Giả bộ mất trí vẫn không thoát tội
Đây là lần thứ 4 Nguyễn Công Thành đứng trước vành móng ngựa, cũng như 3 lần trước vì tội Cướp giật tài sản! Theo quy định của pháp luật, chỉ còn 1 lần cướp nữa thôi thì Thành sẽ được liệt vào dạng tội phạm cướp giật nguy hiểm, chuyên nghiệp và hẳn nhiên, luật pháp rất nghiêm khắc với loại tội phạm này.
Có lẽ vì ngán cái cảnh ăn cơm tù, vì sợ cái án “mút khung”, hay chỉ có thể là thích đùa với những người cầm cân nảy mực mà tại chốn tụng đình, Thành vào vai tên tội phạm cướp giật ngây ngô, tòa hỏi gì gã cũng lắc đầu vì lý do… mất trí nhớ!
Biệt danh hay tên thường gọi của Nguyễn Công Thành là “Quậy nhóc”. Tiếng là “nhóc” nhưng Thành già đầu rồi, chỉ còn 2 năm nữa gã sẽ chạm ngưỡng 30. Nhìn cái dáng gầy guộc lúc nào cũng cúi đầu với gương mặt u uất của “Quậy nhóc”, không ít người tham dự phiên tòa cảm giác xót xa. Có kẻ thấy thương, có người thấy tội. Nhưng ẩn sau cái dáng vẻ tội nghiệp, cái gương mặt u uất kia của “Quậy nhóc” là dáng hình của một đứa con vô lương, một người chồng bất nhẫn, một người cha vô trách nhiệm, một tên tội phạm táo bạo và… láu cá!
Theo hồ sơ vụ án, “con đường” đưa “Quậy nhóc” đến vành móng ngựa TAND quận 1, TP HCM kể ra rất đơn giản. Khoảng 13h30 ngày 17/2/2012, phát hiện chị Hoàng Chi Phương tay cầm chiếc bóp đang đi bộ trên lề đường Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1), “Quậy” điều khiển xe gắn máy lao đến ép sát giật chiếc bóp. Trong quá trình giằng co, “chiến lợi phẩm” mà “Quậy” tưởng ăn chắc mười mươi rơi xuống đất. Chị Phương tri hô, “Quậy nhóc” rồ ga tháo chạy!
Xui cho “Quậy nhóc” hành vi cướp giật ấy của gã “vô phước” bị hiệp sĩ săn bắt cướp Nguyễn Văn Minh Tiến và đồng đội của mình là Trần Duy Khanh nhìn thấy nên đuổi theo. Tháo chạy đến ngã tư Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ, do không làm chủ được tốc độ, “Quậy nhóc” đã gây tai nạn liên hoàn cho 2 người đi đường là anh Nguyễn Trọng Phương và Trần Vũ Học. Vụ va chạm làm “Quậy nhóc” té xuống đường, khiến anh Phương bị trọng thương với tỉ lệ thương tật 25%. Lúc này “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến đã kịp thời có mặt bắt tên cướp táo bạo giải về Công an phường Bến Nghé.
“Quậy nhóc” lúc được dẫn giải đến phòng xử.
Sau hơn 5 tháng bị tạm giữ, tạm giam phục vụ cho quá trình điều tra, vụ việc “Quậy nhóc” gây án gặp “hiệp sĩ” SBC được đưa ra xét xử. Thay vì thành khẩn nhận tội thì “Quậy” chơi trò “mất trí” với HĐXX. Lúc vị chủ tọa hỏi quá trình gây án, “Quậy” lắc đầu: “Dạ thưa tòa, nói thiệt là bị cáo không nhớ gì hết. Bị cáo chỉ biết lúc tỉnh thấy có Công an. Sau đó điều tra viên nói cho bị cáo biết tội của bị cáo. Điều tra viên nói sao thì bị cáo chỉ biết nghe vậy thôi, thưa tòa”.
