Gia Cát Lượng hay Lỗ Túc chia ba thiên hạ thời Tam quốc?
Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung phác họa Gia Cát Lượng là người đặt nền móng cho sự hình thành cục diện Tam quốc, nhưng trên thực tế, ở phe Đông Ngô cũng đã có người đưa ra sách lược như vậy từ trước.
Lỗ Túc nổi tiếng là người giỏi chữ nghĩa, lịch sự nhã nhặn và cư xử chuẩn mực.
Theo trang mạng Lishiquwen (Trung Quốc), Lỗ Túc (172 – 217), tự Tử Kính, là một chính trị gia, nhà quân sự phục vụ dưới trướng Tôn Quyền vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, vai trò của Lỗ Túc bị hạ thấp đáng kể so với lịch sử. Ông chỉ được xem là một nhân vật phụ để nhấn mạnh tài trí của Chu Du, và nhất là Gia Cát Lượng.
Thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào, công lao của ai?
Năm 198, Lỗ Túc tìm đến với Viên Thuật, một chư hầu của nhà Hán, và cũng chính ở đây ông đã gặp và kết giao bằng hữu với Chu Du.
Chu Du thuyết phục Lỗ Túc rời Viên Thuật để theo phò Tôn Sách. Sau khi Tôn Sách qua đời, Chu Du đã tiến cử ông với Tôn Quyền, em trai và cũng là người kế vị Tôn Sách.
Ngay trong lần đầu tiên gặp mặt, Tôn Quyền đã rất ấn tượng với Lỗ Túc và rất tôn trọng ông, ngay sau đó ông đã từ chối hết tất cả khách được mời đến dự tiệc, chỉ giữ lại mỗ Lỗ Túc. Tôn Quyền đã mời Lỗ Túc đến ngồi cạnh ông và cả hai đã cùng đàm đạo về việc thiên hạ và thưởng rượu.
Kể từ đó, bộ ba Lỗ Túc, Chu Du, Trương Chiêu là những nhân vật có tiếng nói quyết định trong việc phò trợ, phụ chính, định hướng cho sự phát triển thế lực Tôn gia.
Ngô thư của tác giả Vi Chiêu có chép: “Tử Kính tuy không có những biệt tài nổi bật như Cố Ung, Tưởng Uyển, Tuân Úc, nhưng rất thông hiểu chính trị, ngoại giao, quân sự và cẩn trọng mỗi khi áp dụng định kiến”. Chu Du cũng cho rằng, “Lỗ Túc là người có phong độ, trung, dũng, trí, kiệm, có tu dưỡng nhân nghĩa lễ tín”.
Trước đại chiến Xích Bích, Tôn Quyền hết sức “đau đầu” trong việc định hướng phát triển thế lực Giang Đông. Tào Tháo một mặt mượn danh thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, mặt khác lấy trăm vạn hùng binh uy hiếp Giang Nam.
Do đó nếu kháng Tào không thành, cơ nghiệp ba đời của Tôn gia có thể bỗng chốc tan biến. Vì vậy, nhiều mưu sĩ Đông Ngô chủ trương “hàng thì dễ yên, đánh thì khó thắng”. Trước vấn đề này, Tôn Quyền vừa không muốn chịu áp chế của Tào Tháo, lại sợ không địch nổi quân Tào.
Gia Cát Lượng không phải người duy nhất nhận ra con đường chống Tào.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã “thổi phồng” chuyến đi sứ đến Đông Ngô của Gia Cát Lượng. La Quán Trung phác họa việc Gia Cát Lượng chiến thắng trong cuộc đấu trí với những mưu thần Đông Ngô, cũng như việc Khổng Minh phóng đại Tào Tháo binh nhiều tướng giỏi, khiến cho Tôn Quyền sợ hãi.
Từ đó, La Quán Trung đưa Gia Cát Lượng thành “ngôi sao” trong việc bày ra kế sách giúp Tôn Quyền kháng tào, làm cơ sở cho việc hình thành liên minh Tôn-Lưu sau này.
Trên thực tế, theo sử sách Trung Quốc, mưu thần Lỗ Túc đã đề ra sách lược cho Tôn Quyền trước khi Gia Cát Lượng đi sứ sang Đông Ngô.
Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền: “Mọi người, ai cũng có thể hàng Tào Tháo được, duy có tướng quân thì không hàng được. Như Lỗ Túc này mà hàng, thì Tháo phong cho làm quan, áo gấm về làng, mà cũng không phải mất đất đai gì cả. Tướng quân mà hàng Tào thì về đâu?”.
