Giá cá tra giảm giá lịch sử: Sau con số tỷ đô là… lỗ nặng
Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra nước ta luôn lọt vào top các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Nhưng đằng sau con số đó là nước mắt của nông dân, vì hiện người nuôi cá tra đang bị lỗ nặng, bởi giá cá tra đã giảm lịch sử, chỉ còn 20.000-20.500 đ/kg- dưới giá thành sản xuất.
Thời điểm này, những người nuôi cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng ngồi không yên vì giá cá đang chạm đáy, khiến người nuôi lỗ nặng. Nguyên nhân trước mắt là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nhưng sâu xa hơn là vấn đề quy hoạch vùng nuôi gắn với chế biến, sự phát triển vẫn theo phong trào đã khiến số phận con cá tra dự báo chưa thể hết long đong.
Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, giá cá tra đang giảm sâu, nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng tăng, sản phẩm cá tra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Doanh nghiệp, ngân hàng “quay lưng”
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủy sản Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, các xã viên trong HTX đang gặp nhiều khó khăn do giá cá tra giảm mạnh.
“Hiện, giá cá tra chỉ từ 20.000 – 20.500 đồng/kg. Do giá giảm nên các doanh nghiệp không đến mua, nếu có đến, các doanh nghiệp cũng chỉ xem rồi hẹn đi hẹn lại mãi rồi không đến bắt cá luôn” – ông Nguyên nói.
Thu hoạch cá tra ở HTX cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP.CầnThơ. (ảnh: Huỳnh Xây)
Ông Nguyên tính toán, những ao cá đang trong giai đoạn thu hoạch hiện nay có chi phí đầu tư rất lớn vì giá cá giống mua trước đó lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg trong khi giá cá giống hiện chỉ còn 18.000 đồng/kg. Chưa dừng lại ở đó, sau khi thả nuôi, một thời gian ngắn sau, số cá con này còn bị chết, có ao bị hao hụt 50%. Vì vậy, với giá bán trên, người dân thua lỗ nặng.
Chủ nhiệm HTX thủy sản Khánh Hòa cho hay, HTX có 18 hộ dân tham gia nuôi cá tra với tổng diện tích 50ha, hiện nay 18 hộ vẫn còn nuôi nhưng diện tích giảm đi rất nhiều, thay vì trước đây 1 hộ có đến 10 ao nuôi thì hiện nay mỗi hộ chỉ có dưới 5 ao.
Cũng như ông Nguyên, ông Nguyễn Văn Tấn – người dân có nhiều năm nuôi cá tra ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho hay, hiện giá cá từ 20.000 – 20.500 đồng/kg với loại cá đúng cỡ, còn cá cỡ lớn, quá lứa chỉ ở mức 19.500 – 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do cung vượt quá cầu, thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc quá khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Phong – Giám đốc HTX Đại Thắng (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết, 3 tháng qua giá cá xuống thấp làm người dân trong HTX “ai nấy cũng buồn rầu”, người dân nơi đây không biết giá cả trong thời gian tới như thế nào mà chỉ biết nuôi cầm chừng.
Video đang HOT
“Do nước ngoài không ăn, đặc biệt là Trung Quốc yêu cầu nhập khẩu bằng đường chính ngạch, ràng buộc nhiều thứ nên giá cá giảm mạnh. HTX tôi có 22 hộ với tổng diện tích 8ha, hiện các xã viên vẫn nuôi cầm chừng, có một số hộ thu hoạch cá nhưng chưa dám thả nuôi mới” – ông Phong cho hay. Ông Phong nói thêm: “3 năm nay, người dân trong HTX không được phía ngân hàng cho vay, để nuôi được, phải sử dụng vốn tự có và “mua thiếu” từ đại lý thức ăn, có hộ còn cầm sổ đỏ để có vốn”.
