Gia cố “tấm áo” giữ rừng Tây Nguyên: Chuyện không dễ
Chỉ đạo “đóng cửa rừng Tây Nguyên” của Thủ tướng Chính phủ khiến người dân khu vực này bớt nỗi lo về những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu do mất rừng. Tuy nhiên, thực tế thì rừng Tây Nguyên vẫn từng ngày âm thầm mất và sẽ còn tiếp tục mất nếu cơ chế chính sách cho lực lượng giữ rừng vẫn còn bất cập như hiện nay…
Rừng mất từng ngày…
Theo số liệu của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), 8 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 3.858 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh này, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm lâm luật là 264 vụ với hơn 1.300m3 gỗ các loại – tăng 36% so cùng kỳ năm trước.
Chặt phá rừng làm rẫy – tác nhân làm mất rừng nguy hại nhất hiện nay ở Tây Nguyên. Ảnh: N.T
Công tác bảo vệ rừng, cần nhất là chính quyền cơ sở phải thực sự vào cuộc. Nếu chính quyền còn đứng ngoài thì lực lượng giữ rừng cố gắng mấy cũng không thể chấm dứt được tình trạng chặt phá rừng làm rẫy, mua bán đất đai trái phép dẫn đến mất rừng vĩnh viễn… Ông Nguyễn Nhĩ – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai
Tỉnh Gia Lai, riêng huyện Ia Grai, 7 tháng đầu năm đã phát hiện và bắt giữ 43 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; tịch thu 208m3 gỗ… Cũng tại huyện này, mới đây nhất, ngày 6.10, một lượng gỗ lậu lên đến 100m3 đã bị lực lượng biên phòng bắt giữ… Đáng lo ngại là tình hình lâm tặc và người thân chống đối người thi hành công vụ với tính chất manh động và liều lĩnh gia tăng mà điển hình là vụ việc gây chấn động dư luận xảy ra ngày 8.8 tại Lâm Đồng: Ông Trương Ái Tĩnh – cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, huyện Lâm Hà bị chém chết; 3 cán bộ khác bị thương, 7 xe máy bị phá hủy…
Video đang HOT
Trong vụ việc bắt giữ gần 100m3 gỗ lậu nói trên, khoảng 5 giờ sáng 6.10, 3 chiếc xe bán tải đã chở hơn 20 đối tượng kéo đến hiện trường để cướp lại 3 xe tải gỗ bị bắt giữ. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã phải chỉ đạo cho các đồn Biên phòng Ia Chia, Ia O, Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phối hợp ngăn chặn. Kết quả các xe chở gỗ lậu đều bị bắt giữ nhưng tất cả lâm tặc đều chạy thoát !
Những con số thống kê cho thấy dù thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng và Thông báo số 191 của Văn phòng Chính phủ với rất nhiều hội nghị bàn về giải pháp và nhiều cuộc truy quét “lâm tặc” được tổ chức, tình trạng phá rừng tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm như mong muốn. Thực chất đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính chất ra quân kiểu chiến dịch xưa nay vẫn làm và chỉ có tác dụng thời điểm. Cơ chế chính sách cho “tấm cửa rừng” còn chưa kín thì việc mất rừng vẫn cứ diễn ra…
“Cửa rừng” chưa kín
Lực lượng giữ rừng hiện nay thoạt nhìn không thể nói là không lớp lang và hệ thống: Vòng lõi là các chủ rừng (công ty TNMTV lâm nghiệp), vòng kế là lực lượng kiểm lâm gồm kiểm lâm cơ sở, hạt kiểm lâm, kiểm lâm cơ động. Bên cạnh đó là chính quyền các cấp, lực lượng công an, bộ đội biên phòng… Lớp lang và hệ thống chặt chẽ như vậy nhưng nhiều nơi “rào giậu lắm nhưng không kín”.
