Giá điện sẽ tăng cao?
Giá điện cần được tăng theo lộ trình từng bước ngắn để không tác động quá lớn đến lạm phát.
Giá than bán cho ngành điện chính thức được phép điều chỉnh tăng khá cao, kéo theo nguy cơ giá điện tăng mạnh.
Tăng thêm gần 30%
Theo ông Nguyễn Văn Biên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CN Than-Khoáng sản VN ( Vinacomin)- từ 20.4 giá than bán cho ngành điện đã được Thủ tướng và Bộ Công Thương chấp thuận cho tăng bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011- tương đương 84% giá thành sản xuất than năm 2013.
Lý giải cho việc tăng giá này, theo Vinacomin, trong quý I/2013 giá than bán cho ngành điện mới chỉ bằng 71 – 73% giá thành năm 2011 đã kiểm toán và bằng 63 – 66% giá thành năm 2013. Tính riêng trong quý I, tổng giá trị than bán cho ngành điện thấp hơn giá thành năm 2013 khoảng 1.500 tỉ đồng. Vinacomin cho rằng, giá bán cho ngành điện thấp, trong khi phải cung cấp cho ngành điện tới 50% sản lượng trong nước (4 triệu tấn) nên ngành than “đuối sức”. Bên cạnh việc được điều chỉnh giá than bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011, Vinacomin cũng cho rằng nếu được điều chỉnh tiếp theo lộ trình bằng giá thành năm 2013 và có lãi thì điều kiện sản xuất, đời sống công nhân… mới tốt lên.
Trên thực tế, việc ngành than nôn nóng tăng giá than bán cho ngành điện không chỉ vì giá này đang phải duy trì ở mức thấp, mà còn do xuất khẩu than không thuận lợi, giá xuất khẩu xuống thấp không đủ để bù lỗ giá than bán cho ngành điện như trước đây.
Đáng nói, để bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011 thì giá than bán cho ngành điện sẽ phải tăng thêm khoảng 27 – 29% so với giá năm 2011, đẩy đầu vào ngành điện tăng mạnh tương ứng. Trao đổi với PV, ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN)- cho biết chưa nhận được phương án tăng giá của ngành than. “Than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than. Hiện tại, nguồn huy động nhiệt điện than xấp xỉ hơn 100 triệu kWh/ngày và ngày càng tăng lên. Tỉ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 – 1/3 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nên nếu giá than tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt điện than, qua đó tác động đến giá điện”- ông Tri cho hay.
Video đang HOT
Cũng theo lãnh đạo EVN, theo thông tư 31 của Bộ Công Thương, giá các yếu tố dẫn tới giá điện tăng lên thì mới tính cụ thể mức tăng giá điện. Tháng 5-6 sẽ tính cụ thể giá, nếu nước về sớm ở các nhà máy thủy điện thì thuận lợi; nếu không, sản xuất điện sẽ còn khó khăn hơn, phải đổ dầu vào chạy điện.
Phải có lộ trình tăng
Theo chuyên gia kinh tế- TS Nguyễn Minh Phong, kéo dài tình trạng giá than bán cho ngành điện dưới giá thành là không hợp lý, nên tiến tới điều chỉnh dần theo giá thị trường là đúng. “Nhưng có hai điểm cần lưu ý khi tăng: Tăng phải có lộ trình, vì phải cân nhắc tác động đầu vào tới ngành điện và các ngành sản xuất khác, nếu không sẽ tạo cú sốc về giá, hệ lụy lớn hơn; thứ hai, tất cả các con số này phải được công khai, kiểm toán để tạo sự đồng thuận”- TS Phong nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Chính phủ đồng ý chủ trương tăng giá than bán cho ngành điện bằng 100% giá thành năm 2011, nhưng ngành than không thể tăng sốc một lần, mà cần chia làm nhiều đợt tăng, giảm áp lực cho giá điện.
Trên thực tế, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn, nên việc tăng giá than không thể là lý do chính để dẫn tới điện tăng giá. Nhưng ngay từ đầu năm, ngành điện đã “cảnh báo” nhiều yếu tố bất lợi cho giá điện, như tình hình khô hạn diễn biến phức tạp trên cả nước, dự kiến sản lượng thủy điện năm nay thiếu hụt khoảng 1,2 tỉ kWh so với năm 2012 và có nguy cơ phải bù lại bằng điện chạy dầu và tăng tỉ lệ huy động nhiệt điện than.
Cụ thể, tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8 – 2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Và nếu trường hợp này xảy ra- theo một phó tổng giám đốc EVN- tập đoàn này sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng và khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện trong những lần tăng tiếp theo quy định. Chưa kể, EVN vẫn còn khoản lỗ treo hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010, cộng với 26.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá- đã được cho chủ trương bù đắp dần vào giá điện cho tới năm 2015, đe dọa rất lớn tới mức tăng giá điện.
Mặt khác, theo quy định hiện hành khi có biến động giá đến 5% thì EVN được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố trên (tỉ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao) diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, thì yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%. Đây là lý do một chuyên gia trong ngành cho rằng cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương cần có tính toán cân nhắc chặt chẽ tới thời điểm tăng giá của cả than và điện. Nếu giá than được điều chỉnh ngay trong mùa khô năm nay thì sức ép lên giá điện là rất lớn.
Đáng chú ý hơn, giá điện lại đang được nhận cơ chế rất “mở” của Bộ Công Thương trong dự thảo cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện. Theo đó, khi thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí phát điện có biến động, làm giá điện tăng 2% so với giá đang áp dụng và nằm trong khung giá thì EVN được phép tăng giá bán điện. Với mức tăng rất thấp này, giá điện sẽ được tạo cơ hội biến động tăng nhanh và nhiều hơn.
