Gia đình 37 năm đổi nước lấy cơm
Với người dân phố cổ Hội An, hình ảnh một ông lão già nua, một bà cụ lưng khòm cùng anh con trai nửa tỉnh nửa điên với 3 đôi quang gánh ngày ngày dắt díu nhau hành nghề phu nước đổi cơm đã không còn lạ lẫm. Cái nghề mà cả gia đình họ đã bén duyên, rồi như một cái nghiệp gắn chặt suốt 37 năm qua.
Nhọc nhằn phu nước
Trong khí trời se se lạnh, cơn mưa chiều nặng hạt trút xối xả ngập lênh láng những cung đường dẫn vào phố Hội, chúng tôi lặn lội tìm đến địa chỉ của gia đình ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ (tổ 8, phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam). Căn nhà nhỏ thấp tệch, nằm lọt thỏm nơi cuối con hẻm quanh co khiến chúng tôi lòng vòng hàng giờ đồng hồ mới lần ra.
Khung cảnh vắng hoe bóng người, cửa nẻo mở toang hoang, đánh tiếng gọi mãi mới thấy từ đằng xa xa, một cụ ông chân tay lập cập gánh trên vai đôi thùng nước. Thấy có khách lạ, ông chậm rãi nâng hai thùng nước đong đầy vào lu nước đặt nơi xó bếp, đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại còn vương đầy nơi trán, cất tiếng chào: “Mấy chú thông cảm, từ sáng đến giờ tôi đi gánh nước bỏ cho nhà người ta giờ mới về. Mấy hôm nay trời trở lạnh nên cả 3 người cùng “xuất quân” gánh cho lẹ. Tôi gánh đôi nước về đong gạo thổi cơm trước, bà Mỹ và thằng Quốc đang chờ lấy tiền nước của người ta rồi về sau”.
Vội vội vàng vàng thu dọn lại đống đồ chơi của anh con trai nửa tỉnh nửa điên bày biện tràn lan nơi nền nhà, ông mời chúng tôi ngồi bệt dưới nền nhà rồi say sưa kể về cái duyên, cái nghiệp đến với nghề gánh nước thuê mà cho đến nay ngót nghét đã hơn 37 năm.
Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng ông Đường vẫn tiếp tục hành nghề gánh nước thuê ở giếng cổ…
“Ngày trước giải phóng tôi theo nghiệp tổ tiên làm nghề đánh bắt cá trên sông, có khi trời quang mây tạnh thì vươn khơi ra biển. Sau đó gia đình tản cư vào Nam lập nghiệp, được một thời gian tôi lập gia đình rồi cùng vợ quay về Hội An, cất căn chòi nhỏ và định cư cho đến hôm nay”, giọng nói run run, ông Đường hồi tưởng.
Vợ ông Đường – bà Nguyễn Thị Mỹ đã cùng ông suốt mấy chục năm bươn chải mưu sinh bằng nghề gánh nước thuê ở giếng cổ. Khi chúng tôi hỏi cái nghề “đổi nước lấy cơm” có đủ sống không? Ông Đường trầm ngâm, đưa mắt nhìn về nơi xa xăm rồi giọng của một bà lão từ ngoài ngõ dắt theo sau một người đàn ông có vẻ như người mắc bệnh tâm thần, thấy vậy chúng tôi cũng đoán được đó là bà Mỹ và anh Quốc – người vợ và đứa con trai bị tâm thần của ông Đường. Vừa lom khom đặt bó rau mang từ ngoài chợ về, bà vừa cất lời: “No đủ gì cái nghề thức khuya dậy sớm này hả cháu, có cái ăn cầm cự sống qua ngày họa may đã vui lắm rồi. Ngày trước người gánh nước ở giếng cổ đông lắm nhưng đổi lại khách hàng đặt mua nước cũng nhiều nên những người gánh nước mưu sinh như tụi tôi không đến nỗi đói kém. Tôi và ổng ngày gánh cũng hơn chục đôi nước, đủ trang trải cuộc sống, lo cho thằng Quốc chạy chữa thuốc men tứ xứ. Còn bây giờ nhà nào nhà nấy dùng giếng máy cả rồi, ít người mua nữa nên mỗi ngày bán chừng 2 – 3 đôi cho mấy khách quen lâu năm nấu Cao Lầu, Mỳ Quảng”.
Nghe bà Mỹ ngán ngẩm về cái nghiệp của gia đình mình, chúng tôi mới thắc mắc hỏi: “Mỗi ngày gánh 2 – 3 đôi nước sao cả 3 người trong gia đình mình hết thẩy đều thức dậy sớm đi gánh chi cho khổ vậy hả ông bà?”, nghe xong bà Mỹ chẹp miệng giải thích: “Quen rồi cháu à. Cứ hễ gà cất tiếng gáy là cả 3 người lụi hụi xách thùng ra giếng gánh nước. Dù có gánh 1 hay 2 đôi đi chăng nữa thì cả nhà sáng nào cũng ra giếng. Nói không ngoa nó như thể thành cái tục của gia đình này rồi”.
Giếng cổ Bá Lễ là nơi ông đã hành nghề suốt 37 năm qua
Gánh đến khi nào không còn nước ở giếng cổ
Nghe ông Đường bà Mỹ kể lại thì trước đây giếng cổ ở Hội An rất nhiều, phân bố rải rác ở hầu khắp các phường, xã vì thế người làm nghề gánh nước thuê không khó để tìm “đất” mưu sinh. Tuy nhiên, giờ đây nước có thể dùng được, đảm bảo vệ sinh và giữ được vị ngon ngọt, trong mát vốn có của giếng cổ duy chỉ có giếng Bá Lễ. “Kì lạ là những món đặc sản của Quảng Nam, đặc biệt là Cao Lầu muốn nước lèo ngon thì chỉ có nấu bằng nước giếng cổ chứ dùng nước máy sẽ không ngon bằng. Cũng nhờ thế mà những người làm nghề này mới còn trụ nổi chứ không họ đã bỏ nghề từ lâu rồi”, ông Đường cho biết.
Video đang HOT
Cũng vì người dân bây giờ đã chuyển sang dùng giếng máy nên mỗi ngày thu nhập từ nghề gánh nước của gia đình ông Đường theo đó cũng eo hẹp dần đi. Bữa nào khách hàng đặt nước nhiều phục vụ nấu tiệc thì đặt 5 – 7 đôi nước, còn không thường ngày cũng chỉ đôi ba gánh, mỗi đôi như thế ông cóp nhặt được 5 nghìn đồng. Tính ra thu nhập của cả gia đình trông nhờ vào cái nghề theo họ mấy chục năm qua cũng chỉ vài ba chục ngàn, tằn tiện lắm mới chật vật sống qua ngày nơi phố Hội ngày một phồn hoa này.
Dù giờ đây giếng cổ không còn được như xưa nhưng với gia đình ông Đường bà Mỹ thì cái nghiệp làm phu gánh nước thuê sẽ mãi theo họ đến hết cuộc đời. Và người dân phố Hội vẫn sẽ còn bắt gặp hình ảnh của một gia đình già ngày ngày gánh trên vai đôi quang gánh trải bộ trên khắp các nẻo đường trong phố cổ nối dài cuộc hành trình phu nước nhọc nhằn.
Theo 24h
Sự thật về cuộc sống "quái nhân" nhặt vợ
Khi hỏi thăm tới nhà "quái nhân" nhặt vợ, từ anh xe ôm tới chị quét rác đều ngăn tôi đừng tới bởi "nhà đầu trọc" ấy sống "quái" lắm...
Sau khi xuất hiện thông tin "quái nhân" Nguyễn Tuấn Nghĩa (một số thông tin cho rằng quái nhân tên là Nguyễn Nghĩa Tuấn) nhặt được vợ hơn 9 tuổi ở bãi rác, phần lớn cư dân mạng tỏ ra khâm phục trước câu chuyện về tình người. Chuyện tình "rổ rá cạp lại" của đôi vợ chồng lại được xem là cái kết có hậu của "Vợ nhặt" ngày nay. "Chàng" với lối sống "quái nhân" còn "Thị" lại chính là người phụ nữ trong bức ảnh đạt giải nhất ảnh báo chí thế giới 2008 của nhà nhiếp ảnh Justin Maxon...
