Ghép thận ngay tại bệnh viện địa phương
Mong muốn người dân được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương, Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho bệnh viện tuyến tỉnh. Bước đầu một số nơi đã có thể tự thực hiện được ca ghép từ nguồn tạng của người cho chết não.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết nhu cầu ghép thận rất nhiều, tuyến tỉnh nào cũng quá tải bệnh nhân chạy thận. Trong khi ghép thận không phải là kỹ thuật quá khó, phức tạp, yêu cầu chỉ cần là một nơi có đơn vị chạy thận, thực hiện được phẫu thuật tim, ngoại khoa phát triển… Vì thế, Bệnh viện mong muốn chuyển giao kỹ thuật này đến tuyến tỉnh.
Bệnh viện Việt Đức có đoàn công tác để thẩm định xem bệnh viện có khả năng ghép được hay không. Các y bác sĩ được đào tạo tối thiểu 3 tháng, có người 6 tháng.
Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao thành công kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Thanh Hóa. Ca ghép đầu tiên do các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện, sau đó chuyển giao dần theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Mục tiêu đến ca thứ 5, các bác sĩ đã có thể tự hiện được ca ghép.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã ghép thận cho 5 người, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ thực hiện được 10 ca. Bệnh viện Việt Đức sắp tới sẽ chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có thể thực hiện ca ghép thận từ người cho chết não.
Các bệnh viện này đều đang điều trị hàng trăm trường hợp suy thận giai đoạn cuối với nhu cầu ghép thận rất lớn.
Video đang HOT
Ca ghép thận gần đây nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là vào ngày 30/12/2019. Người hiến tạng là một thanh niên 30 tuổi, bị chấn thương sọ não. Bệnh viện đã thông báo cho Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức về một trường hợp chết não, gia đình đồng ý hiến tạng.
Quy trình đánh giá một trường hợp chết não được thực hiện rất chặt chẽ nên nam thanh niên được chuyển ra ngoài Hà Nội. Gia đình đã hiến cả tim, phổi, gan thận nhưng qua đánh giá bệnh nhân bị tim bẩm sinh nên chỉ lấy được gan và hai thận. Trong đó một quả thận được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để ghép cho bệnh nhân.
Ca ghép kéo dài khoảng 3 tiếng, trong đó các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức chỉ đứng giám sát. Hiện sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt, có thể xuất viện trong 7-10 ngày tới.
Người được ghép thận là một bệnh nhân nam, 31 tuổi ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Bệnh nhân này phải chạy thận lọc máu định kỳ 4 năm nay, đã được đưa vào danh sách bệnh nhân chờ ghép thận từ lâu.
Quả thận được vận chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để ghép.
Theo PGS Nghĩa vấn đề quan trọng nhất là nguồn hiến. Vì thế, Bệnh viện Việt Đức mong muốn bất kỳ một bệnh viện địa phương nào có bệnh nhân chết não do chấn thương sọ não cũng có ý thức vận động lấy tạng, chia sẻ tạng.
“Chúng tôi mong muốn thỏa mãn tối đa nhu cầu ghép của người bệnh. Xu hướng tập trung vào những vùng miền điểm, tránh bệnh nhân phải vận chuyển xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An, việc chăm sóc của người nhà bệnh nhân cũng thuận lợi hơn. Qua đây tăng số lượng người ghép thận và thành lập hệ thống mạng lưới các cơ sở ghép tạng để thu hút nguồn tạng hiến từ người cho chết não”, PGS Nghĩa nhấn mạnh.
Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ghép thận tại Việt Nam là 95%. Việc chuyển giao kỹ thuật này giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu ngay tại địa phương.
Nam Phương
Theo dantri
Thanh Hoá: Thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công ca ghép thận từ người cho chết não. Đây là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện ghép thận thành công từ người cho chết não.
Tối ngày 29/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận nam bệnh nhân 30 tuổi bị tai nạn giao thông dập não, hôn mê, Glasgow 4 điểm - được xác định trong tình trạng chết não, đã hết cơ hội cứu chữa.
Sức khỏe bệnh nhân sau ghép thận đã ổn định.
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã vận động người nhà bệnh nhân đồng ý hiến tạng để cứu những người bệnh khác.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh các bác sĩ đã hội chẩn, làm Bilan xác định sự phù hợp giữa bệnh nhân nhận tạng và bệnh nhân hiến tạng, quyết định ghép tạng cho một bệnh nhân nam 31 tuổi (ở xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa), bị suy thận mạn đã chạy thận lọc máu định kỳ tại bệnh viện từ 4 năm nay.
Đến 23 giờ 45 phút ngày 30/12, nhiều e kip của Bệnh viện Đa khoa tỉnh gồm hơn 100 nhân viên y tế dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Bác sĩ CKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc bệnh viện; Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - người tổng điều phối ca ghép đã tiến ghép cho bệnh nhân.
Sau hơn 3 giờ thực hiện ghép, ca phẫu thuật được đánh giá thành công. Quả thận bắt đầu hồng hào, được tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu. Các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, đang được theo dõi, điều trị hậu ghép tích cực.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thanh Tùng cho biết: Ghép thận là một kỹ thuật khó, việc triển khai kỹ thuật ghép thận từ người chết não tại tuyến tỉnh đã đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của y tế địa phương, khẳng định khả năng, trình độ của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực y tế, thực hiện và làm chủ các kỹ thuật rất khó.
Đây là nền tảng để triển khai các kỹ thuật khó hơn, giúp cho người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu ngay tại địa phương, giảm chi phí khi phải chuyển lên tuyến Trung ương điều trị.
Được biết, sau 3 năm tích cực chuẩn bị Dự án "Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa" và 2 năm triển khai tiếp nhận đào tạo chuyển giao gói kỹ thuật "ghép thận từ người cho sống" của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2019), Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào ngày 29/6/2018.
Bệnh viện đã tích cực hoàn thiện các quy trình kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho chết não, đã chủ động được kỹ thuật ghép thận từ người cho sống, được công nhận là cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống, người cho chết não.
Với thành công của ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên này, trong thời gian tới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, chuyển giao kỹ thuật cao; phối hợp tuyên truyền vận động để có nguồn thận hiến tặng từ người cho chết não...
Duy Tuyên
Theo dantri
Y tế Việt Nam: Tiếp nối thành công, tạo tiền đề vững chắc để phát triển Năm 2019 đã khép lại - cũng là hơn 2 năm ngành y tế cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (CSSKND) trong tình hình mới. Tiếp nối thành công của các năm trước, diện mạo ngành y tế đã có nhiều đổi thay rõ rệt, y...