Khi để xảy ra phá rừng, người gánh trách nhiệm đầu tiên bao giờ cũng là các chủ rừng. Thế nhưng đây lại chính là khâu trắng nhất về thẩm quyền. Không được bắt giữ người, công cụ hỗ trợ thô sơ, không được quyền điều tra, truy tố, các chủ rừng chỉ có biện pháp duy nhất là thông báo cho chính quyền, kiểm lâm hay công an. Về mặt pháp lý, các cơ quan chức năng này phải nhanh chóng phối hợp bắt giữ, xử lý đối tượng theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên trong thực tế, sự “phối hợp” này chẳng phải lúc nào cũng được thực hiện – hoặc “tổ chức thực hiện” được thì các đối tượng phá rừng đã cao chạy xa bay…
Ông Trần Trọng Tấn – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông Chro (Gia Lai) cho biết: Khi xảy ra các vụ việc người dân trên địa bàn lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép, công ty đều báo cáo chính quyền và lực lượng chức năng. Thế nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý tích cực, thậm chí có vụ việc còn bị lờ đi… Ông Nguyễn Nhĩ – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai nhìn nhận: Các vụ phá rừng, chủ rừng không bắt được bao nhiêu. Họ tay không và tiếng nói rất ít trọng lượng… Trách nhiệm lớn nhưng bất cập về quyền hạn, bất cập khác của các chủ rừng là chính sách tiền lương. Ông Trần Trọng Tấn cho hay: Nhân viên giữ rừng theo chế độ hợp đồng, thu nhập hiện nay chỉ vỏn vẹn 2,5 triệu đồng/ tháng. Công nhân viên công ty, lương bình quân cũng chỉ đến 4,7 triệu đồng. Là người thường xuyên phải nằm rừng nhưng ngoài 0,5% phụ cấp khu vực, họ không còn một chế độ nào khác. Giữ rừng bằng tay không và chế độ đãi ngộ bất cập, người giữ rừng sao có thể hết mình vì rừng – nếu không nói là rất dễ “tiêu cực” do đời sống khó khăn…
Việc lơ là trách nhiệm bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã hiện nay nguyên nhân là thiểu một cơ chế trách nhiệm rõ ràng. Dù đã có quy đinh: Nơi nào để xảy ra phá rừng, cán bộ đứng đầu địa phương nơi đó phải chiụ trách nhiệm; thế nhưng thực tế với bao nhiêu vụ chặt phá rừng từng xảy ra, chẳng có cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm mà vụ phá rừng để trồng cao su ở huyện Chư Prông (Gia Lai) là một thí dụ. Mặc dù buông lỏng quản lý để Công ty Bình Dương san ủi tới 590ha rừng nhưng lãnh đạo các xã Ia Me, Ia Puch, Ia Mơr và huyện Chư Prông cho đến nay vẫn như vô can… Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Nam – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum kiến nghị: Để giữ được rừng hiệu quả, hệ thống chính quyền – đặc biệt là xã, thôn phải thực sự vào cuộc; phải có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể…
Theo Danviet
Đóng cửa rừng, rừng vẫn mất!
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên tại Tây Nguyên nhằm bảo vệ những cánh rừng còn sót lại. Tuy nhiên, trên Tỉnh lộ 666 huyện Mang Yang, Gia Lai, xe độ chế chở gỗ lậu vẫn ngang nhiên hoạt động...
Trạm kiểm soát có như không
Theo phản ánh của một số người dân sống ven Tỉnh lộ 666, tình trạng những chiếc xe máy độ chế, xe máy chở gỗ lậu đã xuất hiện từ lâu và hiện vẫn tiếp diễn... Mỗi lần chở gỗ, lâm tặc thường đi theo nhóm khoảng 5 xe máy chuyên dụng, có thể chở theo những khối gỗ nặng đến hàng tạ. Để tránh bị phát hiện, nhóm lâm tặc này thường chở gỗ cách nhật, cứ đi một ngày nghỉ một ngày...