Sản lượng quá lớn nên không bán hết
Ông Huỳnh Thanh Bình ở ấp Vĩnh Thọ (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cho biết, vài năm trước đây, có thời điểm, giá cá tra “leo” lên đến mức 32.000 – 33.000 đồng/kg. Còn hiện nay, giá cá tra đã giảm nhiều và người nuôi phải lỗ 2.000 đồng/kg.
Ngoài 4ha nuôi riêng, ông Bình dành trên 3ha đất đào ao nuôi gia công cho doanh nghiệp. Do nhiều nguyên nhân, giá nuôi gia công giảm đi rất nhiều, thay vì doanh nghiệp giao cho người nuôi từ 9.000 – 10.000 đồng/kg thì hiện chỉ có 4.900 đồng/kg, với giá này người nuôi không có lời.
“Có nhiều ý kiến nói giá cá tra lên rồi xuống bất thường nhưng theo tôi nghiên cứu qua nhiều năm cho thấy, giá cá đi theo một chu kỳ giảm chung, những lúc giá lên đột biến chỉ là đoạn hồi trong chu kỳ này mà thôi” – ông Bình phân tích.
Khi hỏi về tình hình giá cá tra hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) nói: “Giá cá hiện đang làm người dân lỗ nặng. Không chỉ do giá cá bán ra thấp mà trước đó người dân mua cá giống thả với giá khá cao, tới 60.000 đồng/kg.
Theo ông Hải, HTX có nhiều hộ dân nuôi gia công cho doanh nghiệp không có lời do quản lý nuôi không tốt, kỹ thuật yếu, dịch bệnh cá chết nhiều. Ông Hải cho rằng, giá cá tra giảm như hiện nay là do quy luật cung cầu, sản lượng quá lớn dẫn đến việc tiêu thụ không hết. Để không còn tình trạng này, cần các cơ quan chức năng vào cuộc.
“Các cơ quan chức năng phải có thông tư, nghị định cụ thể, quy định vùng nào được nuôi, vùng nào không được nuôi. Khi sản lượng cung đủ là giá tự nhiên sẽ ổn định, tránh tình trạng như vài năm trước, thấy giá cá lên cao, người dân mạnh ai nấy nuôi, không có quy hoạch” – ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Hải, người dân cần có chiến lược nuôi, cụ thể là bán ở thị trường nào, khu vực nào với tiêu chuẩn gì, từ đó đưa ra kế hoạch thỏa mãn thị trường đó.
Theo Danviet
Giá cá tra thấp nhất trong vòng 10 năm, nông dân lỗ nặng
Thị trường cá tra đang chứng kiến những biến động khó lường về giá, sau một thời gian tăng phi mã thúc đẩy người dân đào ao mở rộng quy mô nuôi, hiện giá cá tra đang giảm xuống mức thấp nhất 10 năm qua. Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nếu ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn còn giữ kiểu "mạnh ai nấy làm" thì sẽ thất bại.
- Đúng là giá cá tra ở ĐBSCL đang giảm đến mức thê thảm, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện, giá thu mua cá tra của các nhà máy chỉ đạt khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Điều đáng lo ngại là thị trường xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc do những rào cản kỹ thuật.
Tháng 5/2019, nhập khẩu cá da trơn của Mỹ giảm tới 56,84% về lượng và giảm 59,47% về trị giá so với tháng 5/2018, đạt 4.195 tấn, trị giá 16,66 triệu USD. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra của Việt Nam sang Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 6/2019, giá trị XK cá tra sang thị trường này giảm mạnh tới 40,8%.
Tác động của việc tăng thuế bán phá giá trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đã ảnh hưởng rõ nét hơn tới XK cá tra Việt Nam sang thị trường này. Có một diễn biến đáng lo ngại là Hoa Kỳ tăng nhập khẩu thủy sản từ hầu hết các thị trường cung cấp lớn trong tháng 5/2019, trừ Việt Nam.
Tại thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường này có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%.
