Ghét
Bảy ra phía sau nhà, kéo ghế ngồi, chưa kịp gắp miếng mồi thì muỗi bay vòng trước mặt, liền hỏi thăm: Xóm nhà bên này nuôi muỗi hả anh Năm?. Vừa nói, Bảy đưa tay chụp muỗi.
Hai nhà cách nhau cánh đồng. Tiếng là cánh đồng, chiều dài thì có dài còn chiều ngang bảy đám đất. Bên này làm mương dẫn nước trước xóm nhà, xe gàu múc đất đắp mương hết nửa đám ruộng còn lại sáu đám rưỡi. Đang mùa nắng, bên này, bên kia, chạy đường trời nào… khỏi nắng. Hổng lẽ bên này muỗi, bên kia “thiếu” muỗi?
Ghét câu hỏi cà khịa của Bảy, Năm nói: “Tối, ngủ quên thả mùng, muỗi “thui”. Sáng ra da như miếng bánh tráng mè”.
Bảy ở nhà thì thôi, ra khỏi nhà là mặc áo quần láng, ủi xếp ly “đóng thùng”. Vợ Bảy sinh ba đứa con chưa chịu “khóa sổ”. Có lần, Năm ghẹo: “Tướng phong độ, đông con phải rồi”.
Bảy cà khịa lại: “Anh Năm bốn mươi chớ mấy, mặt xếp ly rồi mà ham ăn, có vợ con sợ ăn hết nên ở một mình ăn cho… mập”.
Vợ Bảy làm nghề đúc bánh xèo, đổ bánh bèo, làm miệng bằng tay, tay bằng miệng nuôi con. Bảy phụ bán, rót nước mắm, lau cái bàn. Bán buổi sáng, chiều rảnh ngồi nhổ tóc ngứa. Chiều đó, Bảy cúi đầu ngồi lọt trong lòng cho vợ nhổ mấy cọng tóc trắng lưa thưa, Năm qua chơi thấy “đau khổ” (hồi giờ chưa có ai nhổ cho Năm cọng tóc ngứa).
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Năm ghét Bảy có cái tật nhậu vô là “to tiếng rộng họng”, nên nhậu không dám ngồi trước nhà sợ ồn ào hàng xóm quở, nhậu lầy. Mỗi lần nhậu ra sau hè giống như nhậu… chui.
Hai người ngồi nhậu uống chưa hết hai ly rượu, muỗi bay lạng qua lạng lại nhiều hơn. Năm ghét tiếng vo ve, vô nhà cầm vợt muỗi ra. Muỗi chân ngắn (a-nô-phen) bay ban đêm, muỗi vằn chân dài đi dạo ban ngày.
Muỗi vằn bay loạn xạ “la làng” bên tai. Năm bực bội tiếng kêu con muỗi, đưa cây vợt quơ qua quơ lại nổ bốp, bốp. Muỗi xúm lại chỗ dĩa gỏi, Năm đưa cây vợt theo… vợt mạnh, dĩa gỏi tai heo “bay” xuống đất… bốp. Nước gỏi văng trúng chỗ Bảy đóng thùng, ngứa chịu không nổi, chưa xong bữa nhậu đành ra về.
Muỗi làm cả làng ngã bệnh. Thanh niên gùi loa phóng thanh sau xe máy tuyên truyền diệt lăng quăng.
Nhà Duyên kề bên chai lọ dựng đứng, “đoàn quân” lăng quăng tung tăng trong đó.
Biểu Duyên diệt lăng quăng. Giữa mùa dịch sốt xuất huyết mà Duyên nói sống chết có số. Ghét!
Video đang HOT
Duyên trồng dây bí ngô sau hè chỗ đất tốt sung sức bò qua hàng rào nhà Nợ ra trái. Tranh chấp trái bí, tìm “lai lịch” gốc nhà Duyên. Nhưng Nợ cãi lại, đất lành bí đậu, nhờ có đất bên này có chỗ trái bí dung thân. Trái bí chưa kịp già đã tranh chấp, bên kia cắt gốc thì bên này bợ trái bí “đi lạc” đem vô nhà. Chuyện ở sau hè mà đem ra trước ngõ cãi… Bữa đó hai chị em “giơ mặt” ra đường kình lộn. Năm “tốn mấy tiếng cuộc đời” nghe cãi nhau. Sau lần đó, hai người không nhìn mặt. Hồi trước thân như chị em ruột, giờ nhà có đám giỗ không mời. Chưng hửng thiệt!