Luồng thông tin khác lại cho rằng, Nghĩa và vợ đều "có đầu óc không bình thường", thậm chí có phần "dị mọ" trong quan hệ vợ chồng...
Hoa mắt với mê cung
Trên cung đường hỏi thăm tại khu đô thị Văn Quán (Hà Đông-Hà Nội), tôi đã được nghe nhiều chuyện kể về gia đình Nguyễn Tuấn Nghĩa. Người thì kể về gia đình ăn xin có lối cạo trọc đầu, ăn mặc "kiệm vải", nhiều khi không cần che đậy cứ thế xuống đường; người thì lại kể về cách ăn nói của thành viên trong nhà đều rất lịch sự, đàng hoàng... Tuy nhiên rôm rả nhất vẫn là những câu chuyện tình ái của đôi vợ chồng "quái nhân" này...
Thôi thì chín người mười ý, cuối cùng tôi vẫn quyết định lên nhà, và làm theo lời dặn: "Phải bấm chuông trước để cả nhà biết có khách mà mặc quần áo" ...
Đập vào mắt tôi ngay từ khi bước vào căn hộ chung cư của Nguyễn Tuấn Nghĩa là những đống tranh ảnh được cắt từ lịch, bìa sách báo hỗn tạp dán từ cửa trở vào. Ngạc nhiên là căn hộ chung cư trong một khu đô thị được coi là sang trọng của Thủ đô, rộng tới chừng 60m2, nhưng lại chẳng khác gì nhà kho (đúng hơn là kho rác) khiến khách vào ngột ngạt với những mùi ẩm mốc vây quanh.
Chất đầy dưới nhà chưa đủ, chủ nhân còn xâu những tranh ảnh, thành từng chùm nặng trĩu quấn quanh trên trần nhà. Khắp nhà đâu đâu cũng thấy tranh ảnh, khi thì là tranh phật với những dòng giáo lý khi lại là hình ảnh rất gợi cảm của các cô gái... Với khoảng trống hiếm hoi thì bức tường lại được tận dụng là nơi để chủ nhà trổ tài "thư pháp" toàn chữ là chữ nhưng chẳng đâu ăn nhập với nhau...
Nghĩa treo mớ tranh ảnh hỗn tạp khắp nhà
Ảnh gợi cảm của cô gái cũng được giăng lên
Đón khách vào nhà là hai đứa trẻ, cùng cạo đầu trọc lốc. Bé trai lớn khoảng hơn 10 tuổi, bé gái nhỏ hơn 3 tuổi ngước nhìn với ánh mắt lạ lẫm ngơ ngác như rất lâu rồi mới có khách vào nhà.
Theo lời mời của chủ nhà, tôi đi vào phòng trong cùng nơi có người đàn ông đang quấn chăn từ đầu tới chân, anh là Nguyễn Tuấn Nghĩa. Cạnh chiếc đệm mà Nghĩa đang ngồi là những bát thức ăn dở dang, bừa bãi và những thứ hoa quả đang chín rữa... Lý giải về đống đồ ăn này, Nghĩa cho biết đây là của đi ăn xin được, "hàng xóm ai cho cái gì thì mình ăn cái đấy...".
5 vợ và biết bao người tình
Chọn cho mình được chỗ ngồi tương đối, tôi mới lấy lại bình tĩnh để bắt chuyện. Khi tôi còn đang lúng túng tìm cách vào chuyện với chủ nhà được tự nhiên, thì đáp lại là lối ăn nói hoạt bát, trơn tru của Nguyễn Tuấn Nghĩa. Câu chuyện bắt đầu của chúng tôi choáng ngợp bởi những triết lý đạo giáo. Nghĩa như người "lên đồng" thao thao giảng giải khiến người nghe cũng dễ bị cuốn vào mạch.
Nói về cuộc sống hiện tại, Nguyễn Tuấn Nghĩa cho biết: "Bao nhiêu năm nay tôi đã tạo được nhiều công đức, giờ tôi không phải là người thường nữa rồi mà đã được nhập vào giòng Thánh, sống như vua theo lời dạy của Phật là được hưởng phước sung sướng nhất, trí tuệ nhất".
