Giá điện đang “gánh” quá nhiều chi phí bất hợp lý gây bức xúc
Giá điện đang phải gánh chịu quá nhiều chi phí bất hợp lý, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. Điều này lý giải vì sao người dân luôn bức xúc mỗi khi đề cập đến giá điện.
Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học tại Diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 16.10.
Sao chỉ tăng giá điện?
PGS. Nguyễn Minh Duệ – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nêu thực tế: “Với điều kiện kinh tế – xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp, thu nhập người dân hiện tại và cấu trúc hệ thống điện, đặc biệt nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, thì ở Việt Nam giá bán điện bình quân (kể cả VAT) – 1.784,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent/kWh không phải là thấp”.
Video đang HOT
Giá điện cần thiết được xác định lại với sự tham gia của người dân, chuyên gia, nhà sản xuất và cơ quan quản lý.
Theo ông Duệ, giá bán điện ban hành qua các kỳ điều chỉnh chưa thuyết phục, mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, chưa công khai minh bạch về giá thành nên chưa được sự đồng thuận của khách hàng sử dụng điện. Điều gây bức xúc, theo ông Duệ còn là giá điện điều chỉnh tăng liên tục qua các năm song chỉ có tăng, chưa hề giảm (cho dù có thời điểm chi phí đầu vào giảm đáng kể, như mùa nước của thủy điện, việc đưa vào vận hành nhà máy thuỷ điện Sơn La…).
Biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hoạch toán (chưa đủ độ tin cậy). Việc điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, việc giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống. Do đó, giá bán điện điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn không thích hợp với đặc điểm của sản phẩm điện năng là cần sự ổn định nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế và an sinh xã hội.
TS Ngô Đức Lâm – Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cũng cho rằng, 1 kWh điện năng hiện phải gánh chịu quá nhiều chi phí bất hợp lý, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. Điển hình như vấn đề tỷ giá, theo ông Lâm, cần phải xem xét lại tính công bằng giữa EVN với các doanh nghiệp khác. Yếu tố tiền lương trong giá điện cũng vậy, ông Lâm cho rằng, Bộ Công Thương và Bộ Lao động Thương binh và xã hội cần thiết phải bàn luận thêm về số người được tính hưởng lương cho 1kWh bởi năng suất lao động của ngành điện thấp ảnh hưởng lớn đến giá điện.
Một yếu tố nữa là tổn thất truyền tải hệ thống điện. Hiện tại, chi phí này đang ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện. Năm 2013, tổn thất truyền tải hệ thống là 8,8% (trong khi Thủ tướng yêu cầu là 8%), năm 2014 đã tăng> 9%. “Tổn thất truyền tải hệ thống nếu thêm 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh. Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này” – ông Lâm dẫn chứng.
Đừng để chuyên gia cũng “bó tay”!
Tại diễn đàn này, các chuyên gia đề nghị EVN cần có một chuyên đề nghiên cứu để làm rõ tính minh bạch của giá điện, giải đáp những vấn đề khúc mắc. Chuyên đề nghiên cứu trên cần làm ngay vì đây là vấn đề gốc rễ của giá điện và cần có sự thảo luận rộng rãi.
GS.Nguyễn Quang Thái – Viện Kinh tế Việt Nam nêu thực tế: Cơ sở của việc định giá điện ở đâu khi vai trò của người sử dụng điện gần như không có, giá điện định bao nhiêu người dân phải trả bấy nhiêu (ngay hợp đồng cũng là mẫu mua bán định sẵn). “Giá điện được tính “lẻ” và “phi tuyến” đến các chuyên gia cũng phải bó tay về cách tính giá điện” – ông Thái nói. Các bậc thang giá điện đều tính khó hiểu do có nhiều số lẻ phức tạp. Theo thang bậc hiện hành, giữa các bậc có sự “nhẩy cò” rất nhanh, nhất là ở mức 300-400 kWh. Thêm vào đó, “bước nhảy” cũng rất “phi tuyến” khó giải thích vì sao tăng giảm như vậy. “Toàn bộ tiền chênh này EVN “thụ hưởng” có hợp lý không, nếu nói về vấn đề tiết kiệm năng lượng?” – ông Thái đặt câu hỏi.
Các chuyên gia cho rằng, giá điện cần thiết được xác định lại với sự tham gia của người dân, chuyên gia, nhà sản xuất và cơ quan quản lý. Trong đó việc lấy giá thấp đồng hạng cho dưới 100 kWh, người nghèo được hỗ trợ trực tiếp (không qua EVN). Các đơn giá phải là con số không có số lẻ, người dân tự kiểm chứng được.
Từ năm 2009 đến nay giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Riêng ngày 1.3.2011 tăng 15,28% so với năm 2010. Và theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (ngày 16.3.2015) giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Theo Danviet