Nói như “Quậy nhóc” có nghĩa gã không hề nhớ chuyện chạy xe lòng vòng đi rình “con mồi” rồi xông tới cướp tài sản của người đi đường. Gã cũng không nhớ chuyện khi bị truy đuổi đã ngông cuồng xé gió để rồi gây tai nạn cho người khác và chính mình… Nói tóm lại, “Quậy nhóc” chẳng nhớ gì. Gã bảo: “Bị cáo bị chấn thương vùng đầu giờ thi thoảng vẫn còn đau ê ẩm nên hổng nhớ được gì. Nếu nhớ bị cáo đã khai rồi chứ giấu tòa làm gì!”.
Đã từng xét xử hàng trăm tên tội phạm lừa đảo, buôn bán ma túy, cướp giật cũng như đấu trí với không ít tên láu cá, nên khi đứng trước vành móng ngựa cứ giả bộ mặt ngơ ngác, giả khùng, giả điên, hỏi gì, nói gì cũng bảo “bị cáo không nhớ”, “bị cáo không rõ”, “bị cáo không biết” nên các thành viên HĐXX thừa kinh nghiệm xử trí tình huống… lâu lâu mới gặp này.
Video đang HOT
Không đề cập đến quá trình phạm tội mà “Quậy nhóc” có lẽ “không chịu nhớ”, vị chủ tọa nhỏ nhẹ hỏi thăm “Quậy” những chuyện chẳng ăn nhập gì đến hành vi tội lỗi của gã:
“Vợ bị cáo tên gì, sinh năm mấy?”.
“Dạ, thưa tòa, vợ bị cáo là Phạm Thị Diễm Trinh, sinh năm 1991, nhỏ hơn bị cáo 6 tuổi”.
“Quậy nhóc” vừa dứt câu trả lời, vị chủ tọa, nhỏ nhẹ: “Bị cáo nói lại cho tòa biết họ tên, tình trạng của cha mẹ bị cáo và cả địa chỉ thường trú của gia đình bị cáo”, “Quậy nhóc” trả lời rành rọt, giọng ra vẻ sầu thảm: “Mẹ bị cáo là Bùi Thị Hương nhưng đã mất lâu rồi. Còn cha bị cáo là Nguyễn Công Nghĩa. Gia đình bị cáo trú tại ấp 4, tổ 3, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, Tây Ninh”.
“Quậy nhóc” trả lời đến đây thì tòa khơi gợi hắn nhớ về các án tích của mình. Như để chứng minh mình không phải là tên tội phạm láu cá, Thành rành rọt: “Dạ, lần đầu bị cáo bị TAND thành phố xử phạt 1 năm tù vì tội cướp vào ngày 13/6/2000. Sau đó bị cáo bị TAND quận 10 cũng xử 1 năm tù vì tội cướp (gây án và bị bắt quả tang ngày 1/1/2002). Ngày 28/3/2003, bị cáo đi cướp và bị Tòa thành phố xử 5 năm”.
Hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi mới thấy các thành viên trong bồi thẩm đoàn ai cũng bức xúc trước cái thói láu cá của Thành. “Bị cáo nói mất trí nhớ, vậy nhưng những gì mà bị cáo trả lời nãy giờ cho thấy bị cáo có quên gì đâu. Bị cáo chỉ quên điều có lợi cho bị cáo. Nếu bị cáo quanh co, cố tình chối tội thì tội bị cáo chỉ càng nặng hơn thôi” – vị chủ tọa nghiêm giọng.
Đại diện VKS cũng rất bức xúc trước cái trò láu cá của “Quậy nhóc” nên đã cảnh báo y: “Bị cáo đừng tưởng rằng bị cáo quên thì tòa sẽ phải hoãn, hay không thể khép tội bị cáo được. Bị cáo cướp giật tài sản của người khác, bị truy đuổi bị cáo bỏ chạy rồi gây tai nạn cho người khác lẫn chính mình. Hành vi cướp giật tài sản ấy của bị cáo rõ rành rành với bị hại, người truy bắt, người làm chứng đều sờ sờ ra đó, bị cáo có vờ như không biết cũng không được đâu”.