Trong khi thị trường XK khó khăn thì diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL lại tăng đột biến. Chỉ tính riêng trong năm 2018, diện tích nuôi mới đạt 3.819ha. Con số này năm 2019 còn khó kiểm soát.
Giá cá tra giảm sâu, nông dân lỗ nặng. Ảnh: I.T
Nhiều ý kiến cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết và có hiệu lực như CPTPP hay EVFTA sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có thủy sản. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo lộ trình cam kết trong EVFTA, trong 3 năm tới, thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng nông sản sẽ về 0%, đây là lợi thế cho chúng ta.
Có một tín hiệu đáng mừng là, trong nửa đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang EU đạt 138,5 triệu USD, tăng 18% và chiếm 14,4% tổng giá trị XK cá tra. Dự báo, quý III/2019, XK cá tra sang EU tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng tương đương với hai quý đầu năm.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, dù thuế có giảm về mức 0% thì những hàng rào kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ vẫn giữ nguyên, thậm chí còn khắt khe hơn do yêu cầu của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Do đó phải nâng cao chất lượng thì mới nắm bắt được cơ hội và không phải thua ngay trên sân nhà.
Đã có những thông tin Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng nuôi cá tra, về lâu dài đây có phải là một áp lực mới trong cạnh tranh của con cá tra Việt Nam?
- Không phải chỉ có Trung Quốc mà cả Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia cũng đang mở rộng nuôi cá tra, thậm chí sản lượng của Trung Quốc còn không lớn bằng các nước kia. Do đó, nếu người ta làm được thì mình phải cũng phải xem chừng,
Năm 2018 chứng kiến việc nhiều người dân quay trở lại đào ao nuôi cá tra sau khi thấy giá cá khởi sắc, chưa kịp vui thì giá cá năm 2019 lại giảm. Tại sao trong nhiều năm qua, câu chuyện này cứ lặp đi lặp lại mà không có giải pháp tháo gỡ, thưa ông?
- Trong câu chuyện này chỉ đổ lỗi cho nông dân cũng khó. Người dân khi thấy có lời sẽ đào ao nuôi để cải thiện thu nhập, không có mệnh lệnh hành chính nào có thể cấm được việc này.
Điều cần bàn là việc quản lý quy hoạch có nhiều bất cập, chúng ta hô hào nông dân liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất khép kín nhưng hiện nay vấn đề quản lý quy hoạch, liên kết vùng chưa hiệu quả, điều này dẫn đến diện tích tăng khó kiểm soát.
Đây chính là lý do khi giá cá cao, người dân ồ ạt mở rộng diện tích, doanh nghiệp cũng tranh mua tranh bán, tạo sự hỗn loạn của thị trường. Nhưng khi khủng hoảng thì mạnh ai nấy bán, không cần biết đến quyền lợi chung. Đây cũng là điểm yếu cố hữu, mang tính "tử huyệt" có thể kéo uy tín ngành cá tra đi xuống.
Trước tình hình khó khăn của người nuôi cá tra, theo ông, cần những giải pháp gì?
- Theo tôi, giải pháp trước mắt là đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ hết lượng cá tra trong dân, không thể hô khẩu hiệu chung chung mà khó ở đâu, gỡ ở đó.
Vì không như mặt hàng khác, đối với cá tra chỉ cần thị trường ùn tắc là nông dân lỗ nặng vì cá tra đến cỡ là phải tiêu thụ, càng quá size càng lỗ, doanh nghiệp cũng không thu mua.
Về dài hạn, ngành cá tra cần đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu. Hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu dù đứng số một thế giới.
Đã hội nhập quốc tế, đâu phải một mình một chợ, nếu không khẳng định bằng thương hiệu, chất lượng là thua.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Các chuyên gia hiến kế phát triển giao thông khu vực Nam Bộ Nhiều chuyên gia về lĩnh vực giao thông đã đề xuất các giải pháp để nghiên cứu áp dụng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thức PPP. Đông đảo học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế...