản” mà bị cáo là con dâu trong nhà – Nguyễn Thị Thuận, bố mẹ của nạn nhân đã kháng cáo.
Ra tòa, cô giáo thiêu cả nhà anh chồng không chút gì hối hận, một mực kêu oan.
Hai người đứng đơn kháng cáo là bà Hoàng Thị Huỳnh, mẹ đẻ nạn nhân Nguyễn Chí Hưng và ông Bùi Đức Lự, bố đẻ nạn nhân Bùi Thị Thu Hà. Hai người là đại diện hợp pháp cho gia đình bị hại gồm vợ chồng anh Nguyễn Chí Hưng, Bùi Thị Thu Hà và con gái, cháu Nguyễn Thảo Hiền.
Vụ án: “Giết người” và “Hủy hoại tài sản” tiêu hủy toàn bộ ngôi nhà và làm 3 người trong một gia đình chết thảm mà bị cáo là Nguyễn Thị Thuận và đồng bọn thực hiện đã được Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội xét xử ngày 3- 4/8. Tại tòa các bị cáo đều kêu oan. Sau hai ngày xét xử, chiều 4/8, Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thuận mức án tù chung thân cho tội giết người và 5 năm tù giam cho tội hủy hoại tài sản. Hai đồng phạm của Thuận là Hà nhận mức án 16 năm cho tội giết người và 4 năm tội hủy hoại tài sản; Tiệp nhận án 15 năm tù về tội giết người và 3 năm tội hủy hoại tài sản.
Gia đình nạn nhân đã kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của Toà án Quân sự Thủ đô Hà Nội với lý do: Hội đồng xét xử sơ thẩm đối với vụ án này chưa xem xét đầy đủ tính nghiêm trọng hành vi phạm tội của các bị cáo. Họ cho rằng, mức án đối với các bị cáo là quá nhẹ.
Nhật Mai
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tội ác từ sự vô cảm
Không ít bi kịch gia đình xảy ra bắt nguồn từ sự vô cảm (Hình minh họa)
Xu hướng tội phạm gây án nghiêm trọng do nguyên nhân xã hội đang xảy ra nhiều, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Đó là cảnh báo đã được đưa ra tại Hội nghị Phòng chống tội phạm hình sự tại các tỉnh, thành phố trọng điểm do Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm tổ chức gần đây.
Video đang HOT
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) cho biết, với loại tội phạm hình thành do nguyên nhân xã hội, Cục đang tổ chức đánh giá toàn diện để tìm ra giải pháp. Riêng về tội phạm giết người do mâu thuẫn xã hội, Cơ quan Công an cảnh báo thêm rằng, có thể xảy ra tình trạng đối tượng sát hại chính những người thân trong gia đình. Đây là một hiện tượng phạm tội mới đáng lo ngại.
Từ cái chết đau đớn của những người vợ...
Một trong những vụ án kinh hoàng nhất trong thời gian gần đây là vụ án xảy ra ở phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhìn Nguyễn Văn Tuyên đứng trước vành móng ngựa, cúi đầu, hai tay bấu chặt lấy vành móng ngựa, không ai có thể tưởng tượng được đó là thủ phạm của một vụ giết người man rợ mà nạn nhân không phải ai khác lại chính là người vợ đã từng đầu gối tay ấp với y.
Quê ở Hà Tây, hai vợ chồng Nguyễn Văn Tuyên và Lê Thị Huệ đã có những tháng ngày hạnh phúc với một gia đình đầm ấm và hai đứa con ngoan. Nhưng rồi, cuộc sống ở quê chật vật, làm lụng vất vả, khéo lắm cũng chỉ đủ ăn mà hai vợ chồng lại muốn kiếm thêm một chút để làm vốn liếng cho hai con nên đã dắt díu nhau lên Hà Nội. Vốn là người vợ chăm chỉ, đảm đang nên dù quanh năm chỉ làm nông, lên Hà Nội lạ nước lạ cái nhưng chị Huệ cũng nhanh chóng tìm được công việc ổn định. Còn Tuyên thì hàng ngày chạy xe ôm. Thu nhập của hai vợ chồng cũng kha khá, đủ để nuôi hai con ăn học và có tích lũy được chút đỉnh.
