Ghét trẻ con – Cảm xúc là của cá nhân, nhưng vô lương tâm là khi lấy bạo lực với trẻ em ra đùa
Yêu hay ghét một ai đó là chuyện cá nhân, nhưng kích động bạo lực với trẻ em, dù trên mạng ảo cũng là ác vô cùng.
Trong giới tự nhiên, con non là tương lai của giống loài, quyết định thịnh suy, tồn vong của giống loài. Bất cứ con non nào, dù thuộc giống loài mạnh mẽ, uy vũ đến đâu, cũng là những sinh vật mong manh, cần được bảo vệ, che chở cho đến khi cứng cáp, tránh khỏi sự tấn công của kẻ thù – phần lớn là thuộc về giống loài khác.
Trong thế giới con người cũng thế, trẻ em cũng là đối tượng được ưu tiên chăm chút, thậm chí hành trình bảo vệ, uốn nắn chúng còn dài hơn nhiều, cần ít nhất 18 năm. Với cha mẹ, những đứa trẻ là kết tinh tình yêu, là người nối dõi, với thế giới, chúng là hình ảnh tương lai của xã hội. Phải chăng vì thế mà trong các danh tác hội họa Phục Hưng, hầu hết các thiên thần có cánh đều mang hình hài của bọn trẻ?
Đáng yêu là vậy, mong manh là vậy, nhưng những đứa trẻ đôi khi cũng có “quyền năng” mạnh mẽ, khiến người lớn khuất phục, phải nghe lời hoặc chịu bó tay. Hầu hết trẻ con đều hiếu động, ồn ào, chưa có kỷ luật, và lắm lúc cũng gây khó chịu một chút. Trẻ ngoan và xinh ai cũng thích, nhưng trẻ hư thì có đáng được yêu không?
Đa phần chúng ta đều có thể nhanh chóng nói “có”, nhưng một số lại nghĩ khác.
Chuyện của hội những người ghét trẻ con
Những ngày gần đây, những thông tin, hình ảnh về một fanpage với tên gọi “Đ… ưa trẻ con” với số lượng hơn 45.000 thành viên tham gia khiến nhiều người đi từ sốc đến phẫn nộ. Hoang mang hơn, một số tài khoản được chọn là “fan cứng” với vô vàn những bình luận căm ghét, kích động bạo lực với trẻ em lại chính là những cô giáo hoặc sinh viên mầm non. Trong group, một số người còn cùng nhau chia sẻ những hình ảnh tiêu cực về trẻ em một cách đáng sợ.
Một lý do khác được hội ủng hộ vô cùng, đó là những người ghét trẻ con không thực sự ghét tất cả trẻ con (!) mà chỉ ghét trẻ con hư, ghét những đứa quá nghịch phá, và sự thù ghét này đến chủ yếu từ việc các phụ huynh không biết dạy con.
Họ nói thế này: “ Các vị không dạy được, các vị dung túng tội lỗi của chúng, các vị nói rằng có con đi rồi biết. Khi ai đó than phiền về đứa trẻ của mình không ngoan, thay vì xin lỗi và dạy lại con thì các vị ngoạc mồm lên nó là trẻ con nó biết gì. Rồi tiếp tục để nó phá hết cả quán xá của người ta, để nó ồn ào khắp cả chuyến bay mà nhiều người cần được ngủ.
Một cái page không thể giết chết con các vị đâu. Đứa trẻ được dạy dỗ đàng hoàng sẽ không ai vô lý ghét cả. Các vị chụp lại bình luận của 1 giáo viên mầm non và nói là hôm nay họ ghét, mai họ sẽ đánh đập bạo hành trẻ em, các vị có thấy mình vô lý không.
Lúc điên lên, mấy ông bà có bao giờ nói con “tao đập chết mày”, “tao vứt mày ra đường, ném mày xuống ao”? Rồi có đập chết chưa hay chỉ là lúc tức giận nói thế? Bố mẹ còn điên không chịu nổi, mà bắt người không đẻ ra chúng phải chịu đựng trong mọi tình huống? Bạn yêu con bạn nhưng người khác không việc gì phải có nghĩa vụ yêu con bạn nếu bạn để nó mất dạy“.
