Giá dầu giảm, “điềm lành” cho kinh tế châu Á
Tờ Wall Street Journal cho rằng, giá dầu giảm sâu có thể sẽ là một “cơn gió lành” đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô.
Giá dầu tính bằng đồng USD đã giảm sâu, nhưng đồng Yên Nhật đang tiếp tục xuống giá, khiến giá dầu tính bằng đồng Yên giảm chậm hơn.
Theo ước tính của hãng tư vấn Capital Economics, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu dần hồi phục, và giá dầu giảm sâu sẽ giúp châu Á đạt mức tăng trưởng kinh tế 4,7% trong năm 2015 từ mức tăng 4,3% ước tính đạt được trong năm 2014.
“Giá dầu giảm thực sự khiến mọi người ngạc nhiên”, ông Cedric Chehab, Giám đốc nghiên cứu thuộc Business Monitor International, một công ty thuộc tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, nhận xét. Theo ông Chehab, giá dầu giảm “chắc chắn tốt cho người tiêu dùng, nhưng tác động đối với các nước châu Á sẽ khác nhau”.
Dầu chiếm khoảng 18% tổng nhập khẩu của châu Á không bao gồm Nhật Bản, và tương đương khoảng 3,4% GDP của khu vực này – theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch. Còn theo số liệu của Capital Economics, dầu chiếm 18% nhập khẩu và 3,3% GDP của Nhật.
chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Rajiv Biswas của hãng tư vấn IHS nhận định, giá dầu giảm sẽ giúp tăng trưởng GDP của khu vực này tăng thêm 0,25-0,5 điểm phần trăm. Sự cải thiện này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc và Nhật Bản gây sức ép giảm đối với tăng trưởng kinh tế toàn khu vực nói chung.
Ở châu Á, không một nền kinh tế nào phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu hơn Trung Quốc. Năm 2013, nước này chi 234,4 tỷ USD để nhập khẩu dầu, chỉ sau nước Mỹ. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về nhập khẩu dầu.
Theo các nhà phân tích, nếu giá dầu trung bình của năm 2015 giảm 20% so với mức khoảng 100 USD/thùng vào năm ngoái, quốc khố của Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm 50 tỷ USD. “Giá dầu giảm 30% sẽ giúp GDP của Trung Quốc tăng thêm khoảng 1%”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Capital Economics, Julian Evans-Prichard, nhận định.
Giá dầu thô Brent tại thị trường London đã giảm dưới 57 USD/thùng, thấp nhất trong hơn 5 năm, từ mức 115 USD/thùng vào tháng 6 năm ngoái. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, giá dầu trung bình của năm 2015 có thể chỉ còn 53 USD/thùng, thấp hơn gần 50% so với mức trung bình của năm 2014.
Ông Toby Iles, nhà phân tích cấp cao thuộc Economist Intelligence Unit tại Singapore, cho biết, tổ chức tư vấn này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 7,1% trong năm 2015 do giá dầu giảm. Một số nhà phân tích nói, giá dầu hạ giúp Trung Quốc có khả năng đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 7% trong năm nay, từ mục tiêu 7,5% của năm 2014.
Giá dầu giảm có thể giúp Trung Quốc bù lại một số động lực tăng trưởng bị suy giảm như tăng trưởng sản lượng công nghiệp chậm lại, xuất khẩu giảm, nợ xấu gia tăng, và sự dịch chuyển đầy chật vật từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư sang dựa trên tiêu dùng. Nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp, có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay sau lần cắt giảm vào tháng 11 vừa qua.
Video đang HOT
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng là những nước hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm. Hai nước này đều có thâm hụt vãng lai ở mức cao. Ngoài ra, giá dầu giảm có thể giúp Ấn Độ và Indonesia hạ lãi suất từ mức khá cao hiện nay mà không lo ảnh hưởng đến lạm phát.
Theo một quan chức thuộc ngành năng lượng của Ấn Độ, cứ mỗi 1 USD giảm xuống trong giá dầu, gánh nặng các khoản trợ cấp đối với Chính phủ nước này lại giảm 1 tỷ USD. Vị này cũng nói rằng, giá dầu giảm sẽ giúp tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài khóa tới tăng lên 6,3% từ mức tăng 5,6% ước tính đạt được trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2015.
Indonesia thì đã xóa bỏ trợ cấp giá xăng hoàn toàn vào ngày cuối cùng của năm 2014, chỉ 1 tháng sau khi tăng giá xăng được trợ cấp thêm khoảng 1/3. Chuyên gia Chehab dự báo, GDP của Indonesia sẽ tăng 5,5% trong năm nay từ mức ước tính 5,1% đạt được trong năm 2014.
Một loạt nền kinh tế châu Á khác như Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan cũng hưởng lợi từ giá dầu giảm. Capital Economics mới đây đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan trong năm nay thêm 0,5 điểm phần trăm do giá dầu giảm.
