Gia đình 4 người chết và mối nguy từ việc cách ly tại nhà ở Trung Quốc
Cái chết của 4 người cùng một gia đình nhiễm virus corona ở Vũ Hán trong khi cách ly tại nhà một lần nữa đặt ra câu hỏi nghiêm túc về chính sách được áp dụng khi dịch mới xảy ra.
Thường Khải, đạo diễn có tiếng tại Hãng phim truyện Hồ Bắc, qua đời hôm 14/2 vì bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra (tên chính thức của dịch là Covid-19). Lần lượt cha, mẹ và chị gái của ông cũng chết vì virus trong thời gian từ ngày 28/1 đến ngày 14/2, theo Caixin.
Câu chuyện về cái chết của cho thấy một cách rõ ràng việc giới hữu trách ở thành phố tâm điểm của dịch bệnh có thể đã xử lý sai cách trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus. Họ đã áp dụng chính sách cho người bệnh cách ly tại nhà nhằm giảm bớt áp lực đối với các bệnh viện bị quá tải, thiếu hụt vật tư y tế.
Nguy cơ “ổ lây nhiễm chéo”
Chính sách vẫn được áp dụng bất chấp những lo ngại rằng việc này là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng. Trần Ba, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, nói việc cách ly tại nhà có thể dẫn đến các ổ lây nhiễm chéo trong gia đình và cộng đồng. Điều này sẽ có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn vì người bệnh nặng không được chữa trị.
Đoàn kiểm tra đến từng hộ gia đình tại Vũ Hán đo thân nhiệt người dân hôm 17/2. Ảnh: Reuters.
Một trong những bạn học cũ của ông Thường cho hay cha của vị đạo diễn lần đầu tiên phát hiện các triệu chứng nhiễm virus vào ngày 25/1, ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Ông Thường đã đưa cha đến một số bệnh viện ở Vũ Hán nhưng không được cho nhập viện vì thiếu giường.
Vị đạo diễn buộc phải đưa cha về nhà và tự chăm sóc. Ba ngày sau, cha của ông Thường qua đời.
Song bi kịch của gia đình chỉ mới bắt đầu. Vào ngày 2/2, mẹ của ông Thường cũng qua đời vì virus.
Cùng ngày, ông Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, thành viên đội ngũ cố vấn chống dịch, cho biết việc các bệnh viện không đủ giường nên để người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh về nhà là “cực kỳ nguy hiểm”.
Kể từ khi Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bị phong tỏa toàn thành hôm 23/1, do sự quá tải tại các bệnh viện, một số lượng lớn người bệnh đã không được chẩn đoán và nhập viện, theo Caixin. Việc bỏ qua các trường hợp nghi ngờ trong những tuần đầu của dịch đã gây ra nhiều vấn đề.
Người bệnh không được chẩn đoán kịp thời, không được điều trị sớm nên bệnh diễn tiến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, thậm chí nguy kịch, cuối cùng tử vong. Người bệnh một khi ở nhà sẽ dễ dàng lây cho gia đình và láng giềng. Sau cùng, khi bệnh tình nặng hơn, họ lại phải đến bệnh viện xếp hàng chờ đợi, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia ở tuyến đầu chống dịch, Caixin cho biết tỷ lệ bệnh nhẹ phát triển thành bệnh nặng trung bình vào khoảng 15 đến 20%.
Thay đổi muộn màng
Tính đến sáng 18/2, Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, đã ghi nhận gần 43.000 ca nhiễm với gần 1.400 người tử vong. Toàn Trung Quốc đại lục (không tính Hong Kong, Macau và Đài Loan) có hơn 72.000 ca nhiễm và hơn 1.800 người tử vong.
Hôm 2/2, các nhà chức trách ở Vũ Hán tuyên bố chấm dứt chính sách tự cách ly tại nhà và bắt đầu phân loại bệnh nhân thành các trường hợp: xác nhận nhiễm virus, nghi ngờ nhiễm virus, có triệu chứng sốt – một triệu chứng phổ biến nếu nhiễm virus nhưng cũng xuất hiện ở người mắc các bệnh khác, và trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân nhưng chưa có triệu chứng.
Chính sách mới đã cô lập bệnh nhân và điều trị theo phân loại.