Những đứa trẻ nằm trong “tầm ngắm” của hội ghét trẻ con, theo họ nói, là mấy thứ “con nít quỷ” ăn vạ, khóc nhè, hành hạ động vật, ăn nói thiếu lễ độ, làm những trò ồn ào, ứng xử kém ở nơi công cộng… – những biểu hiện (được cho là) đáng ghét. Sự tức giận của họ sẽ tăng cao ngùn ngụt khi bố mẹ chúng không thể kiểm soát được con và yêu cầu người khác phải thông cảm với một luận điệu quen thuộc: Nó là con nít, nó có biết gì đâu!
Video đang HOT
Dù nổi giận với những người “ghét trẻ con” đến đâu, ta cũng phải thừa nhận rằng lời họ nói cũng có đôi chút là sự thật. Không thể phủ nhận rằng, rất nhiều bố mẹ Việt đang bối rối, nếu không muốn nói thẳng là yếu kém trong việc dạy con cách cư xử có văn hóa và đúng mực, kể cả ở nhà lẫn chốn công cộng.
Mạng ảo không thể giết ai, nhưng người dùng mạng là người thật, lan truyền sự “thù ghét” là có thật
Đồng ý rằng, ai trong chúng ta cũng có lúc bực bội vì tiếng khóc lóc, trò nghịch phá nào đó của đứa trẻ, chúng ta cũng không hào hứng cho lắm trước một đứa trẻ hư, nhưng đa phần mọi người sẽ trách bố mẹ chúng không biết dạy con, chứ không phản ứng theo kiểu “bọn trẻ con thật ghê tởm”, “chúng không nên xuất hiện trên đời này”, “làm thế nào để chúng biến mất nhỉ”… như có thể đọc thấy từ các bình luận trong nhóm ghét trẻ con.
Yêu ai, ghét ai đương nhiên là quyền cá nhân của mỗi người, viết gì trên mạng cũng là quyền của mỗi người, nhưng một fanpage với số lượng đông fan đến thế lên tiếng “bài trừ” trẻ em, kể lể về những trò nghịch ngợm của chúng, kể cho nhau nghe việc mình đã “xử lý” mấy đứa nghịch ngợm thế nào…; thậm chí đăng tải những tranh ảnh minh họa đầy bạo lực với trẻ em (nhẹ nhất là chọn vứt con giữa đường để được nuôi chó vì con dị ứng lông chó) trong thế giới ảo hay việc nói tục, chửi một đứa trẻ xa lạ chỉ vì khi dừng đèn đỏ, bé tò mò quay sang nhìn mình ở đời thực đã nằm ngoài ranh giới yêu – ghét thông thường, đó là biểu hiện của cái ác, của sự vô lương tâm. Nếu bao biện rằng đó chỉ là bông đùa, trò đùa ấy đã đi quá xa.
Và đừng nói rằng một (vài) fanpage trên mạng ảo không thể giết được trẻ con thật. Mạng là ảo, nhưng những gì nó tác động là thật. Làm sao biết được trên Facebook thì những người đăng ảnh bạo lực, mắng nhiếc trẻ con sẽ không hằn học với những đứa trẻ khác ở ngoài đời?
Những hình ảnh kích thích và tác động từ đám đông cực đoan có thể tạo nên một hiệu ứng kinh khủng. Cái sai, dù ban đầu vô lý đều đâu, nếu được nhiều người nhắc đi nhắc lại nhiều lần, những người tỉnh táo nhất sẽ bị tác động rằng, đó là điều bình thường, chấp nhận được.
Trung Quốc có điển tích “Tằng Sâm giết người” rất nổi tiếng. Chuyện là Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì bà đã tin rằng Tằng Sâm chính là kẻ thủ ác cả làng đang truy tìm. Nếu bạn là người mẹ, bạn có kiên tâm tin rằng mình vẫn đúng, khi rất đông người khẳng định điều ngược lại không?
Tương tự thế, cái ác được tung hô, tiêm nhiễm liên tục, lặp đi lặp lại trong một cộng đồng sẽ được cộng đồng đó tin và chấp nhận về mặt tư tưởng. Thành viên của các fanpage trên đa phần là người trẻ, tính cách chưa ổn định và dễ bị tác động. Họ cũng có cái mạnh mẽ, quyết liệt rất riêng của tuổi trẻ. Cứ thử tưởng tượng một đám đông hàng chục nghìn người bị tiêm nhiễm sự cực đoan căm ghét trẻ con đó vào đầu, nhìn đâu cũng thấy trẻ con hư và muốn “xử lý” chúng thì tác động đến xã hội kinh khủng cỡ nào.
