Giá cát tăng cao “chặn đứng” tiến độ nhiều công trình
Tại thời điểm này, giá cát xây dựng, giá vật liệu san lấp tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2017. Giá tăng vì nguồn cung ứng khan hiếm, nhất là cát san lấp. Tình trạng này dẫn tới nhiều dự án trọng điểm buộc phải dừng, giãn tiến độ.
Vật liệu san lấp thiếu hụt trầm trọng
Theo Sở KHĐT Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án khởi công xây dựng mới, trong đó 9 dự án có nhu cầu sử dụng cát san lấp như công trình xây dựng Trường Tiểu học Bình Minh (TP.Vũng Tàu), Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão (huyện Long Điền), chung cư phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu)… Tùy theo quy mô, khối lượng cát san lấp được sử dụng cho mỗi công trình từ hàng trăm đến hàng nghìn m3.
Mua bán cát xây dựng tại vựa cát xã Tam Phước, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: H.V
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công về thiếu hụt nguồn cát san lấp cho các công trình, tại cuộc họp ngày 28.9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài chính thành lập Tổ thẩm định giá cát san lấp cùng chi phí vận chuyển, để UBND tỉnh có cơ sở phê duyệt dự toán, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.
Riêng đối với các công trình hạ tầng giao thông, nhu cầu cát san lấp lên đến cả triệu m3. Chẳng hạn như công trình đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép (huyện Tân Thành) đến nay nguồn vốn đã được bố trí, công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán… đã hoàn tất nhưng vẫn chưa khởi công được do chưa tìm được nguồn cung cấp khoảng 590.000 m3 cát và thẩm định giá cát san lấp.
Tương tự, dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, tại thời điểm này, gói thầu số 27 thuộc công trình đường Phước Hòa – Cái Mép đang phải tạm dừng do thiếu cát san lấp. Theo tính toán, công trình này cần tới khoảng 50.000m3 vật liệu san lấp nhưng doanh nghiệp không tìm đủ nguồn cung với mức giá phù hợp.
Theo Sở Xây dựng BRVT, qua khảo sát giá cát tại các điểm mỏ của Công ty Hạnh Dũng, Bảo Châu và Đại Lộc (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) đều báo giá 57.000 đồng/m3. Với mức giá này, khi vận chuyển đến các công trình trên địa bàn huyện Tân Thành, sẽ đội lên gần 200.000 đồng/m3. Còn nếu lấy nguồn cát từ các đơn vị ngoài tỉnh thì xấp xỉ 100.000 đồng/m3, chưa tính chi phí vận chuyển. Hiện nay, cát xây, tô mà thị trường cung cấp giá 350.000 đồng/m3, cát đổ bê tông 400.000 đồng/m3.
Video đang HOT
Theo các đại lý vật liệu xây dựng, với sự kiểm tra quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm nên nguồn cung cát trên thị trường cũng giảm theo.
Ráo riết mở rộng điểm mỏ khai thác
Theo Sở TNMT BRVT, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp của tỉnh rất lớn. Trong khi đó, các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, các địa phương đề nghị cần mở rộng thêm việc quy hoạch các điểm mỏ ở những vị trí có thể khai thác, ít ảnh hưởng tới môi trường, nhằm giảm áp lực về giá cả và nguồn cung bị thiếu hụt.
Trong khi đang chờ ý kiến của Bộ TNMT cho phép đấu giá quyền khai thác 2 điểm mỏ cát xây dựng – vật liệu san lấp là 59B1 và 70B thuộc huyện Đất Đỏ, trước mắt UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nạo vét hồ Bút Thiền (huyện Long Điền), quy mô 60ha, có thể tận thu nguồn cát san lấp dự kiến lên đến 1.282.727m3 và hơn 300.000m3 cát xây dựng. Đồng thời, nạo vét các hồ trên địa bàn huyện Tân Thành, luồng ra vào cửa Bến Lội, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)… để phục vụ cho các công trình xây dựng.
Theo Sở Xây dựng BRVT, các cơ quan chức năng nên mạnh tay ngăn chặn tình trạng xuất lậu cát. Đồng thời, về lâu dài, các doanh nghiệp nên tìm các loại vật liệu thay thế như đất núi hoặc đá dăm… nhằm tránh bị động khi nguồn cát san lấp khan hiếm.
Theo Danviet
Cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất vào danh mục dự án trọng điểm
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu bổ sung dự án cao tốc Bắc Nam và dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.
Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án giao thông trọng điểm họp hôm nay, 17/8.
Ngày 17/8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án nhằm đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các thành viên Ban Chỉ đạo, một số Ban quản lý dự án, các Chủ đầu tư công trình - dự án trọng điểm và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT hiện gồm 37 công trình, với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng.
Trong đó, đường bộ có 23 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 489.034 tỷ đồng, gồm 13 dự án đã hoàn thành và 10 dự án đang được triển khai.
Đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư 195.444 tỷ đồng. Cả 7 dự án này đều đang trong quá trình triển khai thực hiện, riêng tiểu dự án đường sắt Hạ Long - Cái Lân, tổng mức đầu tư 1.511 tỷ đồng thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Hàng hải, đường thủy nội địa có 4 dự án, tổng mức đầu tư 49.422 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án Cảng Lạch Huyện (tổng mức đầu tư 1.515 tỷ đồng) đang được triển khai.
Ngành hàng không có 3 dự án trong danh mục công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 356.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành là Cảng Hàng không Phú Quốc và Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài.
Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã báo cáo chi tiết tiến độ triển khai, đặc biệt là những vướng mắc cần tháo gỡ của từng dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, 1 dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Cổ Tiết - cầu Trung Hà; một phần dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (65 km đoạn sử dụng vốn vay của JICA) và thông xe cầu Thành Cổ, tỉnh Quảng Trị (dự án thành phần sử dụng vốn lần 1 của dự án mở rộng Quốc lộ 1). Đồng thời, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm để sớm hoàn thành đưa vào khai thác theo đúng tiến độ yêu cầu.
Cân đối hơn 1 triệu tỷ đồng vốn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án (thiết kế kỹ thuật, thi công, tiến độ, chi phí...) để kịp thời kiến nghị các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai các công trình dự án, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.
Đồng thời, giao Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để kiểm soát giá thành công trình.
Đối với các kiến nghị về cân đối vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện trong kế hoạch đã giao. Việc bổ sung sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.
Ngành GTVT cũng được giao khẩn trương hoàn thiện phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam (phía Đông), đặc biệt là phương án đầu tư các dự án khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV; Chỉ đạo các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, Nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, đáp ứng tiến độ yêu cầu như: Đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hòa Lạc - Hòa Bình, hầm đường bộ Đèo Cả và 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 1) của dự án mở rộng QL14, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường dẫn; Đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị để khởi công 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 2); đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án CHK Quốc tế Long Thành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng sớm triển khai Đề án "Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng" để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng, chống thất thoát, lãng phí. Phối hợp với Bộ GTVT ưu tiên xác định suất đầu tư của 1 km đường cao tốc, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định làm cơ sở áp dụng, vận dụng trong triển khai Dự án đường cao tốc Bắc Nam.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình trọng điểm hiện đang triển khai.
P.T
Theo Dantri
Sống thấp thỏm bên bờ sông Gianh sạt lở Người dân các xã Phong Hóa và Đức Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đang rất lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông Gianh nghiêm trọng. Trong khi chính quyền địa phương cho rằng, sạt lở là do ảnh hưởng từ cơn lũ lịch sử năm 2016 thì người dân khẳng định, nguyên nhân là do nạn khai thác cát quá mức......