Cứ tưởng cuộc sống vậy là hạnh phúc, toại nguyện. Nhưng, nào ngờ, sau khi làm xe ôm ở Hà Nội một thời gian thì Tuyên vướng vào cờ bạc. Ban đầu chỉ là chơi tá lả, đánh cò con, ăn thua dăm ba nghìn đồng để giải sầu mỗi khi ế khách. Nhưng sau rồi càng chơi càng cay cú ăn thua, Tuyên trở thành con bạc khát nước lúc nào không hay. Triền miên trong suốt nhiều tháng ròng, toàn bộ số tiền kiếm được từ việc chạy xe ôm, Tuyên nướng sạch vào cờ bạc, không chịu đưa cho vợ xu nào. Thậm chí nhiều lần có khách gọi đi nhưng mải cờ bạc, Tuyên cũng từ chối không chở. Chiếc xe máy, phương tiện kiếm sống duy nhất, Tuyên cũng đã có lần đem đặt để lấy tiền cờ bạc.
Thấy chồng sa đà, chị Huệ đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng Tuyên không nghe mà lại còn quát nạt vợ. Cuộc sống vợ chồng trở nên căng thẳng. Cho đến sáng hôm ấy, chị Huệ đã quyết định khóa chiếc xe máy lại, cất chìa khóa đi vì sợ Tuyên sẽ lại đem xe đi đặt để lấy tiền đánh bạc. Ngủ dậy, định lấy xe đi, thấy xe đã khóa, Tuyên trèo lên gác xép đòi vợ đưa chìa khóa. Lúc này cả hai đứa con đều đã đi học, nhà chỉ có hai vợ chồng. Chị Huệ không đưa với lý do: "Anh đi làm không mang tiền về nhà nuôi con mà chỉ đi đánh bạc nên tốt nhất là không đi làm nữa".
Tuyên cho rằng, vợ cư xử thế là láo nên bắt đầu quát nạt, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chị Huệ bị Tuyên đẩy ngã ngửa về phía sau. Cú đẩy quá mạnh khiến đầu chị bị đập vào thành cửa nằm bất động dưới sàn nhà.
Biết vợ đã chết, Tuyên thay vì đến tự thú với Cơ quan Công an hoặc bỏ trốn thì lại tìm cách phi tang tội ác một cách hết sức man rợ. Y đã xẻ xác chị Huệ thành nhiều phần rồi đem đi vứt tại nhiều đoạn sông khác nhau trên địa bàn Hà Nội với hy vọng công an sẽ không tìm ra dấu vết.
Đến chiều tối, khi các con đi học về nhà không thấy mẹ, hỏi mẹ đâu thì Tuyên trả lời rằng, mẹ đã đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, 3 năm nữa mới quay về.
Tuy không tin lời cha nhưng hai đứa con còn quá nhỏ để đi tìm sự thật. Cho đến khi, những mảnh thi thể đầy thương tâm của chị Huệ nổi lên trên mặt hồ Rẻ Quạt, nghi vấn đây là một vụ án mạng, Cơ quan điều tra đã vào cuộc và Lê Văn Tuyên bị bắt. Một năm sau thì Tuyên bị tuyên án tử hình, một hình phạt thích đáng với tội ác tày trời mà Tuyên đã gây ra với chính người vợ của mình.
Ham mê cờ bạc, Nguyễn Văn Tuyên đã sát hại vợ và làm tan nát một gia đình, đẩy con thơ vào cảnh mất mẹ, mất cha
Tội ác của Tuyên không chỉ cướp đi sinh mạng của người vợ mà còn làm tan nát cả một gia đình, đẩy hai đứa con thơ vào cảnh mất mẹ và mất cả cha. Giá mà Tuyên biết yêu thương người vợ tần tảo, giá mà Tuyên biết giải quyết mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bằng tình thương, bằng sự phục thiện sau những lỗi lầm thì vụ án này sẽ không xảy ra, những đứa con Tuyên sẽ không phải hứng chịu tấn bi kịch gia đình đớn đau đến thế...
Nhưng đây không phải là vụ án giết người thân duy nhất tại Hà Nội. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH. Công an TP Hà Nội cho biết, loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng. Riêng tại Hà Nội, trong năm 2009 đã xảy ra 13 vụ và sang năm 2010, những vụ án tương tự lại tiếp tục xảy ra. Mới đây nhất là vụ án con gái ruột đâm chết cha đẻ tại quận Đống Đa, vụ con rể đâm thiệt mạng mẹ vợ ngay ở nhà riêng xảy ra tại quận Hoàng Mai. Điều đáng nói là những mâu thuẫn dẫn đến các vụ giết người mất nhân tính này đều xuất phát từ nguyên nhân đơn giản, hoàn toàn có thể giải quyết được bằng tình. Vụ án giết vợ ở Gia Lâm là một ví dụ.