Những thân gỗ lớn bị đốn hạ dấu còn tươi mới. Ảnh: Đăng Nhật
Theo ghi nhận của NTNN, trên tuyến đường này, khoảng 15 giờ, các loại xe máy chở gỗ từ các cánh rừng ở xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) bắt đầu rầm rập đổ ra Tỉnh lộ 666. Từng chiếc xe máy chở theo những hộp gỗ vuông vắn dài đến 2m chạy nghênh ngang trên đường. Xe đang lưu thông trên đường phải lách xuống lề nhường lối cho họ... Tới địa phận làng Đăk Lăh, xã Lơ Pang, các nhóm lâm tặc này liền rẽ vào đường bê tông liên thôn đi xuyên qua các làng A Lao, Mỹ Văn dẫn về Quốc lộ 19 đoạn qua xã Đăk Ya nhằm tránh sự kiểm soát của Trạm Kiểm lâm xã Đăk Jrăng và Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang... Anh H - công nhân trồng cỏ của một công ty tại khu vực làng Blen (xã Lơ Pang) cho biết: "Dân khai thác gỗ lậu cứ cách 2 ngày lại đi qua đây một lần. Chúng tôi ở đây thường xuyên nên gặp họ suốt. Nhiều khi đường của họ nát quá không qua được, họ cắt cả hàng rào của chúng tôi để băng qua...". Anh H cũng cho biết rất khó để có thể lên được nơi lâm tặc đang cưa gỗ, vì để lên được các khu rừng còn gỗ cần phải đi qua nhiều núi đồi, sông suối và phải có loại xe máy chuyên dụng mới vào được tận nơi lâm tặc phá rừng...
Theo chỉ dẫn của một người dân thông thạo đường rừng, chúng tôi lần theo đường đi của lâm tặc và tiếp cận các tiểu khu thuộc sự quản lý của Công ty TNHH -MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tiểu khu này nhiều cây gỗ hương bị đốn hạ cành lá còn chưa héo hẳn. Nhiều cây gỗ có đường kính 80cm - 1m bị đốn hạ nằm trơ gốc. Một số cây đã bị đốn hạ từ lâu, nhưng dấu vết xẻ gỗ để lấy lõi còn rất mới. Điều này chứng tỏ lâm tặc đã hoạt động khá thường xuyên tại các khu vực này...
"Chưa phát hiện được vụ nào gần đây"
Chiều 8.8, trao đổi với NTNN qua điện thoại, ông Lê Văn Cậy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng cho biết vẫn chưa thể xác định được khu vực phản ánh có thuộc lâm phần của công ty này hay không. Lý do là khu vực phóng viên tiếp cận nằm giáp ranh giữa lâm phần của công ty, Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra và UBND xã Hà Ra quản lý...
Tuy nhiên, ông Cậy cũng thừa nhận tại lâm phần do công ty ông quản lý có việc lâm tặc đốn hạ và chở gỗ ra khỏi rừng. "Trước đây, công ty cũng đã bắt được một số vụ việc rồi giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang xử lý. Tuy nhiên, gần đây chưa phát hiện vụ việc nào... Tại khu vực cửa rừng, công ty đã đặt trạm quản lý bảo vệ rừng tại làng B'lên, thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, nhiều người thường lấy lý do đi cắt cỏ cho bò, chở nông sản để qua trạm lên rừng. Lúc xuống chở gỗ thì lâm tặc đi đường khác để qua chốt. "Bây giờ cũng không thể quản lý hết được vì đường khai thác cũ có nhiều lối. Lâm tặc đi bằng xe máy luồn lách trong rừng nên anh em đi tuần tra cũng khó bắt gặp" - ông Cậy phân trần...
Còn ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: "Nếu để xảy ra phá rừng, đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp phải chịu trách nhiệm". /.
Theo Danviet
Hội nghị kết nối cung cầu: Toàn người bán chứ không có người mua "Tôi là người cung, tôi mong đến đây tìm được cầu. Nhưng thực tế lại không thấy người mua. Giá như trong tất cả các Sở Công Thương đến đây, 50% là người cung và 50% là người cầu thì việc kết nối cung cầu sẽ diễn ra tốt hơn. Hiện tại tập trung về đây toàn người bán không, chứ không có...