Điều đáng sợ hơn cả là trong hàng loạt fan cứng có những người tự xưng là giáo viên mầm non, họ ghét trẻ con bởi chúng dơ dáy bẩn thỉu, nghịch phá, mè nheo… Thật khó tưởng tượng những người không yêu trẻ con lại đi học ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non để làm gì, có phải vì “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như người ta hay đùa? Liệu có phải tư tưởng thù ghét trẻ con trong nhóm người có cùng quan điểm này là một phần nguyên nhân của những vụ bạo hành chấn động, mà không đâu xa, ngay trong học đường không?
Trẻ con hư thì ai cũng khó chịu, kể cả cha mẹ chúng chứ không riêng gì người ngoài, nhưng trẻ con là để dạy, chứ không phải để chửi bới, nguyền rủa hay cần có cả một cộng đồng với một (vài) fanpage với cái tên chát chúa như vậy.
Người ta bảo, để nuôi dạy một đứa trẻ sẽ cần đến cả một ngôi làng. Và để dạy được trẻ con, thì điều kiện tiên quyết là sự bao dung và kiên nhẫn. Nên nhớ tất cả những người đã – đang “ghét” trẻ con đều đã từng là một con trẻ, và hẳn đã ít nhiều từng phạm lỗi lầm.
Không biết hồi nhỏ, những lúc họ quậy phá, bố mẹ họ đã ứng xử ra sao, có để lại một nỗi tổn thương, một vết sẹo nào trong tim họ không, hay vẫn tha thứ họ bằng yêu thương? Điều đó không ai chắc, nhưng có một điều có thật, đối với một đứa trẻ hư mà người lớn thể hiện thái độ thù địch, tránh xa… hoặc đồng lõa, thì nó sẽ mãi mãi là trẻ hư, vì mình có đúng đâu mà dạy được chúng!
Theo afamily
Mở lòng một chút, cớ sao lại ghét trẻ con khi ta cũng từng một thời bé bỏng?
Một con người cần tới cả đời để hoàn thiện nhân cách, cớ sao ta nạt nộ và khắt khe với trẻ nhỏ khi chính bản thân này cũng từng có những tháng ngày chật vật để trưởng thành, đi qua những ấu thơ đầy nước mắt và ấm ức?
"Bạn có thích trẻ con không?" - Nếu cách đây nhiều năm, dám cá câu trả lời của hơn 90% người được hỏi sẽ là " Có! Trẻ con dễ thương mà, đáng yêu lại thơm tho nữa". Nhưng ở hiện tại, dường như con số trên đã thay đổi. Nhiều người sẽ suy nghĩ rất lâu để có một câu trả lời khá nước đôi rằng " Tôi thật sự không biết nữa. Tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng được đám trẻ con". Hoặc thẳng thừng " Không, tôi thà sống cô đơn cả đời còn hơn bị vây quanh bởi một đứa trẻ".
Điều đó càng được thể hiện rõ nét hơn khi mới đây, hơn 45 ngàn người tham gia hội nhóm "Đ** Ưa Trẻ Con" đã đồng loạt bày tỏ cơn bực tức kéo dài với trẻ em - nhóm đối tượng lớn vốn được hưởng mọi đặc quyền tốt nhất trong xã hội.
Fanpage với đầy tư tưởng bạo lực và thù ghét trẻ em.
Không cá nhân cụ thể nào bị ruồng bỏ. Họ ghét trẻ em nói chung. Những bình luận tiêu cực, những câu chuyện kỳ thị trẻ em hoặc lấy việc bạo lực với trẻ ra làm trò đùa được phô bày hả hê tới giật mình. Bất cứ cuộc ném đá nào diễn ra trên quy mô tập thể cũng đều nhận được sự đồng tình lẫn hưởng ứng vui vẻ từ đám đông. Thậm chí, kha khá giáo viên mầm non cũng xuất hiện ở đó với những bình luận đay nghiến gửi tới những học trò nhỏ của mình.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể ghét cay ghét đắng ai hay thứ gì đấy với hàng trăm lý do khác nhau thì đối với trẻ em, điều này cũng diễn ra tương tự. Lũ trẻ đôi khi (hoặc nhiều khi) trở nên ồn ào, nghịch ngợm và khó bảo (mọi đặc điểm mà người ta vẫn hay gọi chung là trẻ hư) dưới sự che chở tuyệt đối lẫn mù quáng của cha mẹ. Thành ra, không ít người cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy sự xuất hiện của chúng.