Tại phiên tòa, Bùi Xuân Khánh khai rằng: "Cuộc sống chung của vợ chồng tôi rất nặng nề". Nhưng khi Tòa hỏi: "Nặng nề như thế nào?" thì Khánh lại chỉ có thể đưa ra một nguyên nhân rất đơn giản: "Là vì vợ tôi lầm lì, rất ít nói". Trên thực tế, các chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện rằng Lan Anh, vợ Khánh là một người đàn bà lành hiền. Cô làm công nhân trong một xí nghiệp may mặc ở Hà Nội và là một phụ nữ đoan chính, không có điều tiếng gì trước khi lấy Khánh.
Bùi Xuân Khánh lặng đi khi nghe Viện kiểm sát luận tội
Gặp Khánh và kết hôn với anh ta qua mai mối của người chị gái, Lan Anh hoàn toàn phục tùng Khánh. Ngay cả khi biết rằng, dù mới kết hôn nhưng Khánh đã có bồ, thường xuyên đi chơi với bồ vào các buổi tối thì Lan Anh cũng vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Thậm chí, Lan Anh còn đọc được cả những tin nhắn bỉ ổi của người đàn bà kia trong điện thoại của chồng với nội dung xui chồng cô đừng có con với cô, nhưng Lan Anh cũng chỉ biết âm thầm khóc và than vãn với chị gái, người đã mai mối cho cô lấy Khánh mà thôi.
Cho đến buổi tối định mệnh hôm đó. Khánh lại đi chơi với bồ nhưng hồi hộp, luống cuống thế nào mà lại bỏ quên điện thoại ở nhà. Một lúc sau, khi Khánh nhớ ra quay trở về thì thấy Lan Anh đang sử dụng điện thoại của anh ta. Và, thế là xảy ra cãi vã. Lan Anh uất ức bỏ cơm tối đi lên phòng nằm ôm gối khóc. Còn Khánh thì thản nhiên ngủ. Cho đến sáng hôm sau, buồn bã, Lan Anh nghỉ làm, không đến công ty. Vậy là cô bị Khánh căn vặn: "Tại sao lại nghỉ làm". Buồn bã, uất ức vì bị chồng phụ bạc, cô cự lại nhưng lời lẽ cũng không có gì láo hỗn. Cô chỉ bảo rằng, cô không đi làm vì không thích làm nữa.
Chỉ thế thôi mà Khánh xông vào đánh đập vợ hết sức dã man. Khánh túm tóc, đập đầu Lan Anh nhiều lần xuống thành giường khiến cô bất tỉnh. Vẫn chưa hả, Khánh còn tiếp tục bóp cổ Lan Anh cho đến khi cô tắt thở mới thôi. Tội ác được tái hiện qua những lời kể bình thản của Khánh ở phiên tòa khiến nhiều người rùng mình vì lối hành xử phi nhân tính của người đàn ông mang bộ mặt khá lành hiền đang đứng trước vành móng ngựa kia.
Thú nhận về tội ác, chính Khánh cũng thừa nhận rằng, trong suốt thời gian chung sống với Lan Anh, dù Khánh có quan hệ ngoài hôn nhân nhưng Lan Anh chưa bao giờ tổ chức đánh ghen hay làm điều gì khiến Khánh tức giận đến mức tinh thần bị kích động mạnh, không kiểm soát được hành vi. Nhưng Khánh vẫn tàn nhẫn với cô, tàn nhẫn đến mức không còn tính người trong hành xử với người đàn bà mà Khánh đã từng yêu và cưới làm vợ.
... đến bàn tay sát thủ của những nghịch tử
Cũng hành xử mất nhân tính như Khánh là trường hợp của Nghiêm Bá Thành ở Hải Dương. Thành đã ra tay sát hại chính cha đẻ của mình chỉ vì bị cha mắng vì tội đi chơi game về khuya, ảnh hưởng đến học tập. Khi Thành ra tay sát hại cha, Thành vẫn còn đi học, chưa tự kiếm sống được mà vẫn phải sống trong vòng tay của cha và người cha bất hạnh kia vẫn còn đang hàng ngày phải lao động vất vả để nuôi con.
Nghiêm Viết Thành, nghịch tử giết cha tại cơ quan điều tra
Vào thời điểm các phần thi thể của ông Nghiêm Viết Yên nổi lên trên sông Kẻ Sặt, Cơ quan điều tra bắt đầu vào cuộc, ban đầu Cơ quan điều tra phán đoán rằng, có thể do mâu thuẫn trong làm ăn mà ông Yên bị giết bởi vì ông đã có một thời gian khá dài sinh sống, làm ăn ở nước ngoài. Không có bất kỳ nghi ngờ nào nhằm vào đứa con trai của ông. Lẽ vì, không ai có thể ngờ được thủ phạm lại là con trai ruột của nạn nhân.