Kể về quá trình giác ngộ theo đạo của mình, Nghĩa nói trước đó anh đã có vài năm trải qua hàng chục nghề nhưng đều từ bỏ vì cảm thấy vất vả, không hợp với tâm nguyện của mình. "Giờ đây, tôi đã giác ngộ đạt tới độ hóa thân thành mầm mống của Ngài nhưng nhân cách thì phần nào vẫn chưa được như Ngài bởi mình vẫn còn dục tình, đam mê chưa rũ bỏ hết...". Nói tới đây, câu chuyện của Nghĩa bất ngờ quay sang thái cực tràn ngập những sex, thú vui nhục dục... với niềm hưng phấn lạ kỳ.
Không giống như thông tin trước rằng Nghĩa có hai "vợ", Nghĩa cho biết, ngoài những người phụ nữ anh từng quan hệ "dọc đường" thì đã có 5 người được anh "dắt" về nhà chung sống. Cô thứ 5 đang "tạm sống" với anh là chị Mùi, người đàn bà do duyên số lận đận từng một thời ở trần dắt theo con lang thang kiếm ăn.
Chữ khắp tường...
Chiếc đàn cũng được viết kín chữ với nội dung khó hiểu...
Theo lời Nghĩa, những phụ nữ anh từng "quan hệ" hầu hết đều hơn tuổi, thuộc thành phần kém sắc. Ngoài cô đầu tiên có nghề hàng xáo thì 4 cô tiếp theo được Nghĩa "dắt" về đều trong tình cảnh lang thang, nhặt rác kiếm sống. Cho mình là người sống thoáng, nên Nghĩa không đăng ký kết hôn với một ai. "Quái nhân" này vừa cười vừa tâm sự: "Vợ thì không hẳn mà người tình cũng không". Cô nào nhanh thì ở với Nghĩa được 3 ngày, và người lâu nhất cũng là người được "nhặt" từ ngầm cầu Long Biên, chị Mùi. Hai người về ở với nhau từ năm 2006. "Cô ấy tuy không khéo về căn ăn nói nhưng lại hợp với tôi về nội tâm", Nghĩa nói.
Nhà có khách một lúc lâu mới thấy chị Mùi cùng cô con gái nhỏ (con chung của chị và Nghĩa) ngáp ngủ từ trong buồng đi ra. Có mặt chị và con nhỏ ở đó nhưng Nghĩa vẫn không ngần ngại kể về những mối quan hệ nam nữ từ trước và sau khi "nhặt" được chị. Coi chuyện quan hệ tình dục là ham muốn, thú vui của mình, Nghĩa nói theo cách rất chi hào hứng: "Tuy là người tu tập nhưng tôi vẫn cần tình dục để yêu thương, từ đam mê đã trở thành si mê nên không thể từ bỏ".
Nghe những tâm sự này, ban đầu chị Mùi cứ ngồi đó mà nghệt ra rồi sau cũng cười "hề hề" vô tư... để góp vui! Tới khi bị Nghĩa nhắc "thôi, mẹ già đi vào chăm con đi, để tôi còn ve vãn gái trẻ" thì chị cũng lại cười "hề hề" vâng dạ nghe theo...
Số phận những đứa trẻ...
Được biết, nguồn sống duy nhất hiện nay của gia đình "quái nhân" chủ yếu là đi ăn xin. Người dân xung quanh cũng không còn xa lạ cảnh mẹ con chị Mùi "đầu trọc" dẫn dắt nhau đi ăn xin tại các khu chợ kế cận. Về phía người thân của Nghĩa, người ta chỉ biết mang máng rằng bố mẹ anh cũng đang sống tại một tòa chung cư gần đó. Vì thế nhiều người tò mò không hiểu tại sao có nhà cửa đàng hoàng mà vợ con Nghĩa vẫn phải đi ăn xin?
Lý giải về cách kiếm sống của mình, Nghĩa cho biết nếu không đi ăn xin chắc anh phải bán cả căn hộ mà bố mẹ mua cho để sống. "Ăn xin cũng là một cách để tạo điều kiện cho người đời tích phúc. Mỗi ngày cô ấy (chị Mùi) cũng xin được vài chục tới vài trăm ngàn, còn tôi xác định tuy không phải tu ở chùa nhưng đang sống trong đời sống tinh thần, không muốn phải lo những chuyện lặt vặt", Nghĩa nói.