Rất đông người đồng tình về việc ghét trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ hư, rằng họ thà sống độc thân cả đời còn hơn bị vây quanh bởi những đứa trẻ. Khi sự bực tức chưa chuyển hoá thành hành động, việc ai đó bày tỏ nỗi dị ứng của mình với những "tiểu quỷ" cũng không biến họ trở thành một kẻ độc ác, xấu xa với cái đầu ngột ngạt những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng chẳng lẽ, trẻ em thật sự xứng đáng nhận phải nỗi căm ghét đến vậy từ người lớn?
Không có con nít hư, chỉ có phụ huynh không biết dạy con
Có rất nhiều phụ huynh cấm con chơi điện thoại, nhưng bản thân mặc nhiên lướt Facebook. Có bố mẹ cấm con chửi bậy, nhưng lại thoải mái văng tục với hàng xóm trước mặt con. Vì thế, phụ huynh muốn con mình ngoan, nhưng lại dùng câu nói "Nó là con nít, nó có biết gì đâu" để bao biện cho hành vi hư hỏng của con mình. Nhưng họ không biết rằng, bằng câu nói đó, họ cũng đang bao biện cho sự yếu kém trong cách dạy con của mình.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Chúng cũng có những yêu, ghét, vui, buồn riêng biệt và là một tấm bọt biển tiếp thu mọi quy tắc xã hội lẫn thành kiến áp đặt lên mình. Mọi quá trình tiếp xúc, áp dụng, phản ứng của trẻ với các sự kiện xảy ra quanh chúng đều có giá trị như những phép thử, giúp trẻ nhận biết điều gì là đúng, điều gì là sai. Quá trình lặp lại ấy trực tiếp đưa trẻ vươn tới vị trí là "hạt nhân tương lai của xã hội".
Đương nhiên, với trí óc non nớt và sự ngây thơ trong suy nghĩ, đời nào trẻ em hiểu hết thế giới này. Mọi thứ khiến trẻ hài lòng chỉ xoay quanh câu chuyện cảm xúc trong giờ ăn, giờ chơi, thậm chí là ở giao tiếp với cha mẹ. Trẻ tiếp nhận một cách thụ động mọi thứ. Bản nhạc ấu thơ thăng giáng, trầm bổng thế nào là do một tay người lớn thả nốt. Và cái danh "trẻ hư" cũng từ người lớn mà ra. Không ngoan ngoãn trong giờ ăn, ấy là trẻ hư. Không nghe lời la mắng của người lớn, cũng là trẻ hư. Làm phiền người khác bằng sự vô tư, hiếu động của mình, cũng thành trẻ hư.
Trong thế giới rực rỡ của trẻ, làm sao trẻ có thể biết được mình có hành động sai hay không, khi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng chúng đang thích thú khám phá thế giới? Chẳng phải ngẫu nhiên mà pháp luật quy định rằng khi chưa đủ 15 tuổi, mọi quyết định liên quan tới thanh thiếu nhi đều do người giám hộ chịu trách nhiệm. Nếu nhận thức được hành động ấy gây ra những nỗi phiền toái và rắc rối, chúng đã không ở độ tuổi giới hạn theo luật định.
Con nít vốn như tờ giấy trắng, người lớn luôn cho mình cái quyền vẽ lên đó tất cả những gì chúng ta muốn mà không để ý đó là sắc màu tươi vui hay xám xịt. Người ta không ghét con nít, cái người ta ghét là thái độ của người lớn mỗi khi con nít làm sai, là câu nói "Con nít có biết gì đâu, chấp nhặt nó làm gì"... Chính câu nói đó đã khiến nhiều người trở nên ghét người lớn và gián tiếp ghét luôn đứa trẻ hư của người đó.