Nhà hai người “nhốt” nhà Năm chính giữa. Năm hơi bị nặng tai, nói lớn chớ nói nhỏ không nghe. Bữa Nợ có chuyện gì vội dắt xe ra ngõ, Năm hỏi “đi đâu mà vội?”. “Trai gái”, Nợ nói gọn lỏn. Năm nghe rối loạn tiền đình. Đàn bà nói lì thấy ớn. Ghét.
Nợ làm nghề bán bí, dưa, hành. Nợ bán chợ xổm đầu xóm. Năm đi ngang qua, Nợ mời. Năm không mua, Nợ năn nỉ, giải cứu giùm dưa ế. Nói quá, Năm mua, trước cúng sau ăn. Năm đem về rửa sạch đơm trên bàn thờ rồi ra sau múc ly nước vô… cúng. Nhưng khi Năm bưng ly nước vô thì thấy trái dưa đã lăn xuống dưới đất, bể nát. Bỏ tiền mua, chưa kịp cúng cũng không ăn được miếng nào. Trái dưa trả lại giống cho đất.
Những người xung quanh, ai Năm cũng ghét. Phát hiện cái tật này, người quanh vùng gọi là Năm Ghét. Có tật có tài, Năm Ghét “chuyên gia” bắt chuột.
Từ sáng đến chiều, Năm lội ruộng đặt bẫy mặt trăng (hay còn gọi là bẫy bán nguyệt) để diệt chuột. Cái “tài” của Năm Ghét là trong một đám ruộng lúa xanh tốt, lá lúa thả quặt cần câu nhưng chỉ cần nhìn sơ qua, mắt Năm Ghét “bói” ra đường đi của chuột rất nhanh. Biết được bí quyết, chuột đi lối nào về lối đó nên đặt bẫy. Ban đầu chuột đa nghi không ăn mồi, sau đó trên đường đi về chuột thấy “của quen” thò đầu vào ăn dính bẫy. Với tài “đón đầu” lũ chuột, nhiều người “rước” Năm Ghét ra cánh đồng chỉ đám ruộng đặt hàng diệt chuột.
Đi thăm bẫy, lúc nào Năm Ghét cũng có quyển sổ ghi lại số chuột dính bẫy trên mỗi đám. Cứ mỗi con chuột là năm ngàn đồng, trong lúc thăm bẫy có sao Năm Ghét ghi vậy. Người nghèo, già cả neo đơn một năm chỉ làm đám ruộng thì Năm Ghét diệt chuột “khuyến mãi”.
Không ai có ý kiến, chỉ có Nợ. Nợ nói: “Sao không đem đuôi chuột về, giống như hóa đơn chứng từ… thanh toán”. Năm nói: “Bắt 10 con nói 10 con, ai ăn lời con chuột đâu mà biểu gửi “chứng từ chuột”. Chẳng lẽ mỗi lần gom bẫy mời cả xóm ra ruộng nghiệm thu”. Nợ hỏi: “Sao bắt chuột mà chuột còn hoài vậy, vụ nào cũng tốn tiền… chuột”. Năm bực bội: “Trời, có tài cỡ nào ai dám “hẹn giờ” ngày nào bắt hết chuột đồng. Cánh đồng miền Trung chuột nằm vùng trong bờ ruộng, chỉ cần cặp “vợ chồng” chuột đẻ ra bầy chuột cháu chắt còn ráng đẻ nữa. Mà chuột sống ẩn nấp trong hang, bờ bụi chớ đâu phải dưa ế bày ra đó, ráng năn nỉ người mua hết… ế!”.
Bao năm lên bờ xuống ruộng làm “chuyên gia” bắt chuột, sống nương nhờ vào cánh đồng, giờ Năm Ghét mới thấy khó cầm đồng tiền… chuột.
Hồi trước, Bảy thấy cách đặt bẫy mặt trăng diệt chuột hiệu quả hỏi xin học nghề, Năm “đài thọ” cơm nước ngày hai bữa truyền đạt kinh nghiệm. Thạo nghề, Bảy “ra trường” không đặt đồng tiền lễ nào. Chọn ngày tốt hành nghề thì sáng đó vợ Bảy bày ra đúc bánh xèo, đổ bánh bèo, bảo Bảy phụ rót nước mắm, lau bàn…
Từ ngày “ra trường”, thỉnh thoảng Bảy qua “thăm nửa lít rượu” (mua nửa lít rượu gạo hai người ngồi lai rai). Lâu lâu, Năm Ghét cũng ghé nhà thăm nghề đúc bánh xèo, đổ bánh bèo.
Nghĩ lại, Năm Ghét thấy nghề đổ bánh xèo, đúc bánh bèo mà hay, khách ăn mấy cái trả tiền mấy cái. Có người mau mắn ăn chưa kịp chùi miệng dính hẹ xanh lè đã trả tiền. Khách đông thì Bảy múc nước mắm để trên bàn trước mặt, níu chân khách ngồi chờ. Vợ chồng Bảy “vừa làm vừa giỡn cũng có tiền” (sáng đúc bánh xèo, đổ bánh bèo, chiều nhổ tóc ngứa, cười giỡn mặt). Còn nghề bắt chuột, có người hơn thua, đòi hỏi chứng từ.
Năm nào Nợ cũng làm giỗ mẹ, Năm Ghét ăn đám giỗ nhà Nợ mòn răng. Năm nay Nợ qua nhà mời đám giỗ, Năm Ghét “hờn” cái chứng từ… chuột, không qua. Riêng Duyên không mời vì hai người kình lộn.
Nợ là gái một con, trên 30 rồi, không ai “hốt” đi, để sát bên nhà Năm Ghét nhìn mòn con mắt. Có người hỏi còn trẻ sao không đi bước nữa, có Năm Ghét cạnh nhà đó. Nợ nói giờ ham chơi, vài năm nữa lấy chồng. Nợ còn làm mặt dày, đưa ra tiêu chí chọn đàn ông… dài cả thước, khiến nhiều người ngã ngửa. Đó là đàn ông không rượu chè, không hút thuốc, không trai gái…
Nợ chê Năm Ghét mập mà nghèo. Năm Ghét nghe vậy ghét Nợ thôi khỏi nói, ghét cay ghét đắng.
Phụ nữ thôn phát động phong trào “ruộng lúa bờ hoa”. Xóm này nhà nào cũng có đám ruộng lận lưng, rồi làm thêm nghề phụ khác. Nợ mang ra cây “quất xác” (quất chưng Tết trái rụng, còn thân) đem trồng bờ mương, thêm bông gấm, đinh lăng. Duyên thì trồng mười giờ. Hoa mười giờ gần trưa “rủ” nhau nở, loại này mau tàn nên Duyên trồng thêm hoa bươm bướm, mào gà, bông phụng để bờ hoa đẹp về chiều tối và sáng sớm.
Trước ở vùng nông thôn, nhà cạnh mặt đường, tránh xa cửa ngõ là chỗ đổ rác, chiều quét rác, lá cây đổ đống ra đó rồi đốt “thui” trụ hàng rào bê-tông. Từ khi có phong trào trồng hoa thì bây giờ “hoa ngồi trên đống rác” đẹp lung linh, che lấp trụ hàng rào đen thui.
Ruộng lúa bờ hoa, nhà nhà trồng hoa trên đường nội đồng nên ở đây có đường hoa “đi dạo” ra cánh đồng. Dọc đường nội đồng các loại hoa tường vi, đinh lăng, lạc tiên, chiều tím, trồng đan xen các loại rau thực phẩm tía tô, diếp cá, càng cua, ớt thù lù. Mùa này trời đang nắng bỗng đổ mưa nên rau, hoa tươi tốt.
Bờ mương nước trước nhà Năm Ghét, xe gầu “gặm” đất nhăm nhở, bèo đội rác nhô lên nay rau càng cua, tía tô, ớt sừng chiếm chỗ.
Chiều, Bảy lại qua thăm. Năm Ghét làm món “tai heo mọc sừng”. Mua tai heo về luộc, xắt ớt sừng trộn chung lá tía tô, rau càng cua. Rót nước mắm dằm thêm trái ớt thù lù làm nước chấm. Lúc Năm Ghét làm mồi, Bảy nhìn qua hàng rào nhà Duyên thấy vỏ ốc lật ngửa đựng nước mưa, lon, chai nhựa nữa.