Lỗ Túc đề xuất củng cố vững chắc sức mạnh của họ Tôn ở Giang Đông, tấn công Lưu Biểu, chiếm lấy Kinh Châu mở rộng thế lực, nhằm thiết lập nên một căn cứ địa vững chắc ở phía nam sông Dương Tử.
Tôn Quyền khi hoàn thành hai bước cơ bản trên sẽ xưng đế rồi mang quân bắc tiến, chiếm lấy toàn bộ Trung Nguyên để thống nhất thiên hạ. Sách lược của Lỗ Túc về cơ bản không khác với Long Trung Đối Sách của Gia Cát Lượng khi cả hai đều dự đoán sự tam phân thiên hạ.
Đó là cơ sở để Lưu Bị và Tôn Quyên đi đến chung nhận định: “Tào Tháo mới là kẻ địch mạnh nhất”. Có thể nói, tầm nhìn của Lỗ Túc qua sách lược này cũng toàn diện, không hề kém cạnh so với Gia Cát Lượng.
Đặt nền móng hình thành cục diện Tam quốc
Video đang HOT
Lỗ Túc (trái) và Chu Du trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa năm 2010.
Trước khi đại chiến Xích Bích nổ ra, Lưu Bị bị cuốn vào cuộc chiến với Lưu Biểu ở Kinh Châu, tạo cơ hội để Tào Tháo xua quân đánh xuống phía nam. Trước tình thế nguy cấp đó, Lỗ Túc cũng bày tỏ sự tán thành với đề xuất xin liên thủ của Đông Ngô của Lưu Bị.
Lỗ Túc hiểu nếu để Tào Tháo chiếm Kinh Châu, sớm muộn quân Tào cũng sẽ nhắm đến mục tiêu khác là Giang Đông. Mưu thần của Tôn Quyền một mặt muốn Tào Tháo phải đối mặt với nhiều kẻ địch, mặt khác tăng cường vây cánh cho Đông Ngô.
Nói cách khác, Kinh Châu chính là tấm khiên bảo vệ, che chở Giang Đông. Hơn nữa, liên minh chống Tào cũng thuận theo ý chỉ của vua nhà Đông Hán, các chư hầu đồng lòng chống giặc cũng là lẽ thường.
Nhờ vậy mà liên minh Tôn-Lưu đại thắng trong trận trận Xích Bích lịch sử. Nhưng sau đó, vấn đề Kinh Châu bắt đầu trở nên căng thẳng giữa hai bên. Với Lưu Bị, chiếm Kinh Châu chính là bước quan trọng trong Long trung đối sách của Gia Cát Lượng. Còn Tôn Quyền muốn làm chủ Kinh Châu để tự mình quyết định số phận nhà Đông Ngô.
Về điểm này, Lỗ Túc đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, thuyết phục được Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, đóng góp không nhỏ vào việc hình thành nên thế chân vạc thời Tam quốc sau này. Nhưng vì sao khi còn sống, Lỗ Túc không có ý định giúp Tôn Quyền đòi lại Kinh Châu?
Thứ nhất, Kinh Châu trên lý thuyết vẫn là địa bàn của Đông Ngô. Thứ Hai, nếu quyết đấu với Lưu bị, Tào Tháo ắt sẽ tìm thấy cơ hội tiến quân. Các học giả Trung Quốc sau này nhận định, việc Lỗ Túc chủ trương kiên trì liên thủ với quân Thục cũng là cao kiến, hay nói cách khác là “rút dây cẩn thận động rừng”.
Lỗ Túc là người mà Tôn Quyền hết sức kính trọng.
Lỗ Túc chịu nhiều sức ép sau khi Lưu Bị xua quân chiếm Ích Châu. Đó cũng là lúc Đông Ngô rất muốn đòi lại Kinh Châu. Tuy nhiên, Lỗ Túc vẫn duy trì chiến lược ngoại giai mềm mỏng với Quan Vũ, tướng Thục Hán trấn giữ Kinh Châu. Nếu ví Quan Vũ sắc như thanh đao trong tay thì Lỗ Túc lại mềm dẻo như dòng nước.
