Ghi ở tâm lũ Yên Bái: Người dân không dám ngủ vì sợ lũ mới ập về
Theo người dân Nghĩa Lộ, trong khoảng 15 năm qua, đây là cơn lũ khủng khiếp nhất mà họ được chứng kiến. Con suối nhỏ vốn hiền hòa và yên bình nay lại “giận dữ” cuốn đi tất cả.
Như Dân Việt đã thông tin, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Yên Bái, tính đên cuối ngày 11.10 số lượng người chết và mất tích đã tăng lên 15 người; 1.108 ngôi nhà bị thiệt hại; nhiều điểm trường học bị cuốn trôi và ngập hoàn toàn; nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng hoàn toàn… ước tính thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.
Tối 11.10, PV Dân Việt đã có mặt tại rốn lũ Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, cơn mưa đã tạm ngớt, công tác tìm kiếm cứu hộ đang diễn ra rất khẩn trương.
Đêm muộn ngày 11.10, nhiều người dân thôn Cầu Thia (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, Yên Bái) vẫn không dám ngủ vì sợ cơn lũ mới lại về bất ngờ. Ảnh: Đình Việt.
Lũ dữ đã tạm qua nhưng hậu quả để lại thì rất nặng nề. Trò chuyện với PV, nhiều người dân vùng tâm lũ Cầu Thia vẫn (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, Yên Bái) vẫn chưa hết bàng hoàng. Trên khuôn mặt của nhiều người còn thể hiện rõ sự sệt.
Xem lẫn sự bàng hoàng đó là nỗi ám ảnh của người dân đang sinh sống tại đây khi họ phải chứng kiến cảnh hàng xóm, người thân của mình bị dòng nước cuốn trôi.Theo người dân, trong khoảng 15 năm qua, đây là cơn lũ khủng khiếp nhất mà họ được chứng kiến. Không ai có thể ngờ rằng, con suối nhỏ vốn hiền hòa và yên bình chảy qua thôn Cầu Thia, nay lại “giận dữ” cuốn đi tất cả.
22h30 phút, người dân vẫn tụ tập ở nhà sinh hoạt cộng đồng để phòng lũ. Không ai dám ngủ vì sợ cơn lũ mới lại ập đến bất cứ khi nào. Tại khu vực này, đã có khoảng 10 ngôi nhà bị cuốn mất. Nhiều nhà đã di tản đến vùng đất cao hơn.
Video đang HOT
Một ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi mất một nửa. Ảnh: Đình Việt.
Ngồi bên ngôi nhà đổ nát, phía dưới là dòng nước lũ đục đầu chảy xiết, chị Nguyễn Thị Hồng (Phù Nham, Văn Chấn) như chưa thể tin vào mắt mình. Chị kể, từ lúc lũ xảy ra (3h sáng 11.10) chị vẫn chưa được ngủ. Thời điểm đó, dòng nước lớn ở đầu nguồn cuồn cuộn đổ về, mọi người hô hoán nhau chạy lánh nạn, trẻ em và người già được di tản cách xa 6km.
Cũng có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng, người đàn ông tên Hùng nhớ lại, lúc dòng nước về gia đình anh cũng đang ngủ, mọi người hô hoán anh mới tỉnh dậy. Lúc đó, cũng chỉ kịp kéo vợ con chạy thoát thân. Khi quay lại thì tài sản đã bị nước cuốn trôi.”Cũng thời gian đó thì gia đình tôi đang ngủ, đến khoảng 3h sáng tỉnh dậy thì nước tràn đến nhà rồi, đến khoảng 5h sáng thì nhà bị dòng nước phá mất một nửa. Lúc đó cũng chỉ biết chạy thoát thân, chả kịp lấy đồ đạc gì. Giờ mất hết rồi”, chị Hồng nghẹn ngào.
“15 năm qua tôi mới chứng kiến một cơn lũ khủng khiếp như thế này. Trong nháy mắt, mọi thứ đã bị nước cuốn đi. Giờ tôi thực sự lo lắng cho cuộc sống sắp tới của gia đình” – ông Hùng nói.
Còn theo một số người dân khác, thời điểm cầu Thia sập, có 5 người bị nước cuốn, trong đó thương tâm nhất là một cụ già đã cố bám vào thành cầu để thoát thân nhưng không thành.