Thường uống nửa xị, rượu thấm Bảy mới “rộng họng”, nay uống ba ly, Bảy “mượn rượu” nói to: “Nhà bên nuôi muỗi à? (hỏi như hỏi đố). Sao lật ngửa vỏ con ốc miệng dài méo xẹo nằm ngửa hứng nước mưa?”.
Bảy nói to như loa phường nên nhiều người gọi là Bảy Loa. Duyên nấu ăn trong bếp, Bảy Loa nói to nên nghe hết.
Nửa tháng sau, chiều ra sau hè, nhìn qua nhà Duyên thấy lon nuôi “đoàn quân” lăng quăng giờ thành “lon rau xanh”, húng quế, ngò tàu, diếp cá… Mấy bữa nay muỗi biến mất. Năm Ghét nghĩ miệng Bảy to như loa phường tuyên truyền hiệu quả, sao biểu nó tắt?
Chiều, thu hoạch lúa về sớm, Duyên ra tưới rau. Năm Ghét thấy vườn nhà đẹp, khen: “Nhà có “cánh đồng” rau xanh”. Lọn tóc dài bay trước ngực, Duyên lắc đầu nhẹ cho tóc bay về phía sau, nói: “Trồng rau chớ không anh Năm Ghét ảnh ghét mình, yêu người khác”. Trời, câu nói đốn tim Năm Ghét. Duyên nói dễ thương quá, lần đầu tiên Năm Ghét cảm nhận nụ hôn bằng lời nói.
Mặt trời sắp lặn, Năm Ghét ra ruộng ngắm đường hoa “đi dạo” ra cánh đồng.
Năm Ghét diệt chuột bảo vệ mùa màng. Cánh đồng được mùa, hồi sáng giờ, hàng trăm đống lúa “lên xe” về nhà. Trên cánh đồng chỉ còn bờ ruộng nở hoa ở lại.
Nợ cũng ra đồng ngắm hoa. Gặp nhau, Nợ nhìn Năm Ghét nở cười vừa đủ tràn qua khỏi môi, làm Năm Ghét rung động, xao xuyến. Năm Ghét tưởng tượng, đây là nụ hôn trao bằng ánh mắt, nụ cười.
Nợ lại chỗ cây đinh lăng trồng xen chiều tím, bông gấm, vẫy tay gọi Năm Ghét lại. Nợ đạo diễn hai người ngồi trên bờ ruộng chụp hình. Nợ giơ điện thoại smartphone giá rẻ, nhấn nút: Rốp…, ngạc nhiên chưa?
Chiều nay Năm Ghét thấy mình “trúng mánh”, cảm giác vui sướng như được đi trên mây.
“Được mùa” vui sướng, bước vô nhà Năm Ghét suy nghĩ “quá đáng”, có khi hai người phụ nữ cạnh nhà là duyên nợ của mình (Duyên có hai con đã chia tay chồng) nên mới đặt tên…?
Tối, Năm Ghét nghĩ từ nay, xóa sạch từ ghét trong miệng. Ghét người ta, nó hành hạ cuộc sống mình. Trao yêu thương để nhận lại yêu thương.
Chồng đắm đuối lao vào cuộc tình với cô giúp việc chỉ từ hành động này
Chưa kịp có lời nhắc nhở, cảnh báo chồng thì chiều hôm qua tôi chết đứng, tim như ngừng đập khi bắt gặp chồng đang thắm thiết cùng chị giúp việc lúc con gái đang say giấc và tôi ghé nhà đột xuất khi chưa tan giờ làm ở công ty mà không báo trước.
Ảnh minh họa: Internet
Từ ngày tôi sinh bé gái đầu lòng, bà nội, bà ngoại luôn thay hiên nhau ra thành phố để đỡ đần, chăm sóc mẹ con tôi. Nhẩm tính thời gian nghỉ chế độ thai sản không còn bao lâu nữa, nên tôi bàn với chồng tằn tiện, dè sẻn chi tiêu để thuê người giúp việc, chứ bố mẹ đôi bên đều làm nông, công việc ruộng vườn theo mùa, theo vụ không thể bỏ bê lâu ngày được.
May mắn ý định này của vợ chồng tôi được cả nhà nội lẫn nhà ngoại ủng hộ và hứa sẽ hỗ trợ thêm cho chúng tôi chi phí thuê người làm. Tôi bận con mọn lại không rành thông tin lắm nên chồng xung phong nhận nhiệm vụ tìm người.
Thật mừng trước khi trở lại công ty với chức năng quen thuộc là kế toán, tôi đã có một chị giúp việc như ý do chồng tôi chọn từ cơ sở giới thiệu việc làm mà chồng quen biết. Chị tên Cầm, 29 tuôi, dáng người thon gọn, khỏe mạnh, tính tình lởi xởi, thân thiện. Chị cho biết đã li hôn chồng, cô con gái 7 tuổi đang được bà ngoại nuôi ở quê, nên chị cũng yên tâm đi làm kiếm tiền cho con ăn học. Chị Cầm hơn tôi 5 tuổi, lại kém chồng tôi vài tháng, nên ban đầu chị hơi ngại ngùng khi chồng tôi gọi chị, xưng em, nhưng chồng tôi bảo hơn kém chẳng bao nhiêu, anh gọi là chị theo cách của tôi cho đơn giản, cho gần gũi...
Chị Cầm chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên chẳng mấy chốc mà thông thạo hết việc làm trong nhà, vợ chồng tôi hoàn toàn yên tâm khi giao con gái, giao cả căn nhà để chị quán xuyến. Đặc biệt chị Cầm không giấu sự quý mến với chồng tôi, chị bảo nhà chị có tới 5 chị em gái, nên coi chồng tôi như em trai của mình.
Biết chồng tôi thích ăn ổi ta vừa chín tới, nhân mấy ngày về quê làm đám giỗ, chị Cầm trở lại thành phố tay xách nách mang các loại rau trồng ở vườn nhà, kèm mấy chục quả ổi ta được chị cẩn thận bọc trong báo từng quả một cho chồng tôi khiến vợ chồng tôi thực sự cảm động. Thấm thoát mà chị Cầm đã giúp việc cho vợ chồng tôi tròn một năm, dạo này thấy chị Cầm đẹp hẳn lên, chắc làm ở phố không phải nắng mưa ruộng vườn, vất vả, nên tóc chị dài hơn, đen mượt hơn, da sáng hơn, nói thật đến tôi là phụ nữ còn phải xuýt xoa mỗi khi chị mặc bộ đồ lửng bó sát người, khoe khuôn ngực đầy đặn tự nhiên, hơn đứt khối cô gái chưa chồng...
Rồi cái giác quan thứ 6 trong tôi đã giúp tôi lờ mờ nhận ra chị Cầm ngày càng quan tâm có phần thái quá đến chồng tôi. Mỗi lần chồng tôi đi làm về, chị Cầm xăng xái chào đón, xách cặp, đỡ áo khoác treo vào móc, đến bữa ăn chị Cầm luôn dành phần xới cơm, gắp vào bát cho chồng tôi những thức ăn ngon nhất với ánh mắt trìu mến như một người vợ đang chăm chồng.
Có hôm tôi chứng kiến cảnh chồng ngồi ghế đọc báo, còn chị Cầm cứ lau đi, lau lại một vết ố trên sàn nhà, ở vị trí không khó để anh chiêm ngưỡng bộ ngực sung mãn, hấp dẫn của chị qua chiếc áo bó, cổ áo lại được khoét sâu hút mắt.
Chưa kịp có lời nhắc nhở, cảnh báo chồng thì chiều hôm qua tôi chết đứng, tim như ngừng đập khi bắt gặp chồng đang thắm thiết cùng chị giúp việc lúc con gái đang say giấc và tôi ghé nhà đột xuất khi chưa tan giờ làm ở công ty mà không báo trước. Chồng quỳ xuống, lắp bắp xin tôi tha thứ, anh bảo anh không kìm chế được khi chị Cầm cố tình quyến rũ, đưa chồng tôi vào bẫy? Con gái tôi còn quá bé, tôi có nên "ngậm bồ hòn làm ngọt" để cho chồng tôi cơ hội?
Chồng không muốn về giỗ ông tôi Tôi lấy chồng và có hai con nhỏ, gia đình sống hòa thuận. Tính chồng hơi kỹ. Tôi sống cách nhà mẹ đẻ không xa, khoảng 20 km. Ngày kia là giỗ ông tôi, chồng nói về trước một ngày rồi bữa giỗ khỏi về vì sợ dịch bệnh. Tôi có 2 chị và một anh, đều có gia đình riêng và các...