Giá dầu Brent tiến sát 65 USD/thùng do lo ngại Mỹ tấn công Iran
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 21/6 do thị trường gia tăng nỗi lo cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Iran sẽ khiến nguồn cung dầu tại Trung Đông bị gián đoạn.
Giá “vàng đen” nhích gần chạm mức 65 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 21/6 trong bối cảnh các nhà giao dịch lo ngại nguồn cung dầu tại Trung Đông – nơi cung cấp hơn 20% sản lượng dầu thế giới, có thể bị thiếu hụt nếu xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 42 xu Mỹ, tương đương 0,66%, lên mức 64,87 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã leo dốc tới 4,3% trong phiên giao dịch ngày 20/6 và đang trên đà đạt mức tăng 5% trong tuần, sắp ghi nhận tuần đi lên đầu tiên trong hơn 1 tháng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 21 xu Mỹ, tương đương 0,38%, lên mức 57,28 USD/thùng. Giá dầu Mỹ cũng nhích 5,4% trong phiên trước đó và sắp chứng kiến mức tăng 9% trong tuần này.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong ngày 21/6 do lo ngại nguồn cung tại Trung Đông bị gián đoạn.
“Giá dầu thế giới nhảy vọt trong 2 phiên gần đây do căng thẳng Trung Đông gia tăng sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trong khi chính quyền Washington tuyên bố máy bay của mình bay trong không phận quốc tế”, chuyên gia Jason Gammel từ Jefferies cho biết.
Tuy nhiên, phía Iran nói rằng nước này đã bắn máy bay không người lái của Mỹ trên lãnh thổ của Tehran.
Video đang HOT
Các quan chức Iran nói với hãng tin Reuters hôm 21/6 rằng Tehran đã nhận được một tin nhắn từ Tổng thống Donald Trump thông báo rằng Mỹ sắp tiến hành tấn công quân sự Iran.
Tờ New York Times của Mỹ ngày 21/6 đưa tin, Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 đã thông qua kế hoạch không kích hàng loạt mục tiêu của Iran như trận địa tên lửa và radar phòng không nhằm đáp trả việc Iran đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) RQ-4N của Mỹ. Tuy nhiên ông Trump đã thay đổi quyết định này vào phút chót.
Nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông đang bị đe dọa khi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran đã làm sụt giảm nguồn dầu xuất khẩu từ nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Công ty FGE Energy lưu ý: “Không còn nghi ngờ gì nữa, một sự gián đoạn nghiêm trọng đối với việc vận chuyển dầu qua khu vực Trung Đông dễ bị tổn thương này sẽ cực kỳ nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Jefferies cho rằng triển vọng nhu cầu đối với dầu mỏ cũng đã được cải thiện đáng kể. “Sự phấn khích đối với các tài sản rủi ro gia tăng trở lại sau khi các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ báo hiệu có thể cắt giảm lãi suất trong tuần này”.
Ngoài ra, tỷ giá đồng USD suy yếu đã hỗ trợ tích cực cho đà đi lên của giá dầu vì dầu thô thường được giao dịch bằng đồng bạc xanh.
Một yếu tố kinh tế vĩ mô khác cũng tạo lực đẩy quan trọng cho giá “vàng đen” là kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán thương mại của Bắc Kinh và Washington nhằm giải quyết cuộc chiến thuế quan vốn đà ảnh hưởng lớn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy giá dầu lao dốc trong những tuần gần đây sau khi giá dầu Brent tăng vọt lên tới 75 USD/thùng hồi tháng 4, mức cao nhất kể từ đầu năm nay./.
Theo Kinhtedothi
Mỹ sẽ thắng lớn hay thua đậm nếu chiến tranh với Iran?
Khác với cuộc tấn công chớp nhoáng vào Iraq năm 2003, một cuộc chiến tranh với Iran có thể sẽ diễn ra với một kết quả hoàn toàn khác mà Mỹ chắn chắn sẽ không mong muốn hoặc tệ hơn.
Hôm 15-6, trong một bài bình luận cho hãng tin CNN, phóng viên chiến trường Benjamin C. Wedeman, người từng nhiều lần giành giải Emmy về lĩnh vực báo chí, cho rằng có lẽ Mỹ nên mềm mỏng hơn trong chính sách ngoại giao đối với Iran và đưa ra nhiều nguyên nhân, mà trong đó phần nhiều là do chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhận định sai về tình hình ở Iran hiện tại, cũng như cách mà ông Trump đã cô lập Mỹ với hệ thống đồng minh của mình như thế nào khiến việc tìm kiếm sự ủng hộ cho một cuộc chiến với Iran là điều không hề dễ dàng.
Kể từ khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran ký kết vào năm 2015, chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran cho đến hiện tại vẫn chỉ là tìm cách gia tăng và giữ áp lực tối đa với Iran, với một phần không nhỏ nằm ở sự cố vấn của các quan chức khét tiếng diều hâu và cứng rắn như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.
