Ghen tuông và án mạng
Án mạng xuất phát do ghen vẫn thường xuyên xảy ra trong đời sống xã hội và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Nhiều kẻ mới hôm qua vẫn là người yêu, vợ chồng của nhau nhưng bỗng chốc bị phản bội hoặc phải chia tay, đã không giải quyết được êm thắm chuyện cá nhân, trở thành kẻ thủ ác cực kỳ tàn nhẫn.
Những án mạng rùng mình
Dư luận thật sự bàng hoàng khi hay tin một HLV đấu kiếm quốc tế (thuộc Sở TDTT Hà Nội) ra tay sát hại người yêu cũ, là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương khi cô này từ chối tiếp tục yêu nhau. Nạn nhân sau đó đã tử vong vì vết thương quá nặng.
Không ít những đôi tình nhân đã biến đoạn cuối của cuộc chia tay thành thảm kịch đẫm máu. Nhiều đối tượng không hẳn vì yêu thương sinh ra ghen tuông, mà chỉ tại sự ích kỷ và tham lam đã không chấp nhận chia tay khi người kia không còn tình cảm. Như trường hợp của T.A và A.L, sinh viên Trường ĐHKT TPHCM.
Hai người là đồng hương, đồng môn, từng có một mối tình đẹp. Nhưng khoảng thời gian hạnh phúc không dài lâu và thiếu bền vững, nảy sinh mâu thuẫn. Trong lúc giận hờn, T.A cặp và sống như vợ chồng với một cô gái khác. Khi biết được sự thật, A.L đã nói lời chia tay nhưng T.A không chấp nhận.
Video đang HOT
Sau nhiều lần nhắn tin và viết thư đe dọa giết chết người yêu, T.A hẹn A.L đến phòng mình nói chuyện cho ra lẽ. Tại đây, A.L. đã gặp và chứng kiến cuộc sống của bạn trai mình với người tình mới. Không còn gì để nói, A.L ra về nhưng T.A giữ lại. Họ cãi vã nhau, T.A dùng dao đâm vào lưng cô gái. Đêm đó A.L. không thể ra về đành ở lại với “vợ chồng” T.A. Sáng hôm sau, T.A đi mua thuốc ngủ về thách A.L uống. A.L đã uống hết 6 viên. Khoảng 1 giờ sau cô tỉnh lại, đòi về. T.A ra sức ngăn cản, rồi lại dùng dao đâm A.L. Máu chảy lai láng nhưng T.A vẫn thản nhiên để mặc A.L quằn quại kêu la. Gần một giờ sau, A.L mới được đưa đi cấp cứu nhưng qua nhiều bệnh viện mà T.A không chịu ghé vào, cứ cho xe chạy lòng vòng. Cuối cùng, cô gái chết ngay trên đường do mất quá nhiều máu. Với hành vi man rợ và vô cùng tàn nhẫn đó, T.A đa phải trả giá, bị tòa kết án tử hình.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Oanh, thạc sĩ xã hội học, cho biết, hiện tượng ghen tuông dẫn đến giết người sau khi chia tay cuộc tình là do đối tượng thiếu văn hóa yêu, văn hóa sống, văn hóa làm người và sức chịu đựng kém cỏi.
Bình thường, bị từ chối tình yêu, con người thường rơi vào trạng thái hụt hẫng, khổ đau. Nhưng người có bản lĩnh, kiến thức và văn hóa, sẽ tự xét lại mình và coi cuộc chia tay như một bài học trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Người thiếu bản lĩnh không hiểu được rằng trong cuộc sống có hợp, có tan. Tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết được và phải biết chấp nhận thực tế.
Trở lại vấn đề, bà Oanh cho rằng khi đối tượng trở thành kẻ thủ ác, không hẳn vì còn tình cảm, mà vì họ không chịu đựng được cảm giác bị bỏ rơi và tính sĩ diện, ích kỷ, tham lam đã đẩy họ đến thù hận và tìm mọi cách trả thù.
Bóng ma của kẻ thứ ba
Có lẽ, tình yêu là một trong những thứ tình cảm phức tạp nhất của con người, nó mang đến hương vị ngọt ngào nhưng cũng tiềm ẩn không ít bão dông và đau đớn, cả những hành vi đê tiện, xấu xa nhất. Hành trình đi tìm, gìn giữ tình yêu – hạnh phúc không ít gian nan, bất trắc. Và trong hành trình ấy, không ít người đã trượt chân rơi vào vực sâu của tội ác.
Như vụ án mạng có yếu tố của kẻ thứ ba điển hình xảy ra ở đường Tên Lửa – TPHCM. Đối tượng gây án là một chủ thầu xây dựng. Một lần do xảy ra va quệt trên đường đi làm, ông chủ thầu đã nhờ vợ thay mình vào bệnh viện thương lượng, bồi thường cho người bị nạn.
Không ngờ, cô vợ phải lòng người đàn ông hào hoa là nạn nhân ấy. Sau khi xuất viện, họ hẹn hò nhau. Người chồng biết chuyện, ra sức can ngăn và không ít lần cảnh cáo tình địch nhưng cuộc tình vụng trộm ấy vẫn tiếp diễn. Trong những lần hẹn hò với tình nhân, cô vợ còn mang cả con theo.
Cho đến một lần, người chồng chở con đi mua đồ ăn sáng ngang qua lối cũ, đứa con hồn nhiên nói: “Mẹ và chú thường đến chỗ này bố ạ!”. Niềm đau chôn giấu trong lòng người đàn ông cuộn trào. Sau khi mua đồ ăn và chở con về nhà, ông ta quay trở lại và tận mắt chứng kiến cảnh vợ mình đang trong vòng tay người khác. Ông đã đâm chết tình địch bằng con dao mang theo rồi ra công an đầu thú.
Khi vụ án được đưa ra xét xử, nhiều người đã tiếc nuối, bảo rằng giá mà ông ta bình tĩnh hơn… Nhưng với cơn ghen điên loạn của con người trong hoàn cảnh ấy, ông đã phạm tội.
Một vụ án mạng tương tự vừa xảy ra ở vùng nông thôn Tây Nguyên cũng do sự xuất hiện của kẻ thứ ba. Người vợ 49 tuổi, đã có cháu nội, ngoại vẫn ngang nhiên cặp bồ. Và cái ngày oan nghiệt xảy ra khi người vợ và tình nhân ân ái, ngủ ngay trong nhà, bên cạnh đứa con nhỏ. Người đàn ông bị cắm sừng giả vờ đi chăn bò trở về. Cây rựa mài sẵn bấy lâu ông giấu để trừng phạt tình địch đã được dịp trút xuống tàn khốc. Một mạng người trong tích tắc đã bị cướp đi.
Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, khi ghen dẫn đến giết người có yếu tố của người thứ ba, thì hành vi của đối tượng ban đầu mang yếu tố tích cực đó là sự bảo vệ tình yêu – hạnh phúc. Nhưng sự việc xảy ra, khi giáp mặt với tình địch, nhất là hoàn cảnh có những yếu tố gây kích động thì đối tượng không dễ làm chủ mình. Lúc này, cơn ghen cộng với sự tổn thương khiến họ ra tay một cách lạnh lùng để thỏa mãn cơn giận.
Có thể tránh những vụ án mạng…
Từ thuở ban sơ của loài người cho đến tận bây giờ, khi tình yêu xuất hiện thì ghen tuông cũng có mặt. Từ thành thị văn minh đến nông thôn lạc hậu, từ trí thức đến nông dân, từ người am hiểu luật pháp đến kẻ mù mờ, ghen đều có bản chất và mục đích giống nhau: bảo vệ và loại trừ. Và khi cơn ghen có bóng ma của kẻ thứ ba thì hầu như phần “người” bị che khuất bởi phần “con”. Và khi ấy họ sẽ hành xử theo bản năng bảo vệ, bất chấp hậu quả.
Nhưng đã là con người, phải có lý trí. Trong cuộc sống muôn mặt này, cần thiết biết bao một bản lĩnh sống, một nền tảng văn hóa ứng xử để sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Đó là điều tối quan trọng mà ai trong mỗi chúng ta cũng cần phải trang bị. Những cuộc ghen tuông trả thù như vậy, xét về mọi phương diện đều chẳng có ích lợi gì, chỉ làm đã cơn tức giận.
Vợ giết chồng, chồng giết vợ, rồi phải vào nhà giam, có khi phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình. Khi đó con cái, sự nghiệp của mình trở nên cực kỳ bi đát. Và một điều cần lưu ý là phải có sự minh bạch, đặc biệt là sự minh bạch trong cuộc sống vợ chồng, tình cảm. Khi không còn thấy yêu, hãy mạnh dạn bày tỏ, đừng để người thứ ba xuất hiện như một thách thức. Thực tế là điều không thể chối bỏ, dù đó là điều vô cùng phũ phàng. Nhưng cuộc sống là vậy, phải biết chấp nhận…
Theo VNE
Kỳ cuối: Nên thừa nhận hay không?
Có nên coi thám tử tư là một nghề và cấp phép hoạt động? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều quan điểm khác nhau, cả đồng tình lẫn băn khoăn bởi thám tử tư - "điều tra tư" là một hoạt động nhạy cảm.
* Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Không nên cho phép kinh doanh nghề thám tử tư!
Các qui định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật đời tư, qui định về điều kiện kinh doanh đều không cho phép điều tra bí mật đời tư của người khác, nên nếu ai làm là vi phạm pháp luật, cả người thuê tìm hiểu và người đi làm để lấy tiền.
Nhu cầu của xã hội rất đa dạng, và khi có nhu cầu mới phát sinh, phải xem xét mức độ hợp lý của nhu cầu đó với đời sống xã hội như thế nào. Có những nhu cầu gây hại cho xã hội, như hành vi bạo lực, hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy... nên phải xem xét cả dưới góc độ đạo đức và pháp luật, xem nhu cầu đó thỏa mãn cho những ai, có nhiều không, vì mục đích gì, chứ không phải vì vợ chồng cần theo dõi nhau, hoặc đối thủ làm ăn tìm cách khai thác bí mật đời tư của nhau mà phải cho ra đời nghề thám tử.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước lại thừa nhận nghề vệ sĩ, mà không cho phép nghề thám tử, bởi nhu cầu bảo vệ an ninh là nhu cầu chính đáng của số đông, còn việc điều tra, tìm hiểu về đời tư người khác chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của một nhóm người, mà nhu cầu đó không phải lúc nào cũng chính đáng.