Lỗ Túc đối với Quan Vân Trường, trước thì thường vui vẻ vỗ về, sau lại dùng đạo lí để nói, khiến Quan Vũ không mảy may nghi ngờ. Lỗ Túc hiểu rằng, Tào Tháo trước sau vẫn nhắm đến Hán Trung, chứ chưa chĩa mũi giáo về phía Tôn Quyền.
Quả đúng như vậy, năm 215, Tào Tháo xua quân chiếm Hán Trung từ tay Trương Lỗ, mở rộng địa giới kiểm soát đến sát Lưu Bị. Lo sợ thế lực của Tào, Lưu Bị đành chấp nhận trả lại cho Tôn Quyền 3 quận Giang Hạ, Trường Sa, Quế Dương để xin hòa hiếu với Đông Ngô, tập trung kháng Tào.
Xét về chiến lược, Lỗ Túc không cần dùng đến binh sĩ mà chỉ cần đổi Giang Lăng, đem về cho Đông Ngô 3 quận quan trọng là điều thành công. Năm 217, Lỗ Lúc không may ngã bệnh mà sớm qua đời ở tuổi 45.
Nhưng trước khi ra đi, ông đã gửi gắm người kế tục là Lã Mông một sách lược quan trọng. Đó là nếu như Tào Tháo tấn công Kinh Châu, quân Thục mới là người tổn thất, còn nếu Thục Hán xua quân đánh Tào, Lã Mông sẽ có cơ hội đoạt lại Kinh Châu.
Sau này, Tôn Quyền nhắc lại với Lã Mông, thừa nhận mình coi trọng Lỗ Túc vì hai điều. Một là Lỗ Túc đã đề xuất sách lược đưa Đông ngô hưng thịnh. Hai là đưa ra đưa giải pháp để liên minh với Lưu Bị, góp phần vào trận đại thắng Xích Bích.
___________________
Bài viết xuất bản ngày 29.3 tập trung khai thác nhân vật Ngụy Diên và trách nhiệm của Gia Cát Lượng trong cái chết của Ngụy Diên.
Theo Danviet
Nỗi cay đắng của danh tướng đánh tan 70 vạn quân Lưu Bị
Danh tướng Đông Ngô kế thừa Chu Du và Lã Mông trở thành một trong tứ đại đô đốc thành công nhất lịch sử nhưng phải nhận lấy cái chết trong oan ức.
Phác họa hình ảnh Lục Tốn.
Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán... Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến.
Theo TimeTW, Lục Tốn (183-245), tự Bá Ngôn, người Ngô Quận thuộc Dương Châu. Ông sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc ở Giang Đông.
Kẻ thù của Tôn gia
Cha Lục Tốn mất sớm, từ nhỏ Tốn đã đi theo người chú Lục Khang, là Thái thú quận Lư Giang. Lục Tốn lớn lên trong lúc chiến tranh quân phiệt giữa các chư hầu nổ ra ngày càng ác liệt.
Năm 193, Viên Thuật chạy từ Nam Dương về Thọ Xuân thuộc Dương châu. Vì thiếu lương nên Viên Thuật hỏi vay Lục Khang. Lục Khang coi Viên Thuật là quân phản nghịch chống nhà Hán nên không đáp ứng. Viên Thuật tức giận bèn sai Tôn Sách mang quân đánh Lư Giang.
Lục Khang khi đó 70 tuổi, giữ được thành 2 năm thì thất thủ. Lục Khang và gia tộc không bị giết nhưng hơn 1 tháng sau thì phát bệnh qua đời. Gia tộc họ Lục hơn 100 người gặp cảnh đói khát, bị chết hơn một nửa. Bản thân Lục Tốn phải chạy trốn về quê mới có thể sống sót.
Năm 200, Tôn Sách qua đời, em trai là Tôn Quyền kế vị. Khi đó, Tôn Quyền 19 tuổi còn Lục Tốn 18 tuổi.
Tôn Quyền rất muốn thu hút sự ủng hộ của các gia tộc lớn ở Giang Đông, bèn cho con em các dòng họ lớn được làm quan. Lục Tốn nằm trong số đó.
Thấy Lục Tốn có tài và cũng muốn xóa đi thù hằn gia tộc, Tôn Quyền mang con gái Tôn Sách gả cho ông. Khi được hỏi kế sách dựng nước, Lục Tốn phân tích tình hình đương thời và khuyên Tôn Quyền chưa vội tranh hùng thiên hạ mà hãy củng cố Giang Đông, giải quyết vấn đề các dân tộc thiểu số. Tôn Quyền nghe theo và giao cho chính Lục Tốn đảm nhận trọng trách này.
Dần dần, mối quan hệ Tôn Quyền, Lục Tốn trở nên gần gũi hơn. Lục Tốn cũng không muốn báo thù mà chỉ một lòng tận trung với Tôn Quyền.
Năm 219, khi Lã Mông đem quân chiếm Kinh Châu, uy chấn Trung Hoa, Lục Tốn đã được Lã Mông tiến cử với Tôn Quyền làm người kế tục.
Đánh tan 70 vạn quân Lưu Bị
Nhân vật Lục Tốn trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa.
Sau khi Kinh Châu thất thủ còn Quan Vũ mất mạng, Lưu Bị vô cùng oán hận Đông Ngô. Cuối năm 220, Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, xưng đế và kiến lập nhà Tào Ngụy, sau đó không lâu Lưu Bị cũng lên ngôi ở Thành Đô, kiến lập Thục Hán là sự kế thừa của nhà Hán.
Bỏ ngoài tai lời can ngăn của các đại thần, Lưu bị thống lĩnh 70 vạn quân, đích thân ngự giá thân chinh. Trong bối cảnh quân Ngô liên tiếp thất bại, Tôn Quyền phong Lục Tốn làm Đại đô đốc, chỉ huy quân Ngô chống lại Thục Hán.
Lên nắm quyền, Lục Tốn ra lệnh cho các tướng dưới quyền chỉ cố thủ, không được manh động trước những lần khiêu chiến của Lưu Bị. Chỉ đến khi quân Thục có dấu hiệu bị bệnh dịch, Lục Tốn mới xua quân phản công.
Đầu tiên, Lục Tốn cho quân giả vờ tấn công vào 1 trong số các doanh trại của quân Thục nhằm đánh lạc hướng các tướng Thục.
Kế đến ông lệnh cho quân sỹ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Sau cùng, Lục Tốn ra lệnh 3 mặt giáp công doanh trại Thục Hán. Quân thục đại bại nhanh chóng, toàn quân gần như bị tiêu diệt.
Sau thất bại "muối mặt" này, Lưu Bị rút chạy về Bạch Đế thành và qua đời một năm sau đó. Uy danh Lục Tốn lẫy lừng kể từ đó.
Khiến đại tướng Tào Ngụy ôm hận mà chết
Tướng Tào Ngụy là Tào Hưu vì thua Lục Tốn mà ôm bệnh chết.
Không lâu sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng tái lập liên minh Ngô-Thục chống Tào Ngụy. Nhờ vậy mà Lục Tốn có thể dốc toàn tâm, toàn ý chống Tào.
Năm 222, Đông Ngô đoạn tuyệt mối giao hảo với Tào Ngụy. Tôn Quyền tự xưng là Ngô Vương. Ngụy Văn Đế Tào Phi đích thân dẫn đại quân thảo phạt Đông Ngô.
Xung đột quân sự Ngô-Ngụy kéo dài 4 năm thì Tào Phi bệnh mất, con trai Tào Duệ tiếp tục duy trì chính sách của cha.
Năm 228, trong bối cảnh Gia Cát Lượng mở chiến dịch Bắc phạt Tào Ngụy, Tôn Quyền cũng có cách chống Tào bằng kế trá hàng. Khi ấy, lãnh thổ Đông Ngô có quận Bà Dương, giáp Trường Giang, đối diện với Dương Châu thuộc Tào Ngụy.
Theo kế này, Thái Thú Bà Dương bị giết vì tội mưu phản, Tôn Quyền đưa Chu Phường lên thay. Chu Phường dùng bài "khổ nhục kế", thuyết phục đại quân Tào Ngụy, do Tào Hưu chỉ huy tiến về phía nam, tấn công Đông Ngô.
Biết tin kẻ địch trúng kế, Tôn Quyền giao cho Lục Tốn chỉ huy chiến dịch đánh úp quân Tào Hưu.
Điểm mấu chốt trong chiến dịch là trận đánh tại sườn núi nằm giữa Hợp Phì và huyện Hoàn. Thời điểm thống lĩnh đại quân tiến vào Đông Ngô, Tào Hưu đã nhận được tình báo nói rằng Chu Phường có khả năng trá hàng. Nhưng đại tướng phe Ngụy vẫn quyết tiến công vì tự tin vào tài cầm quân cũng như binh lực hùng hậu.
Đợi đến khi quân Ngụy mệt mỏi, Lục Tốn ra lệnh đột kích bất ngờ trong đêm, khiến quân Tào hoảng loạn. Đại tướng Tào Hưu sau một hồi chống trả bất thành bèn ra lệnh rút quân. Quân Ngụy chỉ rút chạy về kịp khi viện binh đến ứng cứu.
Chiến dịch phản kích Tào Ngụy của Lục Tốn thành công mỹ mãn, tiêu diệt 10.000 quân Ngụy. Bản thân Tào Hưu vì quá căm hận trận chiến bại này mà qua đời cùng năm.
Nạn nhân của sự tranh giành quyền lực
Lục Tốn vì bị Tôn Quyền trách mắng mà phẫn uất, sinh bệnh chết.
Sau này, Tôn Quyền giao Lục Tốn giáo dục các hoàng tử. Con thứ của Tôn Quyền là Tôn Lự mê chọi gà, Lục Tốn nghiêm khắc nói: "Quân hầu phải chăm đọc kinh điển để gia tăng kiến thức, chơi trò đó phỏng ích gì?". Tôn Lự ngộ ra bèn phá hủy trường gà.
Cháu Tôn Quyền là Hiệu úy Tôn Tùng được Tôn Quyền yêu quý, nhưng không nghiêm quân kỷ, buông lỏng cho quân sĩ làm bậy, Lục Tốn bắt phạt cạo đầu tên lính vi phạm trước mặt mà Tôn Tùng không dám oán trách.
Năm 244, thừa tướng Đông Ngô là Cố Ung qua đời. Tôn Quyền bổ nhiệm Lục Tốn, năm đó đã 62 tuổi lên thay. Khi đó, trong triều xảy ra việc tranh chấp ngôi thái tử giữa Tôn Hòa và Tôn Bá.
Cuốn Ngô Lục có chép lại rằng, Tôn Quyền nghe lời gièm pha của các đại thần, muốn phế bỏ thái tử Tôn Hòa lập người khác.
Có người núp nghe được báo cho Thái tử, Tôn Hòa vội nhờ Lục Tốn dâng biểu khuyên ngăn. Lục Tốn 3 - 4 lần dâng biểu ngăn Tôn Quyền, khiến ông rất tức giận, nhưng Lục Tốn là trọng thần nên không xử lý. Lục Tốn nhiều lần cầu kiến, nhưng Tôn Quyền không cho gặp và truy xét những người đã làm lộ chuyện cơ mật này, đồng thời cho người đến trách mắng Lục Tốn.
Không những Thái Tử Tôn Hòa bị phế bỏ mà những người cháu của Lục Tốn cũng bị cách chức. Năm 245, Lục Tốn qua đời ở tuổi 63. Cả đời ông tiết kiệm, tri túc nên khi chết trong nhà chẳng có của cải gì, theo cuốn Phẩm Tam quốc của tác giả Dịch Trung Thiên.
Về vấn đề này, các học giả Trung Quốc sau này nhận định, Lục Tốn nhầm tưởng họ Tôn đã hết nghi kị dòng họ Lục bởi mối thù năm xưa. Trên thực tế, Tôn Quyền chưa bao giờ hoàn toàn tin tưởng họ Lục.
Lục Tốn còn tự cho mình có trách nhiệm với thiên hạ nên can thiệp vào "việc nhà" của Tôn Quyền. Điều đó đã khiến Tôn Quyền không bằng lòng, lấy cớ để loại bỏ các con cháu của Lục Tốn làm quan trong triều.
___________________
Bên cạnh Quan Vũ, Trương Phi là một trong những nhân vật nổi bật thời Tam quốc được Tiểu thuyết Tam quốc phác họa có phần sai lệch. Bài viết xuất bản ngày 2.3 sẽ tập trung làm rõ sự thật về con người Trương Phi.
Theo Danviet
Vì sao Tào Tháo chết không thống nhất được Trung Nguyên? Đánh bại các thế lực cát cứ ở phương Bắc, Tào Tháo đã đạt đến đỉnh cao danh vọng và quyền lực, nhưng tham vọng thống nhất Trung Nguyên mà ông theo suốt hàng chục năm cuối cùng không trở thành hiện thực. Tào Tháo dù nắm trong tay lực lượng hùng mạnh nhưng bại trận bởi liên minh Tôn Quyền-Lưu Bị. Tào...