Theo Wedeman, trong khi cả Mỹ và Iran ngày càng tiến gần hơn đến bờ vực xung đột, thì ông tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa cuộc chiến sắp nổ ra này với một cuộc xung đột khác đã từng xảy ra trước đó là cuộc chiến giữa lực lượng vũ trang Hezbollah do Iran hỗ trợ và quân đội Israel kéo dài 34 ngày ở Lebanon vào năm 2006. Nhiều tuần liền, không quân Israel đã tổ chức nhiều đợt tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng này, song đều thất bại. Bên cạnh đó, những nỗ lực cắt đứt số lượng hàng tiếp tế chảy từ Tehran cũng gặp khó khăn, khi Iran được cho là vẫn tổ chức huấn luyện và cung cấp vũ khí cho Hezbolla cho đến khi kết thúc cuộc chiến ở Lebanon.
Nhóm tàu sân bay tác chiến Abraham Lincoln hoạt động trong khu vực vịnh Ba Tư gần Iran. Ảnh: AP
Trước những thực tế trên, nếu thật sự giữa Mỹ và Iran có nổ ra chiến tranh trong tương lai thì, ông Wedeman nhận định, Washington mặc cho thế mạnh khổng lồ về tiềm lực quân sựcủa mình cũng sẽ thấy đánh bại Tehran là một mục tiêu không hề dễ dàng, khi quốc gia này sở hữu một lực lượng quân đội cực kỳ linh hoạt cùng mạng lưới đồng minh và hỗ trợ chạy khắp khu vực Trung Đông.
Hơn nữa, Washington cũng thấy một cuộc xâm lược vào Iran của hiện tại sẽ không hề giống như Iraq khi Mỹ tiến vào lật đổ Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003.
Benjamin C. Wedeman kể lại, khi ông cùng các đồng sự đến tác nghiệp tại chiến trường Iraq, ông đã chứng kiến, khác với thịnh vượng của giai đoạn trước đó, Iraq năm 2013 thật sự chỉ còn là một cái bóng nghèo đói và bị cô lập của quá khứ. Những người lính tại các trạm kiểm soát mà xe của ông đi qua, họ cho dừng xe lại không phải để hỏi giấy tờ, mà chỉ hỏi xem có thể cho họ xin thức ăn và nước uống.
Đổi lại, Iran hiện tại, ông nhắc lại, đang là quốc gia chống lưng cho Hezbollah, lực lượng mà Wedeman đánh giá là một trong những lực lượng hiệu quả nhất trong khu vực, và lực lượng Houthis ở Yemen, hiện đang đối mặt với quân đội chính phủ nhận hỗ trợ của cả Mỹ và Saudi Arabia. Ngoài ra, Iran cũng được cho là đang hỗ trợ thêm ba nhóm Hồi giáo Shiitecực đoan hoạt động trong lãnh thổ Iraq.
Đề cập đến mạng lưới đồng minh của Iran, Benjamin C. Wedeman cho biết nhiều bên đã lên tiếng sẽ sát cánh cùng Iran trong trường hợp nước này bị tấn công. Hôm 31-5, Thủ lĩnh Hezbolla Hassan Nasrallah đưa ra tuyên bố "Một cuộc chiến với Iran sẽ không giới hạn trong lãnh thổ của Iran. Một cuộc chiến tranh với Iran sẽ gây chấn động toàn khu vực, và các lực lượng và lợi ích của Mỹ ở đây sẽ bị phá hủy".
Syria từ lâu cũng đã là một trong những đồng minh thân cận của chính quyền Tehran. Kể từ khi nội chiến nước này nổ ra vào năm 2011, Iran đã cử cố vấn phối hợp với lực lượng của Nga và Hezbollah để bảo vệ quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad trước áp lực kêu gọi từ chức từ Mỹ và đồng minh.
Mỹ, trong khi đó, sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm sự hỗ trợ và đồng minh hợp tác tham gia chiến dịch tấn công Iran trong tương lai, ông Wedeman nhận định. Theo đó, Qua việc rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran, chính quyền Trum đã cô lập toàn bộ đồng minh châu Âu của mình và tảng lờ những lo ngại của họ. Bên cạnh đó, việc những đồng minh chiến lược và lâu năm của Mỹ, như Pháp, Đức hay Anh hiện đang phải tập trung những giải quyết những vấn đề nội bộ như Brexit càng khiến cho sự hình thành một liên minh quân sự chống Iran ở châu Âu khó xảy ra hơn.
Ở khu vực Trung Đông, mặc dù Washington có thể sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Isrel và Saudi Arabia, nhưng như thế là vẫn chưa là gì nếu so với lực lượng mà cựu Tổng thống George W. Bush huy động được khi tiến hành xâm lược Iraq vào năm 2003.
Trước những bất lợi mà Washington sẽ gặp phải nếu nước này nhất định chọn con đường đối đầu quân sự, Benjamin C. Wedeman kêu gọi Mỹ có lẽ nên chọn một giải pháp mềm dẻo hơn nhằm tránh những thiệt hại không cần thiết mà vẫn bảo vệ được lợi ích của mình với Iran.
Theo PLO
Kho đạn chiến lược của Syria nổ tung, nghi bị phá hoại Thiệt hại nghiêm trọng vừa xảy ra với Quân đội chính phủ Syria (SAA) khi kho dự trữ chiến lược với hàng ngàn tấn đạn dược vừa bị phá hủy. Các hãng thông tấn khu vực Trung Đông vừa đăng tải hình ảnh về một quả cầu lửa cực lớn bùng lên khiến toàn bộ khu vực Bắc Hama và Tây Nam Idlib...