Lúc tòa tuyên án phạt 6 năm 6 tháng tù giam, “Quậy nhóc” im lặng, chẳng bày tỏ thái độ hay cảm xúc gì.
Sau khi thi hành án, “Quậy nhóc” xấp xỉ tuổi 35. Với kẻ có chí hướng làm lại cuộc đời thì ở độ tuổi ấy để bắt đầu “đề-pa” không hẳn là quá muộn. Nói như thế có nghĩa “Quậy nhóc” vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều thời gian nhưng chẳng rõ hắn có biết tận dụng cơ hội ấy để thành tâm hối cải, hay vừa ra tù hôm trước, hôm sau đã lại phóng xe đi cướp giật?
Theo ANTG
Dứt tình 'ruột thịt' ở chốn tụng đình
Vốn là "ruột thịt", chỉ vì tranh chấp đất đai, mâu thuẫn kéo dài, cháu trai dùng cuốc gây thương tích cho chú để rồi ra chốn công đường, họ nhất định kéo nhau vào vòng lao lý, không còn tình nghĩa.
Vợ chồng ông Thà (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) và người anh trai cùng hai con có mặt từ sớm tại TAND Hà Nội để tham dự phiên phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích. Ông Thà là bị hại trong vụ án, còn cháu trai Nguyễn Công Thanh (27 tuổi) phải đứng trước vành móng ngựa vì dùng cuốc gây thương tích 11% cho chú ruột.
Gần 10 cảnh sát hỗ trợ tư pháp được bố trí để bảo vệ phiên xử, tránh xảy ra xung đột giữa hai gia đình. Vợ chồng ông Thà ngồi một bên, còn ông Quy (bố Thanh)cùng con gái ngồi hàng ghế song nhưng không nói với nhau một câu. Thanh ngồi lặng lẽ trước vành móng ngựa chờ buổi xử bắt đầu. Bị cáo, bố, chị và vợ chồng người chú đều trông lam lũ bởi công việc "một nắng hai sương" của nhà nông.
Ông Thà là em trai ông Quy, hai nhà sát nhau chỉ cách một bức tường bao được xây lên để ngăn cách giống như tìm cảm ruột thịt của họ đã bị chia làm hai: thù hận, xem nhau như người dưng. Nguyên nhân cũng chỉ vì mảnh đất tổ tiên để lại.
Nguyễn Công Thanh ngồi nghe Tòa phúc thẩm tuyên án ngày 29/6. Ảnh: Việt Dũng.
Mê Linh là một xã nghèo của huyện ngoại thành Hà Nội. Người dân quanh năm "bán mặt cho đất", chỉ có số ít đám trai làng thoát ly ra ngoài làm ăn. Chỉ vì tranh chấp đất, những con người chất phác trở thành kẻ mang án, tình thân bị sứt mẻ.
Gia đình có 4 anh em nhưng giờ chỉ còn lại ông Quy và Thà. Mảnh đất bố mẹ để lại mỗi anh em ông Quy được gần chục thước. Thế nhưng, từ chỗ chỉ việc chia đều, sống thuận hòa, hai anh em không làm được. Họ xảy ra mâu thuẫn, cãi chửi, đánh nhau. Bức tường gạch được xây để ngăn cách hai gia đình.
Người dân thôn không ít lần chứng kiến cảnh hai gia đình anh em ông Thà đánh nhau. Năm 2011, vợ chồng, con cái hai bên đã xô xát đến 3 lần và chính quyền phải đứng ra can thiệp, trong đó mâu thuẫn gần đây nhất xảy ra vào giữa tháng 11. Trong lúc bực tức, Thanh đã nhảy qua tường rồi dùng cuốc gây thương tích vùng trán, tay của người chú.
