Ghép mô, tạng gặp khó do thiếu nguồn hiến tặng
Các bệnh viện mới thực hiện được gần 900 trường hợp ghép thận, 23 ghép gan và 9 ghép tim, trong khi số bệnh nhân có nhu cầu lên tới hàng chục nghìn người.
Ngày 16/11, tại hội nghị ghép mô tạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết nhu cầu ghép mô, tạng của người bệnh rất lớn. Nhưng với hơn 10 cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật này thì vẫn chưa đáp ứng được. “Nguyên nhân một phần do năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, nhưng phần lớn do khan hiếm nguồn mô tạng”, bà Xuyên nói.
Riêng nhu cầu ghép giác mạc, ước tính cả nước có khoảng 150.000 người. Là cơ sơ y tế đầu ngành, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách chờ ghép là gần 700 người, tuy nhiên mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện được khoảng 100 ca.
Theo Bộ Y tế, hàng chục nghìn bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: suy tim, thận, gan, đái tháo đường, hỏng giác mạc… rất cần được ghép mô, tạng nhưng không có nguồn cho. Đến nay, cả nước mới chỉ thực hiện gần 900 trường hợp ghép thận, 23 ghép gan và 9 ghép tim.
Video đang HOT
Một ca ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Nhiều chuyên gia cho biết, nguồn tạng chủ yếu ở nước ta hiện nay là từ người cho sống, chiếm đến 95%. Việc ghép từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo phó giáo sư Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, đã có Luật hiến, lấy, ghép mô tạng nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Việc hiến tặng tạng không nhiều, theo ông An là do quan niệm cho rằng nếu như vậy sẽ chết không toàn thây. Do thiếu nguồn tạng cho, đặc biệt là thận, nên người bệnh thường tìm tới người môi giới mua bán và có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đưa giải pháp cần có chiến lược truyền thông vận động hiến tặng mô và bộ phận cơ thể trên phạm vi toàn quốc. Nên tôn tinh và ưu đãi cho người sống hiến tạng tự nguyện và thân nhân của người chết não đã hiến tạng; tổ chức nghi lễ tôn vinh; miễn giảm viện phí, bảo hiểm y tế lâu dài, miễn giảm học phí, ưu tiên đào tạo nghề cho con em họ…
Theo VNE
Bác sĩ cắt nhầm thận không đến hòa giải
Bệnh viện (BV) đa khoa TP Cần Thơ đã ủy quyền cho luật sư tham gia hòa giải, giải quyết vụ kiện dân sự với bệnh nhân bị cắt nhầm 2 quả thận. Trước đó, thẩm phán yêu cầu bác sĩ Trần Văn Nguyên, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật tai tiếng, phải có mặt trong lần hòa giải này.
Liên quan đến vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là chị Hứa Cẩm Tú (SN 1975, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) kiện BV Đa khoa TP Cần Thơ cắt mất 2 quả thận của chị vào cuối năm 2011, phiên tòa hòa giải lần thứ 2 giữa 2 bên đã không diễn ra vào chiều 5/11 như dự kiến. Nguyên nhân do luật sư được BV Đa khoa TP Cần Thơ ủy quyền tham gia hòa giải, giải quyết vụ kiện vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Trường Thành, đại diện theo ủy quyền và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho BV đã gửi đơn tới TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đề nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng mới nhận được ủy quyền, trong khi vụ việc có liên quan đến chuyên môn y học cần có thời gian tập hợp tài liệu, chứng cứ để chuẩn bị cho việc giải quyết vụ kiện.
Người nhà bệnh nhân cùng luật sư xem lại hồ sơ tại TAND quận Ninh Kiều ngày 5/11
Trong phiên hòa giải lần thứ nhất, anh Nguyễn Thiện Trí (chồng chị Tú, người được chị Tú ủy quyền tham gia hòa giải) đã có đơn gửi đến TAND quận Ninh Kiều. Trong đơn anh Trí nêu rằng, từ ngày vợ anh bị cắt mất 2 quả thận và sau khi được ghép thận, cuộc sống gia đình anh đã khó khăn rất nhiều, tuy phía BV có hỗ trợ. Nhưng tổn thất lớn nhất là sức khỏe của chị Tú vì chị phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, không lao động được. Vì vậy, anh Trí yêu cầu BV bồi thường một lần số tiền gần 443 triệu đồng và mỗi tháng còn bồi thường gần 8,2 triệu đồng/tháng.
Anh Trí cho biết: "Trong phiên hòa giải lần trước, phía BV không nhận sai mà nói rằng do tai biến chuyên môn. Trong khi kết luận của hội đồng chuyên môn của BV, có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành thận-tiết niệu, nói rằng do bác sĩ đọc phim không chẩn đoán được vợ tôi bị thận móng ngựa. Sau đó dẫn đến việc phẫu thuật viên nhận định sai lầm nên cắt hết 2 quả thận của vợ tôi".
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, bệnh của chị Tú là bệnh hy hữu, do bệnh nhân có bệnh lý từ trước nên khi phẫu thuật rất hay xảy ra rủi ro. Lãnh đạo BV này cũng cho rằng, do đây là sai sót về chuyên môn, theo Luật Khám chữa bệnh thì BV không có nghĩa vụ bồi thường. Vì vậy số tiền chị Tú yêu cầu bồi thường như trên là không có căn cứ. Được biết, sau khi xảy ra vụ cắt nhầm thận, bác sĩ Trần Văn Nguyên có "hỗ trợ" chị Tú 30 triệu đồng.
Luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng Luật sư Người Nghèo TP HCM, tư vấn pháp lý miễn phí cho chị Tú) nhận định: "Việc chị Tú yêu cầu bồi thường gần 443 triệu đồng không phải là quá cao. Thử nghĩ lại, sức khỏe chị Tú đã mất mát như thế nào sau khi mất 2 quả thận. Khi được ghép thận, tuy đã trở về gia đình nhưng không lao động được".
Còn anh Trí cho rằng, trong thời gian anh đưa chị Tú ra Huế nằm chờ ghép thận mất 8 tháng, 3 đứa con anh ở nhà phải tự đi học, cơm nước... không có bàn tay chăm sóc của người mẹ. "Những thứ mất mát trong những ngày tháng đó, có tiền cũng không đền được. Nếu BV nhận sai và có chế độ chăm sóc sức khỏe cho vợ tôi đến cuối đời thì chúng tôi có thể hòa giải, thương lượng số tiền bồi thường với BV"-anh Trí nói.
Theo lịch, phiên hòa giải lần 3 giữa chị Hứa Cẩm Tú và BV Đa khoa TP Cần Thơ sẽ diễn ra vào ngày 12/11.
Theo Ca Linh
Vụ "nhân bản" xét nghiệm: GĐ bệnh viện hướng dẫn nhân viên khai với CQĐT Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ, đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên BV Đa khoa Hoài Đức trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm gây xôn xao dư luận. Đề nghị truy tố 10 bị can Theo...