Theo TS Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược- mức tăng giá than bán cho ngành điện theo dự kiến rất lớn- gần 1/3 so với giá thành năm 2011. “Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tăng giá điện đột biến, tác động rất lớn đến lạm phát. Bởi vậy, không thể tăng đột ngột mà phải tăng dần, tăng từng bước ngắn. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải tính toán lộ trình tăng để giữ ổn định cho nền kinh tế, không tác động lớn đến lạm phát. Với các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như than, điện, việc nhích dần lên cơ chế thị trường là đúng, nhưng nhích lên như thế nào cần phải tính toán kỹ, đặc biệt các con số lỗ lãi của các tập đoàn độc quyền phải thực sự minh bạch, không thể khi muốn tăng giá thì nói lỗ, cuối năm hạch toán lại nói lãi”- TS Hồ nhìn nhận.
Theo laodong
Phó thủ tướng: 'Giá điện hiện nay không rẻ'
Nhìn nhận khó khăn mà ngành điện phải trả qua trong năm 2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn yêu cầu tăng chất lượng dịch vụ, bởi giá bán lẻ bình quân 1.437 đồng mỗi kWh như hiện nay không còn rẻ.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2013 ngày 11/1, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết, năm 2012, doanh thu bán điện sản xuất ước đạt hơn 143.000 tỷ đồng. Nhờ kinh doanh điện có lợi nhuận, EVN giảm lỗ lũy kế các năm trước còn 3.500 tỷ đồng. Trong năm 2013, Tập đoàn đưa mục tiêu giá bán điện bình quân đạt 1.459 đồng mỗi kWh và sản xuất kinh doanh điện năng có lợi nhuận.
EVN dự kiến đầu tư các nguồn, lưới điện với tổng giá trị thực khoảng hơn 106.600 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần khoảng gần 76.000 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay toàn tập đoàn khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Theo ông Tri, trong năm 2013, EVN phải phấn đấu hoàn thành thủ tục đàm phán với các tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài để đầu tư 2,58 tỷ đôla (tương đương hơn 54.000 tỷ đồng) cho các dự án điện.
EVN hứa năm nay kinh doanh điện năng có lãi. Ảnh: Hoàng Hà
EVN cho biết sẽ tái cấu trúc tập đoàn, trong đó tái cấu trúc ngành nghệ kinh doanh, tập trung vào ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh điện năng, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành. Không đưa ra con số cụ thể song ông Tri khẳng định: "EVN sẽ cố gắng năm 2013 sản xuất và kinh doanh điện có lợi nhuận".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho hay, ngành điện nói chung và ngành truyền tải điện nói rêng gặp nhiều khó khăn như tiền lương chưa được cải thiện, công tác giải phóng mặt bằng. Thiếu vốn dẫn đến khó khăn chồng khó khăn. Bởi vậy, mấu chốt vấn đề, theo ông Hùng là, EVN phải tái cấp vốn, tháo gỡ vấn đề lương cho ban quản lý dự án và điều chỉnh giá điện phù hợp.
"Giá điện cũng phải bóc tách làm sao để tránh tình trạng &'đẽo chân cho vừa giày'. Chúng tôi đã tiết kiệm hết cỡ rồi, chỉ ước sao cho năm nay được mặc cái áo rộng, làm truyền tải điện mà không có ôtô, phương tiện thì không truyền tải được", ông Hùng ví von.
Một số tổng công ty phát điện (EVN Genco) cho rằng, các Genco đang gặp nhiều khó khăn do tổng vốn điều lệ thấp, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn, vốn đối ứng cho các Genco không đủ. Ngoài ra, ngành điện còn chịu cực vì phải tính cách tăng giá làm sao để "người dân khỏi la nhiều".
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, năm 2012 của EVN có lãi song đây là một khoảng thời gian rất khó khăn đối với ngành điện vì vốn thiếu, hàng loạt công trình đình đốn. Mặc dù năm 2012 có tới 97,6% nông thôn đã có điện song ngành điện vẫn "bóc ngắn cắn dài", tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra.
Sau hai lần tăng giá điện trong năm 2012, giá điện bình quân của EVN là 1.437 đồng mỗi kWh. Sau đợt điều chỉnh mới đây, EVN dự kiến thu thêm 7.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn bù cho 900 tỷ do tăng giá than và 3.800 tỷ chênh lệch giá khí tăng lên. Đồng thời, EVN bù 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá.
Theo Phó thủ tướng, đứng ở góc độ khách hàng, người dân không cần điện giá rẻ mà cần mức giá cạnh tranh, công khai và minh bạch. "Hiện giá điện của Việt Nam là 7,2 cent mỗi kvWh, con số này không phải là rẻ nữa. Bởi vậy, EVN phải làm sao để chất lượng dịch vụ phải tướng ứng", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành điện khi hạ tổn thất điện năng 2012 xuống còn 9%, song Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, con số này vẫn còn cao so với tỷ lệ 8,4% của bình quân thế giới. Theo ông, tái cơ cấu không dễ dàng song đây là biện phát duy nhất giúp EVN có thể phát triển trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay.
Theo VNE
EVN trả nợ hàng nghìn tỷ cho các 'ông lớn' Tập đoàn Điện lực (EVN) đã trả 2.200 tỷ đồng cho PVN và khoảng 700 tỷ đồng nợ quá hạn cho Vinacomin. Theo VnExpress dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - Phùng Đình Thực cho biết: Hiện EVN còn nợ khoảng 9.800 tỷ đồng trong tổng số 12.000 tỷ đồng. 'Vẫn còn khó khăn nên EVN...