Vụ án được TAND huyện Mê Linh đưa ra xét xử vào giữa tháng 3 vừa qua, Thanh bị tuyên phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo tội Cố ý gây thương tích. Gần nửa tháng sau, ông Thà làm đơn kháng cáo với nội dung đề nghị tăng mức án phạt cho đứa cháu trai, và yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét trách nhiệm hình sự của anh trai và cháu gái, đồng thời nâng mức bồi thường.
Giáp mặt nhau lần hai ở chốn pháp đình, trình bày khi phiên xử bắt đầu, ông Thà nói: "Đã đưa nhau ra đây không còn tình nghĩa gì nữa" khiến những người có mặt tại phòng xử đều không khỏi thở dài.
Thanh đứng như "trời trồng", lí nhí trả lời HĐXX về hành vi gây ra cho chú. Thanh "tố" gia đình ông Thà nhiều lần gây sự, đánh đập nên tức tối. "Ngày hôm đó, bị cáo nghe chuyện em gái bị con trai chú Thà đánh nên rất bức xúc, cầm chiếc cuốc, trèo qua tường", Thanh khai và cho rằng, đã đứng trên tường ném chiếc cuốc làm ông Thà bị thương.
Ông Thà không đồng ý lời khai đó và cho biết "thằng cháu mất dạy" đã bổ thẳng cuốc vào đầu mình. Vị thẩm phán trong HĐXX phân tích, đứng trên bức tường cao Thanh sẽ rất khó ném cuốc về phía chú; còn nếu thực sự có việc bị cáo bổ cuốc vào đầu như ông Thà trình bày, thương tích sẽ rất lớn không chỉ là "vết sẹo, lồi lõm" vùng trán.
Trong khi nghe em trai nói, ông Quy bất bình lớn tiếng khiến con gái ngồi cạnh phải kéo bố sang hàng ghế khác. Phiên xử "nóng" và "rối" với phần bồi thường dân sự. Cấp sơ thẩm, Thanh chấp nhận đề nghị bồi thường 20 triệu đồng. Ra tòa lần hai, ông Thà yêu cầu đưa thêm tiền các khoản tổn thất tinh thần, chữa trị, mất sức lao động...
Sau một số câu hỏi, phân tích của HĐXX xét xử, rằng số tiền bồi thường này có thể giảm hoặc tăng, ông Thà đã chấp nhận không đòi thêm tiền của cháu nữa. Trước đó, Thanh đã đưa cho ông 15 triệu đồng, và khi ra phiên phúc thẩm này, bị cáo nộp số tiền còn lại cho bên thi hành án.
Một vị thẩm phán trong HĐXX đã chia sẻ với ông Thà và những người có mặt tại phòng xử: "Gia đình hai bên là ruột thịt. Sự việc của bố mẹ đừng khiến cho các con, cháu sau này có những mâu thuẫn dài lâu. Người ngoài còn có thể ngồi lại với nhau, anh em trong nhà không khó để cùng thông cảm".
Sau phần thẩm vấn, nghị án HĐXX tuyên bố không đủ cơ sở chứng minh ông Quy và con gái cùng gây thương tích cho ông Thà. Tuy nhiên, tòa đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại, tuyên Thanh 15 tháng tù giam tội Cố ý gây thương tích.
Tòa tuyên xong, hai bên dắt díu nhau rời phòng xử, theo hai hướng khác nhau. Bước xuống cầu thang, ông Thà vẫn còn ngạc nhiên: "Ơ, tù giam mà không phải án treo à", dù trước đó ông có đơn đề nghị tăng án phạt cho cháu trai.
Theo VNExpress
Lĩnh 15 tháng tù vì bổ cuốc vào đầu chú ruột Hai gia đình cãi nhau, Thanh mang chiếc cuốc nhảy qua bức tường hơn 2m bổ thẳng vào đầu chú mình, gây thương tích 11%. Gia đình ông Nguyễn Công Thà (43) tuổi ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, Hà Nội có 4 anh chị em. Cha mẹ mất đi, chia cho các con đất và ông Thà ở cạnh anh trai...