Ví dụ, thuê thám tử theo dõi việc vợ hay chồng có tình nhân, chưa chắc đạt được mục đích bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhưng lại có nhiều hệ lụy khi điều tra, biết được bí mật đời tư của người khác thì rất dễ dẫn đến việc lạm dụng và lợi dụng thông tin đó để gây sức ép, thậm chí phạm pháp với người khác. Vì vậy, cả dưới góc độ đạo đức và pháp luật, trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng, không nên thừa nhận thám tử tư là một nghề.
Hiện, trên thế giới có một số nước thừa nhận nghề thám tử, nhưng luật pháp của họ rất nghiêm khắc, việc quản lý nhà nước của họ rất tốt, nếu thám tử xâm phạm bí mật đời tư có thể bị phạt rất nặng, thậm chí phạt tù. Còn tình trạng quảng cáo hành nghề thám tử tràn lan trên mạng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nếu quản lý không chặt, tạo kẽ hở cho dịch vụ này phát triển ngoài vòng kiểm soát, thì rất dễ dẫn đến những hậu quả phức tạp.
* Luật sư Nguyễn Văn Hà, VPLS Hà Lan và cộng sự: Trong tương lai, cần coi thám tử là một nghề!
Hiện pháp luật chỉ cấp phép cho dịch vụ cung cấp thông tin dân sự và nhu cầu tìm hiểu thông tin không nhỏ. "Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi cũng từng sử dụng dịch vụ "thám tử" khi cần xác minh thêm một số chứng cứ để bào chữa, bảo vệ tốt hơn cho thân chủ của mình, hoặc sử dụng dịch vụ này để tìm hiểu về tài sản của người phải thi hành án, phục vụ cho việc yêu cầu thi hành án của thân chủ... Tuy nhiên, do chưa được công nhận là một nghề, nên việc cung cấp thông tin của các "thám tử" cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn họ phải sử dụng các mối quan hệ cá nhân để tìm hiểu thông tin.
Trước nhu cầu của người dân, cũng như hoạt động tự phát của các Cty, văn phòng thám tử hiện nay, các cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân, để tìm hiểu xem khi cần biết thông tin nào đó, người dân có cần nhờ đến dịch vụ thám tử không, hay đây chỉ là nhu cầu của một số ít người. Việc khảo sát thực tế sẽ cho cơ sở có cần thiết công nhận thám tử là một nghề hay không. Riêng cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới, khi hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn thì nên công nhận thám tử là một nghề để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
* Luật sư Trương Văn Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội: Quản hay cấm cần rõ ràng!
Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi biết nhiều khách hàng và cả đồng nghiệp đã sử dụng dịch vụ thám tử để xác minh thông tin. Tuy nhiên, do chưa được thừa nhận, hoạt động "bán công khai" nên có khá nhiều chuyện hỉ, nộ, ái, ố phía sau, trong đó không ít chuyện tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, dịch vụ này tuy "âm thầm" nhưng phát triển khá nhanh trong những năm gần đây do nhu cầu ngày càng nhiều, nếu Nhà nước không có các biện pháp quản lý phù hợp, sẽ phát sinh nhiều hậu quả pháp lý phức tạp. Theo tôi, pháp luật đang cấm mà dịch vụ này vẫn phát triển, cấm kiểu "nửa vời" như hiện này thì cần phải nhìn nhận lại.
Nhu cầu tìm hiểu thông tin (theo giới hạn pháp luật cho phép như cha mẹ tìm hiểu về con cái, vợ chồng tìm hiểu về các mối quan hệ của nhau, doanh nghiệp tìm hiểu kẻ nào làm nhái, làm giả sản phẩm của mình...) là nhu cầu chính đáng, nhưng người dân, doanh nghiệp không dễ tự làm được, và dịch vụ thám tử ra đời như một đòi hỏi thực tế.
Nói như thế không có nghĩa là cho phép thám tử tư được hoạt động cung cấp thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà chỉ một số lĩnh vực nhất định như dân sự, kinh tế. Đồng thời, phải có hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ như bảo mật, sử dụng thông tin như thế nào, được sử dụng biện pháp nghiệp vụ gì để thu thập thông tin... Tôi cho rằng, việc thừa nhận nghề này sẽ giúp cho quản lý nhà nước tốt hơn, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng dịch vụ cung cấp thông tin tốt hơn, cũng như ngân sách không mất một nguồn thuế.
Nhiều nước trên thế giới coi thám tử tư là một nghề có điều kiện, được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật rất chặt chẽ. Hai tiêu chuẩn được coi là quan trọng của nghề thám tử là phải có lý lịch tốt, không có tiền án tiền sự, không gặp phải các vấn đề tiêu cực về tài chính, tiền bạc... và có đạo đức nghề nghiệp.
Theo plxh