Ghé thăm xóm Kà Ốt bình yên ở Tây Ninh
Tuy đời sống kinh tế phát triển nhưng Kà Ốt ( Tây Ninh) vẫn giữ được dáng xưa của một phum Khmer cổ, gây ấn tượng với du khách ghé thăm.
Nhà sàn dựng trong ấp Kà Ốt theo phong cách Khmer. Ảnh: Hạ Vi
Nếu tính từ trung tâm thị trấn Tân Châu chạy theo trục đường 785 tới xã Tân Đông, rẽ qua hướng chợ Kà Tum đến đầu ấp Đông Tiến, xong tiếp tục rẽ trái đi thêm khoảng 1km nữa thì sẽ đến Kà Ốt.
Kà Ốt là một ấp tập trung người Khmer sinh sống. Được biết, Kà Ốt hiện nay có 186 hộ dân, trong đó có 180 hộ Khmer và sáu hộ người Kinh. Kà Ốt có rất nhiều điểm đặc biệt, từ tên làng cho đến các nếp văn hóa truyền thống.
Kà Ốt mang một “linh hồn” thú vị giữa cuộc sống hiện đại, vẫn giữ được dáng xưa của một phum Khmer cổ.
Trong ấp còn 20 ngôi nhà sàn được xây dựng theo phong cách Khmer. Những ngôi nhà sàn này hầu hết được bà con làm từ khoảng ba mươi năm trước, cho đến nay, các gia chủ vẫn giữ gìn hình ảnh đặc thù cho địa phương.
Bên cạnh những ngôi nhà sàn cũ là những ngôi nhà tường mới như pha trộn giữa hiện đại và cổ xưa.
Kà Ốt có tổng cộng sáu tổ, nối liền các tổ là bà trục đường chính. Ấp Kà Ốt được chia làm hai phần, giữa là con đường nhựa cắt qua đường 792, và nối liền với ấp Tầm Phô. Ngoài ra, có một con đường bê tông sau chùa thuộc tổ 1-2, còn tất cả đều là đường đất. Nhà của bà con Khmer hầu hết không xây tường rào, hàng rào chỉ làm mang ý nghĩa tượng trưng, các gia đình không biệt lập mà thể hiện tính cộng đồng rất cao.
Về văn hóa tín ngưỡng dân gian, làng Kà Ốt theo truyền thống của người Khmer. Nhà nào cũng có một bàn thờ trước sân. Loại bàn thờ này được làm bằng xi măng, đúc dưới dạng một ngôi tháp có chân đế cao hơn 1 mét. Ngày trước các bàn thờ này được mua từ nước bạn Campuchia, sau này do đại dịch đóng cửa biên giới, trụ trì chùa Kà Ốt đã mua khuôn cho người dân tự sản xuất.
Người Kà Ốt còn giữ gìn nhiều nghi lễ liên quan tới Phật giáo Nam Tông Khmer mà trung tâm sinh hoạt chính là ngôi chùa Kà Ốt.
Quần thể kiến trúc chùa, tượng tọa lạc trên một khu đất khá rộng, có cả rừng cây và tre rất đẹp, ngay sát cạnh chùa là nhà văn hóa và trường học. Ngôi chánh điện được xây trên một nền cao vuông vức, có bậc thang đi lên ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Video đang HOT
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chùa Kà Ốt.
Chùa Kà Ốt bắt đầu được xây dựng từ 1980, đến năm 1996 mới hoàn thành. Chùa có tên ban đầu là Kiri Sattray Menchey Kà Ốp, sau này thì bỏ đi phần sau chỉ còn lại là Kiri Sattray Menchey như hiện nay. Nhưng người dân ít gọi đúng tên chùa mà quen gọi là chùa Kà Ốt. Chùa Kà Ốt là nơi sinh hoạt tôn giáo tâm linh, là nơi tàng trữ các thư tịch cổ, nơi truyền đạo lý Phật giáo và học chữ mẹ đẻ, học đạo lý làm người.
Phía trước sảnh của chánh điện vẽ một bức tranh trong tích đức Phật đang chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như. Bên trong chánh điện bài trí các đồ thờ và các tư thế của tượng Thích Ca Mâu Ni một cách trang nghiêm.
Các bạn trẻ đến từ TPHCM tham quan chùa Kà Ốt.
Trong cuộc sống hằng ngày, người dân Kà Ốt phải rèn luyện theo đạo pháp là: Thọ giới, bố thí và niệm. Đối với dân chúng là phải thọ đủ năm giới “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia”. Đối với sư sãi những điều trên là bắt buộc, đồng thời phải tụng kinh mỗi ngày hai buổi, sau 12 giờ trưa thì không được thọ thực.
Mọi sinh hoạt của đồng bào người Khmer ấp Kà Ốt luôn gắn liền với chùa chiền.
Chùa là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ và các trò chơi dân gian. Các lễ hội dân gian theo truyền thống cổ xưa của đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Kà Ốt vô cùng đặc sắc như: Lễ vào năm mới ( Chol Chnăm Thmây), Lễ cúng ông bà (Lễ Sen Dolta), Lễ cúng trăng (Ok om bok)…
Sư chùa Kà Ốt khất thực vào buổi trưa. Ảnh: Bảo Nhi
Nếu như người Khmer ở vùng biên giới Châu Thành tự hào với nghề nấu đường truyền thống, người Khmer Hòa Hiệp với nghề tạc tượng, người Khmer Bàu Ếch với điệu Chhay-dăm độc đáo… thì người Kà Ốt tự hào với việc lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền.
Bạn Thanh Ngân, đến từ TPHCM, chia sẻ có đến Kà Ốt mới thấy bà con ở đây sống rất hiền lành thuần hậu, thân thiệt, hiếu khách. Cảnh vật ở Kà Ốt nên thơ hữu tình. Đặc biệt nhất là Kà Ốt mang đậm bản sắc văn hóa Khmer, dù cho chuyến đi có nhiều khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ nhưng với mình là ký ức không thể nào quên.
Người Kà Ốt thân thiện, hiếu khách.
Nếu là một lữ khách mê du lịch văn hóa tâm linh, thì Kà Ốt chính là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch khám phá của mình.
Ảnh: Google Maps
Núi Chứa Chan: Những điều cần thiết cho một trải nghiệm trekking an toàn
Với độ cao 837m Núi Chứa Chan- Gia Lào được biết đến là ngọn núi cao thứ hai tại Nam Bộ và chỉ đứng sau núi núi Bà Đen - Tây Ninh (996m).
Nó cũng là địa điểm khá lý tưởng dành cho các bạn trẻ đam mê trekking (đi bộ dài ngày). Leo núi rèn luyện sức khỏe cũng như cắm trại nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần. Dưới đây là những trải nghiệm thú vị mà nhóm các bạn trẻ thuộc Công ty Cổ Phần Công Nghệ & Kỹ Thuật STECH đã chinh phục nóc nhà Đồng Nai này.
Một góc quang cảnh tại núi Chứa Chan, Đồng Nai
Được biết, buổi trekking của nhóm bạn trẻ thuộc Công ty Cổ Phần Công Nghệ & Kỹ Thuật STECH (gọi tắt là Công ty STECH) diễn ra trong hai ngày và có sự tham dự của hơn 40 thành viên bao gồm Ban Giám đốc cùng các thành viên của công ty. Ngay khi trời còn tờ mờ sáng nhóm bạn trẻ đã có mặt địa điểm để lên xe di chuyển tới khu vực chân núi Chứa Chan thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Nhìn từ xa, ngọn núi trông hùng vĩ với ba ngọn núi liên tiếp nhau trông như những chiếc bát úp ngược. Địa hình núi cũng khá dốc với đường lên quanh co, nhỏ hẹp cùng nhiều bậc thang đá được xếp ngay ngắn sẽ thử sức người leo. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho bản thân khi leo núi là một điều vô cùng quan trọng.
Đường lên núi Chứa Chan gồ ghề với những tảng đá to nhỏ xếp chồng lên nhau
Khảo sát về những vật dụng cần thiết để mang theo khi đi leo núi, anh Trần Minh Vũ - thành viên nhóm Data, thuộc bộ phận IT Công ty STECH và cũng là người từng chinh phục nhiều ngọn núi trước đó cho biết: "Tôi nghĩ vật dụng quan trọng nhất khi đi trekking tại núi Chứa Chan đó là giày và nước uống. Do địa hình núi dốc, khó đi lại nên một đôi giày thật chắc chắn rộng rãi sẽ giúp chân không bị đau. Bên cạnh đó, khi chúng ta hoạt động, cơ thể sẽ mất nhiều nước nên việc cung cấp nước kịp thời không chỉ giúp chúng ta đỡ khát mà còn tăng thêm năng lượng để có thể chinh phục được núi cao".
Việc leo núi mất rất nhiều sức, cơ thể sẽ nhanh đói và mất nước. Để đảm bảo sức khỏe cho một chuyến leo núi, cần chuẩn bị thức ăn phù hợp với bản thân, chia thức ăn thành từng túi theo từng bữa ăn, có thể đem dư đồ ăn hơn để đề phòng chuyến đi dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, kẹo ngọt hay thanh socola sẽ giúp bạn bổ sung thêm năng lượng, đỡ mệt mỏi". Anh Trần Minh Vũ cũng cho biết thêm.
Theo đó, vào khoảng 10 giờ, các bạn trẻ của công ty STECH với đầy đủ giày, mũ, thức ăn được trang bị đã bắt đầu cuộc hành trình từ dưới chân chân núi và sau đó thì chia làm 3 nhóm di chuyển liên tục theo đường cây cột điện. Mặc dù, phải trải qua một chặng đường hơn 4 tiếng đồng hồ leo núi và hầu hết mọi người đã cạn kiệt sức lực nhưng tất cả đều vô cùng hào hứng, vui vẻ trước những trải nghiệm mới lạ.
Các thành viên của STECH tham gia chụp hình theo nhóm tại chân núi Chứa Chan
Chia sẻ tại buổi trekking, chị Lê Ngô Nguyên Anh, thành viên Ban giám đốc STECH cho biết: Hôm nay có thể xem là một hành trình mà tất cả nhân viên trong công ty đều mong muốn tham gia để thỏa mãn đam mê chinh phục các đỉnh cao của Việt Nam.
Nói về những vật dụng cần thiết khi tham gia trải nghiệm, chị Lê Ngô Nguyên Anh cho biết thêm: Với những địa điểm leo núi gồ ghề và hiểm trở như núi Chứa Chan sẽ rất cần một cây gậy trekking giữ thăng bằng cũng như giảm lực xuống chân để dễ dàng hơn khi di chuyển. Nên chọn gậy cao ngang với khuỷu tay, có lò xo ở phần tay cầm để chống xóc hoặc bạn cũng có thể tận dụng những cây tre ven đường để hỗ trợ mỗi khi mệt mỏi.
Ngoài ra, trên đỉnh núi Chứa Chan cũng khá vắng vẻ hoang vu. Mặc dù nơi đây cũng có doanh trại bộ đội nhưng họ vẫn sẽ không thể có mặt kịp thời để giúp đỡ bạn khi bị bệnh hoặc gặp sự cố. Do vậy, việc chuẩn bị thuốc và đồ dùng sơ cứu là rất cần thiết.
Những chai nước quý báu từ các anh bộ đội làm việc tại núi Chứa Chan.
Mọi người cần chuẩn bị các loại thuốc cơ bản như: thuốc giảm đau, thuốc đau bụng, đau đầu, hạ sốt,...Cũng giống như thuốc, bạn cần chuẩn bị thêm bông, gạc, thuốc đỏ, ôxy già,...để dùng khi bị thương.
"Các vật dụng khác như kem chống nắng, kem chống muỗi, thiết bị dò đường GPS, bật lửa,...cũng không kém phần quan trọng. Bản thân người leo núi nên chuẩn bị những vật dụng mà bản thân cần thiết nhất, gọn và nhẹ để có thể dễ dàng mang, vác theo mà không tốn nhiều sức lực." Chị Lê Ngô Nguyên Anh cho biết thêm.
Anh Vũ đã có những chia sẻ thêm: "Công ty STECH của mình chuyên về công nghệ nên đặc thù của công việc là tiếp xúc nhiều với máy tính để lập trình những phần mềm hoặc ứng dụng và ngồi trong phòng làm việc nhiều, chính vì vậy leo núi giúp tôi có thể giao lưu, gặp gỡ bạn mới, có thêm nhiều mối quan hệ, giải tỏa được căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi."
Các thành viên Công ty Cổ Phần Công Nghệ & Kỹ Thuật STECH chụp ảnh kỷ niệm tại núi Chứa Chan.
Mỗi bộ môn thể thao sẽ mang lại lợi ích khác nhau cho người chinh phục. Trong đó, leo núi và trekking cũng đòi hỏi người tham gia phải tự dùng sức mình để đu, bám, leo, trèo ở những nơi có địa hình khó. Điều đó làm cho "những người chinh phục đỉnh cao" có được những cảm xúc, cảm giác mãnh liệt của việc khám phá, thử thách bản thân vượt qua giới hạn của chính mình cũng như bảo vệ thiên nhiên.
Nếu bạn muốn thử thách sự kiên trì của bản thân, leo núi sẽ là lựa chọn hấp dẫn./.
Sôi động tour ngắn ngày dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay được nghỉ 3 ngày liên tiếp, nên nhiều người có thời gian vui chơi, du lịch. Các tour ngắn ngày, đi về trong ngày khởi hành từ TPHCM đến Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... đang nóng dần. Du khách đạp xe tham quan huyện Cần Giờ, TPHCM Song song đó, xu hướng...