Đối với kinh tế Nhật, tác động của giá dầu giảm ít rõ nét hơn. Giá dầu tính bằng đồng USD đã giảm sâu, nhưng đồng Yên Nhật đang tiếp tục xuống giá, khiến giá dầu tính bằng đồng Yên giảm chậm hơn. Ngoài ra, Nhật Bản đang vật lộn với giảm phát, nên giá dầu giảm không giúp ích được nhiều cho nền kinh tế. Tuy vậy, theo các chuyên giá, năng lượng rẻ đi sẽ giúp thâm hụt thương mại của Nhật giảm khoảng 2% GDP trong những tháng tới.
Giá dầu giảm là một tin không vui đối với các nước xuất khẩu dầu ở châu Á như Malaysia, Myanmar, Brunei và Australia. Theo Bank of America Merrill Lynch, doanh thu liên quan tới dầu của Malaysia sẽ giảm còn 3,1% GDP trong năm 2015 từ mức 5,9% GDP trong năm 2014.
Một báo cáo ngân sách mới đây của Chính phủ Australia dự báo, giá dầu giảm sẽ khiến thu ngân sách từ thuế khai thác dầu của nước này giảm 615 triệu USD trong 4 năm tới. Chính phủ Australia dự báo giá dầu sẽ không tăng trong vòng 2 năm tới.
Theo NTD
Trung Quốc dùng hải quân uy hiếp ở giàn khoan 981 để rảnh tay ở Trường Sa
Bày binh bố trận ở khu vực giàn khoan 981 uy hiếp "khiến Việt Nam và Philippines không dám manh động", thừa cơ Bắc Kinh biến đá thành đảo nhân tạo.
Tham vọng bành trướng lãnh thổ và hành động Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự uy hiếp trên Biển Đông đang khiến khu vực và quốc tế đặc biệt quan ngại.
Tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 28/6 bình luận, có khả năng Bắc Kinh và Đài Bắc đã ngầm bắt tay nhau trong vụ giàn khoan 981 (hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV) để thu hút sự chú ý của Việt Nam, Philippines và "rảnh tay" cải tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có 7 bãi đá bị Trung Quốc xâm lược các năm 1988 (Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Su Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên), 1995 (Vành Khăn), còn Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp đảo Ba Bình, bãi Bàn Than - PV.
Để thực hiện âm mưu này, Trung Quốc đã kéo nhiều tàu chiến, máy bay quân sự ra bày binh bố trận ở khu vực giàn khoan 981 uy hiếp "khiến Việt Nam và Philippines không dám manh động", thừa cơ Bắc Kinh biến đá thành đảo nhân tạo để xây dựng sân bay còn Đài Loan mở rộng sân bay quân sự trên đảo Ba Bình, China Times bình luận.
Hành vi này rõ ràng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, luật pháp quốc tế và tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, dùng vũ lực thay đổi hiện trạng - PV.
Tờ báo bình luận, trên thực tế các nước ven Biển Đông không mấy "khách khí" với Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) kể cả về tranh chấp lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế, việc lực lượng chức năng Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan năm ngoái là một ví dụ.
Nhưng ngược lại, các nước này "vừa yêu vừa hận" Trung Quốc (?!), vừa cần thị trường của Trung Quốc nhưng vừa không chấp nhận chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Do Trung Quốc lớn xác hơn người, nên các nước này không dám đánh nhau với họ, China Times bình luận.
China Times cho rằng, chính trong bối cảnh đó Đài Loan đang ra sức củng cố lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) trên đảo Ba Bình, mở rộng căn cứ thì các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông - Trường Sa chỉ biết "im lặng quan sát, vừa không dám phản đối, vừa không thể ngăn cản", vì nếu phản đối Đài Loan như một chủ thể quốc gia (Trung Hoa Dân quốc), sẽ vi phạm luật chơi với Bắc Kinh (không công nhận Đài Loan là 1 quốc gia).
Trên thực tế, đã nhiều lần Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành động bất hợp pháp của nhà cầm quyền Đài Loan, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa - PV.
Lâu nay trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc ép tất cả các nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với mình phải tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc", tiếng Anh là China. Tuy nhiên, Bắc Kinh giải thích "một Trung Quốc" là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn Đài Loan xem "một Trung Quốc" là "Trung Hoa Dân quốc".
Vì nguyên tắc này, Đài Loan đã mất dần không gian quốc tế cũng như sân chơi. Ở Biển Đông, Đài Loan là 1 bên chiếm đóng (bất hợp pháp) đảo Ba Bình và bãi Bàn Than nhưng chưa bao giờ được tham gia một tiến trình đàm phán, thương lượng về vấn đề Biển Đông, mặc dù chính "Trung Hoa Dân quốc" mới là tác giả của đường lưỡi bò bất hợp pháp mà "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" đang theo đuổi, biến nó thành của mình để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, độc chiếm Biển Đông.
Nhưng với những gì đang diễn ra ngoài quần đảo Trường Sa hiện nay, "một Trung Quốc" lại trở thành chiếc phao cho Đài Loan thực hiện các hoạt động phi pháp ở Trường Sa.