Theo Danviet
Sạt lở nghiêm trọng, Trạm Tấu - Yên Bái bị cô lập
Huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) bị chia cắt với thị xã Nghĩa Lộ do sạt lở đất nghiêm trọng. Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đặt quyết tâm trước buổi chiều ngày hôm nay 12/10, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tiếp cận được địa bàn huyện Trạm Tấu để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.
Tối 11/10, sau khi kiểm tra thực địa các địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã họp khẩn với UBND thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh để bàn giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cầu Thia bị sập 2 nhịp cầu và một mố cầu, khiến 4 người mất tích. (Ảnh: báo Yên Bái)
Thông tin nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết, tính đến 19h ngày 11/10, mưa lũ tại các địa phương phía Tây tỉnh đã khiến 3 người chết; 11 người mất tích (ngoài ra nghi có 3 người mất tích do sập cầu Suối Thia); 7 người bị thương. Sạt lở nghiêm trọng bờ kè suối Thia.
Nhiều tuyến đường giao thông, đặc biệt là giao thông từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, vẫn đang bị chia cắt. Các công trình thủy lợi, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
Nhiều điểm bị cô lập chưa tiếp cận được; công tác tìm kiếm cứu nạn diễn ra trên địa bàn rộng, rải rác tại các khu vực suối Thia, suối Nung, gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm trong khi tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà họp khẩn yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái bằng mọi giá tiếp cận được với huyện Trạm Tấu để tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Việc khắc phục thông tuyến, lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đặt quyết tâm trước buổi chiều ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tiếp cận được địa bàn huyện Trạm Tấu để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị mở rộng địa điểm, khu vực tìm kiếm dưới khu vực Thủy điện Văn Chấn, cầu tràn An Lương, Đồng Sụng, Viễn Sơn, Thác Cá - Mỏ Vàng, Đại Phác, An Thịnh, Yên Hợp của huyện Văn Yên (theo dòng chảy suối Thia), mỗi địa điểm bố trí 20 người gồm các lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban CHQS huyện Văn Chấn, công an, dân quân tự vệ.
Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn tại huyện Trạm Tấu, ông Duy cho rằng, cần cứu trợ người bị thương; xác định rõ số lượng, danh tính những người mất tích; bố trí 2 xe cứu thương và các phương tiện cần thiết để cứu hộ, hỗ trợ các lực lượng.
Sạt lở đất trên Quốc lộ 32, đường lên huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: báo Yên Bái)
Để đảm bảo an toàn cho nhân dân ở các vùng lân cận có điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh có rào chắn cảnh báo, tuyệt đối không để người dân di chuyển vào khu vực cầu sập, địa điểm sạt lở; hạn chế đi qua Quốc lộ 32; không để người dân hiếu kỳ ra xem, vớt củi; quan sát các cầu, các công trình, đập thủy lợi để đưa ra cảnh báo sớm giúp người và phương tiện; rà soát các hộ gia đình ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ để tiếp tục di dời đến nơi an toàn sớm nhất.
Để tránh phát sinh dịch bệnh, nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó; thực hiện nguồn hỗ trợ trước mắt nhằm đảm bảo an sinh tại chỗ như ăn, mặc, ở; hỗ trợ dựng nhà để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân; tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ kịp thời, công khai, công bằng; thành lập Sở chỉ huy hiện trường để làm đầu mối và tập trung trong công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại huyện Mù Cang Chải, tính đến 17h ngày 11/10, trên địa bàn huyện đã có 2 nhà dân ở hai xã Cao Phạ và Nậm Khắt bị sạt lở đất. Hiện 2 hộ này đã được di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Mưa to cũng đã làm giao thông của huyện Mù Cang Chải bị ảnh hưởng. Quốc lộ 32, khu vực đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ bị sạt lở nhiều đoạn; đường đi bản Làng Sang - Ngọc Chấn, xã Nậm Khắt cũng sạt lở 2 đoạn, gây ách tắc giao thông.
Tiến Nguyên - Trần Thanh
Theo Dantri
Nhân chứng vụ sập cầu kể thời khắc bất lực nhìn người trôi trong lũ Chứng kiến nhiều người bị dòng nước siết cuốn đi, anh Khôi tìm mọi cách ứng cứu nhưng bất lực. Phóng viên TTXVN may mắn thoát nạn vẫn chưa hết ám ảnh khi chứng kiến đồng nghiệp đang tác nghiệp cùng mình rơi theo cầu sập, chỉ vài giây sau khi anh vừa quay vào đổi ống kính. Cầu Ngòi Thia bị sập...