Bệnh nhân nhận thức ăn trưa tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong cách tiếp cận đã đến quá muộn đối với gia đình đạo diễn Thường. Ngày 14/2, vài giờ sau khi ông Thường qua đời, chị gái ông cũng không qua khỏi. Vợ của ông cũng mắc bệnh và vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Trong di thư, vị đạo diễn kể về việc gia đình ông đã quây quần bên nhau trong đêm giao thừa, việc ông đã đi tìm giường bệnh cho cha trong sự tuyệt vọng, nỗi đau buồn của ông khi cha mẹ ông qua đời và tình trạng ngày càng xấu đi của chính bản thân ông.
Đoạn cuối di thư viết: “Khi tôi trút hơi thở yếu ớt cuối cùng, tôi nói với gia đình, bạn bè và con trai tôi ở London xa xôi: Cả đời tôi, tôi là một người con hiếu thảo, một người cha có trách nhiệm, một người chồng thương vợ, và là một người trung thực! Vĩnh biệt những người tôi yêu thương và những người yêu thương tôi!”.
Bạn bè tỏ lòng kính trọng với vị đạo diễn “tốt bụng và dễ tính”. “Tôi hy vọng bi kịch này sẽ được điều tra để chúng tôi có thể biết đó là lỗi của ai”, bạn cùng lớp của ông nói.
Trong nỗ lực khống chế sự lây lan của virus, Vũ Hán đang tiến hành chiến dịch kiểu “lưới vét” trong 3 ngày từ 17 đến 19/2 để xác định và tập trung toàn bộ người nhiễm virus tại thành phố có dân số còn lớn hơn cả Thụy Điển này.
Global Times cho biết, chiến dịch được thực hiện theo chỉ đạo hôm 16/2 của tân bí thư Thành ủy Vương Trung Lâm, người vừa được điều đến Vũ Hán tuần trước.
Chiến dịch tập trung vào 5 mục tiêu: xét nghiệm tất cả người bị nghi ngờ nhiễm virus, tập hợp toàn bộ bệnh nhân, kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân, cách ly bất cứ ai có tiếp xúc gần với bệnh nhân, và đảm bảo mọi xã trấn triển khai các biện pháp quản lý phong tỏa.
Trước đó, lãnh đạo Vũ Hán cho biết họ đã kiểm tra 99% cư dân, nhưng nhiều người cho biết họ chưa từng thấy bất cứ kiểm tra viên nào tại khu họ sinh sống.
Cuộc sống lạc quan trong cảnh dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc
Sự lạc quan và tinh thần sống tích cực của các bệnh nhân lan truyền trên mạng xã hội đã giúp nhiều người có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Theo news.zing.vn
Những người tự khai mình đến từ tâm dịch Vũ Hán với mong muốn được ăn ở miễn phí và vì nhiều nguyên nhân khác khiến dư luận phẫn nộ
Những hành vi khiến dư luận hoang mang đều bị điều tra kỹ và xử lý nặng.
Khoảng 18 giờ ngày 26/1, tại lối ra nhà ga Thanh Đảo Tây, một người đàn ông trung niên bất ngờ tiết lộ với bảo vệ rằng anh vừa trở về từ thành phố Vũ Hán và đang xin "được" cách ly. Ông ta nhanh chóng được đưa và và cách ly trong 14 ngày tại điểm cách ly thị trấn Tân Hải, Diêm Thành, tỉnh Giang Tô.
Qua điều tra, người đàn ông này họ Cao, năm nay 55 tuổi, sống tại bờ biển Thanh Đảo Tây, thị trấn Tân Hải, Diêm Thành, tỉnh Giang Tô. Nhưng điều kỳ lạ là ông Cao không hề có triệu chứng ho và sốt, thân nhiệt bình thường. Tuy nhiên, vì ký do phòng chống dịch nên ông Cao vẫn phải bị cách ly theo quy định.
Người đàn ông họ Cao bị cảnh sát bắt giữ.
Trong những ngày tiếp theo, cảnh sát đã tiến hành điều tra lịch trình trước đó của người đàn ông này, kết quả là không thấy hành trình đến Vũ Hán của ông ta. Kết thúc thời gian cách ly vào ngày 10/2, ông Cao đã bị cảnh sát triệu tập. Theo lời khai của ông Cao, ông độc thân, không gia đình và thường đến nhiều vùng khác làm việc. Ngày 26/1, khi về quê bằng tàu hỏa, ông biết được thông tin những người từ Vũ Hán sẽ phải cách ly và sẽ được ăn uống miễn phí. Nghĩ là làm, ông đã thông báo mình trở về từ Vũ Hán.
Sau đó, ông Cao đã bị giam giữ hành chính 7 ngày với tội danh gây rối trật tự công cộng.
Một trường hợp tương tự đã xảy ra tại huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông. Ngày 3/2, cảnh sát tiếp nhận thông tin 1 người đàn ông họ Vương nhiễm virus COVID-19 khi ở Vũ Hán và đang từ Vũ Hán về Nghi Nam. Anh đã bị bắt giữ tại nhà vào sáng ngày 4/2.
Tuy nhiên, sau khi điều tra, cảnh sát xác định anh Vương không nhiễm bệnh viêm phổi nguy hiểm này. Chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của nhiều người, muốn nhận được sự quan tâm của mọi người, anh Vương đã cố ý gửi thông tin mình nhiễm virus COVID-19 cho bạn bè và người thân qua wechat. Anh bịa chuyện mình đã bị cách ly ở Vũ Hán nhưng đang tìm cách về Nghi Nam để "trả thù", truyền bệnh cho những người ghét anh...
Hiện tại, anh Vương đang bị giam giữ hình sự, chờ xử lý vì hành vi gây hoang mang cho cộng đồng.
Anh Vương đang bị giam giữ hình sự và chờ xử lý.
Ngày 3/2, một người đàn ông sống tại Quảng Tây đã đăng tải lên wechat: Tôi trở về từ Vũ Hán để ăn Tết, không biết mình có nhiễm virus COVID-19 hay không nhưng hiện tại đang đi dạo chơi bên ngoài.
Bạn bè đã nhắc nhở anh xóa dòng trạng thái này đi nhưng anh đã từ chối. Qua xác minh, anh ta họ Hoàng, là người Đài Sơn, thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông. Anh chưa từng đến Vũ Hán và những dòng trạng thái kia chỉ là trò đùa.
Cảnh sát đã giam giữ hành chính anh Hoàng 10 ngày với tội danh lan truyền thông tin giả liên quan đến dịch bệnh.
Anh Hoàng bị cảnh sát bắt giữ sau khi đăng tải dòng trạng thái gây hoang mang dư luận.
Ngày 3/2, cảnh sát tiếp nhận thông tin 1 công dân trở về từ Vũ Hán, hiện tại đang đau đầu, sức khỏe yếu, không thể đi lại, đề nghị cảnh sát giúp đỡ.
Sau khi điều tra, người đàn ông này họ Kim, năm nay 58 tuổi, bởi vì quá chán nản khi phải ở suốt trong nhà, nên đã gọi đến đường dây nóng để "tìm niềm vui". Tuy nhiên, khi cảnh sát phản hồi lời đề nghị giúp đỡ thì ông Kim khá hoảng loạn, đã bỏ trốn sang nhà bạn.
Chiều ngày 3/2, ông Kim đã bị cảnh sát bắt giữ vì hành vi gây rối trật tự công cộng và bị giam giữ hành chính 10 ngày và nộp phạt 500 NDT (gần 1,7 triệu VND).
Người đàn ông 58 tuổi bị bắt giữ vì trò đùa trong lúc chán đời của mình.
Nguồn: The Paper/toquoc
Chồng cảnh sát và vợ y tá phải chia nhau về đơn vị chống dịch virus corona nhưng xót xa nhất là giọt nước mắt ở cửa thang máy của người chồng Thiết Tiếu là y tá công tác tại bệnh viện Nhân dân Thái Điện còn chồng cô Yến Chiêm Phi thì công tác tại sở cảnh sát Xinnong. Cả hai đều phải hủy bỏ kế hoạch ăn Tết Nguyên đán mà trở về đơn vị cùng đồng nghiệp chiến đấu chống dịch bệnh. Theo China Daily đưa tin, bắt đầu từ ngày 21/1...