Khi Thành bị bắt, hắn cũng đã thú nhận rằng, nguyên nhân khiến Thành giết cha... đơn giản thôi. Thành mê chơi game, hay bỏ học nên cha rất lo lắng. Đêm đó, quá 23h Thành mới về nhà. Cha hỏi đi đâu mà về muộn, Thành bảo đi học. Cha Thành không tin, mắng mỏ vì ông biết rằng Thành vừa ở quán game về chứ chẳng học hành gì. Cho rằng bị cha xúc phạm, Thành đã dùng dao chém cha nhiều nhát cho đến chết. Sau đó, man rợ hơn, để che giấu tội ác, Thành đã phi tang thi thể cha xuống sông rồi gọi điện cho chị gái nói dối rằng cha đã lên Hà Nội chữa bệnh.
Còn kinh hoàng hơn cả Thành là Đặng Tuấn Dũng ở Long Biên, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình tuy nghèo khó nhưng Dũng vẫn được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng. Song, vì lười học, mê chơi game nên chỉ học hết lớp 6 là Dũng bỏ học. Cha mất, một mình mẹ đi bán than tổ ong rong để nuôi hai chị em Dũng, cuộc sống không mấy dư giả nhưng thương Dũng sớm bỏ học, không có nghề nghiệp gì nên mẹ Dũng vẫn cố gắng chắt chiu, dành dụm từng đồng bạc nhọc nhằn mua cho Dũng một chiếc xe máy để Dũng chạy xe ôm kiếm sống. Ngôi nhà của gia đình trước kia xập xệ nhưng để lo cho tương lai của Dũng sau này lấy vợ về có ngôi nhà khang trang để ở, gia đình Dũng cũng đã xây lại thành 3 tầng khang trang.
Ngần ấy sự chăm bẵm nhưng Dũng cũng chưa thỏa mãn sinh ra thù tức cả gia đình. Dũng nhiều lần chửi mắng mẹ và họ hàng. Sau đó Dũng lên kế hoạch sát hại cả gia đình, trừ mẹ, rồi viết vào một cuốn sổ. Theo đó, Dũng sẽ giết chết 2 bà bác đầu tiên, sau sẽ là ông chú ruột, cuối cùng là chị gái và anh rể... Nói là làm, trưa 6/5, Dũng đã về nhà, sát hại cô ruột bằng 3 nhát đâm khiến bà tử vong. Tuy nhiên, các kế hoạch sát hại tiếp theo Dũng chưa kịp thực hiện được thì đã bị bắt.
Nói về hiện tượng gây án đau lòng này, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH Công an TP Hà Nội tỏ ra rất lo ngại. Tuy đây không phải là hiện tượng tội phạm mới nảy sinh trong đời sống xã hội, nhưng nếu như trước kia hãn hữu lắm mới xảy ra một vụ giết người thân trong gia đình thì bây giờ những vụ án đau lòng như vậy đang có xu hướng gia tăng.
Đại tá Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện tượng đó cho thấy sự xuống cấp có phần nghiêm trọng của đạo đức xã hội. Bằng kinh nghiệm của một người đã làm công tác điều tra 20 năm và hiện đang là chỉ huy cao nhất của lực lượng điều tra hình sự Công an TP Hà Nội, theo Đại tá Nguyễn Đức Chung thì vô cảm là ngọn nguồn của tội ác. Khi con người sống mà thiếu đi tình yêu thương đồng loại thì tội ác rất dễ nảy sinh. Qua công tác điều tra cho thấy, nguyên nhân gây án trong đa phần những vụ án giết nhau trong gia đình đều không phải là mâu thuẫn lớn. Tuy nhiên đau đớn là ở chỗ, người ta lại chọn cách giải quyết bằng tội ác chứ không phải bằng tình cảm, tình người, tình ruột rà, máu mủ.
Hàng loạt các vụ án đau lòng đã xảy ra trong thời gian qua, thêm một lần nữa cho thấy bài học đau xót về hậu quả của những lỗ hổng trong giáo dục nhân cách con người. Vì vậy, theo Đại tá Nguyễn Đức Chung thì phòng ngừa và ngăn chặn tội ác, để bớt đi những vụ án đau lòng, suy cho đến cùng, phải bắt đầu từ việc giáo dục nhân cách.
Theo An ninh thế giới
Tiếng rên trong đêm vắng Bảo, Thân, Nam Đoạn đường từ khu chế xuất Long Bình thuộc phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai ra khu dân cư về đêm vắng vẻ đến lạnh người. Đang đi xe máy ngang qua khu vực này bỗng hai thanh niên nghe tiếng rên vang lên từ vệ đường. Dừng xe lại họ phát hiện một cô gái bị thương...