Người lớn quên mất họ từng là trẻ em
Vốn dĩ không có trẻ hư. Chúng tròn méo ra sao đều là từ bàn tay nhào nặn của cha mẹ và môi trường xung quanh. Chẳng lẽ việc tạo ra bầu không khí ồn ào do trẻ cảm thấy phấn khích và vui vẻ lại là thước đo chuẩn cho sự hư đốn? Chẳng lẽ việc vô tình va vào khiến đồ đạc đổ vỡ lại xứng đáng nhận được sự la mắng khó hiểu từ người ngoài? Chẳng lẽ việc bày tỏ thái độ về một điều gì đó bản thân không thích, cũng đủ căn cứ để gán nhãn cho chúng là trẻ hư?
Bản thân trẻ em cũng không hiểu được suy nghĩ và hành động của người lớn, về việc tại sao không được ăn cái này, không được làm cái kia; về việc tại sao phải chịu đựng sự quát tháo đáng sợ và răm rắp nghe theo. Trong trí óc giản đơn của mình, trẻ chỉ muốn nhận được sự chú ý, và cách các em bộc phát khiến người lớn bực bội. Bản thân trẻ cũng không giấu được sự ngạc nhiên khi liên tục bị ép ngồi vào chiếc ghế "trẻ hư". Từ trạng thái vui vẻ, tới ngạc nhiên, sợ sệt và uất ức, trẻ liên tục bị người lớn gọi là "không ngoan". Một chuỗi cảm xúc ngắn hạn chỉ mang lại cảm giác tiêu cực khiến trẻ chỉ muốn tái phạm hoặc xa lánh cha mẹ lẫn mọi người xung quanh. Thì bởi, có ai tôn trọng và lắng nghe chúng?
Những đứa trẻ mà bạn nghĩ là hư, thực chất đều là cách bạn suy đoán và áp đặt. Không một đứa trẻ nào biết rằng mình phải làm điều gì đúng, điều gì sai ngay từ khi mới sinh ra. Nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ, trẻ chỉ thực hiện những điều mà người lớn tác động trực tiếp tới. Cách hành xử ấy có thể khiến tâm lý của trẻ rạn nứt. Đôi khi, vì suy nghĩ "nó còn nhỏ, nó biết gì đâu" cùng sự bảo bọc quá kĩ lưỡng cũng khiến trẻ mất đi quyền quyết định trong mọi vấn đề. Từ đó, chúng chẳng còn biết phải ứng xử ra sao khi gặp người lạ mặt, hay thoải mái đùa nghịch, gào thét gây nên rắc rối giữa chốn đông người chỉ vì nghĩ rằng sẽ có người lớn bảo vệ.
Trẻ có nhận thức, dù không rõ ràng. Đó là lý do trẻ cần được tôn trọng và được người lớn đối xử công bằng. Tất nhiên, việc bày tỏ thái độ tiêu cực với trẻ em xuất phát từ cảm xúc của mỗi người, nhưng liệu các bé có xứng đáng nhận lại sự hằn học ấy khi lỗi vốn chẳng thuộc về chúng? Một con người cần tới cả đời để hoàn thiện nhân cách, cớ sao ta nạt nộ và khắt khe với trẻ nhỏ khi chính bản thân này cũng từng có những tháng ngày chật vật để trưởng thành, đi qua những ấu thơ đầy nước mắt và ấm ức?
Trước khi ghét trẻ con, hãy nhớ mình đã là một đứa trẻ, đã phá, đã đùa nghịch, đã bất tuân như thế nào. Một đứa trẻ hư hiện tại không phải là một thiếu niên hư trong tương lai. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách dạy dỗ của phụ huynh cũng như cách hành xử của chính bạn. Đừng thù nghịch, đừng gắt gỏng, đừng mất niềm tin vào trẻ hư. Hãy mở rộng lòng mình với chúng, bởi chúng ta cũng từng là một đứa trẻ như vậy.
Theo saostar
Fanpage 50k theo dõi có nội dung kỳ thị trẻ em chính thức bị xóa sổ khỏi Facebook Với nội dung miệt thị, xúc phạm, ví trẻ em như những thứ 'cặn bã' của xã hội, trang diễn đàn Đ.Ư.T.C đã chính thức bị khóa trước sự tẩy chay và 'report' đồng loạt của dân mạng. Từ xưa tới nay, trẻ em luôn là đối tượng ưu tiên của xã hội bởi 'trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày...