Gia cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng: Bố không biết chữ, chú phải gánh đỡ
Những ngày này, trong căn nhà hầu như không có vật gì đáng giá của gia đình em N.T.H.Y – nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên – rất đông bà con hàng xóm và các nhà hảo tâm đến động viên, thăm hỏi.
Những người thân của em Y không cầm được nước mắt trước những gì mà em phải trải qua.
Bà Vũ Thị Oanh (mẹ của nữ sinh bị đánh hội đồng) nghẹn ngào thương con.
Nữ sinh từng bị đánh nhiều lần
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Doanh (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) – chú của nữ sinh bị đánh hội đồng cho biết, Y hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện, được các bác sĩ chăm sóc đến khi ổn định tinh thần.
Kể lại sự tình, ông Doanh cho biết cháu mình bị đánh từ hôm 22.3 nhưng không kể gì với gia đình. Phải đến ngày 23.3, nhà trường mới phát hiện ra sự việc và gọi gia đình ông cùng 5 học sinh có liên quan đến làm bản tường trình và kiểm điểm. Theo ông Doanh, khi ông yêu cầu nhà trường cho gia đình xem video cháu Y bị 5 bạn đánh hội đồng thì nhà trường từ chối và nói rằng video bị mờ nên đã xóa đi, không có chuyện phát tán video trên mạng.
Ông Nguyễn Văn Doanh (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) – chú của nữ sinh bị đánh hội đồng – nghẹn ngào khi xem clip cháu mình bị đánh.
Khi đọc qua bản tường trình của các học sinh liên quan đến vụ việc, ông Doanh cũng nghĩ sự việc không có gì quá nghiêm trọng nên đã chủ động đề xuất nhà trường không đình chỉ học các cháu vì năm nay cũng là năm cuối cấp. Thời điểm đó, phía nhà trường vẫn quyết định chỉ đình chỉ học các học sinh này 1 tuần để răn đe.
“Đến 10h ngày 24.3, tôi mới xem được video đó trên mạng, Tôi đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến cảnh tượng cháu Y bị đánh dã man. Nhà trường đã che giấu không cho gia đình biết dù sự việc xảy ra nghiêm trọng như vậy. Ngay hôm sau, gia đình tôi đã gặp nhà trường để phản ánh và qua cơ quan công an xã trình báo vụ việc. Gia đình mong mỏi vào cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc để lấy lại công bằng cho cháu”- ông Doanh cho hay.
Nói về người cháu gái, ông Doanh cho hay Y là người hiền lành, trước đây đã bị bạn bè bắt nạt rất nhiều lần nhưng không dám nói với gia đình. “Từ học kì 1, Y đã bị bạn đánh, cô giáo cũng đã cảnh cáo học sinh đó nhưng trên đường về nhà, Y lại bị bạn đó đánh thêm lần nữa. Nhiều lần vậy nên cháu sợ hãi không dám nói với gia đình, sau vụ việc gần nhất xảy ra, cháu mới kể.
Chúng tôi cũng không hỏi kĩ vì sợ sẽ khiến cháu nhớ lại chuyện, bị ám ảnh tinh thần. Y nói rất sợ quay lại trường, vài ngày trước khi đi thi, cháu đi qua nơi đã bị đánh và đã sợ hãi phát khóc, cô giáo phải gọi gia đình đưa cháu về. Hiện tại chúng tôi để cháu ở bệnh viện để hồi phục sức khỏe và tinh thần” – ông Doanh cho biết.
Gia cảnh khó khăn, chú ruột phải đứng ra gánh đỡ
Nói về hoàn cảnh gia đình, ông Doanh cho biết bố Y không biết chữ, đi làm “buổi đực, buổi cái”, chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng 1 ngày. Mẹ cháu phải gánh vác gia đình nhưng thu nhập thấp nên rất khó khăn, thiếu thốn. Nhà Y có 3 chị em, cháu nhỏ nhất mới 2 tuổi, cháu thứ 2 học lớp 5 và Y là con cả trong gia đình. Mẹ Y đi làm thêm không đủ để nuôi mấy chị em ăn học. “Tôi thương hoàn cảnh gia đình nên thường trợ cấp để phụ giúp cho gia đình đỡ khổ, chỉ biết chu cấp thêm cho cháu để cháu được ăn uống, học hành cho biết cái chữ, lớn lên kiếm được công việc.
Căn nhà đơn sơ của nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên những ngày này rất đông hàng xóm, láng giềng sang hỏi thăm, động viên.
Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Thị Oanh (mẹ của nữ sinh bị đánh hội đồng) cho biết: “Nhìn bạn bè nhẫn tâm đánh đập con như thế, tôi đau như đứt từng khúc ruột. Cháu Y bình thường sợ các bạn đánh nên ít nói, không tâm sự gì với gia đình về việc bị bắt nạt, đánh đập. Gia đình tôi thuộc diện vất vả, nuôi 3 đứa con nhưng thu nhập chỉ 4, 5 triệu mỗi tháng, phải nhờ cậy chú của Y phụ giúp thêm nhưng kinh tế gia đình vẫn rất thiếu thốn”.
NGUYỄN HÀ – TÔ THẾ
Theo LĐO
Nữ sinh bị đánh hội đồng không báo cáo cô chủ nhiệm vì quá sợ hãi
Cô giáo cho biết, trong số 5 học sinh đánh bạn, có 2 em chuyển từ nơi khác đến và 2 em chuyển từ lớp khác sang.
Nói chuyện với VietNamNet, cô giáo H.T.T chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cho hay, bản thân cô biết đến sự việc vào hôm 23/3, tức là một ngày sau khi xáy ra sự việc nữ sinh bị bạn đánh hội đồng, lột quần áo.
Ngay sau đó, cô T. đã gọi nữ sinh bị đánh xuống để trao đổi. Khi được hỏi tại sao không nói chuyện này với cô giáo, em tâm sự rằng mình sợ nên không dám nói. Nữ sinh cũng cho biết "do phụ huynh không hỏi nên em cũng không trả lời".
Trước đó trên lớp, cô T. chưa từng nhận được phản ánh nào của học sinh về việc nữ sinh bị bạn bắt nạt. Theo quan sát của cô, ở trên lớp tính cách em khá rụt rè, ít nói và ít tiếp xúc với bạn bè. Chính vì vậy, khi sự việc xảy ra em đã giấu gia đình, thầy cô, không dám báo cáo để các thầy cô xử lý kịp thời.
Ngay sau khi nắm bắt được vụ việc, nhận thấy tầm quan trọng, cô T. ngay lập tức báo lên ban giám hiệu nhà trường để tìm phương án xử lý thích hợp.
Cô cũng đã đến gia đình để thăm hỏi, động viên tinh thần để em lấy lại sự bình tĩnh tiếp tục đến trường.
Cô giáo cho biết thêm, trong trong số 5 học sinh đánh bạn, có 2 em được chuyển từ nơi khác đến (gồm 1 em chuyển đến lớp từ đầu năm học, 1 em chuyển từ năm lớp 7) và 2 em chuyển từ lớp khác chuyển sang.
Trên lớp, 5 học sinh này cũng có một số biểu hiện nghịch ngợm theo lứa tuổi học sinh. Điều này được cho là khó tránh khỏi, bởi "lớp 9 rồi tâm lý các em diễn biến rất phức tạp, thay đổi theo từng ngày".
Cô T. cho hay bản thân cũng thường xuyên quan sát các học sinh để phối kết hợp cùng với gia đình nhắc nhở các em nhận thức được hướng đi đúng đắn.
"Trong năm qua, tôi thấy trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là rất lớn bởi đây là năm cuối cấp. Tôi luôn theo sát sự việc học hành cũng như việc thực hiện nề nếp của các em.
Hàng tuần, chúng tôi luôn có buổi sinh hoạt lớp để nhắc nhở những học sinh còn vi phạm kỷ luật. Tôi nghĩ trách nhiệm quản lý các em trên nhà trường tôi đã thực hiện đúng. Bản thân tôi thường xuyên liên hệ với lớp trưởng để trao đổi thông tin nắm rõ tình hình của lớp.
Ngoài việc giáo dục các em trên lớp, tôi cũng thường xuyên gặp gỡ trao đổi riêng với từng em học sinh để giúp các em giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Nhưng rất tiếc sự việc đau lòng đã xảy ra. Sự việc xảy ra lại vào khoảng thời gian nhà trường đã hết giờ làm việc. Thời điểm xảy ra sự việc lớp trưởng cũng đi về trước nên cũng không nắm được tình hình".
Cô T. cho rằng bản thân đã "thực hiện đúng theo trách nhiệm" về trách nhiệm quản lý học sinh trên trường.
Theo cô, chuyện không hay xảy ra một phần là ở phía giáo viên chủ nhiệm, còn một phần ở phía gia đình. Gia đình cũng phải kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để giáo dục con em tại nhà.
Cô T cũng khẳng định thông tin giáo viên cấm học sinh nói ra chuyện này là hoàn toàn sai sự thật.
"Nhà trường chỉ hướng dẫn các em xóa clip đi vì cho rằng điều này ảnh hưởng không tốt đến danh dự và tâm lý của em nữ sịnh. Đến thứ 7 nhà trường vẫn đang trong quá trình điều tra sự việc nên tôi chỉ nhắc nhở các em không nên có những ánh nhìn, lời nói hay cử chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.
Ngoài ra tôi cũng nhắc học sinh khi em H.Y đi học, các bạn cần giữ tinh thần động viên, khích lệ và trò chuyện với bạn. Tôi cũng cử một nhóm học sinh gần gũi thân thiện đến để động viên tinh thần em H.Y, giúp em hòa nhập với bạn bè trong lớp", cô T. nói.
Cô giáo cho biết thêm, khi làm công tác chủ nhiệm, cô luôn đề cao tinh thần rèn luyện các học sinh để sau khi học xong lớp 9, kết thúc bậc học THCS các em có đạo đức, ý thức tốt để bước tiếp vào THPT.
Khi được hỏi về trách nhiệm để sự việc học trò đánh bạn xảy ra không chỉ một lần trong lớp, cô giáo giải thích mình không biết.
Trước đó, nói chuyện với phóng viên ở bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên, nữ sinh bị bạn đánh hội đồng cho hay em không bao giờ nói với cô giáo về việc bị các bạn bắt nạt. Các bạn trong lớp có biết các vụ em bị đánh nhưng vì sợ hoặc gì đó mà không dám nói ra. Những giờ sinh hoạt lớp, em cũng hầu như không chia sẻ gì với cô giáo chủ nhiệm. Nữ sinh này cho biết em đã từng bị các bạn đánh 3 lần. "3 lần đó thì cô giáo có biết 1 lần nhưng cô giáo cũng chỉ cảnh cáo, còn 2 lần còn lại thì cô không biết".
Xử lý nghiêm
Liên quan tới vụ việc, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hiệu trưởng nhà trường 15 ngày, đình chỉ công tác chủ nhiệm của cô T. cho đến hết năm học. UBND tỉnh Hưng Yên cũng ra công văn khẩn, yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc. Trong một diễn biến khác, người nhà của gia đình nữ sinh cho hay hiện nay nữ sinh đã dần ổn định tâm lý. Gia đình mong muốn những gia đình của các nữ sinh là thủ phạm bồi thường tinh thần cho cháu của mình.
Chiều 30/3, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD-ĐT đã đến thăm, động viên nữ sinh tại bệnh viện tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho rằng đây là sự việc hết sức nghiêm trọng và đáng lên án. UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Công an huyện Ân Thi và các ngành chức năng tích cực vào cuộc để xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Thúy Nga - Thanh Hùng
Người lớn đang nêu gương xấu cho học sinh...
Trong bài viết gửi tới VietNamNet, thầy giáo Nguyễn Đăng ở An Giang đặt câu hỏi: "Nguyên nhân của vấn đề là đâu? Phải chăng một bộ phận người lớn chúng ta - những bậc làm cha làm mẹ đang hời hợt, thiếu quan tâm đến con em của mình".
Thầy Đăng phân tích: Trong khi, những clip đánh nhau một cách phản cảm nhiều như thế nhưng nhà trường cũng rất khó có những biện pháp để xử lí nghiêm minh mang tính răn đe. Trong 5 mức kỉ luật học sinh hiện nay, mức cao nhất cũng chỉ đình chỉ học sinh nghỉ học 1 năm. Nhưng, mức này rất ít được áp dụng, đa số chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo trước toàn trường thì rõ ràng chưa khiến cho học sinh vi phạm phải lo sợ.
Những năm gần đây, khi mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên nhiều gia đình đã cưng chiều quá mức. Những hiện tượng khi chỉ là xích mích của các em học sinh nhưng phụ huynh đã vào trường đánh, xúc phạm, thậm chí lột quần bạn học của con mình đã và đang nêu một gương xấu cho học sinh. Thầy cô đứng lớp thì bị tước hết quyền uy, học trò hư hỏng, hỗn láo nhưng thầy cô không thể có biện pháp cứng rắn để dạy dỗ. Chỉ cần nặng lời, hay dùng thước đánh nhẹ vào học sinh là chịu biết bao áp lực, thậm chí là bị đình chỉ việc, thành ra nhiều giáo viên phải lờ đi những thói hư, tật xấu của học trò. Không có sự uốn nắn nhiều từ thầy cô, gia đình thì cưng chiều hoặc thờ ơ trước những sai phạm của con em mình nên việc các em có những hành động không đúng trước bạn bè cũng là điều tất yếu".
Theo VNN
Nữ sinh ở Hưng Yên nói về lý do bị đánh hội đồng dã man Trước khi bị đánh vào buổi chiều, nhóm nữ sinh cùng lớp đã có những lời lẽ đe dọa khiến nữ sinh H.Y lo lắng. Liên quan đến vụ nữ sinh N.T.H.Y, học sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị 5 bạn học sinh lột quần áo, đánh hội đồng dã man ngay...