Còn vụ giàn khoan 981 vừa là chiêu thu hút dư luận, vừa là nơi Trung Quốc uy hiếp dằn mặt láng giềng bằng sức mạnh cơ bắp để tiếp tục các hoạt động phi pháp biến đá thành đảo ở Trường Sa - PV.
Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc buông lời thách thức, hiếu chiến.
Thêm một bằng chứng nữa chứng minh cho nhận định của China Times khi trong cuộc họp báo ngày hôm qua, Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cao giọng đe dọa Việt Nam và Philippines "gánh chịu mọi hậu quả với hành vi khiêu khích ở Biển Đông"?!
Theo tờ Văn Hối tại Hồng Kông hôm 27/6 đăng tin xấc xược: "Hải quân Trung Quốc tuần tra sẵn sàng chiến đấu, Việt Nam lãnh hậu quả tự chịu", nội dung trích dẫn nguyên văn nội dung họp báo của Dương Vũ Quân.
Trong cuộc họp báo này, phóng viên đặt câu hỏi: "Thời gian gần đây khi Trung - Việt đối đầu, Trung Quốc - Philippines va chạm, cục diện Biển Đông ngày một căng thẳng. Điều này có đồng nghĩa với việc hải quân Trung Quốc sẽ &'tuần tra' thường xuyên hơn ở Biển Đông hay không? Ngoài ra, một số nước chỉ trích hành vi của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông là gây bất ổn với an ninh khu vực. Ông có bình luận gì về điều này?"
Dương Vũ Quân trả lời: "Để duy trì (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải quốc gia, quân đội Trung Quốc đã thiết lập chế độ tuần tra sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển liên quan, chúng tôi đã làm tốt các công việc liên quan theo chiến lược thống nhất của quốc gia. Hành động của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bình thường và hợp pháp (?!)".
"Về một số căng thẳng xuất hiện trên Biển Đông gần đây đều do quốc gia cá biệt khiêu khích, trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc nhất quán chủ trương tôn trọng (cái gọi là) sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, đàm phán giải quyết tranh chấp với nước liên quan. Nếu có nước nào đó cứ cố tình hành động theo ý mình, tiếp tục tạo ra đối đầu sẽ phải lãnh mọi hậu quả từ những hành động của họ", Dương Vũ Quân (ngang nhiên xuyên tạc và) đe dọa Việt Nam, tờ Văn Hối nhận định.
Phóng viên đặt câu hỏi: "Gần đây phía Philippines chỉ trích Trung Quốc xây dựng trái phép sân bay ở (cái gọi là) quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV), xin hỏi Trung Quốc có bình luận gì về điều này?"
Dương Vũ Quân công khai thừa nhận các hoạt động thay đổi hiện trạng ở Trường Sa bằng vũ lực, vi phạm DOC và thách thức các bên liên quan, dư luận và luật pháp quốc tế khi tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với (cái gọi là) quần đảo Nam Sa và vùng biển xung quanh. Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước Philippines đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế khi chiếm đóng trái phép một số đảo, đá ở (cái gọi là) Nam Sa, bao gồm đảo Trung Nghiệp (tức đảo Thị Tứ)".
Viên Thượng tá Trung Quốc tiếp tục luận điệu kẻ cướp la làng khi nói: "Từ năm ngoái đến nay, quân đội Philippines tuyên bố sẽ cải tạu sân bay và cơ sở quân sự trên đảo Trung Nghiệp (đảo Thị Tứ), Trung Quốc kiên quyết phản đối. Cần phải nhấn mạnh rằng, Philippines một mặt đã có hành động khiêu khích, mặt khác chỉ trích vô lý (cái gọi là) hành động bình thường của Trung Quốc trong phạm vi chủ quyền của chúng tôi".
Cái gọi là "hành động bình thường" mà Dương Vũ Quân nhắc tới chính là việc Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa đã bị Philippines lên án, các bên liên quan trong đó có Việt Nam phản đối.
Từ những bằng chứng về những gì đang diễn ra trên thực địa cho tới những phát ngôn hiếu chiến, uy hiếp và đe dọa, thách thức dư luận và luật pháp quốc tế của người phát ngôn Bộ Quốc phòng và giới tướng lĩnh quân đội cấp cao đương nhiệm của Trung Quốc có thể thấy, Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh cơ bắp vừa uy hiếp các bên liên quan, vừa bảo kê cho những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, vừa phá vỡ ổn định, an ninh khu vực và luật pháp quốc tế cần phải được lên án mạnh mẽ và ngăn chặn - PV.
Theo Giáo Dục
Washington Times: Việt Nam muốn Mỹ làm gì ở Biển Đông? Tờ Thời báo Washington của Mỹ vừa có bài viết nhận định sự hung hăng của Trung Quốc đang đẩy Mỹ và Việt Nam tiến lại gần nhau. Mỹ nên hành động thiết thực hơn Vừa qua, Bắc Kinh có những hành vi hung hăng khiêu khích khi điều giàn khoan khổng lồ trị giá 1 tỷ USD Hải Dương 981 vào vùng...