Giá dầu thế giới tăng mạnh trong tuần qua
Kết thúc tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lần lượt 5% và gần 10%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 10% trong tuần qua. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Kết thúc tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng khoảng 5%, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong năm tuần qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 10%, mức tăng phần trăm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 12/2016.
Trong khi sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran là yếu tố chủ đạo chi phối đà tăng của giá dầu trong tuần này, giới phân tích cho rằng cuộc họp sắp tới vào đầu tháng Bảy của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh nhằm đánh giá lại mục tiêu sản lượng, triển vọng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dịu xuống và vụ cháy nghiêm trọng ở nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Bờ Đông nước Mỹ cũng là những yếu tố hỗ trợ giá dầu.
“Vàng đen” đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi trong phiên đầu tuần khi giảm hơn 1%, sau khi số liệu kinh tế kém lạc quan của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại nhu cầu dầu trên thế giới sẽ yếu đi.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 5/2019 đã bất ngờ tăng chậm lại mức 5%, mức thấp của hơn 17 năm và thấp hơn so với con số dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó là 5,5%.
Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch thậm chí đã hạ dự báo giá dầu Brent từ mức 68 USD/thùng xuống 63 USD/thùng trong nửa cuối năm 2019, do triển vọng nhu cầu yếu đi.
Bước sang phiên 18/6, giá dầu thế giới lại đảo chiều tăng mạnh sau khi xuất hiện kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết các bất đồng trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm khi hai nước nối lại đàm phán thương mại.
Đà đi lên của giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng tại Trung Đông sau các vụ tấn công vào một số tàu chở dầu trên vịnh Oman tuần trước và Tehran đưa ra tuyên bố về việc đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 19/6 giá dầu thế giới lại đi xuống bất chấp số liệu cho thấy dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo.
Video đang HOT
Theo báo cáo Tình hình dầu khí hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ, trừ những sản phẩm trong kho dự trữ dầu khí chiến lược, đã giảm 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6 so với tuần trước đó.
Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến do trung tâm S & P Global Platts thực hiện dự báo rằng dự trữ dầu của Mỹ sẽ chỉ giảm trung bình 2 triệu thùng.
Phiên 20/6, giá dầu quay trở lại đà tăng mạnh, với mức tăng hơn 5% sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Tehran và Washington.
Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau các sự cố xảy ra với hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, một điểm trung chuyển dầu quan trọng.
Ngoài ra, đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất trong cuộc họp tiếp theo để kích thích tăng trưởng và lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ giảm là những thông tin hỗ trợ thị trường năng lượng.
Phiên cuối tuần, giá dầu tiếp tục nối dài đà khởi sắc khi tăng khoảng 1% do những lo ngại Mỹ có thể tấn công Iran và làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông, khu vực chiếm hơn 20% sản lượng dầu thế giới.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ, hay 1,2% lên 65,20 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 36 xu Mỹ, hay 0,6% và được giao dịch ở mức 57,43 USD/thùng.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela đã ảnh hưởng đến sản lượng và hoạt động xuất khẩu dầu của hai nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Saudi Arabia và OPEC tăng sản lượng để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Iran.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ OPEC mới đây cho hay các nước sản xuất dầu vùng Vịnh thuộc tổ chức này sẽ duy trì sản lượng dầu thô tháng Bảy trong mức mục tiêu của OPEC, bất chấp thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC và các đồng minh, hay OPEC , theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng Sáu.
Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh chưa sẵn sàng tăng sản lượng và dường như họ muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sang nửa cuối năm 2019.
OPEC đã nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng sáu tháng kể từ ngày 1/1/2019.
OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 1/7 để quyết định chính sách sản lượng và cuộc họp của OPEC sẽ diễn ra trong ngày 2/7.
Tuy nhiên, Nga vẫn chưa cho biết liệu nước này có nhất trí việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên hay không.
Một nguồn tin từ OPEC cho hay Nga hiện là nước duy nhất trong OPEC chưa đưa ra quyết định liên quan đến vấn đề này.
Khánh Ly (Tổng hợp)
Theo Tintuc
Mỹ - Iran leo thang căng thẳng đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 71 USD/thùng
Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/5 mặc dù quyết định tăng thuế của Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc vừa có hiệu lực hôm nay.
Nỗi lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn do chính quyền Washington gia tăng biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran làm lu mờ tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên quan đến chính sách thuế quan đã đẩy giá "vàng đen" tăng mạnh trong phiên này.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 67 xu Mỹ, lên mức 71,06 USD/thùng và có thời điểm nhảy vọt lên tới 71,23 USD.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng leo dốc 35 xu Mỹ, được giao dịch ở mức 62,05 USD sau khi chạm ngưỡng 62,49 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu đang trên đà phục hồi trong tuần.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên 10/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và nói rằng Bắc Kinh đã phá vỡ thỏa thuận thương mại song phương sắp đạt được bằng cách từ bỏ các cam kết trong các vòng đàm phán trước đó. Quyết định tăng thuế hàng hóa từ 10% lên 25% của Washington bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/5. Động thái này của chính quyền Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 10 tháng qua.
Theo sau quyết định này, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) chính thức áp đặt mức thuế mới 25% sau 12 giờ 1 phút ngày 10/5 (giờ địa phương).
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, có thể tác động đến nhu cầu dầu mỏ trên thị trường. Tổng cộng cả hai nước chiếm 34% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong quý I/2019, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tuy nhiên, giá dầu thô hiện đang nhận được sự hỗ trợ từ việc nguồn cung thắt chặt hơn trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh cắt giảm sản lượng và Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela.
Các nhà giao dịch dầu thô đang gia tăng lo ngại rằng thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung do chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ và Iran leo thang căng thẳng.
Tổng thống Trump hôm 9/5 kêu gọi lãnh đạo Iran cùng đàm phán về việc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân, song đồng thời cảnh báo Washington không loại trừ giải pháp quân sự.
Mỹ đang siết chặt trừng phạt Iran với nhưng biện pháp như miễn trừ trừng phạt với một số quốc gia là đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn của Iran. Đáp lại, Iran cũng đã điều chỉnh một số biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân của quốc gia này, dù vẫn duy trì tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký kết với nhóm P5 1, gồm Anh, Pháp,Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức. Hôm 7/5 vừa qua Mỹ tuyên bố điều các máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông để đối phó với cái mà chính quyền Washington gọi là "những dấu hiệu rõ ràng" về các mối đe dọa từ Iran đối với lực lượng của Mỹ tại khu vực này.
Trong một lưu ý gửi khách hàng ngày 10/5, Ngân hàng ING cho biết: "Trong khi thị trường trong tuần này đang chịu áp lực bởi những lo ngại về cuộc chiến thương mại, giá dầu vẫn nhận được lực đẩy quan trọng từ việc thị trường dầu mỏ được siết chặt hơn".
Bên cạnh đó, những nỗ lực cắt giảm sản xuất của các nước trong và ngoài OPEC nhằm giảm tình trạng dư cung toàn cầu cũng đã hỗ trợ giá dầu trong phiên này.
Thị trường năng lượng cũng khởi sắc nhờ dự báo tích cực cho rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng cao trong năm 2019. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nhận định rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Theo nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya tại công ty giao dịch OANDA, giá dầu thô có thể sẽ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố rủi ro địa chính trị./.
Theo Kinhtedothi
Xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể giảm đáng kể trong tháng 5 Nguồn tin dầu mỏ Iran ngày 3/5 cho biết, xuất khẩu dầu mỏ của nước này sẽ giảm trong tháng năm này sau khi Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nguồn thu ngân sách chính của Tehran. Đồng thời khiến nguồn cung "vàng đen" toàn cầu bị thắt chặt hơn trong bối cảnh Washington cũng áp đặt các biện...