Dù cho rằng mình không phải người gia trưởng nhưng Nghĩa vẫn không chịu ăn cùng mâm, cùng bát với vợ con. "Ăn riêng để còn được tĩnh tâm", Nghĩa nói. Dầu vậy, quái nhân này cũng chẳng hề kiêng khem thịt cá. "Ai cho cái gì là ăn, không chê. Ăn thịt cá thì mới có năng lượng để quan hệ tình dục!", Nghĩa cho biết.
Nghĩa vô tư nói về những câu chuyện nam nữ bên cạnh vợ và con gái...
Ra khỏi căn nhà của "quái nhân", điều làm tôi ám ảnh nhất là những ánh mắt của hai đứa trẻ: Bé gái còn quá nhỏ nên trong mắt em vẫn chứa nét tươi vui trong sáng, thỉnh thoảng tôi có nghe em líu lo hát gì đó những chưa rõ lời. Tuy nhiên, với bé trai, dường như em đã đủ lớn để nhận thức về cuộc sống "không bình thường" của mình. Cả buổi tiếp xúc, tôi nhìn em cứ như cái bóng lặng lẽ biết đi trong nhà, ánh mắt của em luôn mở to với vẻ u buồn khó nói...
Trao đổi với phóng viên, những người dân quanh khu nhà cho biết, việc gia đình "quái nhân" ăn mặc phản cảm đi ra đường nhìn lâu cũng thành quen nhưng điều mà họ lo nhất vẫn là hai đứa trẻ sống trong nhà không được đi học.
Mặt khác, theo người dân được nghe chính từ vợ chồng quái nhân kể, họ không hề giấu giếm chuyện sinh hoạt vợ chồng trước mặt hai đứa bé.
Một nữ nhân viên của tòa nhà cho biết, ngày mới làm, có lần chị thực hiện công tác vệ sinh tòa nhà khi tới phòng "quái nhân" ở, đã bị một phen hú hồn khi vô tình nhìn vào bên trong. "Vợ chồng, con cái đều trần truồng không mảnh vải che thân", chị kể.
Chị Lê Thị Mùi, vợ của "quái nhân" Nguyễn Tuấn Nghĩa chính là nhân vật trong bức ảnh đoạt giải nhất báo chí thế giới 2008 ở hạng mục Daily Life của nhiếp ảnh gia Justin Maxon
Mặc dù Nghĩa có lối sống "quái dị" như vậy, nhưng hàng xóm vẫn tỏ ra thương cảm đối với gia đình Nghĩa, đặc biệt là những đứa trẻ. Có nhiều người tốt bụng còn mang thức ăn tới và treo ở cửa nhà "quái nhân".
Người ta cũng đặt câu hỏi: Với môi trường sống "quái" như thế, số phận của những đứa trẻ trong nhà rồi đây sẽ ra sao khi chúng không được tới trường và chịu ảnh hưởng của cách giáo dục "quái dị" của Nghĩa?
Ông Nguyễn Văn Sự, Tổ trưởng Tổ dân phố 14, khu đô thị Văn Quán cho hay, tổ dân phố cũng đã nhiều lần nhắc nhở về cách sinh hoạt "thiếu văn minh" của gia đình Nguyễn Tuấn Nghĩa song sự biến chuyển cũng không được là nhiều. "Nhiều lần khi thấy chị vợ dắt con đi ăn xin, chúng tôi cũng đã nhắc nhở nên cho cháu đi học nhưng cả hai vợ chồng đều không tiếp thu". Ông Sự cho biết đã báo cáo lên phường về trường hợp nhưng ngoài biện pháp thuyết phục chủ nhà thay đổi thái độ thì lãnh đạo phường cũng không đưa được ra cách giải quyết nào hợp lý hơn.
Theo 24h
Hơn 8.300 tỉ đồng trợ giúp người tâm thần Ngày 27.11, tại Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB-XH, Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Atlantic Philanthropies phối hợp tổ chức hội nghị triển khai đề án 1215 của Chính phủ - Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020. Đề án 1215 sẽ...