Giá điện tăng, dân sẽ được hưởng lợi (?)
- Đang tính toán thành lập cơ quan quản lý năng lượng.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1 của Bộ Công Thương, chiều 2-2, liên quan đến chủ trương tăng giá điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định giá điện sẽ không tăng trước tết Nguyên đán. “Sau tết, giá điện có tăng hay không sẽ tùy thuộc tình hình kinh tế trong nước, phương án tính toán của EVN và thẩm định của Bộ Công Thương trước khi báo cáo Thủ tướng trong tháng 3″ – ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, giá điện hiện nay của Việt Nam đang thấp hơn giá than, điều này dẫn đến việc không thu hút được đầu tư vào ngành điện. “Quanh đi quẩn lại chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu lỗ. Do EVN là doanh nghiệp nhà nước, mỗi khi đơn vị này lỗ thì Chính phủ phải bù lỗ” – Thứ trưởng Hải phân tích.
Người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Chợ Lớn, TP.HCM. Ảnh: HTD
Ông Hải cho biết với giá điện thấp hoàn toàn không có lợi cho Chính phủ, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng điện nhiều như xi măng, sắt thép, sản xuất tôn lại được hưởng lợi. Do vậy, giá điện cần phải tiệm cận với thị trường thì tương lai thị trường điện mới có cạnh tranh được, không phải là độc quyền như hiện nay. “Giá điện theo thị trường thì Chính phủ không phải bù lỗ. Bởi khi đó, giá điện sẽ có cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ,… để tạo ra giá thành điện rẻ nhất, từ đó người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi. Giá điện cần phải được điều hành theo thị trường như giá xăng dầu” – ông Hải nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng tại buổi họp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin đang tính toán thành lập cơ quan quản lý năng lượng.
Ông Hải cho biết nghị quyết Trung ương Đảng đã đặt ra vấn đề tiến tới thành lập một cơ quan chuyên trách về năng lượng. Được biết trước đây Việt Nam đã từng có Bộ Năng lượng nhưng sau đó bộ này được hợp nhất với Bộ Công nghiệp. Đến năm 2007, Bộ Công nghiệp hợp nhất với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương như hiện nay. Với chủ trương thành lập một cơ quan quản lý về năng lượng, tới đây nhiều khả năng Chính phủ sẽ có thêm cơ quan quản lý năng lượng tương đương Bộ Năng lượng trước đây.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết sáng 2-2, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trao quyết định của Thủ tướng về việc bổ nhiệm và điều động ông Hoàng Quốc Vượng (người vừa thôi chức vụ chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam) giữ chức thứ trưởng Bộ Công Thương. Ông Hải cho hay trong thời gian sớm nhất, Ban Cán sự Đảng và bộ trưởng sẽ phân công lại công việc giữa các thứ trưởng để bớt đi phần việc đảm nhận hiện tại. Về phương án nhân sự EVN, ông Hải cho biết sau khi ông Vượng về lại Bộ Công Thương, hiện Bộ đã có phương án thay thế lãnh đạo cấp cao của EVN. Tuy nhiên, phương án cụ thể ra sao thì cần tuân thủ quy định về bổ nhiệm nhân sự. Trước mắt, công việc của chủ tịch EVN đang được giao cho Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh phụ trách kiêm nhiệm.
TRÀ PHƯƠNG
Theo_PLO
"Không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản"
Bên lề cuộc gặp báo chí chiều 26.1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá điện hiện nay đang dưới giá thành nên việc điều chỉnh giá điện tới đây sẽ là điều khó tránh khỏi.
Thứ trưởng Hải cho biết, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN (Ảnh minh họa)
Ông Hải nói: "Các chuyên gia của WB khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể "cứu" nổi ngành điện. Hiện Ngân hàng Thế giới phải xem xét tình hình tài chính của EVN, giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc có cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không.
"Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn", ông Hải cho hay.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để chủ động điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không có cách nào khác là phải tăng đầu tư sản xuất điện trong nước, giảm nhập khẩu (mà trước mắt là giảm nhập điện từ Trung Quốc). Muốn tăng sản xuất điện trong nước, thu hút được đầu tư vào ngành điện thì buộc phải tăng giá điện lên.
Ông Hải cũng cho biết, có 3 phương án về điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công Thương và các bộ ngành tính toán, từ mức tăng thấp đến vừa, cao. Tuy nhiên, tăng giá điện ở mức nào tới đây vẫn cần phải cân nhắc để đảm bảo hỗ trợ người nghèo, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội.
Trước đó, các chuyên gia của WB đã đề nghị từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo quy định cho mỗi chu kỳ 6 tháng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Tới đây, dù có điều chỉnh giá điện thì cũng sẽ chưa bù đắp được hết các khoản chi phí tăng lên của EVN. Người phát ngôn Bộ Công Thương nói: "Dù giá điện có được điều chỉnh thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường".
Trước đó, ông Phạm Lê Thanh-Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, các khoản như lỗ tỉ giá vẫn còn treo 8.800 tỉ đồng, cộng với các chi phí phát sinh từ việc tăng giá than 2 lần, khí, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng... đến hết năm 2014 gộp lại các chi phí tăng thêm của EVN bước sang năm 2015 đã lên tới gần 17.000 tỉ đồng phải tính vào giá điện.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương sẽ xem xét phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Theo đó, nếu chi phí đầu vào của EVN tăng 7-10% thì cho phép tập đoàn này được tăng giá điện; nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính thẩm tra trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Được biết, năm 2014, giá bán điện bình quân toàn EVN đã đạt 1.529 đồng/kWh, tăng 30 đồng/kWh so với năm 2013. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 196.370 tỉ đồng, tăng 13,57% so với năm 2013.
Theo Mai Hương (Danviet.vn)
Chủ tịch EVN trở lại làm Thứ trưởng Bộ Công Thương Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ngày 26.1, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Hoàng Quốc Vượng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Trước đó, ông...